Lỡ hẹn mùa hoa

07:44 - 29/12/2021

Truyện ngắn của Lưu Minh Hải viết cho mùa hoa Dã Quỳ Đà Lạt.

Lỡ hẹn mùa hoa

Ảnh: Tác giả Lưu Minh Hải

 

LỠ HẸN MÙA HOA

 

Tháng mười. Bên những cung đường, triền đồi, con dốc, bờ rào; quanh những ngôi biệt thự cổ kính lấp ló giữa ngàn thông...đâu đâu cũng một màu vàng tươi bung tỏa rực rỡ. Mùa hoa đã đến! Cao nguyên ngai ngái một mùi riêng biệt. Dã quỳ, cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại,... bao nhiêu cái tên được gắn cho loài hoa bình dị, thản nhiên mà giàu sức sống dữ dội này. Dã Quỳ, ai đã đặt tên? Vẫn muốn gọi em bằng cái tên thân thương ấy! Vừa nguyên sơ hoang dại, vừa e ấp dịu dàng, vừa kiên cường mạnh mẽ. Tôi yêu mùa hoa Dã Quỳ nơi ấy, một mùa hoa khác với những mùa hoa khác của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Cái mùa hoa quen thuộc ấy, cái thành phố trên cao nguyên xa xôi ấy là đích đến của bao lần một mình đi phượt. Ở đó tôi đã gặp em!

Mai đã là cuối tuần nữa rồi. Tôi chuẩn bị kĩ lại mọi thứ cho chuyến đi phượt vào ngày mai. Đây không phải là chuyến đi bình thường như mọi lần lên với Đà Lạt. Tôi muốn lần này phải vẽ được bức tranh ưng ý để tham dự hội thi sinh viên mỹ thuật toàn quốc sắp cận kề. Tôi là sinh viên ngành hội họa của trường đại học mỹ thuật ở Sài Gòn. Cái thú một mình đi phượt, không phải đi chơi mà là để tìm cảm hứng vẽ nó đã có trong tôi từ bao giờ. Ở Sài Gòn vẽ nhà, vẽ phố, vẽ người hoài chán lắm. Qua những lần đi phượt như thế, tôi đã tìm thấy điểm đến ưng ý ở một nơi xa xôi cách Sài Gòn gần ba trăm cây số, nơi có thể nói là lý tưởng để tôi thỏa sức vẽ. Đã nhiều lần tôi phượt lên với Đà Lạt một mình.

***

Vậy là đã hơn năm năm rồi, kể từ ngày cuối rời xa Đà Lạt để theo đuổi giấc mơ nghệ thuật ở xứ trời Tây. Đà Lạt bây giờ vẫn vậy! Đứng trên con dốc Nhiên Hạo nhìn mọi thứ vẫn thân quen như ngày nào: rừng thông, những con đường dốc, những ngôi nhà bên đồi, những vườn rau và vườn hoa, những ngôi biệt thử cổ kính thấp thoáng ẩn hiện,…Nhưng tất cả giờ đây đã trở thành xa lạ đối với anh. Mọi thứ dường như hờn trách, dường như né tránh, dường như rời xa anh! Dường như…! Thoáng buồn trên gương mặt chàng họa sĩ. Có lẽ lỗi tại mình! Hơn năm năm trời anh sống trong nghệ thuật, chìm đắm vào thế giới của nghệ thuật, của những bức hội họa, của những cuộc khám phá tại xứ sở có thể nói là kinh đô của nghệ thuật nhân loại ấy. Nơi đó trưng bày nhiều bức họa nổi tiếng của những danh họa thế giới mà khi tiếp xúc làm anh như lạc vào mê cung hình ảnh. Anh rất thích, thích một cách cuồng mê danh họa tài ba Leonardo da Vinci, với những tác phẩm kinh điển như Nàng Mona Lisa, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá,…Thế giới nghệ thuật đầy ma mị và những khát khao cháy bỏng đã thiêu đốt hết thời gian làm Nhiên Hạo tự mình dần xa với quá khứ, quên luôn cả những lời thề hẹn. Một khoảng cách vô hình giữa anh với người yêu cũng vì thế mà dần được đẩy càng lúc càng xa lúc nào anh cũng không hay. Còn nhớ những ngày tháng đầu mới sang Paris Nhiên Hạo nhớ Sài Gòn thì ít nhưng lại nhớ Đà Lạt vô cùng. Nơi đó có Chi Hoa, có mùa hoa Dã Quỳ và có lời thề hẹn. Thời gian khoảng hơn một năm đầu anh vẫn thường xuyên liên lạc với nàng. Anh khoe Paris phồn hoa diễm lệ, mong một ngày được vẽ chân dung nàng bên tháp Eiffel; khoe mình được học bổng; khoe quen nhiều bạn gái Tây nhưng không quên trấn an nàng về tình cảm chân thành mà mình dành cho nàng như những lời thề hẹn. Chi Hoa là cô gái ít nói và hiểu chuyện nên cũng dường như không khi nào hờn trách, giận dỗi mà thường động viên chàng cố gắng học hành vì tương lai. Nhiên Hạo dần chìm đắm vào thế giới ma mị của hội họa và mọi thứ khác cũng bắt đầu quên lãng dần. Một tuần rồi hai tuần, có khi là cả tháng anh quên khuấy luôn việc liên lạc, trò chuyện với người yêu mà không thấy nhớ. Những ý tưởng, những bức vẽ, những cuộc triển lãm,…anh trở thành tín đồ cuồng đạo của thứ tôn giáo họa hình ấy. Những giải thưởng mỹ thuật danh giá cũng bắt đầu đến với Nhiên Hạo.

***

Tháng mười, mùa hoa Dã Quỳ năm đó, lại một lần nữa chàng sinh viên mỹ thuật Sài Gòn môt mình phượt lên Đà Lạt với mục đích săn ảnh để dự hội thi sinh viên mỹ thuật toàn quốc. Bây giờ mùa hoa đang nở rộ, Dã Quỳ bung tỏa một sắc vàng rực rỡ, đẹp mê hồn trên những triền đồi, con dốc, bên vệ đường, ẩn hiện giữa ngàn thông bên những ngôi biệt thự cổ,…Nhiên Hạo đã vẽ nhiều về hoa Dã Quỳ và mỗi lần đều có những cảm xúc riêng mới mẻ. Sau gần ba ngày rong ruổi trên khắp những cung đường, ngọn đồi, con dốc để săn cảnh và vẽ, Nhiên Hạo vẫn chẳng thấy bức tranh nào vừa ý để mình có thể mãn nguyện khi gửi cho cuộc thi quan trọng ấy. Chiều chủ nhật, theo dự định thì đúng ra chiều nay anh sẽ rời Đà Lạt và về lại Sài Gòn nhưng không hiểu sao vẫn còn nấn ná. Tiếng chuông thánh đường từ nhà thờ nào đó vang vọng xen lẫn âm thanh bài hát “Tuổi đá buồn” của Trịnh vừa nghe vẫn còn vảng vất. Mỗi lần lên Đà Lạt, Nhiên Hạo đều ghé Nhạc quán DIỄM XƯA ở số 20 Khe Sanh để nhâm nhi cà phê và nghe nhạc, đắm chìm trong giấc mơ đi hoang giữa cao nguyên bạt ngàn. Cao nguyên huyền bí và ma mị, không giống với Sài thành. Một chiều chủ nhật vàng nắng mà sao nghe lòng như mưa.

“…Trời còn làm mưa

Mưa rơi mênh mang

Từng ngón tay buồn

Em mang, em mang

Đi về giáo đường

Ngày chủ nhật buồn

Còn ai, còn ai

Đóa hoa hồng

Cài lên tóc mây

Ôi đường phố dài

Lời ru miệt mài

Ngàn năm, ngàn năm

Ru em nồng nàn

Ru em nồng nàn…”

Chiều đã muộn. Lang thang cùng chiếc Win và đồ nghề vẽ trên đường về, khi đi qua con dốc bên triền đồi bất chợt Nhiên Hạo cảm thấy mình cần phải vẽ. Một bức cuối trước khi rời Đà Lạt. Những tia nắng gần cuối ngày còn lại đang rải một màu vàng dịu êm lên những thảm Dã Quỳ bên triền đồi. Xa xa ngàn thông và thấp thoáng ẩn hiện ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp. Một khung cảnh tĩnh lặng, có chút huyền bí mà ấm áp. Không tỉ mẩn như mọi lần, Nhiên Hạo lấy giá vẽ - cọ - màu và vẽ một cách nhanh chóng như sợ sẽ mất đi điều gì đó. Bức tranh được hoàn thiện rất nhanh, không cần chỉnh sửa gì.

***

Chi Hoa là một cô gái Đà Lạt gốc, mồ côi và sống với bà ngoại. Cô đang là sinh viên trường Đại học Đà Lạt. Cô và ngoại sống trong một căn nhà nhỏ bên triền đồi. Cứ mỗi mùa hoa Dã Quỳ đến thì bờ rào, mảnh vườn, ngôi nhà nhỏ ấy như được trang trí bởi một sắc vàng bình dị mà lộng lẫy, đơn sơ mà ấm áp. Bàn tay người con gái vẫn chăm sóc những mùa hoa thản nhiên bên đồi. Chi Hoa chọn học ở gần để được đi về và chăm sóc ngoại. Cô chọn ngành nông học, học về làm vườn vì cô yêu Đà Lạt, yêu tha thiết mảnh đất này. Cô muốn sau này tự bàn tay mình sẽ làm đẹp cho mảnh vườn nhỏ bên triền đồi của mình và ngoại này, cũng như sẽ góp sức để làm đẹp cho những vườn hoa, những vườn rau Đà Lạt. Tuy đã là sinh viên nhưng cô gái xinh xắn ấy sau giờ học ở trường chỉ biết về nhà bên ngoại thủ thỉ cùng với công việc chăm bón mảnh vườn nhỏ của hai bà cháu.

Bức tranh “Cô gái bên hoa Dã Quỳ ven đồi” được Nhiên Hạo vẽ vội vã trong phút thần hứng vào một chiều muộn, cuối ngày của ngày cuối trong lần phượt lên Đà Lạt lần ấy bất ngờ lại nhận được giải cao nhất của hội thi sinh viên mỹ thuật toàn quốc. Nó đã trở thành một tác phẩm hội họa có giá trị, đại diện, ghi tên danh giá cho chàng sinh viên mỹ thuật Nhiên Hạo. Hôm đó thời gian đã muộn và Nhiên Hạo vẽ một cách thần hứng trong vội vã. Cũng có lẽ vì vậy mà nhân vật trong tranh và chàng họa sĩ chẳng những đã không gặp mặt mà còn vô tình không hề lưu lại gì với nhau. Sau khi bức tranh đoạt giải, Nhiên Hạo cảm thấy chút áy náy và muốn tìm lại người trong tranh ấy. Nhưng chàng ta nhiều lúc có chút đãng trí kiểu nghệ sĩ nên đã không còn nhớ rõ được địa điểm cụ thể của bức tranh mình đã vẽ ấy là ở đâu. Đã có lần chàng trở lại Đà Lạt để tìm cô gái trong tranh ấy mà không được. Thế nhưng thế sự nhân duyên mà người ta hay nói là có thật. Cố công tìm không thấy mà vô tình xui khiến lại gặp nhau. Lại một lần phượt lên với Đà Lạt, lúc đó mưa lâm râm mà trời lại sâm sẩm tối, Nhiên Hạo gặp tai nạn té xe ở một khúc cua trên con dốc bên đồi. Một cô gái đã gặp, vì cũng gần nhà mình và không còn cách nào khác nên cô đã đưa chàng sinh viên về nhà mình để sát trùng và băng bó vết thương. Đêm đó và cả mấy ngày hôm sau chàng sinh viên phải tá túc lại ngôi nhà nhỏ xinh bên triền đồi của hai bà cháu Chi Hoa. Nhiên Hạo đã nhận ra cô gái này chính là người trong tranh “Cô gái bên hoa Dã Quỳ ven đồi” của mình nhưng chàng vẫn im lặng, chỉ biết lặng lẽ trộm ngắm nhìn nàng như ngắm cô gái trong tranh mà không nói. Trước khi chia tay hai bà cháu, rời Đà Lạt để về lại Sài Gòn, chàng sinh viên có lời hứa với cô gái rằng sẽ gửi tặng cô một bức tranh thật đẹp do chính tay mình vẽ, vì bây giờ tay mình đang đau nên không vẽ được. Khoảng một tuần sau, Chi Hoa nhận được quà từ Sài Gòn. Bức tranh “Cô gái bên hoa Dã Quỳ ven đồi” Nhiên Hạo cố vẽ sao y lại cho giống với bản chính. Dù tỉ mẩn nắn nót từng nét vẽ nhưng chàng vẫn không hài lòng bằng cái bản chính vẽ chóng vánh đã gửi đi dự thi, đạt giải cao và đang được triển lãm ấy. Niềm vui bất ngờ đến với cô gái. Chi Hoa rất vui khi phát hiện mình là nhân vật cô gái trong tranh. Nàng cẩn thận treo bức họa lên ở một góc dễ thương trong căn nhà đáng yêu của mình và coi nó như vật quý giá, ngày ngày không quên nhìn ngắm. Bà ngoại thì luôn xuýt xoa: Tài thật! Sao cậu ấy không nhìn mà vẽ cháu bà giống đến thế! Con đường Sài Gòn – Đà Lạt gần ba trăm cây số ấy lại dày thêm những chuyến đi. Chiếc Win của Nhiên Hạo cứ cuối tuần lúc nào cũng lại được đổ đầy xăng để có thể sẵn sàng lên đường. Yêu xa. Chi Hoa xót cho chàng phải vất vả nên khuyên Nhiên Hạo rằng một tháng lên một lần thôi. Nhưng tháng nào chàng cũng lên hai đến ba lần.

Vậy là tình yêu của chàng họa sĩ với người trong tranh bén duyên cũng đã hai năm rồi. Kể từ ngày nàng vô tình lọt vào trong tranh ấy. Mùa hoa Dã Quỳ lại về! Đâu đâu cũng một sắc vàng tươi, trong sáng. Sắc màu của hi vọng, của niềm tin. Chàng họa sĩ vẫn ngân nga cùng cô gái:

Em lạc vào trong tranh

Em lạc vào đời anh

Vào mùa hoa vàng nở

Ôi Dã Quỳ thương nhớ

Hãy tỏa sáng tình yêu!

Nhiên Hạo vừa nhận được tin, không biết nên vui hay buồn nữa. Anh giành được suất đi du học ở Pháp. Nhà trường nói rằng đây là một suất duy nhất dành cho sinh viên mỹ thuật đặc biệt tài năng. Mấy hôm liền, Nhiên Hạo luôn trong trạng thái đấu tranh tư tưởng giữa việc quyết định đi Pháp du học hay là từ chối không đi. Anh vẫn chưa dám nói tin này cho người yêu biết. Nếu từ chối không đi thì sẽ bỏ mất cơ hội có một không hai để phát triển niềm đam mê cháy bỏng về nghề nghiệp của mình. Cơ hội ấy chắc sẽ không bao giờ trở lại nữa! Mơ ước được vươn xa tiếp cận với nền hội họa thế giới đó luôn là khát khao cháy bỏng trong chàng sinh viên Nhiên Hạo từ trước tới giờ. Đó cũng là ước mơ của biết bao nhiêu người. Nếu đi thì mình sẽ phải xa Chi Hoa rất lâu. Dự cảm trước mắt là nỗi buồn dằng dặc khó mà chịu nổi. Cuối cùng, sau bao nhiêu đấu tranh tư tưởng rồi Nhiên Hạo cũng có quyết định chọn đi du học. Thời gian sẽ là ba năm. Trước ngày đi, Nhiên Hạo đã dành hẳn một tuần ở Đà Lạt bên người yêu. Cuộc chia tay trong những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp nhưng lại vương đầy nỗi buồn. Lời thề hứa sẽ trở về để viết tiếp câu chuyện tình yêu được Nhiên Hạo gửi gắm vào phía sau bức tranh định mệnh “Cô gái bên hoa Dã Quỳ ven đồi” ấy.

***

Mọi liên lạc từ Nhiên Hạo đến với Chi Hoa ngày càng thưa dần, thưa dần. Đã bao lâu rồi Chi Hoa không nhận được thư hay điện thoại từ người yêu? Nhiên Hạo thừa biết rằng trong chuyện tình yêu thì người yêu của mình là một cô gái gần như không biết chủ động và giành giật kia mà! Tại sao anh không liên lạc? Chi Hoa vẫn lầm lũi đợi chờ với mối tình đang xa xôi tận trời Tây bặt vô âm tín ấy. Sau khi ra trường, Chi Hoa làm việc cho một trại hoa hồng ở ngay tại Đà Lạt và khá gần nhà. Ngày ngày, ngoài công việc ở trại hoa thì cô lặng lẽ sống bên bà ngoại và chăm sóc mảnh vườn nhỏ của mình. Chi Hoa vẫn còn nhớ ngày trước Nhiên Hạo từng nói với cô rằng anh chỉ mơ ước sau này hai người sống bên nhau, cô làm vườn chăm sóc những mùa hoa còn anh sẽ ngày ngày tha hồ lãng du, vẽ hết những mùa hoa của Đà Lạt. Một vườn hoa của cô và một phòng tranh của anh. Cuộc sống chỉ cần như thế! Hạnh phúc ở đó mỉm cười nhìn hai người mỗi ngày. Ba năm như kế hoạch ngày anh đi đã trôi qua. Rồi bốn năm! Nhiên Hạo vẫn chưa trở về với Chi Hoa và Đà Lạt. Không biết ở nơi phương trời xa xôi ấy anh bây giờ thế nào, có còn nhớ tới cô không? Có còn nhớ những lời hẹn ước và một người con gái đang ngày ngày chờ đợi? Từ ngày ngoại mất, Chi Hoa càng sống lầm lũi, thu mình trong nỗi buồn xa xăm.

Nhiên Hạo là một sinh viên tài năng, rất chăm chỉ và đặc biệt có một niềm đam mê gần như tuyệt đối với nghề nghiệp. Tài năng và tính cách ấy của chàng trai trẻ ngoại quốc đã lọt vào sự chú ý từ ngài trưởng khoa, cái khoa mà anh đang học tại trường đại học. Nhiên Hạo có sức thu hút và luôn nhận được sự nâng đỡ ân cần từ người thầy là trưởng khoa của mình. Những ý tưởng, những tác phẩm của anh luôn được sự chắp cánh của thầy nên ngày càng dễ vươn xa hơn, được biết đến nhiều hơn. Chàng sinh viên vẫn vô tư miệt mài với sự học hỏi, với những ý tưởng và những bức tranh mà không nhận ra rằng người thầy đang âm thầm nhắm mình cho cô con gái út cưng của thầy. Marie đang là sinh viên trường múa, một cô gái rất lãng mạn. Đã là sinh viên rồi nhưng Marie vẫn thường nhõng nhẽo bố mẹ một cách rất vô tư. Ông bố thì rất yêu chiều cô con gái út của mình. Nhớ hôm lần đầu đến nhà thầy, sự hồn nhiên vô tư của cô gái có mái tóc vàng óng đã làm Nhiên Hạo phải ngại ngùng, bối rối. Cô khen anh đẹp trai nhưng lại chê đàn ông phương đông một cách thẳng thắn. Thỉnh thoảng Nhiên Hạo lại được thầy gọi đến nhà có việc hay mời đến dùng cơm nhân một dịp gì đó. Chính vì vậy mà khoảng cách giữa chàng sinh viên với gia đình thầy như ngày càng gần gũi và thân mật hơn. Anh cảm nhận được lòng quý mến, sự tôn trọng của thầy và gia đình thầy dành cho mình. Nhiên Hạo trân trọng điều đó. Không hiểu sao Marie không còn chê bai đàn ông phương đông mỗi khi trước mặt Nhiên Hạo nữa mà ngày càng quấn quýt anh hơn. Mỗi khi Nhiên Hạo đến nhà thầy, Marie còn nhõng nhẽo bắt chàng phải làm việc này việc nọ cho mình nữa. Marie còn hồn nhiên nói với Nhiên Hạo trước mặt cả nhà rằng khi nào anh về nước thì cô sẽ theo anh sangViệt Nam. Cũng chính sự vô tư, hồn nhiên của Marie ấy làm cho Nhiên Hạo ngày càng bớt e ngại, bớt khoảng cách mà gần gũi và thoải mái với nàng hơn. Với Marie, có khi Nhiên Hạo thấy mình như là một người anh trai, cũng có khi anh thấy mình như là một người tình chiều chuộng của cô nàng nhõng nhẽo này vậy. Tuy tính cách hay nũng nịu khá trẻ con có thể ảnh hưởng từ sự cưng chiều của gia đình từ nhỏ nhưng Marie luôn biết tạo lí do đòi hỏi chính đáng, không hề có kiểu hạch sách hay khó chịu. Đặc biệt cô luôn là người biết làm cho Nhiên Hạo cười, sự lãng mạn của cô biết cách giúp anh có những thăng hoa trong nghệ thuật. Bức họa “Vũ nữ ballet” mà Nhiên Hạo vẽ Marie là một trong những bức họa được thầy đánh giá rất cao và cô nàng thì rất yêu thích treo ngay ở đầu giường phòng mình. Marie vẫn luôn đùa Nhiên Hạo rằng cô sẽ trả giá bức tranh này cho anh với một cái giá rất đắt, nhưng chưa biết khi nào cô trả.

***

Chi Hoa vẫn sống lầm lũi một mình với ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ bên sườn đồi cạnh rừng thông, xa xa thấp thoáng ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp có chút gì vẻ ma mị và huyền bí. Bức tranh “Cô gái bên hoa Dã Quỳ ven đồi” vẫn đó nơi góc nhà thân thương như chứng kiến sự đợi chờ thủy chung của nàng. Từ ngày nhận được cái tin rằng Nhiên Hạo đã có người yêu bên trời Tây; rồi những bức ảnh mà Nhiên Hạo chụp bên một cô gái Tây – người tự xưng là người yêu của anh, lòng Chi Hoa lúc nào cũng buồn. Một nỗi buồn vô hạn! Một sự đổ vỡ quá lớn! Nỗi đau lặn vào trong làm kiệt quệ cô gái từng ngày. Nàng càng khép lòng mình lại. Có nhiều chàng trai theo đuổi, muốn che chở và san sẻ đã ngỏ lời nhưng Chi Hoa không nhận lời yêu một ai. Vào một buổi chiều mùa đông có một người kĩ sư nông nghiệp xa lạ mới đến Đà Lạt đã cứu sống một cô gái tiều tụy, ngất xỉu suýt chết ở bên sườn đồi.

Tuấn Khải là một kĩ sư nông nghiệp ở Sài Gòn vì có niềm đam mê làm vườn, đam mê Đà Lạt nên anh đã chuyển nhà lên và mở một nông trang lớn với quy mô chuyên nghiệp tại đây. Nông trang của anh cách ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ của Chi Hoa không xa. Sau sự tình cờ gặp gỡ và cứu sống cô gái Đà Lạt, chàng kĩ sư đẹp trai, đại gia nông trang đã lặng lẽ âm thầm chở che cho cô gái đáng thương này. Bằng tình yêu thương lớn lao và chân thành, chàng trai đã dần dần cảm hóa, sưởi ấm trái tim đau khổ nơi người con gái hiền lành đang mang trong mình mặc cảm bị phản bội. Sau một thời gian dài thu mình và né tránh tình cảm đặc biệt của chàng kĩ sư, cũng không hiểu từ khi nào Chi Hoa dần lặng lẽ chấp nhận ân tình và tình yêu chân thành của Tuấn Khải. Nhưng dường như thẳm sâu trong đáy mắt cô gái vẫn ẩn chứa vảng vất những sợi buồn. Tuấn Khải biết và hiểu điều đó. Anh vẫn dành tình yêu thương cho nàng một cách vô điều kiện. Anh tin rằng rồi cô sẽ dần quên đi những khổ đau và tìm thấy niềm vui thực sự trở lại trong đời. Và anh chính là người sẽ giúp cô điều đó.

***

Hơn năm năm, một khoảng thời gian đủ để cho Nhiên Hạo đạt được những thành công có thể nói là mĩ mãn trên con đường chinh phục đam mê nghệ thuật hội họa của mình ở trời Tây. Với tài năng, sự chăm chỉ của anh cùng với sự nâng đỡ của người thầy trưởng khoa, danh tiếng của Nhiên Hạo bây giờ nổi khắp cả nước ngoài lẫn trong nước. Lần này mặc dù chưa nói với thầy nhưng Nhiên Hạo đã từ chối mấy lời mời quyến rũ, theo dự định anh sẽ về nước hẳn. Sau chuỗi triển lãm tranh ở Hà Nội, Sài Gòn và mấy thành phố lớn trong nước, Nhiên Hạo đã trở lại Đà Lạt. Bây giờ đang độ giữa mùa hoa Dã Quỳ. Mùa hoa yêu thương và kỉ niệm! Một màu vàng tươi rực rỡ những con đường, triền dốc, sườn đồi Đà Lạt. Dù bây giờ đã có thể đi xe hơi nhưng Nhiên Hạo vẫn dùng chiếc Win cũ và một mình trở lại với Đà Lạt như chàng sinh viên của năm nào. Anh muốn Chi Hoa thật bất ngờ và thấy lại hai người như trong hoàn cảnh của chính ngày xưa ấy. Căn nhà nhỏ cùng mảnh vườn bên sườn đồi vẫn còn đó. Hoa Dã Quỳ vẫn một màu vàng rực bên bờ rào và khắp trong vườn. Nhưng bây giờ đây bên cạnh căn nhà đó đã mọc lên một ngôi biệt thự sang trọng kiểu nhà vườn cùng một nông trang có đủ các loài hoa và rau xanh đặc sản của Đà Lạt. Đang miên man suy nghĩ và ngờ ngợ thì Nhiên Hạo được ông chủ nông trang mời vào nhà uống nước. Bước vào ngôi nhà sang trọng và sạch sẽ ấy Nhiên Hạo rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trong phòng khách treo nhiều bức họa của mình. Thấy anh có vẻ chú ý những bức tranh, Tuấn Khải mới cho anh biết rằng cậu ta là một người mê tranh nên đã mua những bức tranh này về treo trong nhà. Vợ cậu ta cũng thích những bức tranh ấy. Nhiên Hạo biết rằng đây là những bức tranh có giá không hề rẻ. Đó là những bức tranh đặc biệt của anh, phía dưới còn có cả kí hiệu cách điệu của anh. Nhiên Hạo thầm hiểu rằng Tuấn Khải là một người rất có con mắt thẩm mỹ về hội họa nên mới mua những bức tranh đó và có cách bài trí chúng như thế. Khi vừa chào chủ nhà, bước ra định về Nhiên Hạo bỗng ngớ người ra trước người phụ nữ vừa đi chợ về đang gọi chồng đỡ xe cho mình. Chi Hoa! Hai người á khẩu, đứng như trời trồng, nhìn nhau chẳng thể nói nên lời.

***

Bây giờ đã gần cuối mùa hoa Dã Quỳ. Bên những cung đường, con dốc, triền đồi; bên những bờ rào, trong vườn,…những cánh hoa Dã Quỳ lả tả bay bay trong gió se se lạnh và rụng đầy trên mặt đất. Đi bên cạnh Chi Hoa, Nhiên Hạo lại nhớ đến câu chuyện về sự tích loài hoa Dã Quỳ mang đầy tính huyền thoại mà ngày xưa nàng đã kể cho anh nghe. Truyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, nơi buôn sóc nọ có chàng K’Lang và nàng H’Limh yêu nhau tha thiết. Ngày ngày chàng K’Lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn nàng H’Limh khéo léo dệt tấm chăn cho chồng. Tối tối hai người họ lại cùng dân làng trong buôn quây quần đốt lửa và múa hát. Cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cứ thế trôi đi cho đến ngày biến cố đột ngột xảy ra với họ. Đó là một ngày bình thường như bao ngày khác, K’Lang vào rừng săn thú nhưng tới tối vẫn chưa thấy về. H’Limh chờ hoài không thấy, nàng lo lắng bèn đi tìm K’Lang. Nàng đi sâu vào rừng và thảng thốt cất tiếng gọi người yêu nhưng đi mãi, đi mãi, hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà vẫn không thấy K’Lang đâu cả. Cái giá rét của khí trời lập đông trên vùng cao nguyên khiến cho nàng thêm lạnh lẽo hiu quạnh và cô đơn tuyệt vọng. Không đủ sức chịu đựng khi vừa đói, vừa rét, nàng đã ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ nàng thấy chàng K’Lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Giật mình tỉnh dậy như được tiếp thêm động lực, H’Limh vượt qua bao mệt mỏi tiếp tục đi tiếp đến đầu nguồn. Nàng nhìn thấy chàng K’Lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasíêng trói chặt. Nàng chạy lao mình đến ôm lấy người yêu mặc cho những mũi tên, ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của LaRihn – con trai tộc trưởng Lasiêng. Thì ra vì quá ghen tuông với tình yêu của H’Limh dành cho K’Lang mà La Rihn đã bắt K’Lang và bắn ra mũi tên hận tình ấy. Nhưng hắn đâu có ngờ, người lãnh trọn mũi tên nghiệt ngã ấy lại là H’Limh - người con gái mà hắn ngày đêm thương thầm trộm nhớ nhưng không được đáp lại tình cảm. H’Limh chết. Nàng chết trong tư thế quỳ xuống đất và ôm lấy K’Lang không rời. Về sau, tại nơi đôi uyên ương lìa xa sự sống, người ta thấy mọc lên một loài cây mà hoa chỉ nở vào tháng 10 – thời điểm H’Limh và K’Lang chết bên nhau. Người đời đã gọi loài hoa dại này với cái tên mang một chút kiêu sa, một chút lãng mạn: Dã Quỳ. “Dã” có nghĩa là hoang dã, “Quỳ” có nghĩa là quỳ gục xuống. Cây hoa Dã Quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh. Những cánh hoa màu vàng rực pha chút cam tràn đầy sức sống mãnh liệt và ý chí bất khuất như tình yêu chung thủy của nàng H’Limh. Nhưng không hiểu sao người đời về sau không dùng hoa Dã Quỳ để tặng nhau trong giao tiếp, trong tình yêu mà chỉ chiêm ngưỡng khen tặng tiếc nuối cho đó là loài hoa dại?

Tuấn Khải đã hiểu hết mọi chuyện về mối tình giữa Chi Hoa và Nhiên Hạo từ khi anh chưa rước cô về nhà. Từ sau khi bà ngoại mất, Chi Hoa cút côi không còn ai thân thích. Tuấn Khải yêu thương, trân trọng biết bao người con gái nhỏ bé đầy lòng nhân hậu và trắc ẩn này. Anh tự hứa rằng sẽ bảo vệ và bù đắp những sự thiếu khuyết tình cảm trong tâm hồn cho cô gái ấy. Anh cũng đã từng dự cảm về sự xuất hiện trở lại của Nhiên Hạo vào một ngày nào đó nhưng anh vẫn thật lòng yêu thương Chi Hoa vô điều kiện. Sự xuất hiện của Nhiên Hạo bây giờ làm Tuấn Khải suy nghĩ rất nhiều. Khuôn mặt Chi Hoa vốn đã mang nét buồn rồi, mấy ngày nay thấy vẻ đượm buồn trên khuôn mặt nàng anh càng thương xót vô cùng. Anh rất yêu Chi Hoa, sợ mất cô nhưng anh không thể ích kỉ mà để cô buồn như thế được. Sau những do dự, Tuấn Khải đã quyết định nói thật hết nỗi lòng mình với Chi Hoa và cho phép nàng được tự do lựa chọn hạnh phúc của mình. Vì đó không là quá khứ, cũng không là hiện tại mà còn là tương lai suốt cuộc đời nàng. Chi Hoa buồn im lặng!

Một buổi chiều mùa đông. Nhiên Hạo đến ngôi nhà cũ thắp nén hương cho ngoại Chi Hoa. Bức tranh “Cô gái bên hoa Dã Quỳ ven đồi” ngày xưa anh tặng nàng vẫn còn vẹn nguyên ở đó. Cô gái trong tranh như đang nhìn anh đầy vẻ đượm buồn, như có điều gì trách móc. Tại Nhạc quán DIỄM XƯA ở số 20 Khe Sanh, vẫn chỗ ngồi cũ quen thuộc cùng li cà phê đen. Chiều Tây Nguyên se se lạnh trong tiếng nhạc của tình khúc Trịnh buồn:

“…Trời còn làm mưa

Mưa rơi thênh thang

Từng gót chân trần

Em quên, em quên

Ôi miền giáo đường

Ngày chủ nhật buồn

Còn ai, còn ai

Đóa hoa hồng

Tàn hôn lên môi

Em gầy ngón dài

Lời ru miệt mài

Ngàn năm, ngàn năm

Ru em muộn phiền

Ru em bạc lòng…”

Nhiên Hạo lặng lẽ rời Đà Lạt sau khi viết bức thư giã biệt gửi lại cho Chi Hoa. Không ai biết anh về Sài Gòn, quay lại Pháp theo mấy lời đề nghị bỏ ngỏ trước khi anh về nước hay là anh đi đâu. Vì mãi theo đuổi đam mê, hào nhoáng của nghệ thuật và danh vọng Nhiên Hạo đã bỏ lỡ một mùa hoa- mùa hoa cuộc đời, lỡ hẹn lời thề hẹn trăm năm.

 

Tác giả : Lưu Minh Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip