Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 1)

09:49 - 15/04/2020

Giới thiệu phần 1, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 1)

 

LỜI GIỚI THIỆU

     Lịch sử là một dòng chảy liên tục không ngơi nghỉ, nghiên cứu, biên soạn lịch sử là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ghi chép phản ánh tái hiện lại hiện thực tiến trình hình thành xây dựng phát triển của đất nước, của từng vùng từng địa phương…

     Xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình (trước đây là làng Cao Lao Hạ) nằm ở giữa khu vực Miền Trung chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán, bão lụt xảy ra thường xuyên song đây cũng là nơi có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, nơi có nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của nhiều Triều đại phong kiến Việt Nam. Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa nhà nước Lâm Ấp, Chiêm Thành, Đại Việt, văn hóa Phương Đông, Phương Tây…

     Trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của đất nước, địa danh vùng đất làng Cao Lao Hạ luôn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Có khi là Biên viễn phía Bắc, có khi là biên viễn phía Nam. Trên mảnh đất này nhân dân làng Cao Lao Hạ luôn chứng kiến và chịu đựng những biến cố thăng trầm, đau thương chia cắt của những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, tranh giành quyền lực rất khốc liệt của các tập quyền phong kiến và thực dân…Với truyền thống yêu nước, thương nòi, đức tính cần cù chịu khó sáng tạo và nhẫn nại, nhân dân làng Cao Lao Hạ đã đoàn kết đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ để xây dựng cải thiện cuộc sống, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước và quê hương.

     Để góp phần làm tái hiện lại lịch sử hình thành, xây dựng phát triển xã Hạ Trạch từ khi khai sinh lập làng Cao Lao Hạ đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy, Thường Trực Ủy Ban nhân dân huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, UBMTTQ Việt Nam xã Hạ Trạch quyết định tiến hành nghiên cứu, biên soạn và phát hành tập sách Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015. Chúng tôi coi đây là một việc làm rất quan trọng có ý nghĩa to lớn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi, truyền thống văn hóa, đức tính cần cù sáng tạo vượt khó và luân thường đạo lý nhân văn sâu sắc của con người Việt Nam nói chung người Cao Lao Hạ nói riêng cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Đồng thời đây cũng là dịp để bày tỏ lòng tôn kính biết ơn các bậc tiền bối khai khẩn lập làng, các bậc hiền tài, những anh hùng liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng… đã hy sinh xương máu, cống hiến công sức vật lực, tài trí cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước và quê hương.

     Trong quá trình tổ chức nghiên cứu biên soạn tập sách lịch sử xã Hạ Trạch này chúng tôi đã nổ lực cố gắng để thực hiện tốt mục tiêu yêu cầu nội dung đề ra, song do xác định mốc giai đoạn lịch sử để nghiên cứu biên soạn quá xa từ giữa thế kỷ 15 đến nay nên nguồn tư liệu rất hiếm, một số tư liệu lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bị cháy, hư hỏng thất lạc. Nhân chứng lịch sử thời kỳ 1945 trở về trước hầu hết tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn… do đó tập sách không tránh khỏi những tồn tại thiếu sót, chất lượng nội dung còn hạn chế.

     Nhân dịp này chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Thường vụ huyện ủy, Thường Trực UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các đồng chí lãnh đạo, lão thành cách mạng, các nhân chứng Lịch sử và các nhà chuyên môn đã quan tâm lãnh chỉ đạo và tận tình giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể để chúng tôi thực hiện biên soạn hoàn thành tập sách này.        

     Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các vị bạn đọc với tập sách này để khi có dịp tái bản tập sách sẽ được biên soạn hoàn chỉnh hơn./.

                                                                                              BAN BIÊN SOẠN

                                                                                            Lưu Văn Tác – Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch

 

 

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ LÀNG CAO LAO HẠ

HẠ TRẠCH (1470 - 2015)

 

  1. Vị trí địa lý và diện mạo vùng đất Cao Lao Hạ

          Làng Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ) là mảnh đất Việt cổ, thuộc bộ Việt thường của nước Văn Lang thời Vua Hùng nay là xã Hạ Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình, có diện tích 18,4 km2. Dân số trước Cách mạng Tháng 8 – 1945 khoảng hơn 2 nghìn người. Hiện nay, số người sinh sống tại xã hơn 5.000 người. Hàng ngàn người khác đi học tập, lao động, công tác, sinh sống ở nhiều nơi trên toàn quốc và nước ngoài.

          Phía Bắc làng nằm sát bờ sông Gianh, đoạn hội tụ nhập dòng của “nguồn Son”, “nguồn Nan” và “nguồn Nậy” thành sông Gianh. Phía Nam giáp xã Cự Nẫm và Liên Trạch là dãy núi liên tiếp gồm các hòn Thầy Bói cao 241m, Lều Cù cao 108m, hòn Chùa, hòn Thao, hòn Thách, Động Giôn… nhấp nhô như Long triều, Hổ phục tầng tầng gọi chung là dãy núi Lệ Đệ, mũi nhô ra thứ hai của dải Trường Sơn hùng vĩ kể từ Bắc miền Trung vào Nam. Phía Đông làng giáp Kẻ Đờng (Đặng Đề) nay là xã Bắc Trạch cách cửa biển Sông Gianh 5 km. Phía Tây làng giáp Kẻ Chuông, kẻ Thạng nay là xã Mỹ Trạch. Trước mặt làng là dãy núi Lệ Đệ sừng sững án ngự che chắn, sau lưng là dòng Đại Linh Giang (sông Gianh). Với địa thế cảnh quan có tiền Sơn, hậu Thủy, có rừng thẳm núi cao, có hồ nước Vực Sanh chảy về làng lượn qua các cánh đồng như con rồng uốn 9 khúc gọi là “Cửu khúc Long Khê” tô điểm cho phong thổ làng quê thêm trù phú đẹp đẽ.

          Nằm ở vị trí 17041'10'' vĩ Bắc, 106026' độ Kinh Đông, xã Hạ Trạch, tỉnh Quảng Bình khúc ruột miền Trung và cả nước, có sông có núi, có các tuyến đường giao thông Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 2B chạy qua, có các bến đò qua sông Gianh rất thuận lợi cho giao thông vận tải, đi lại thông thương. Trước thế kỷ XVIII, trục đường thiên lý Bắc Nam có đoạn đi qua làng Cao Lao Hạ - Hạ Trạch, có chiều dài khoảng 6km bắt đầu từ quán Mụ O bến đò Quảng Văn về Ba Trại (căn cứ của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp do cụ Lê Mộ Khải người làng Cao Lao Hạ xây dựng), qua truông Lệ Đệ, Thành Cổ (Thành Lồi) Làng Cao Lao Hạ  đến bến đò tây bắc làng, tiếp giáp với xã Mỹ Trạch là bến vượt ba sông (Tam Giang): là “nguồn Son” (đoạn Ba Cồn); “nguồn Nan” (đoạn La Hà); rồi “nguồn Nậy” (đoạn Cửa Hác). Do đó dân làng đã có câu ca: “Đi mô khỏi quán Mụ O, khỏi truông Lệ Đệ, khỏi đò Tam Giang”. Năm 1776 (Bính Thân) nhà bác học Lê Quý Đôn khi giữ chức Hiệp Trấn Phủ Tham Tán Quân cơ đã từ Lũ Phong vượt qua ba dòng sông, sang bến đò tây bắc Cao Lao Hạ; ông vượt truông Cao Lao vào Mục Dưỡng (Thọ Lộc), Ông xác định đây là “Đường trên” (Thượng Đạo), “Đường dưới” là đường Lý Hòa, An Náu (Hạ Đạo). Hiện nay từ bến đò tây bắc Cao Lao Hạ (nay là bến Lò rèn Mỹ Trạch) vào truông Lệ Đệ còn lưu lại một số địa danh: Thảo Cỏ (lều cỏ); Tàu Voi, Tàu Ngựa (máng ăn của voi, ngựa), ở phía bắc thành Khu Túc là Khu Hậu cần khi xây dựng thành Khu Túc.

          Năm 1786 Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ từ Quy Nhơn ra đánh chiếm Phú Xuân tiến thẳng ra sông Gianh đánh đuổi quân Trịnh. Ngày quân Tây Sơn vượt sông Gianh tiến quân ra Bắc, nhân dân hai bên bờ Nam Bắc sông Gianh đã huy động mọi phương tiện, ủng hộ lương thực, thực phẩm quà bánh phục vụ cho 3 vạn quân qua sông một cách an toàn.

          Từ năm 1960 để đảm bảo yêu cầu về phòng thủ và tăng năng lực cơ động khi có chiến tranh xảy ra, Bộ giao thông vận tải đã mở một con đường từ ngã tư Ba Đồn qua Quảng Thuận về bến phà Gianh 2 đi qua Hói Hạ đến ngã ba Hạ Trạch thì chia làm hai nhánh, một đi về Bắc Trạch đến Thanh Trạch theo QL1A về cầu Khe Nước đèo Lý Hòa; nhánh hai là tỉnh lộ 2B nối QL1A đi qua Ba Trại về Cự Nẫm dài 13km. Cuối năm 1962, bến phà Gianh 2 từ Quảng Thuận - Quảng Trạch vượt sông Gianh qua Hạ Trạch chính thức đưa vào sử dụng, từ đó làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch) có tuyến đường QL1A, tỉnh lộ 2B đi qua. Ngày 24 tháng 11 năm 1998, cầu Sông Gianh công trình thiết kế vĩnh cửu hoàn thành đưa vào sử dụng đã nối liền hai bờ Nam Bắc thông suốt chấm dứt tình cảnh “chờ đợi đò” sang sông.

          Ngày nay đứng trên đỉnh Cù Sơn của dãy Lệ Đệ đưa tâm mắt ra từ hướng bắc sang hướng đông, phía xa khoảng 25km và dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) thuộc mũi Roòn, động cát trắng: Đơn Sa, Mỹ Hòa, cửa Gianh là biển Đông bao la. Trời quang mây, ta nhìn rõ từng đoàn thuyền đánh cá trên biển khơi. Nhìn về hướng tây bắc, phía xa là hòn Rọi thuộc dãy Hoành Sơn, gần hơn là hòn Lèn Thanh Thủy, Minh Lệ, Thông Thống, Ngân Sơn của dãy Giăng Màn trùng điệp. Trăng sáng đứng trên đỉnh Cù Sơn nhìn về làng quê, trước mặt Làng là một dãy nhà thờ Họ của 25 họ tộc sừng sững uy nghiêm tráng lệ, thể hiện nét đẹp văn hóa và tấm lòng thành kính tôn nghiêm uống nước nhớ nguồn của người dân Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) với tổ tiên ông bà và những người có công với nước với dân. Ở giữa làng là 20 đường xóm được bê tông hóa thẳng tắp, nhà nhà đều rợp mái ngói đỏ tươi. Phía Sông Gianh là ánh điện trên Cầu Gianh làm thành một dãy sao như sông Ngân Hà cong cong theo dáng cầu, hòa với ánh đèn của các tàu thuyền soi bóng dòng sông, cùng ngàn ánh điện của làng quê như một trời sao lấp lánh, tạo nên sự huyền ảo kỳ vĩ.

  1. Đất đai, tài nguyên

          Địa thế Làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) hình thành ba vùng: Vùng đồi, vùng sông nước, vùng đồng ruộng. Trước thế kỷ XVIII vùng đất Cao Lao Hạ là vùng “Sác” dân cư thưa thớt, đất đai phần lớn là đất bồi, đất bãi ven sông, đất cồn. Từ đầu thế kỷ XV đến nay, làng Cao Lao Hạ nằm trên diện tích đất bồi, phù sa màu mỡ bên bờ Nam sông Gianh là những đồng ruộng phì nhiêu, tháng giêng đến tháng ba là thảm màu xanh lá mạ, từ rằm tháng tư trở đi là màu vàng lúa chín, màu xanh khoai lang của vụ Đông Xuân; từ tháng 10 là thu hoạch lúa vụ mùa, lúa nếp và từ tháng 11, tháng 12 âm lịch cả làng ra đồng gieo mạ cày cấy lúa vụ Đông Xuân năm tới. Từ khi có hồ chứa nước Vực Sanh, cánh đồng lúa xã Hạ Trạch được sản xuất 2 vụ lúa: vụ Chiêm Xuân và vụ Tám.

          Vùng đồi núi của làng rộng lớn thuộc dãy núi Lệ Đệ án ngữ từ dãy núi Cù Sơn đến giáp các xã Cự Nẫm, Liên Trạch, Sơn Lộc được thiên nhiên ưu đãi có nhiều loại động thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm. Trước năm 1928, núi đồi Lệ Đệ thuộc rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn, có nhiều “tầng” lá phủ, thảm thực vật đa dạng, phong phú, có nhiều loại hoa Phong Lan, nhiều cây gỗ quý hiếm như: Lim, Sến, Táu, Trường, Dạ hương, Gõ, Thông, Song, Mây và rất nhiều loại cây quả khác như sim, móc....., dẻ, muồng, hồng leo, mù tru, trái đỏ, mít nài, lá Nón, lá Dong v.v...Đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng và nâng cấp lần thứ hai vào năm 1822, lần thứ ba (năm 1941)…đều được khai thác lấy gỗ Lim, gỗ Dạ hương tại Khe Hậu, Lòi Nghè…Thú rừng trong rừng nguyên sinh trước đây có nhiều loại như: voi, hổ, gấu, báo, lợn rừng (heo ri), bò tót, hươu, nai, mang, khỉ, nhím, tê tê (trút)…Chim muông có các loại: công, gà lôi, gà rừng, đa đa, vịt nước, quạ đen, quạ khoang, hắc là, vẹt, cu gáy, cu xanh, cu ghì…Loài bò sát có: rùa, rắn hổ chúa, rắn hổ đất, rắn cặp nong, trăn…Từ khi có con đường sắt đi qua phía tây làng (đoạn Phú Kinh) từ năm 1928-1929 các loại thú rùng, chim, bò sát di tản dần, nhất là từ khi có chiến tranh chống Pháp từ năm 1947-1954 và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ năm 1964-1973 bom đạn dội xuống dãy núi Lệ Đệ rừng Ba Trại rất ác liệt, liên tục, nhiều đợt, dài ngày. Rừng bị bom đạn tàn phá, tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Hiện nay đa phần các loại thú, chim quý hiếm đều đã di cư đi nơi khác, số còn lại rất hiếm, có loại không còn nữa, thảm thực vật rừng chủ yếu là rừng thông, keo, bạch đàn.

          Về thủy hải sản, do địa thế của làng nằm ven sông gần cửa biển vừa có các hồ chứa nước lớn (Vực Sanh, Cửa Nghè…) nên được thiên nhiên ban tặng nhiều loại hải sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn phong phú. Đồng trước từ đường Bản vào Làng Rẫy vực Sanh có các loại cá nước ngọt: cá chép (cá gáy, có con nặng 5- 7kg), cá lóc, cá trê, cá diếc, cá rô, cá mè, cá mương, cá thát lát, lươn, cá chạch (cá zét)…Đồng sau từ đường quan đến bờ đê sông Gianh có các loại cá, tôm như: cá mú, cá vược, cá hanh, cá loi, cá rìa, cá bống, cá ông, cá ngảnh, tôm bạc, tôm đất, tôm sắt, cua, hàu, trạng (ngao)… Ngày nay là vùng nuôi trồng thủy sản khép kín.

          Đất phù sa màu mỡ, cỏ cây phát triển xanh tốt thuận lợi cho phát triển sản xuất và chăn nuôi, gia súc gia cầm, hàng năm dân làng sản xuất phát triển hàng trăm tấn lúa các loại: lúa ven, lúa ré, lúa mành, nác hai, nếp cau, nếp Bạc, nếp Tôm, nếp mỏng... Về sau để cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, người làm nông đã đưa các giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất; hàng trăm tấn khoai, sắn, bắp, đậu các loại, chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò, hàng ngàn con lợn, hàng vạn con gà, vịt, ngan, ngỗng… phục vụ sản xuất và cuộc sống của nhân dân trong và ngoài làng. Đặc biệt đất Làng Cao Lao Hạ rất thích hợp cho cây tre Việt Nam phát triển, cây tre được trồng để chống gió, ngăn nước vào mùa bão lụt, Tre làm nhà, đan rổ, rá, nong, nia, làm các dụng cụ để đánh bắt cá, Tre chẻ lạt để buộc và phục vụ thu hoạch lúa. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, cây Tre Làng Cao Lao Hạ được lựa chọn làm vũ khí chiến đấu (gậy tầm vong, bàn chông) đánh địch.

  1. Thời tiết, khí hậu

          Làng Cao Lao Hạ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ hoàn lưu khí hậu nhiệt đới. Vừa chịu ảnh hưởng khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, mỗi năm khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt mùa mưa rét và mùa nắng nóng: từ tháng 2 đến tháng 8 là mùa nắng nóng thường xảy ra các đợt gió Tây Nam (gió Lào, gió Phơn) mỗi đợt kéo dài thường từ 5 đến 7 ngày gây ra hạn hán kéo dài nhiều tháng khiến cho đồng ruộng khô cạn, nứt nẻ, có khi xen kẻ gió Nồm với Gió Lào. Nhiệt độ trung bình từ 24-360C, cá biệt lên đến 38-400C độ, mùa mưa tập trung vào cuối năm từ tháng 9 hàng năm trở đi, những tháng này mưa kéo dài liên tục 5-7 ngày, lượng nước lớn thường gây lũ lụt, úng, kèm theo gió mùa Đông Bắc, gió Sóc, độ ẩm cao, đất đai bị xói lở, bào mòn, làm cho đất bạc màu; nhiệt độ trung bình vào mùa mưa rét từ 12 đến 200C, có lúc rét đậm nhiệt độ hạ thấp xuống dưới 80C. Giao thời giữa hai mùa nóng và lạnh là thời kỳ chuyển tiếp có khí hậu hỗn hợp xen kẻ mưa nắng, nóng rét rất bất thường.

          Do khí hậu, thời tiết ở vùng  đất Quảng Bình nói chung, Hạ Trạch nói riêng diễn biến bất thường nên nơi đây được coi là vùng đất nổi tiếng thiên tai khắc nghiệt, mùa nắng nóng kéo theo hạn hán, mùa mưa gió kéo theo mưa lũ bão lớn; có những trận lũ lịch sử nước ngập đến tra (rầm nhà), ngập nóc nhà, có những trận bão lớn cấp 11-12 giật cấp 13-14 có sức công phá lớn gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế xã hội, môi sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

          Chính vì điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết của vùng đất Làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) nằm trong vùng đất Quảng Bình không theo hướng “giao hòa”, không hòa trộn không xen lẫn mà “tranh chấp” như: Khi đã rét thì chịu ảnh hưởng cái rét như tê dại thấu da thấm thịt của miền Bắc, khi đã nóng là nóng điên đảo như thêu như đốt của miền Trung. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” đã viết: Trên núi, miền dưới biển đất bạc màu thưa thớt, khí núi và khí biển xen lẫn nhau, chợt nắng liền nóng, chợt mưa liền lạnh; gió núi thường nổi về ban đêm, gió biển thường nổi về mùa hè, mùa thu, gió Nam nếu thổi từ hướng Tây Nam đến thì mạnh và nóng, nếu thổi từ Đông Nam đến thì dịu và mát. Trải qua thực tiễn cuộc sống chống chọi với thiên nhiên, nhân dân ta đức kết ra kinh nghiệm có tính quy luật của tự nhiên như tháng 10 sấm rạp, tháng giêng, tháng hai sấm dậy. Hàng năm mồng năm tháng chín, mồng ba tháng mười thường có bão lũ(1).

(còn nữa)

 

Tác giả : Xã Hạ Trạch

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip