Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 7)

15:55 - 29/05/2020

Giới thiệu phần 7, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 7)

Tiếp theo...

CHƯƠNG IV

LÀNG CAO LAO HẠ THỜI KỲ (1945 - 1954)

          Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập. Ngày 02/9/1945 tại Quảng Trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với quốc dân, đồng bào và thế giới. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

          Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam và thế giới, mở đầu phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành quyền làm chủ của các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới. Chính vì vậy, ngay sau khi ra đời và trong suốt quá trình xây dựng, đất nước đã vấp phải sự bao vây, phá hoại của các cường quốc Tư bản chủ nghĩa, các thế lực phản động trên thế giới và bọn phản động giai cấp thống trị chế độ cũ âm mưu xóa bỏ chính quyền mới ra đời, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Song dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Chính phủ, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cán bộ nhân dân làng Cao Lao Hạ đã đoàn kết cùng nhân dân cả nước phát huy chủ nghĩa yêu nước , chủ nghĩa anh hùng cách mạng đem tất cả nghị lực tinh thần, của cải vật chất và tính mạng, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược phục vụ thắng lợi công cuộc xây dựng đất nước, quê hương phát triển vững mạnh.

  1. Làng Cao Lao Hạ giai đoạn (8/1945 – 3/1947)

          Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chính quyền lâm thời các cấp lần lượt được thành lập. Chính quyền lâm thời làng Cao Lao Hạ được cấp trên chỉ định gồm các ông:

          Ông Lưu Trọng Dư làm Chủ tịch;

          Ông Nguyễn Sạng làm Phó Chủ tịch;

          Ông Nguyễn Mạnh Tâm và ông Nguyễn Duy Liêm - Ủy viên Quân sự

          Ông Lưu Bá Dao - Trưởng thôn

          Ông Lê Quang Khuê làm Thôn Đội trưởng.

          Dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng lâm thời, phát huy truyền thống quê hương cách mạng nhân dân Cao Lao Hạ đoàn kết một lòng ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung giải quyết nạn đói, rét và các tệ nạn xã hội, đồng thời xây dựng, thiết lập kỷ cương, trật tự xã hội mới, từng bước ổn định, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân bước vào giai đoạn cách mạng mới. Trong khi nhân dân cả nước đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết nạn đói, rét và những tàn dư xã hội chế độ thực dân phong kiến để lại thì bọn Tàu Tưởng dưới danh nghĩa vào giải giáp quân Nhật đã đưa hơn 20 vạn quân kéo vào miền Bắc Việt Nam, âm mưu giúp bọn phản động Việt Nam, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân để lập một Chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Được giặc ngoài tiếp sức, bọn phản động trong nước nhất là bọn Quốc dân Đảng, bọn địa chủ cường hào, tay sai chế độ cũ tìm cách nổi dậy chống phá cách mạng quyết liệt gây cho ta nhiều khó khăn phức tạp.

          Trước tình hình đó, yêu cầu cấp bách lúc này là phải kết hợp cuộc đấu tranh sống còn để bảo vệ nền độc lập dân tộc với công cuộc lao động sản xuất xây dựng chế độ mới mà trọng tâm là tập trung khôi phục phát triển kinh tế thực hiện kiến quốc. Tháng 9/1945 Chính phủ ra sắc lệnh xây dựng quỹ độc lập, thực hiện “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng” kêu gọi động viên đồng bào, nhân sỹ cả nước quyên góp tài chính, của cải vật chất ủng hộ Chính phủ phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng nước nhà.

          Thực hiện sắc lệnh của Chính phủ, nhân dân làng Cao Lao Hạ đã vận động nhau quyên góp nhiều tài sản quý trong gia đình mang ra Đình làng ủng hộ kháng chiến kiến quốc. Có người mang cả của hồi môn (vàng trang sức…), bộ lư đồng, mâm đồng…ra ủng hộ như: Ông Lê Quang Cù hiến 1 kiềng vàng 3 chỉ, ông lưu Trọng Nhân hiến 2 chỉ vàng; ông Lưu Trọng Lai hiến 1 chỉ vàng, 1 vòng bạc, ông Lưu Trọng Lạc hiến 5 nhẫn vàng, ông Phó Tân hiến 1 bộ lư đồng, 1 mâm đồng…Mặt trận Việt Minh làng Cao Lao Hạ còn tổ chức đấu giá Ảnh chân dung “cụ Hồ”. Một hội viên Mặt trận Việt Minh trong làng đã vinh dự đấu giá 1.000 đồng ủng hộ vào quỹ kháng chiến kiến quốc.

          Ngày 08/9/1945 Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập “Nha Bình dân học vụ”. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu mọi người dân Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi mình, phải có kiến thức mới để tham vào công việc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người chưa biết hãy gắng sức học cho biết, vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, phụ nữ lại cần phải học. Chính quyền cách mạng ra sức vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia chiến dịch xóa nạn mù chữ chống “giặc dốt”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua đi học để xóa nạn mù chữ dấy lên khắp mọi nơi. Những công chức, cán bộ trong hệ thống chính quyền và giáo chức trong chế độ cũ, những người trước dây có điều kiện học hành đều tự nguyện tham gia dạy học, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ.

          Ở làng Cao Lao Hạ, chính quyền địa phương đã lựa chọn người có khả nắng thành lập Ban bình dân học vụ, ông Lưu Đức Dũng làm Trưởng ban, ông Nguyễn Nhuế làm Phó ban, giáo viên là những cán bộ trong bộ máy chính quyền, đoàn thể, những người có học vấn trong làng. Các câu khẩu hiệu kêu gọi động viên nhân dân tham gia học tập xóa nạn mù chữ: “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, “Thêm một người đi học là thêm một viên đạn bắn vào đầu quân thù” được treo ở những nơi công cộng, khắp đường làng, ngõ xóm. Phong trào thi đua đi học xóa mù chữ ở làng Cao Lao Hạ phát triển sôi nổi khắp các thôn xóm, mọi người đều hăng hái tham gia học tập ở mọi nơi, mọi lúc, cả ban ngày lẫn ban đêm, học ở lớp, học ở nhà, học cả lúc đi chăn trâu, chăn bò…Đến nay, hầu hết các cụ ông, cụ bà trong làng đều còn nhớ hai biện pháp để kiểm tra việc học hành những năm 1945 – 1946 là: Kiểm tra khi bà con vào chợ làng (chợ ở đầu xóm 7 trước Đường Bản), kiểm tra khi bà con lên đò sang sông đi chợ Ba Đồn. Ai không biết chữ không được vào chợ, không được lên đò đi chợ phiên.

          Nhờ phong trào bình dân học vụ, từ cuối năm 1945 đến năm 1946 bộ mặt làng Cao Lao Hạ có những chuyển biến đổi thay rõ rệt. Các tệ nạn cờ bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, tàn dư xã hội chế độ cũ nhanh chóng bị đẩy lùi. Cuộc sống vui tươi lành mạnh được mở mang. Các ông bà, cô bác, các anh các chị đều biết đọc biết viết… Sau các kỳ thi cấp huyện và kỳ thi cấp tỉnh tổ chức, làng Cao Lao Hạ được Nha bình dân học vụ tỉnh đánh giá “Làng Cao Lao Hạ người mù cũng biết chữ”.

          Giữa lúc nhân dân cả nước đang nô nức thi đua xây dựng chính quyền kiến thiết đất nước thì ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Nam Bộ mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Ngày 26/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định: Nhân dân Nam Bộ nhất định sẽ chiến thắng vì nhân dân Nam Bộ “có lực lượng của cả quốc dân, chúng ta nhất định thắng lợi, vì cuộc đấu rranh của chúng ta là chính đáng”. Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Tỉnh ủy, UBND cách mạng tỉnh Quảng Bình đã phát động phong trào tình nguyện ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Một phân đội vũ trang “Nam tiến”  được thành lập và ngày 17/10/1945 phân đội vũ trang lên đường vào miền Nam chiến đấu. Trong phân đội vũ trang Nam tiến làng Cao Lao Hạ có ông Lưu Dương tham gia. Cũng trong thời gian này, người thanh niên làng Cao Lao Hạ Lê Văn Tri tòng quân gia nhập bộ đội chủ lực tỉnh hoạt động ở Chi đội Lê Trực.

          Để kịp thời bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền, trấn áp các hành động chống phá cách mạng, chính quyền lâm thời làng Cao Lao Hạ thành lập một trung đội tự vệ gồm 2 tiểu đội do ông Phạm Phú Oánh và Nguyễn Xuân Hải phụ trách.

          Ngày 25/11/1945 Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến và kiến quốc” nêu rõ nhiệm vụ: Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp, bài trừ nội phản cải thiện đời sống nhân dân…Chấp hành Chỉ thị của Đảng, của cấp trên, căn cứ tình hình thực trạng ở địa phương, chính quyền cách mạng lâm thời làng Cao Lao Hạ đã tập trung chỉ đạo vận động nhân dân, tích cực ủng hộ cách mạng, khẩn trương giải quyết giặc đói, giặc dốt, đẩy mạnh khai hoang phục hóa phục vụ sản xuất thâm canh. Chính quyền lâm thời đã mạnh dạn chỉ đạo nhân dân phục hóa Đồng Đuồi, bảo vệ chăm sóc rừng Sác từ Hói Biền đến Hói Hạ để ngăn gió bão, lụt và triều cường nhằm bảo vệ làng xóm, ruộng đồng sản xuất. Huy động dân làng đào đắp Đường Bình Dinh từ trong làng ra bờ sông và đắp đường đá từ bờ Nhô ra dòng sông Gianh để thuận lợi cho việc đón thuyền bè của các vùng chở hàng đến giao lưu buôn bán. Cùng thời gian này, chính quyền lâm thời đã cho chuyển dời chợ làng từ xóm 7 trước Đường Bản về xóm 12 sau làng (chợ hiện nay) để thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu buôn bán của nhân dân… Đồng thời  với việc quy hoạch đẩy mạnh sản xuất, mở rộng giao lưu buôn bán nhân dân làng Cao Lao Hạ đã tận dụng lợi thế dòng Hói Hạ, rừng Sác, dòng “Khúc Long Khê” để đắp đìa, đắp trộ nò, trộ mợng, đơm đáy thả câu…để bắt cá bắt tôm, cua, cải thiện đời sống…

          Vừa đẩy mạnh tăng gia sản xuất chống “giặc đói” nhân dân làng Cao Hạ còn tổ chức thực hiện tốt chủ trương “Hũ gạo đồng tâm” một cách thường xuyên có nề nếp. Hàng ngày mỗi gia đình khi nấu ăn đều bớt lại một ít gạo bỏ vào “Hũ gạo đồng tâm” của gia đình đến khi hũ gạo đầy thì đem nộp lại cho thôn giúp dân nghèo.

          Nhằm không ngừng xây dựng kiện toàn vững mạnh nhà nước dân chủ nhân dân, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tỉnh Quảng bình có 5 ứng cử viên là những người có uy tín trong nhân dân và có nhiều cống hiến cho cách mạng bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên. Để nhắc nhở vận động nhân dân lựa chọn bầu cử Đại biểu Quốc hội tập trung đúng quy định của pháp luật, nhân dân làng Cao Lao Hạ luôn nhắc nhau nhớ bài vè:

                                       Lá thăm thật quý lắm thay

                                       Anh em liệu bỏ cho ai bây giờ

                                       Nguyễn Đồng, Võ Quyết, Thuận Nho

                                       Hoàng Diệm tư cách, cũng như Trần Hường

                                       Năm người xứng đáng tương đương

                                       Quyết tâm ủng hộ chớ nhường cho ai

                                       Anh em nên nhớ đừng sai…

          Ngày 06/1/1946 tại đình làng cử tri làng Cao Lao Hạ nô nức đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đạt tỷ lệ hơn 98%. Cả 5 đại biểu được giới thiệu bầu vào Quốc hội khóa I: Đồng Sỹ Nguyên (Nguyễn Đồng), Võ Văn Quyết, Võ Thuận Nho, Hoàng Văn Diệm, Trần Hường đều đạt tỷ lệ phiếu bầu rất cao.

          Thực hiện chủ trương của Chính phủ và sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 2/1946 UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Bình quyết định xóa bỏ các đơn vị hành chính cấp tổng, phủ cũ, thiết lập hệ thống chính quyền 3 cấp của địa phương từ tỉnh - huyện - xã. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

          Sau bầu cử Quốc hội cuối tháng 2/1946 nhân dân Cao Lao Hạ tiếp tục tham gia đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã khóa I. Lúc này Hội đồng nhân dân làng Cao Lao Hạ được bầu lại gồm:

          Ông Nguyễn Sạng làm Chủ tịch;

          Ủy viên gồm các ông: Lê Chiêu Hưởng, Nguyễn Đình Nẫm, Lưu Quý Kháng, Lê Quang Khuê

          Ủy viên Quân sự gồm các ông: Nguyễn Duy Liêm, Nguyễn Mạnh Tâm

          Trưởng thôn: Ông Lưu Bá Dao

          Thôn Đội trưởng: Ông Nguyễn Châu.

          Ông Nguyễn Sạng được Hội đồng nhân dân bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính làng Cao Lao Hạ.

          Để xây dựng phát triển các tổ chức cơ sở Đảng ở khu vực Bắc Bố Trạch tháng 12 năm 1945 Huyện ủy Bố Trạch cử ông Lưu Đức Huân, Đảng viên quê ở Cao Lao Hạ làm Tổ trưởng tổ công tác phía Bắc Bố Trạch. Tại địa bàn công tác ông Huân đã bồi dưỡng rèn luyện, giới thiệu và tổ chức kết nạp cho nhiều thanh niên ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1946 tại thôn Thanh Ba, Đặng Đề, ông Lưu Quý Ngữ làng Cao Lao Hạ vinh dự được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng, tiếp theo đó ông Lưu Trọng Uýnh cũng được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản việt Nam.

          Cuối năm 1946, theo chủ trương của Huyện ủy Bố Trạch các chi bộ Đảng ở vùng Bắc bố Trạch được thành lập gồm: Chi bộ Nam Hồ (Ba Đề) chi bộ Trung Hồ (Cao Lao Hạ), chi bộ Tây Hồ (Cao Nguyên), chi bộ Đông Hồ (Quảng Khê). Bí thư chi bộ Trung Hồ đầu tiên là ông Lưu Quý Ngữ, đến tháng 12/1946 ông Ngữ gia nhập quân đội, thì ông Lưu Trọng Uýnh thay làm bí thư chi bộ Trung Hồ.

          Trước sự công khai bội ước của Thực dân Pháp ngang nhiên phá hoại hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 và tạm ước 14 tháng 9 thường xuyên gây hấn o ép ta cả về chính trị và quân sự âm mưu xâm lược nước ta 1 lần nữa. Ngày 17 và 18 tháng 12 thường vụ trung ương Đảng, Hội đồng chính phủ đã họp, quyết định phát động một cuộc chiến tranh ái quốc trên phạm vi cả nước.

          Ngày 19 tháng 12 năm 1946 chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

          Tiếp nhận Chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Quảng Bình họp. Thành lập Ủy ban kháng chiến tỉnh chỉ đạo các địa phương gấp rút xây dựng, củng cố lực lượng dân quân du kích, chuẩn bị chiến khu kháng chiến và phương án sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược...

          Ở làng Cao Lao Hạ, chi bộ Đảng đã nhanh chóng lựa chọn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng thành lập lực lượng dân quân du kích địa phương, lực lượng dân quân được tổ chức thành từng tiểu đội. Làng có 20 xóm là có 20 tiểu đội dân quân dưới sự chỉ huy tập trung trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự địa phương. Vũ khí trang bị của lực lượng dân quân có 02 khẩu súng trường Mút Cơ Tông, 02 quả lưu đạn, phần lớn là Đại đạo, dao, rựa gậy gộc. Giáo viên huấn luyện quân sự chủ yếu dựa vào các cựu binh sỹ thời Pháp xâm lược như các ông Thập Quýnh, Thập Gia, Thập Huệ, Thập Hạng... Phong trào luyện tập quân sự sẵn sàng chuẩn bị kháng chiến ở Làng Cao Lao Hạ sôi động hẳn lên nam nữ thanh niên trong làng có cả phụ nữ đã có con đều hăng hái tham gia tập luyện quân sự...

          Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, hành động cách mạng của thanh niên trai tráng làng Cao Lao Hạ. Nhiều người đã tự giác xếp bút sách tòng quân chiến đấu chống Pháp như các ông Lưu Quý Ngữ, ông Lưu Văn Đăng, ông Phạm Phú Oánh, ông Nguyễn Duệ...

          Đầu năm 1947 Ủy ban kháng chiến tỉnh đã chỉ đạo cho thành lập các ban tản cư từ tỉnh đến xã, chọn địa điểm xây dựng chiến khu. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội thành lập các tổ công tác giúp đỡ đồng bào tản cư ổn định nơi ăn chốn ở, động viên các cán bộ nhân viên và nhân dân ổn định tư tưởng không hoang mang dao động chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn các chiến khu của Tỉnh và các huyện được thành lập như: Thuận Đức của tỉnh, Bang Rợn của huyện Lệ Thủy; Rào Trù của huyện Quảng Ninh ; Trung Thuần của huyện Quảng Trạch; Bồng Lai, Tróoc huyện Bố Trạch, nhiều trại tản cư, trại sản xuất đã được xây dựng ở các huyện đã thu hút hàng ngàn đồng bào từ đồng bằng tản cư lên miền Tây tránh địch, tham gia lao động sản xuất phục vụ kháng chiến.

          Cùng với việc triển khai các phương án phòng tránh và tổ chức đánh địch, chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến Cao Lao Hạ đã lãnh đạo nhân dân huy động mọi khả năng, nguồn lực chuẩn bị lương thảo, sắm sửa vũ khí chiến đấu, xây dựng hệ thống các chướng ngại vật để cản trở, gây khó khăn cho địch khi chúng tấn công vào địa bàn...Điều đó chứng minh rõ khí thế hừng hực sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp của người dân Cao Lao Hạ đang diễn ra sục sôi ở mọi nơi từ đầu làng đến cuối xóm nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quê hương.

 

Còn nữa....

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip