Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 9)

08:03 - 02/08/2020

Giới thiệu phần 9, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 9)

 Tiếp theo...

CHƯƠNG V

LÀNG CAO LAO HẠ VỚI SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

(8/1954 - 4/1975)

          Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi vẻ vang, chấm dứt vĩnh viễn gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. Theo Hiệp định Giơ ne vơ về Việt Nam, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, lấy dòng sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến quân sự tạm thời, từ đây đất nước ta cùng đồng thời thực hiện 02 nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cải tạo và xây dựng CNXH ở miền Bắc đồng thời đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vảo kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình độc lập dân chủ nhân dân đi lên xây dựng CNXH.

  1. Tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế xã hội (8/1954 - 1964)

          Chiến tranh kết thúc, hậu quả để lại cho nhân dân Cao Lao Hạ hết sức nặng nề, hơn 370 người con thân yêu của quê hương bị giặc giết hại, hàng ngàn lượt ngôi nhà, đình làng, nhà thờ bị địch đốt phá, hàng trăm con trâu, bò, lợn bị chúng cướp, giết, hàng trăm héc ta ruộng đồng bị hoang hóa. Các loại tàn dư xã hội chưa được khắc phục làm cho tình hình chính trị kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân bước đầu còn có những khó khăn, nhiều gia đình thiếu ăn, đói rét...

          Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng lúc này là phải tập trung cứu đói, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế xã hội ổn định đời sống cho cán bộ nhân dân.

            Để phù hợp với tình hình mới tháng 9/1954 Chính phủ quyết định đổi tên Ủy ban kháng chiến hành chính thành Ủy ban hành chính. Ngày 3/11/1954 Trung ương Đảng ra Chỉ thị cho các cấp ủy Đảng, các ngành các cấp tích cực lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất chống đói, chỉ thị nêu rõ: “Cứu đói như cứu lửa, không để cho nạn đói mở rộng và trở nên nghiêm trọng. Tích cực vượt mọi khó khăn để sản xuất, động viên quần chúng giải quyết là chính, nhưng phải lãnh đạo giúp đỡ quần chúng giải quyết nạn đói một cách hiệu quả”.

          Thực hiện Chỉ thị của Đảng, chính quyền các cấp nhân dân Cao Lao Hạ với tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau sữa sang nhà cửa, dọn dẹp ruộng vườn, khai hoang phục hóa ruộng đồng, đẩy mạnh sản xuất trồng cây lương thực, rau màu ngắn ngày, lực lượng dân quân du kích phối hợp với bộ đội giúp nhân dân tháo gỡ bom mìn, thu hồi các loại phế liệu chiến tranh, nạo vét kênh mương, cải tạo rừng bần sác mở rộng diện tích sản xuất, cải tạo đường sá…Khắc phục các tàn dư xã hội và hậu quả chiến tranh để lại, từng bước ổn định, cải thiện đời sống nhân dân chuyển sang giai đoạn cách mạng mới.

          Tháng 2/1955 toàn tỉnh phát động giảm tô đợt 7, tiếp sau đó đội giảm tô của tỉnh về chỉ đạo công tác giảm tô ở làng Cao Lao Hạ, đội giảm tô trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mọi công tác của Đảng, chính quyền ở địa phương. Đội đã bố trí 2 cán bộ người Cao Lao Hạ là bà Nguyễn Thị Huê ủy viên ủy ban xã Bắc Trạch giữ chức Chủ tịch thôn Cao Lao Hạ, ông Lưu Thích giữ chức bí thư nông hội thôn. Chủ trương giảm tô, giảm tức nhằm xóa bỏ các hình thức bóc lột của tầng lớp địa chủ, phú nông đem lại quyền lợi cho giai cấp nông dân.

          Cùng với thực hiện chính sách giảm tô, tháng 6 năm 1955 theo chủ trương của Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình về việc chia tách một số xã, phường cho phù hợp với tình hình mới. Ủy ban hành chính huyện Bố Trạch đã chia tách xã Bắc Trạch thành 4 xã: Xã Mỹ Trạch gồm Cao Lao Trung, Cao Lao Thượng, xã Hạ Trạch (Cao Lao Hạ); xã Bắc Trạch gồm Đặng Đề, Thanh Ba; xã Thanh Trạch gồm Bồ Khê, Thanh Bồ(44). Như vậy từ tháng 6/1955 Cao Lao Hạ được mang tên xã Hạ Trạch.

          Qua cuộc đấu tranh giảm tô đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cao Lao Hạ được cải thiện nâng cao, một số bần cố nông được lựa chọn bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, các tổ chức đoàn thể cách mạng.

          Cuối năm 1955 bộ máy lãnh đạo xã Hạ Trạch được củng cố kiện toàn gồm:

          Ông Nguyên Văn Mùi giữ chức Chủ tịch.

          Ông Lưu Bá Tùng giữ chức phó chủ tịch.

          Ông Lê Chiêu Tấn giữ chức ủy viên thường trực.

          Ông Lưu Văn Lân giữ chức trưởng ban thuế nông nghiệp.

 (44)Địa chí làng Cao Lao Hạ - Nhà xuất bản Thuận Hóa,trang 17, xuất bản năm 2006.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giảm tô, Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách ruộng đất trên toàn miền Bắc. Tháng 1/1956 tỉnh ủy quyết định thành lập Đoàn ủy Ban cải cách ruộng đất của tỉnh và tháng 3/1956 phát động cải cách ruộng đất trong toàn tỉnh.

          Tháng 6/1956 Đoàn ủy Ban cải cách ruộng đất của tỉnh và huyện về chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất tại xã Hạ Trạch với phương châm: “Dựa hẳn vào

bần cố nông, đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông” để đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến. Đoàn ủy Ban cải cách ruộng đất đã về cùng ăn cùng ở cùng làm việc với bà con nông dân, phát động nhân dân đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn gian ác bóc lột của địa chủ cường hào ở địa phương. Phát huy thành quả giảm tô, nhân dân lao động ở xã Hạ TrạchHajHHhhh đã vùng lên đấu tranh chống áp bức bốc lột thực hiện hoàn thành cải cách ruộng đất trên địa bàn.

          Đoàn ủy Ban cải cách đã giúp địa phương lựa chọn, bồi dưỡng sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới gồm:

          Ông Lê Chiêu Tấn giữ chức Chủ tịch ủy ban hành chính xã Hạ Trạch.

          Bà Lê Thị Trữa giữ chức Bí thư chi bộ Đảng.

          Một thời gian sau thì bố trí lại: Ông Lê Chiêu Tấn giữ chức vụ bí thư chi bộ Đảng, bà Lê Thị Trữa giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hạ Trạch.

          Cuộc cải cách ruộng đất ở địa phương thu được kết quả to lớn, ruộng đất tài sản của giai cấp bốc lột được tịch thu chia lại cho nông dân nghèo lao động. Những người dân bần cố nông vui mừng được nhận thẻ cắm ruộng, mang tên làm chủ trên mảnh đất được chính quyền giao. Ở xã Hạ Trạch lúc này bình quân mỗi khẩu được chia 9 đến 10 thước đất và 5% đất rau, hộ gia đình có 5 khẩu qui ra hơn 3 sào ruộng (mỗi sào trung bộ 500m2).

          Từ ngày “người cày có ruộng” người dân xã Hạ Trạch được làm chủ ruộng đồng, tích cực khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, lúa khoai, rau màu phát triển tươi tốt, các nghề phụ được phát huy thuận lợi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện nâng cao.

          Để có nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, Đoàn ủy Ban cải cách ruộng đất phối hợp với chính quyền địa phương đã phát động nhân dân đào đắp kênh mương dẫn nước về đồng ruộng như đào mương thủy lợi dẫn nước từ Hói Đun đến Hói Hạ dài hơn 1km và con mương từ “Giếng Cồn” trước Cửa Nghè chạy ra cánh đồng làng dài hơn 500m. Nhiều đoạn kênh mương nhỏ trên các cánh đồng, các xóm được bà con nạo vét đưa nước về tưới cho lúa, hoa màu.

          Đoàn cải cách và cán bộ xã đã đưa 1 số loại giống cây trồng mới như: lúa, khoai lang, rau màu, hướng dẫn bà con nông dân cách trồng, chăm bón. Sau một thời gian phong trào trồng “khoai ụ”, rau xanh phát triển khắp làng xã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

          Cuộc cách mạng giảm tô, cải cách ruộng đất trên toàn miền Bắc nói chung xã Hạ Trạch nói riêng thu được những thắng lợi to lớn, dân nghèo có ruộng được quyền làm chủ lao động sản xuất trên mảnh đất được chính quyền nhà nước giao cho, được quyền hưởng thụ của cải vật chất do bàn tay mình lao động sản xuất làm nên và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội.

          Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách Đoàn cải cách ruộng đất ở xã Hạ Trạch cũng vấp phải 1 số sai lầm, xử lý thiếu thận trọng, quy sai, khép tội oan một số cán bộ đảng viên, quần chúng có công với cách mạng như ông Lưu Bá Dao gây ảnh hưởng đến uy tín, tinh thần tâm tư tình cảm trong cán bộ nhân dân. Đội cải cách đã tịch thu, tiêu hủy phần lớn các văn bằng chứng chỉ sắc phong bằng chứ Hán, Nôm thời kỳ phong kiến để lại của các cá nhân, họ tộc…ảnh hưởng đến việc bảo tồn lưu giữ di sản văn hóa địa phương.

          Thấy rõ những sai lầm lệch lạc trong cải cách ruộng đất, ngày 18/8/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào quốc dân: Người khẳng định những thành tựu đạt được và khen ngợi cán bộ, nhân dân, quân đội công an đã góp phần vào thắng lợi chung của cải cách ruộng đất, đồng thời chỉ rõ những sai lầm lệch lạc trong cải cách ruộng đất và kêu gọi toàn Đảng toàn dân toàn quân cứ mạnh dạn sửa sai đó là tính ưu việt của chế độ, của nhà nước do dân, vì dân.

          Tại xã Hạ Trạch, Chi bộ đảng, chính quyền đã tổ chức cho cán bộ Đảng viên và nhân dân quán triệt học tập chủ trương sửa sai của đảng, nhà nước, chủ động nắm tình hình động viên toàn dân tích cực tham gia công tác sửa sai trên tinh thần đoàn kết, thân ái, trọn nghĩa vẹn tình. Chỉ trong một thời gian ngắn công tác sửa sai trên địa bàn xã căn bản hoàn thành, 1 số cá nhân, gia đình bị quy sai được trả lại đúng thành phần, phục hồi trả lại danh dự cho 1 số cán bộ đảng viên, quần chúng tích cực bị nghi oan trong cải cách ruộng đất, được cán bộ nhân dân trong xã cảm kích đồng tình hưởng ứng. Cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể cách mạng được chấn chỉnh củng cố, đầu năm 1957 cán bộ lãnh đạo xã gồm:

          Ông Nguyễn Danh Mỹ giữ chức Bí thư chi bộ Đảng.

          Ông Đặng Dĩnh giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hạ Trạch.

          Ông Lê Chiêu Tấn giữ chức Bí thư nông hội xã.

          Ông Lê Văn Lầu giữ chức Phó Bí thư nông hội.

          Song song với thực hiện sửa sai, cấp ủy chính quyền xã luôn chú trọng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân.

          Ngày 16/6/1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Quảng Bình tỉnh tuyến đầu của miền Bắc, đây là 1 sự kiện trọng đại niềm tự hào, động viên khích lệ to lớn đối với cán bộ, nhân dân Quảng Bình và nhân dân xã Hạ Trạch nói riêng.

          Nói chuyện với đồng bào, cán bộ chiến sỹ tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò vị trí của Quảng Bình – Vĩnh Linh: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh tuyến đầu miền Bắc tiếp giáp với miền Nam, mỗi việc làm tốt hay xấu của các cô các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định dến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đối với việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình – Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết…”.

          Nhận rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ của tỉnh, tuyến đầu miền Bắc, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh phát động toàn đảng, toàn quân, toàn dân  tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xây dựng củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh phục vụ đắc lực công cuộc xây cải tạo xây dựng XHCN trên địa bàn.

          Từ những kết qủa đạt được trong giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, Trung ương Đảng khóa 14 họp (tháng 12/1958) đề ra Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 3 năm 1958 – 1960 và sau đó ngày 15/1/1959 Tỉnh ủy Quảng Bình họp tại Đồng Hới đề ra nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch 3 năm (1958 – 1960) là: Đẩy mạnh cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, tiến hành cải tạo XHCN đối với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương, tiểu chủ vào làm ăn tập thể với các hình thức thích hợp.

          Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các đoàn thể cách mạng địa phương đã tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào làm ăn tập thể với các hình thức HTX bậc thấp, tổ đổi công…cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên tự nguyện vào HTX trước để làm gương. Các tổ đổi công ở 20 xóm được hình thành giúp nhau cày bừa làm đất, gieo trồng, chăm sóc thu hoạch lúa, hoa màu. Từ dổi công từng bước nâng lên các HTX bậc thấp với quy mô từ 1 đến 3 xóm làm 1 HTX với trên dưới 30 hộ dân (ở thời điểm này toàn xã có 813 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu). Đại đa số nhân dân trong làng đã tự nguyện góp vốn, đất đai, trâu bò, tư liệu sản xuất vào làm ăn tập thể, chỉ còn 1 số ít gia đình do nhận thức chưa đầy đủ hoặc vì lý do, hoàn cảnh khác nên vào Hợp tác xã muộn…

          Năm 1958 HTX Đức Đài thành lập do ông Lưu Văn Giảng, Lưu Văn Khoanh làm ban chủ nhiệm, đây là HTX đầu tiên có ý nghĩa động viên thúc đẩy phong trào HTX trong toàn xã phát triển. Đến cuối năm 1960 trên toàn xã có 09 HTX sản xuất nông nghiệp, 3 HTX ngành nghề phục vụ sản xuất, 01 đội mộc, 01 đội rèn…cụ thể:

          HTX Cao Nam do ông Lưu Văn Lân, Nguyễn Văn Tránh làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Cao Thành do ông Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Văn Soang làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Cao Biền do ông Lê Quang Đặc, Nguyễn Văn Cập làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Cao Xã do ông Lê Quang Trắc, Lưu Quang Lượng làm Ban chủ nhiệm.

HTX Cao Đình do ông Nguyễn Văn Huê, ông Nguyễn Diên làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Trường Lưu do ông Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Văn Lệ làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Đông Tây do ông Lưu Hồ, Đặng Thí làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Đức Đài do ông Lưu Văn Giảng, Lưu Văn Khoanh làm Ban chủ nhiệm.

          HTX Phúc Đồng do ông Trần Tùy, Nguyễn Văn Tuynh làm Ban chủ nhiệm.

          HTX tín dụng do ông Nguyễn Kình làm chủ nhiệm, ông Lê Quang Súy làm kế toán.

          HTX mua bán, Ban chủ nhiệm HTX gồm các ông Nguyễn Đăng Son, Nguyễn Văn Châu, Hợp tác xã may mặc gồm 5 người do ông Lê Quang Quýnh (Thập Quýnh) làm chủ nhiệm.

          Đội thợ mộc gồm các ông thợ chính: Lưu Văn Hữu, Trần Lạng, Lưu Đàn, Nguyễn Văn Nhiều…

          Lò rèn sản xuất các nông cụ sản xuất có: ông Cói, sau đó HTX bố trí ông Oanh, ông Canh vào làm và thành lập tổ rèn mở rộng sản xuất.

          Các HTX đều thành lập các vườn phụ lão ươm cây giống và trồng cây  giúp nhân dân trong xã có cây giống để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ…

          Qua 3 năm vận động thực hiện phong trào xây dựng HTX làm ăn tập thể  cây cối ruộng đồng được đổi mới muôn màu, đời sống tinh thần vật chất của bà con được cải thiện khởi sắc, người nông dân tự nguyện góp vốn vào HTX ngày càng đông.

          Đồng thời với việc đẩy mạnh phong trào hợp tác xã hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể được củng cố kiện toàn phát triển, 9 HTX do 9 chi bộ đảng lãnh đạo. Cả xã có 1 chi đoàn thanh niên lao động Việt Nam với hơn 100 đoàn viên do anh Nguyễn Văn Quảng làm bí thư chi đoàn, năm 1959 anh Quảng đi học  anh Hỷ giữ chức bí thư chi đoàn. Hội phụ nữ do chị Lưu Thị Hồng làm hội trưởng với hàng trăm hội viên tham gia, các cán bộ đoàn, hội phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu trong cuộc vận động và thực hiện phong trào hợp tác hóa làm ăn tập thể và các phong trào văn hóa, xã hội ở địa phương.

          Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới Chính phủ quyết định chủ trương thay đổi đơn vị tiền tệ cũ, phát hành đồng tiền mới lưu thông toàn miền Bắc. Ngày 25/2/1959 công tác thu đổi tiền đồng loạt triển khai trên miền Bắc, lực lượng dân quân du kích, đoàn thanh niên đã kịp thời triển khai lực lượng phối hợp giúp cán bộ chính quyền xã hướng dẫn bảo vệ an ninh trật tự ở các khu vực bố trí bàn đổi tiền. Đến cuối ngày 28/2/1959 công tác thu đổi tiền ở xã Hạ Trạch hoàn thành thắng lợi trong không khí yên bình phấn khởi của nhân dân.

          Trước yêu cầu cấp thiết chi viện cho đồng bào và cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở tuyến đường “Thống nhất” từ Quảng Bình vào miền Nam, chọn Vùng Bang – Thác Cóc miền Tây Quảng Bình làm điểm xuất phát của con đường này. Từ ngày 19/5/1959 các lực lượng tham gia mở đường triển khai thực hiện nhiệm vụ với hàng vạn người tham gia, xã Hạ Trạch đã bố trí một đại đội dân công do ông Lưu Văn Đường làm đại đội trưởng lấy phiên hiệu D72 tham gia mở tuyến đường từ Thạch Bàn đến Bang. Sau 3 tháng thi công tuyến đường từ Thạch Bàn – Quảng Bình vào đến Khe Hó – Vĩnh Linh hoàn thành, mở tiền đề cho tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử phát triển sau này.

          Năm 1960 Bộ giao thông vận tải quyết định mở bến phà 2 (phà Gianh) từ xã Quảng Thuận qua xã Hạ Trạch. Nhân dân xã Hạ Trạch đã đóng góp hàng ngàn ngày công cùng các đơn vị giao thông vận tải, bộ đội xây dựng bến phà bờ Nam sông Gianh, đào đắp mở 1 km đường quốc lộ 1A từ bến phà qua Hói Hạ nối vào phía đông xã Hạ Trạch đi xuống xã Bắc Trạch. Từ đây trên địa bàn xã có bến phà Gianh có tuyến đường quốc lộ 1A chạy qua thuận lợi cho giao thông vận tải và việc giao thương đi lại của nhân dân.

          Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh khôi phục phát triển kinh tế xã hội, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh đã có những chuyển biến mới cơ bản, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp đã có bước phát triển mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện nâng cao. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để nhân dân Quảng Bình nói chung nhân dân Hạ Trạch nói riêng xây dựng củng cố vững mạnh tuyến đầu miền Bắc phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

          Trong tiến trình phát triển của đất nước, ngày 8/5/1960 hơn 98,5% cử tri xã Hạ Trạch thực hiện hoàn thành tốt quyền và nghĩa vụ công dân, lựa chọn Đại biểu bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II.

          Ngày 5/9/1960 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức, Đại hội đề ra đường lối cách mạng Việt Nam là: “Đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ ở miền nam, thực hiện thống nhất nước nhà, trên cơ sở độc lập dân tộc dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhât độc lập dân chủ và giàu mạnh”(45).

          Tháng 2/1961 Đảng bộ xã Hạ Trạch tổ chức Đại Hội lần thứ nhất tại nhà kho HTX Đông Tây, Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ gồm 7 người, ban thường vụ Đảng ủy gồm 3 người:

          Ông Đặng Dĩnh – Bí thư Đảng bộ.

          Ông Nguyễn Soang – Phó bí thư – Chủ tịch UB hành chính xã.

          Ông Lưu Bá Giáo –Thường trực Đảng ủy.

          Cuối năm 1961 ông Đặng Dĩnh được điều động lên phụ trách công tác ngoại thương huyện Bố Trạch, ông Lưu Bá Giáo giữ chức bí thư Đảng bộ xã.

          Tháng 3/1961 Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ IV (vòng 2) được triệu tập tại Thị xã Đồng Hới. Đại hội đã đề ra mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm (1961 – 1965) trọng tâm là phát triển nông nghiệp toàn diện…phát triển hợp lý công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh, HTX, từng bước cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp… Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ nhất và mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng 5 năm (1961 -1965) của tỉnh đề ra, Đảng bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã phát huy truyền thống yêu nước cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đồng cam cộng khổ ra sức đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng HTX và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương thực hiện xuất sắc mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch nhà nước 5 năm (1961 – 1965) đã đề ra trên quê hương.

 (45)Văn kiện Đại hội Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam, xuất bản năm 1960, tập 1,trang 35.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trước sự phát triển lớn mạnh không ngừng của cách mạng Việt Nam nhất là sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đơn phương” để gỡ thế bị động lúng túng đế quốc Mỹ triển khai thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, chúng ráo riết đẩy mạnh các hoạt động phá hoại miền Bắc. Quảng Bình – Vĩnh Linh là địa bàn tuyến đầu của miền Bắc nên đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tình báo, gián điệp phá hoại toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội phục vụ cho mưu đồ phá hoại miền Bắc. Càng về sau hoạt động gián điệp biệt kích càng táo bạo, liều lĩnh dồn dập hơn nếu như năm 1961 chúng thả mỗi toán chỉ có 3 đến 5 tên thì từ năm 1961 trở đi chúng thả mỗi toán từ 7 đến 15 tên gián điệp biệt kích được trang bị đầy đủ vũ khí điện đài, lương thực thực phẩm, tiền ngân hàng miền bắc phục vụ hoạt động ẩn nấp lâu dài.

          Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, cấp ủy, chính quyền các đoàn thể cách mạng ở địa phương đã chủ động kế hoạch tuyên truyền giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân, tăng cường kiện toàn, củng cố lực lượng dân quân du kích, công an xã cả về số lượng và chất lượng, chủ động sẵn sàng truy bắt gián điệp biệt kích khi chúng xâm nhập, tích cực vận động quần chúng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi, đào đắp khơi thông kênh mương thủy lợi, làm đường giao thông phục vụ sản xuất.

          Năm 1962, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ II (theo trình tự lịch sử thì đây là Đại hội lần thứ 5) được tổ chức, Đại hội đã bầu ra ban chấp hành Đảng bộ gồm 7 người do ông Lưu Bá Giáo làm Bí thư đảng ủy, ông Lưu Đức Hỹ - phó bí thư, chủ tịch UB hành chính xã; ông Lưu Văn Hồ - thường trực đảng ủy. Đại hội đã thông qua Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1962 – 1965 là:

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quy mô HTX lớn hơn.

          - Xúc tiến xây dựng hồ chứa nước và các hệ thống mương thủy lợi, kết hợp với xây dựng mạng đường sá trong toàn xã.

          - Từng bước dời dân bám đồi để đổi đất sản xuất cây lúa với khẩu hiệu: “Ngư bám sông, nông bám đồi”.

          Xóa dần nạn đòn gánh trên vai, đi mua sắn khoai những ngày giáp hạt.

          Quán triệt sâu sát tinh thần nội dung Nghị quyết của Đảng đề ra.

          Ngày 27/3/1962 nhằm ngày 22/2 năm Nhâm Dần, cán bộ Đảng viên và nhân dân, toàn xã ra quân khởi công xây dựng công trình thủy lợi Hồ Cửa Nghè. Cửa Nghè là một thung lũng hở nằm phía Tây bắc dãy núi Lệ Đệ, hồ được đắp có dung tích chứa 1 triệu mét khối nước. Ông Nguyễn Văn Thùy, đảng ủy viên xã đội trưởng, trưởng ban công trình giao thông thủy lợi của xã giúp việc cho ban chỉ huy công trình và phụ trách các mũi chủ công của công trình thủy lợi Cửa Nghè.

          Với khẩu hiệu “cực khổ một thời để muôn đời sung sướng” và “mỗi người thi đua làm việc bằng hai” trên công trường luôn rộn vang những bài thơ hò vè, tiếng hát được phát lên trên đài truyền thanh động viên tinh thần hăng say lao động của nhân dân như: “Đê Cửa Nghè vừa cao vừa rộng, nước Cửa Nghè vừa mát vừa trong, mai đây tưới mát ruộng đồng, có công anh chị có tình đôi ta…”.

          Bằng tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình hăng say lao động cán bộ nhân dân, giáo viên, học sinh xã Hạ trạch tham gia hơn 28.000 ngày công, với sự ủng hộ giúp sức của huyện đoàn Bố Trạch 4.000 ngày công đến cuối năm 1963 đẩu năm 1964 công trình thủy lợi hồ Cửa Nghè hoàn thành đưa vào sử dụng tưới tiêu cho 52 héc ta đất trồng lúa 2 vụ của xã.

          Cũng trong thời gian đắp đập hồ Cửa Nghè, ban giao thông thủy lợi xã đã huy động nhân dân trong xã tranh thủ mọi thời gian đào đắp mở các tuyến mương thủy lợi dẫn nước tưới từ hồ Cửa Nghè ra phía bắc của xã đó là:

- Tuyến mương từ Cửa Nghè ra Múi Bần;

          - Tuyến mương từ Cửa Nghè ra Rộc;

- Cửa Nam - Cửa Thành - Phố tỉnh xuống Bàu Ngang;

- Tuyến mương – Làng Rẫy;

- Cửa Nam - Dường tre xuống vùng cửa đến xóm 15.

          Tiếp theo đó Đảng ủy, UB hành chính, ban chủ nhiệm HTX phát động toàn dân ra quân đào đắp các tuyến mương dọc nối các tuyến mương ngang và các tuyến mương nội đồng với các nhánh của Cữu Khúc Long Khê cũ tạo thành mạng lưới thủy lợi tưới tiêu ngay dọc khắp các cánh đồng trước cửa làng và phía Tây Bắc với tổng chiều dài hàng chục cây số.

          Để phục vụ việc đi lại sản xuất của nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền và các HTX đã thống nhất chủ trương phát động nhân dân tham gia đào đắp mở các tuyến đường chính giữa làng và đường từ các xóm ra các cánh đồng. Chủ trương đó được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực tham gia phát huy hiệu quả thiết thực. 8 tuyến đường nội bộ được hình thành gồm:

          Tuyến đường Lò Ngói

          Tuyến đường Biền nối từ xóm 3 ra sông Gianh và xóm 3 vào Làng Rẫy.

          Tuyến đường Eo nối từ xóm 9 qua Bàu Eo vào Làng Rẫy.

          Tuyến đường Cồn Vườn từ xóm 15 qua Cồn Vườn.

          Tuyến đường Bản chạy dọc trước mặt làng qua các ngõ xóm.

          Tuyến đường giữa làng chạy từ đầu làng đến cuối làng.

          Tuyến đường quan chạy từ Thành Cổ về Hói Hạ.

          Tuyến đường xóm rẫy chạy từ giếng Kiệt lên Mỹ trạch.

          Các tuyến đường được xây dựng đã tạo ra nhiều thuận lợi cho việc đi lại sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của địa phương, đảm bảo các phương tiện xe bò, xe kéo tay (xe ba gác) lưu thông đi lại, giảm bớt 1 phần gánh nặng trên đôi vai người nông dân.

          Song song với thực hiện chủ trương phát triển giao thông thủy lợi của địa phương, dầu năm 1962 được sự chỉ đạo, ủng hộ giúp đỡ của lãnh đạo huyện Bố Trạch, nhân dân xã Hạ Trạch đã đồng loạt ra quân tham gia công trình đắp đê ngăn mặn, ngăn lũ ở phía Bắc của xã. Đây là công trình đắp đê bờ Nam sông Gianh đoạn đi qua địa phận xã Hạ Trạch chạy từ Bình Hải (xã Mỹ Trạch) đến Hói Hạ, trước đây chưa có đê ngăn mặn, ngăn lũ, mùa mưa lũ nước thượng nguồn đổ về dâng cao tràn vào làng ngập trắng đồng, đến mùa khô hạn nước sông rút xuống để lại cánh đồng ven sông nhiễm mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

          Công trình đê ngăn lũ, ngăn mặn bờ Nam sông Gianh qua xã Hạ Trạch dài hơn 3 km, cùng 2 cống lớn thoát nước lũ và ngăn mặn là cống Thủy Văn ở phía Bắc chợ Bình Dinh (xóm 12) và cống Vĩnh Cửu (Bến Sót) ở Hói Hạ đến cuối năm 1962 cơ bản hoàn thành đã góp phần rất quan trọng cho việc ngăn lũ, ngăn mặn hàng năm tạo nên môi trường cảnh quan giao thông đi lại thuận lợi, mở rộng diện tích sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản phát triển phong phú.

          Tuyến đê ngăn mặn, ngăn lũ hoàn thành ngoài sự lao động nhiệt tình hăng say của bà con xã viên các HTX còn có sự tham gia giúp sức của các đơn vị bộ đội đang đống quân, an dưỡng tại địa phuơng, học sinh các trường và 1 số đơn vị xã bạn.

          Sau khi hoàn thành cơ bản các công trình giao thông thủy lợi, Thường vụ Đảng ủy, Thường trực UB hành chính xã cùng các Bí thư chi bộ, chủ nhiệm HTX họp bàn biện pháp xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống nhân dân trong xã(46) đã thống nhất chủ trương:

 - Phá sác trồng lúa.

          - Khai hoang Hòn Hầm.

 (46)Khi ông Lưu Văn Đăng được cấp trên điều động về làm Bí thư Huyện ủy Bố Trạch trong một lần công tác tại quê (xã Hạ Trạch) ông đã mời các ông trong Thường vụ Đảng ủy xã, các Bí thư chi bộ và các chủ nhiệm HTX tới nhà họp bàn trao đổi biện pháp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong xã và đã đề ra chủ trương trên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          - Duy trì và khai hoang mở rộng vùng trồng sắn ở Ba Trại.

Chủ trương đề ra được đông đảo nhân dân trong xã đồng tình hưởng ứng.

Rừng sác bần chạy dọc 2 bên bờ Hói từ Đường Biền đến Hói Hạ trước đây để chắn sóng, chắn gió sau lưng làng được chặt phá cải tạo đất phục vụ trồng lúa, vụ lúa đầu năm 1963 thu hoạch đạt sản lượng cao. Nhân dân đơm bắt được nhiều hải sản tôm cá góp phần cải thiện nâng cao đời sống. HTX Trường Lưu đưa xã viên lên làm lán khai hoang hơn 5 héc ta đất ở Hòn hầm giáp với Phú Kinh xã Liên trạch để trồng lúa và trồng sắn. Hơn 10 héc ta đất trồng sắn ở Ba Trại, các năm trước thường bị lợn rừng phá hoại làm nhiều xã viên nản chí, nhung khi có chủ trương mới bà con xã viên quyết tâm dựng lán trại, khai hoang mở rộng diện tích trồng sắn, khoai, dựng hàng rào, đơm bẫy thú rừng quanh khu vực trại đã hạn chế được sự phá hoại của thú rừng. Sản lượng sắn, khoai thu hoạch được nâng lên góp phần quan trọng giải quyết nạn đói những ngày giáp hạt…

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục, đền ơn đáp nghĩa cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể luôn quan tâm chăm lo xây dựng phát triển sâu rộng, từng bước đáp ứng các yêu cầu học tập, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, học sinh trong xã. Trước đó, năm 1955 chính quyền địa phương đã vận động nhân dân quyên góp công sức, tiền của xây dựng lại trường cấp 1 gồm các lớp (lớp 1, 2, 3, 4) trên nền cũ của trường tại xóm 9. Thầy Bùi Viết Ngọ được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Đầu năm 1959 trường cấp 1 dời về khu Văn Thánh sát phía tây Đình Làng (xóm 6) nhường chỗ cũ cho xã xây dựng trường cấp II (trung học cơ sở) với các lớp 5, 6, 7 tại xóm 9.

          Cùng với việc xây dựng mở rộng trường cấp I, cấp II lãnh đạo xã chỉ đạo cho mở các lớp học “vỡ lòng” cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, đồng thời tuyển chọn những người trong địa phương có năng lực, trình độ làm giáo viên tham gia giảng dạy nên số học sinh trong độ tuổi tham gia đi học “vỡ lòng” ngày càng đông. Năm 1963 ông Phạm Kim Ngân – Phó trưởng ty giáo dục Quảng Bình về thăm và dự lễ khai giảng năm học mới trường cấp II Hạ Trạch đã cùng ông Lưu Đức Hỹ - chủ tịch UBND xã phát động phong trào “xây dựng trường XHCN”, thi đua học  tập trường Bắc Lý là lá cờ đầu trong ngành giáo dục phổ thông trung học cơ sở (cấp II) toàn miền Bắc. Năm 1963 – 1964, trường cấp II Hạ Trạch trở thành lá cờ đầu ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình.

          Vừa đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường phối hợp với các HTX thành lập các đội măng non. Đội viên là các em học sinh cấp II, các đội viên măng non ngoài giờ học đã tích cực tham gia các hoạt động kỹ thuật chăm bón, làm phân xanh, nuôi bèo hoa dâu…giúp bà con sản xuất thu hoạch hoa màu…Phong trào HTX măng non (đội măng non) ở xã Hạ Trạch luôn được duy trì và phát triển phát huy hiệu quả thiết thực trong suốt cả thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

          Để chăm lo sức khỏe cho nhân dân đầu năm 1956 trạm y tế xã được thành lập, ông Lê Văn Lượng làm trưởng trạm, ông Lê Văn Liên và bà Đặng Thị Choắn phụ trách chuyên môn, 1 thời gian sau được bổ sung thêm 1 số nhân viên y tế người trong làng vào trạm y tế xã. Thuốc điều trị ban đầu chủ yếu do xã tự túc, mua sắm vay mượn, y tế huyện chỉ cấp thuốc điều trị cho 1 số đối tượng do huyện quản lý và 1 số bênh nặng như lao, sốt rét…Năm 1963 trạm y tế xã được xây dựng ở xóm 11 với quy mô 10 giường bệnh phục vụ điều trị nội khoa, ngoại khoa, sản khoa…

          Trạm y tế xã được thành lập có ý nghĩa rất to lớn trong công tác chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân như: điều trị ngăn chặn được các bệnh dịch tả, kiết lỵ, cảm cúm, thương hàn, sốt rét, ghẻ lỡ, bệnh đường ruột, đau mắt, hộ sinh…tuyên truyền hướng dẫn nhân dân về việc ăn chín uống sôi và giữ gìn vệ sinh cá nhân, gia đình, vệ sinh chuồng trại và vệ sinh nơi công cộng. Các em bé sinh ra trong thời kỳ này hầu hết được sinh ở trạm xá hoặc nhân viên ý tế đến từng hộ gia đình trợ giúp hộ sinh trọn vẹn.

          Quá trình hình thành và phát triển Trạm y tế xã Hạ Trạch ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền và đội ngũ nhân viên y tế xã, còn có sự quan tâm giúp đỡ của Phòng y tế huyện Bố Trạch, trực tiếp là ông Nguyễn văn Ngạc (quê Hạ Trạch) Trưởng phòng y tế huyện.

          Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, năm 1963 cấp ủy Đảng, chính quyền xã chủ trương xây dựng nghĩa trang liệt sỹ của xã để qui tập mộ các liệt sỹ vào nghĩa trang cho nhân dân có điều kiện đến viếng dâng hương. Nghĩa trang được xây dựng ở phía Đông Thành Cao Lao khuôn viên nghĩa trang gần 50m2, hàng năm đến ngày 27/7 ngày thương binh liệt sỹ, ngày lễ tết, lãnh đạo đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, thầy cô giáo, học sinh, nhân dân trong xã đến dâng hương, hoa tưởng niệm tỏ lòng thành kính biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương.

          Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới, cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động kế hoạch kiện toàn củng cố các HTX, lực lượng dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể quần chúng phát triển vững mạnh, sát nhập các HTX nông nghiệp bậc thấp lên HTX bậc cao như: Năm 1961 toàn xã có 9 HTX nông nghiệp, đến năm 1963 toàn xã sát nhập lại còn 3 HTX quy mô từ 3 đến 5 thôn đó là:

          HTX Nam – Thành – Biền – Đình Xạ.

          HTX Đông Tây – Trường Lưu.

          HTX Đức Đài – Phúc Đồng.

          Từ khi sát nhập HTX mới mỗi công lao động của bà con xã viên được nâng cao hơn trước, diện tích canh tác được khai hoang mở rộng hơn. Ban chủ nhiệm các HTX đã chủ động phương án đưa dần các loại giống cây trồng năng suất cao vào sản xuất, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao.

          Lực lượng dân quân du kích được củng cố phát triển cả về số lượng và chất lượng, trước năm 1959 toàn xã có 1 đại đội dân quân tự vệ trang bị thô sơ. Từ năm 1959 – 1960 xã Hạ Trạch có 2 đại đội dân quân tự vệ gồm:

          Đại đội 1 do ông Nguyễn Khắc Mãi làm đại đội trưởng, ông Nguyễn Tín làm đại đội phó.

          Đại đội 2 do ông Nguyễn văn Hiệu làm đại đội trưởng, bà Nguyễn Thị Lý làm đại đội phó.

          Các đại đội dân quân tự vệ được trang bị các loại súng bộ binh (súng trường, súng tiểu liên, lựu đạn…) và thường xuyên được huấn luyện các khoa mục quân sự, chiến thuật truy lùng vây bắt gián điệp biệt kích trên các địa hình rừng núi Ba Trại, dãy núi Lệ Đệ và dọc tuyến sông Gianh…thực sự là lực lượng nồng cốt giúp cấp ủy chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa phương. Đồng thời đó cũng là lực lượng xung kích chủ lực trên các công trình giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai bão lụt, xây dựng HTX…được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng.

          Bị thất bại nặng nề trên các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng  liều lĩnh leo thang mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 4/8/1964 chúng dựng lên sự kiện “Vịnh bắc bộ” đưa tàu chiến xâm phạm vùng biển Bắc bộ bắn súng khiêu khích bộ đội hải quân miền Bắc, bị bộ đội ta đánh đuổi để lấy cớ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam.

          Ngày 5/8/1964 đế quốc Mỹ đã huy động hơn 100 lượt chiếc máy bay từ các căn cứ quân sự ngoài biển khơi mở 3 đợt tấn công vào các mục tiêu quân sự kinh tế quan trọng của ta ở Cửa Gianh, Ròon (Quảng Bình), Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)…với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, quân và dân các địa phương đã bắn rơi 8 chiếc máy bay, bắt sống 1 số tên phi công Mỹ. Trong đó dân quân các địa phương 2 bên Cửa Gianh (Hạ Trạch, Bắc Trạch, Thanh Trạch, Quảng Phúc, Quảng Thuận) và khu vực Ròon đã phối hợp với bộ đội hải quân, đồn CAND vũ trang Thanh Khê, đồn CAND vũ trang Ròon chiến đấu bắn rơi 3 chiếc, bắn bị thương 1 chiếc làm nức lòng quân dân cả tỉnh, cả nước. Từ đây nhân dân xã Hạ Trạch cùng quân dân tỉnh Quảng Bình luôn luôn đề cao cảnh giác chủ động sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng các hành động quân sự đánh phá ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, bảo vệ giao thông, chi viện sức người sức của phục vụ miền Nam đánh Mỹ - Ngụy.

          Trải qua 10 năm thực hiện công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, cải cách ruộng đất, xây dựng HTX nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm trên quê hương. Đảng bộ và nhân dân xã Hạ Trạch đã đoàn kết một lòng, đồng cam cộng khổ thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và kế hoạch nhà nước đã đề ra đó là: “Nhận thức tư tưởng, phong cách lao động được đổi mới từ sản xuất cá thể qua lao động HTX, kỷ thuật lao động sản xuất được cải tiến, năng suất lao động ngày càng được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện nâng lên. Mạng lưới giao thông thủy lợi được xây dựng tỏa rộng khắp các vùng tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại lao động sản xuất và các phương tiện xe bò, xe ba gác, xe cút kít vận chuyển lúa khoai, cây giống, phân tro…giải phóng 1 phần cho đôi vai gồng gánh của người nông dân. Chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng phục vụ sản xuất giao trồng lúa nước từ 2 đến 3 vụ; trẻ em đến độ tuổi được cắp sách đến trường học vỡ lòng, cấp I, cấp II; gia đình có điều kiện cho con cháu đi học cấp III ở các trường xa như Đồng Hới, Quảng Trạch…Sức khỏe của nhân dân được quan tâm chăm sóc nâng lên rõ rệt. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính quyền với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc ngày càng cao. Đó là cơ sở vững chắc để nhân dân xã Hạ Trạch tự tin thực hiện thắng lợi yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới: Đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền bắc, bảo vệ thành công sự nghiệp cải tạo xây dựng CNXH trên quê hương.

 Còn nữa....

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip