Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 5)

08:31 - 13/05/2020

Giới thiệu phần 5, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 5)

Tiếp theo...

Qua 200 năm trị vì các Chúa Nguyễn đã có nhiều công lao xây dựng bảo vệ đất nước “Đàng trong” liên tục phát triển phồn thịnh, nhưng những năm cuối thế kỷ XVIII triều chính rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương tổ chức xây dựng Phú Xuân thành kinh đô, tiến hành chỉnh đốn tổ chức bộ máy nhà nước, nhân đó quan lại cao cấp của triều đình nhà Chúa “đục nước béo cò” thi nhau xây cất biệt thư 2 bên thượng lưu sông Phú Xuân (Sông Hương), sông Phú Cam; đua nhau mua sắm trang bị các loại hàng hóa vật dụng đắt tiền để khoe khoang. Không những thế các quan lại, tướng lĩnh, binh sỹ đua nhau ăn chơi xa xỉ tổ chức yến tiệc linh đình... (25) hoang phí không kể xiết.

Để phục vụ cuộc sống xa hoa lãng phí của nhà Chúa và quan lại triều đình Chúa Nguyễn đã làm ngơ cho họ tộc, quan lại thân tín thực hiện chế độ cai trị hà khắc, ra sức chèn ép, bóc lột, cướp tài sản tiền của nhân dân làm cho cuộc sống của nhân dân điêu đứng. Đặc biệt là khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát chết, Nguyễn Phúc Thuần lên thay khi mới 12 tuổi thì quyền lực rơi vào tay Trương Phúc Loan thâu tóm làm khuynh đảo triều chính(26) làm cho nhân dân oán giận căm thù, phong trào đấu tranh của nhân dân Đàng Trong đứng lên khởi nghĩa chống nhà Nguyễn bùng nổ khắp nơi, diễn ra liên tục.

Mùa xuân năm 1771 Nguyễn Nhạc cùng hai người em là Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ dựng cờ khởi nghĩa chống lại chế độ hà khắc của Nhà Nguyễn lấy vùng rừng núi Thượng đạo Tây Sơn làm căn cứ với chí khí:

“Giận quốc phó ra lòng bội bạc

Nên Tây Sơn xướng nghĩa Cần Vương

Trước là ngăn cột đá giữa đường

Kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé

Sau là tưới mưu dầm khi hạn

 (25) Sách Lịch sử Quảng Bình, trang 226 – 337 có đoạn viết: Trong hàng quan viên lớn nhỏ không có người nào không có nhà cửa chạm trổ, thềm đá, tường xây,… Khi mãnh của họ đều vàng thau, họ có sập ngồi, ghế tựa, mâm sứ chén hoa. Yên ngựa của họ đều được trang sức bằng vàng, bạc; quần, áo của họ đều bằng hàng gấm vóc, họ có chiếu rộng lớn kết bằng mây hoa, họ sống một cách phong lưu, phú quý, đua nhau khoe khoang… Binh lính cũng đều ngoài chiếu mây ghế tựa, bên cạnh lư đốt trầm pha chè Tàu ngon để uống, dùng chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng đồng thau, đĩa bát ăn cái gì cũng mua sắm của người Tàu cả… đàn bà, con gái đều mặc tơ lụa, cổ áo thêu hoa, coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn. Thật là quá đáng.

(26) Dẫn theo “Đại cương lịch sử Việt Nam” tập 1, NXB Giáo dục- Hà Nội của chủ biên Trương Hữu Quỳnh: hàng năm loan thu lợi 4,5 vạn quan tiền… vàng bạc, châu báu, gấm vóc, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kéo cùng dân ra khỏi chốn lầm than”.

Mùa thu năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn dấy quân đánh chiếm phủ Quy Nhơn rồi tiến ra đánh chiếm Quãng Ngãi và đánh vào Phú Yên, Bình Thuận giải phóng một vùng rộng lớn từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi.

Nghe tin quân đội Chúa Nguyễn đánh nhau với quân Tây Sơn bị thất thủ, Chúa Trịnh Sâm quyết định nhân cơ hội này đem quân tấn công Chúa Nguyễn đàng trong.

          Ngày 19 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1774) quân Trịnh vượt Sông Gianh đánh chiếm đồn Cao Lao Hạ, thu hết lương thảo trong vùng cho đặt kho ở Cao Lao Hạ. Tiếp đến ngày 24 tháng 10 năm 1774 quân Trịnh tiến đánh vào dinh Bố Chính và ngày 7 tháng 11 năm 1774 đánh chiếm dinh Quảng Bình. Ngày 29 tháng 1 năm 1775 quân Trịnh tiến đánh thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần bỏ kinh thành chạy trốn.      

          Đến tháng 7 năm 1775 quân Trịnh tiếp tục đem quân đánh vào đến Châu Ô thì dừng binh lại ở đó. Nhận thấy việc chinh phạt Chúa Nguyễn đã xong, thế và lực lúc này đã suy giảm, quân Trịnh rút quân về Kinh Bắc, bỏ mặc lực lượng tàn binh của Chúa Nguyễn tan rã. Đến đây kết thúc 200 năm xây dựng cơ nghiệp cát cứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn.

Năm 1782 Chúa Trịnh Sâm mất, Trịnh Căn là con thứ lên ngôi (lúc này Trịnh Căn còn nhỏ) liền bị Trịnh Khải làm cuộc đảo chính cướp ngôi Chúa khiến triều đình bị rối loạn, phân chia bè đảng…

          Trên đà thắng lợi vừa đánh tan âm mưu xâm lược của nước Xiêm và tàn quân của Chúa Nguyễn, thống nhất Đàng trong nghĩa quân Tây Sơn tiến quân ra đánh Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) sau khi đánh chiếm các dinh lũy của quân Trịnh ở Nghệ An đến Nam Định. Nguyễn Huệ dẫn đại quân tiến đánh về thành Thăng Long, Chúa Trịnh Khải tử trận, nhiều tướng sỹ bị bắt. Nghĩa quân tây Sơn chiếm lĩnh thành Thăng Long làm chủ xứ Đàng Ngoài chấm dứt sự thống trị đất Bắc Hà của Chúa Trịnh 200 năm.

          Với tư tưởng phò Lê diệt Trịnh nên sau khi xóa bỏ bộ máy thống trị của phủ chúa, lập lại kỷ cương xã hội, yết cáo an dân ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ cùng đạo quân Tây Sơn về lại Đàng trong để lại đất Bắc Hà cho Vua Lê Hiền Tông kiểm soát điều hành, đến đây chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, tranh giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và Chúa Nguyễn (Đàng Trong) kéo dài hàng trăm năm.

(27) Nguyễn Hữu Chỉnh là một trọng thần có nhiều đóng góp cho Chúa Trịnh trước đây được Vua Lê Chúa Trịnh cử mang ấn kiếm vào phong cho Nguyễn Nhạc, nhân cơ hội này Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ Chúa Trịnh ở lại với Tây Sơn. Sau khi nghĩa quân Tây Sơn đánh dẹp yên Chúa Trịnh, giao đất Bắc Hà lại cho Vua Lê rồi kéo quân về lại đất Nam Hà, lúc này Chỉnh lại bỏ quân Tây Sơn ở lại với Vua Lê.

 

 

 

 

 

 

          Khi vua Lê Hiền Tông mất, Lê Duy Kỳ lên thay lấy niên hiệu là Lê Chiêu Thống, do nhu nhược để cho Nguyễn Hữu Chỉnh(27)  (người bỏ quân Tây Sơn ở lại với Vua Lê) chuyên quyền  lộng hành làm cho triều chính rối ren, một lần nữa Nguyễn Huệ lại dẫn quân, ra Bắc Hà dẹp bè đảng của Nguyễn Hữu Chỉnh, Vua Lê cùng Nguyễn Hữu Chỉnh phải bỏ thành chạy trốn. Nguyễn Huệ giao cho tướng Ngô Văn Sở nguời tâm phúc với Tây Sơn cai quản đất Bắc hà rồi trở về lại đất Thuận Hóa.

          Sau khi nghĩa quân Tây Sơn về lại Thuận Hóa, Lê Chiêu Thống tên vua bù nhìn cầu cứu Triều đình Mãn Thanh giúp đỡ mưu đồ khôi phục lại quyền lực nhà Lê. Cuối năm 1788 Càn Long vua nhà Thanh cử Tôn Sỹ Nghị chỉ huy 20 vạn quân chia làm 4 cánh quân từ các hướng Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh…tiến đánh vào thành Thăng Long. Thấy thế giặc đang mạnh trọng thần Ngô Thời Nhậm và trấn thủ Thăng Long Ngô Văn Sở quyết định tạm thời lui quân vào Tam Điệp – Ninh Bình. Quân Mãn Thanh vào thành Thăng Long, tấn phong cho Lê Chiêu Thống làm An nam quốc vương và bắt Lê Chiêu Thống phải cung phụng hầu hạ cống nạp cho Nhà Mãn Thanh.

Trước tình thế đất nước bị xâm lăng, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788 Nguyễn Huệ tổ chức Lễ Cáo Trời tại Núi Bân, đặt niên hiệu Quang Trung rồi  thống lĩnh quân sỹ ra Bắc đánh quân Thanh. Ngày 27 và 28 tháng 11 năm 1788 Đạo quân Nguyễn Huệ qua đất Quảng Bình vượt Sông gianh, Hoành Sơn ra Bắc. Đạo quân Nguyễn Huệ di đến đâu cũng được sự ủng hộ của nhân dân, thanh niên trai tráng hăng hái gia nhập quân đội của Quang Trung. Ngày 20 tháng chạp năm Mậu Thân (tức ngày 15 tháng 1 năm 1789) Nguyễn Huệ mở tiệc khao quân (gọi là ăn tết nguyên đán trước) tại Tam Điệp-Ninh Bình rồi chia làm 5 đạo quân tiến ra Thăng Long đánh quân Mãn Thanh, chỉ trong 5 ngày đêm thần tốc chiến đấu quân Quang Trung đã đánh tan 20 vạn quân Thanh giải phóng Thăng Long giành lại nền độc lập, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.

          Trong các cuộc hành quân ra Bắc Hà chinh phạt Chúa Trịnh và quân phản nghịch, đặc biệt là cuộc hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược của đạo quân Tây Sơn, nhân dân Cao Lao Hạ cùng nhân dân Đặng Đề, Bồ Khê  vùng Nam Sông gianh đã tích cực ủng hộ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đạo quân ăn nghỉ, vượt sông Gianh ra Bắc, những trai tráng khỏe mạnh của làng đều hăng hái tham gia cùng quân Tây Sơn đi đánh giặc bảo vệ biên cương của tổ quốc.

          Năm 1792 Vua Quang Trung mất. Thái tử Quang Toản được các trọng thần trong Triều đình lập kế vị lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, lúc này Quang Toản còn nhỏ tuổi chưa đủ uy thế để kiểm soát điều hành triều đình,  bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên (anh trai Thái Hậu) tiếm quyền lộng hành khiến triều chính lục đục phân chia bè đảng giết hại lẫn nhau làm vương triều Tây Sơn suy yếu.

          Nhận thấy thời cơ Nguyễn Ánh tập hợp lực lượng âm mưu giành lại quyền làm chủ Đàng Trong. Được sự giúp đỡ của nước Xiêm, Nguyễn Ánh kéo quân tấn công Gia Định, lấy lại vùng Nam Bộ. Tháng 5 Tân Dậu (1801) Nguyễn Ánh tấn công ra Phú Xuân, quân của Quang Toản phải bỏ thành Phú Xuân chạy ra Bắc. Chiếm được Thành Phú Xuân, tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802 Nguyễn Ánh tuyên cáo thiết triều lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu Gia Long và đặt tên nước là Việt Nam (1804).

          Nắm được vương quyền Gia Long bắt tay xây dựng củng cố bộ máy nhà nước. Cơ bản nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên hệ thống chính quyền như các triều đại thời Chúa Nguyễn …Đến thời Minh Mạng thấy việc đặt hệ thống hành chính làm nhiều cấp trực thuộc như vậy sẽ  gây khó khăn cho việc quản lý của Triều đình, năm 1831-1832 Vua Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hành chính sắp xếp lại hệ thống chính quyền địa phương xóa bỏ tổng trấn chia đất nước làm 30 tỉnh và 1 phủ kinh thành là Phủ Thừa Thiên. Dưới tỉnh có phủ, huyện rồi đến tổng xã.

          Dinh Quảng Bình đổi tên thành tỉnh Quảng Bình, Châu Bố Chính nội (Nam Bố Chính) đổi thành huyện Bố Trạch gồm 5 tổng. Tổng Cao Lao thuộc huyện Bố Trạch, có 17 xã thôn, trang phường gồm: Thôn Hạ xã Cao Lao, Thôn Trung xã Cao Lao, Thôn Thượng xã Cao Lao, xã Tiến Ba, xã Đặng Đề, xã Bồ Khê, xã Phú Mỹ, xã Phú Kinh, xã Hà môn, trang Thanh Lăng, trang Gia Chiêu, trang Xuân Sơn, trang Phong Nha, xã Câu Lạc, xã Hữu Cung, phường Tân Châu, phường Bồng Lai(28).

(28) Lịch sử Quảng Bình, NXB Chính trị - Hành chính, trang 372.

 

 

 

 

 

 

          Dưới triều nhà Nguyễn các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, buôn bán được các vị Vua quan tâm phát triển. Với chính sách khuyến nông tiến bộ đã khuyến khích nông dân mở mang diện tích sản xuất, đa dạng hóa các loại giống cây trồng vật nuôi, nhiều loại cây hoa màu và nhiều loại cây công nghiệp. Mạng lưới giao thông đường sá, sông ngòi, kênh rạch được đào đắp chỉnh chu thuận lợi cho giao thông đia lại giao lưu buôn bán giữa các vùng. Ở vùng Cao Lao Hạ chính quyền cho đào đắp, tu sửa các trục đường giao thông chính trong làng, như Đường quan, Đường Bản là hai con đường chạy song song ở trước mặt làng và sau lưng làng, nối từ giáp xã Đặng Đề lên phía Tây Thành Cao Lao, đường nối từ Lầu Ông Dư bờ Nam sông Gianh chạy vào làng, đường Eo, đường Kiệt, đường Biền…phục vụ đi lại sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nạo vét đào đắp tu bổ dòng kênh Hói Hạ, chạy dài từ thành Lồi xuống Hói Hạ thông ra cửa sông Gianh tạo ra con đường thủy thuận lợi cho thuyền bè đi lại và thoát lũ mùa mưa bão. Năm Nhâm Tuất 1802 Hói Hạ có sắc phê của Vua Gia Long khẳng định Hói Hạ thuộc làng Cao Lao Hạ: sắc ghi “Thủy nguyên Hói Cầu, Tẩu lưu Hói Hạ, Cao Lao Hạ, hà thủy nhập Linh Giang”.

Về văn hóa giáo dục, nhà Nguyễn rất chú trọng phát triển giáo dục khuyến khích học hành  để tiến thân. Năm 1807 vua Gia Long xuống chiếu ghi rõ: Nước nhà muốn tìm người tài tất phải qua khoa cử…Trong chiếu chỉ dụ Gia Long khẳng định: Học hiệu là nơi chứa nhân tài, tất phải giáo dục có căn bản thì mới có thể thành tài…do đó các Vua Triều Nguyễn kế vị luôn quan tâm cho mở hệ thống các trường công, khuyến khích các làng xã mời thầy mở trường tư để đảm bảo nhu cầu học tập trong nhân dân. Từ chính sách văn hóa giáo dục thông thoáng khoa học, hợp lý của nhà Nguyễn nhiều làng xã trở nên nổi tiếng về truyền thống nho giáo hiếu học.

          Dưới Triều đại Nhà Nguyễn việc học hành thi cử ở làng Cao Lạo Hạ luôn được coi trọng chăm sóc phát triển, các sinh đồ hiếu học ngày càng đông, nên làng đã lập ra “Hội văn” để chăm lo việc giáo hóa của Làng. Từ đó văn miếu làng được xây dựng gọi là Đền Văn Thánh hay “Điệp Tập Hiền” qui tụ hiền tài. Đền được xây dựng phía bên trái (Phía Tây) của Đình Làng. Đây là nơi để các môn sinh đến tưởng niệm, dâng hương trước lúc đi thi cử, cũng là nơi “Hội văn” Làng tổ chức các sinh đồ sĩ tử, các Thầy đồ, Khoa bảng hội họp đàn đạo học thuật, văn chương, đức thuật, Nho giáo. Hàng năm cứ đến ngày mồng 4 tết Nguyên Đán hội văn làng ra Đền Văn Thánh dâng hương tổ chức thi văn. Trong Cao Lao Hương sử của Lưu Trọng Tuần ghi lại:

                             Mồng 3 ăn tết vừa rồi

                             Bước qua mồng 4 làng ngồi Thi văn

                             Đồng hương sỹ tử đua chen,

                             Trường phu đánh trống, bảng đen biên đề

                             Nghiêm trang bút dáp đề huề

                             Thi xong đem nạp, ra về nghỉ ngơi,

                             Đến chiều xem bảng nguyên khôi

                             Ai mà chiếm được ăn xôi ruộng làng.

          Trải qua những năm tháng chiến tranh Đền Văn Thánh Làng Cao Lao Hạ bị Thực dân Pháp đốt cháy rồi bom đạn Mỹ tàn phá hiện nay không còn nữa, nhưng truyền thống hiếu học vẫn lưu truyền mãi mãi trong mỗi người dân Làng Cao Lao Hạ.

           Sống trên một địa danh nổi tiếng bề dày văn hóa từ lâu đời làng Cao Lao Hạ đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú “danh hiền duyệt cổ kim” mà tên tuổi, sự nghiệp họ vẫn trường tồn với thời gian với quê hương làng Cao Lao Hạ. Dưới thời nhà Nguyễn nhiều thế hệ người Cao Lao Hạ đổ đạt cao trong khoa bảng và được bổ nhiệm làm quan ở nhiều địa phương như ông Đặng Văn Thái, Lưu Văn Bình đổ phó bảng, các ông Lưu Lượng, Lê Khoan Hoành, Lê Văn Giản, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Đức Thụ, Nguyễn Văn Khu đỗ cử nhân được bổ đi làm quan lại trong triều và nhiều địa phương khác. Riêng gia đình Ngài họ Lưu từ ông tổ Lưu văn Bình đến mấy đời con cháu đều được Triều đình bổ nhiệm làm quan cai quản ở nhiều xứ, khi tuổi già về hưu tổ chức dạy học, truyền nhuệ khí cái chí, cái trí cho nhiều thế hệ con cháu trong làng, trong gia tộc.

          Trải qua hàng trăm năm lịch sử, từ thời tiền khai sinh lập làng đến khi thống nhất đất nước chấm dứt cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa hai tập đoàn Phong kiến Họ Trịnh (Đàng ngoài) và Họ Nguyễn (Đàng trong). Vùng đất Cao Lao Hạ luôn là địa bàn Biên Viễn, là chiến địa chiến tranh xâm lược tranh giành lãnh thổ giữa nhà nước Lâm Ấp, Chiêm thành và Nhà Nguyễn ở Đàng trong với các Triều đại Phong kiến ở Đàng ngoài (Nhà Lý, Nhà Lê, Nhà Mạc, triều hậu Lê…) rất khốc liệt. Nhân dân làng Cao lao Hạ đã kiên cường dũng cảm sát cánh với quan quân Triều đình chiến đấu bảo vệ thành đồng Vùng Biên Viễn của đất nước. Vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, người dân vùng Cao Lao hạ vừa tích cực lao động sản xuất, đóng góp nhiều công sức, của cải vật chất, lương thảo phục vụ các cuộc chiến tranh bảo vệ Biên Viễn. Trong những cuộc chiến tranh đó nhiều người con Cao Lao hạ (Hạ Trạch) có công trạng lớn được triều đình sắc phong chức tước như các ông: Lưu Văn Tiên Đại tướng quân, Dực Bảo Trung Hưng Linh phủ chi thần; Nguyễn văn Khai, Đại tướng quân Nguyễn Quý Công; Lê Quang Lữ, Triệu phong Lê Quý Công. Theo gia phả họ Lê Quang ở xã Hạ trạch còn lưu: Dưới Thời Lê Trịnh (1592-1786): Lê Quang Tông ở thôn Hạ xã Cao Lao  được thăng chức Chánh Quản chỉ huy coi việc Tỷ lệnh Sứ thuộc Quận Doanh châu Bố Chính. (Sắc phong ghi ngày 26 tháng giêng Vĩnh hửu thứ 4 (1738))Trong sắc phong Vua Gia Long năm 1802 lưu tại nhà thờ họ Lê Quang: ông Lê Quang Thần đã có công lao trong quá trình phục vụ quân đội được phong chức chỉ huy trưởng về Hậu lý Tước Hạo Quang Hầu...Ngày 20 tháng giêng năm Gia Long thứ hai (1803) có sắc phong cho ông Lê Quang Hào quê thôn Hạ xã Cao Lao chỉ huy đội thứ hai của Vệ chấn võ thuộc đạo trung quân đã có nhiều công lao…được phong chức cai đội tước mân nhật hầu, Gia phả họ Nguyễn ghi ông Nguyễn Ý được phong Phó Đội Tước mãn Nhật hầu, năm Gia Long thứ 3 (1804), ông Nguyễn Nguyên được phong Phó Đội Trung quân, Trung đồn Trấn Cự vệ hầu (cự thuật lý hầu).

 Còn nữa ....

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip