Chuyện về một người thầy làng Cao Lao Hạ

12:06 - 13/11/2011

Bài của anh Cảnh Giang viết về thầy giáo Lưu Đức Nhu đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số tết ngày 31/12/2011.

 

Ở làng Cao Lao Hạ - Hạ Trạch Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngày xưa dưới thời thực dân phong kiến, nổi tiếng là làng : “Thầy Đồ ”.

 

Nơi đây một làng quê nhỏ, nghèo, nhưng từ thế kỷ thứ XVI  cho đến dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn, đã có nhiều nhà Nho làm nghề dạy học, các học trò sau này lớn lên, vào các khoa thi, đỗ đạt khá nhiều và có nhiều người làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn. Trong số những học trò, theo học trường làng có cụ Lưu Đức Nhu sinh năm 1900, con trai của chánh tổng Lưu Đức Hàn, lớn hơn nhà thơ Lưu Trọng Lư 10 tuổi.  Thuở nhỏ cụ Lưu Đức Nhu theo học chữ Hán, cụ học giỏi, thông minh, là người văn hay, chữ tốt nhất nhì trong làng.  Năm 1919 các khoa thi chữ Hán bị bãi bỏ, việc học tập phải theo hệ thống giáo dục của thực dân Pháp. Cụ Lưu Đức Nhu chuyển qua học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, cụ là trong số, các con quan được vào cố đô Huế theo học. Cụ học xong  chương trình ở trường Quốc học, do học rộng tài cao, cụ được nhà Vua phong chức Cửu Phẩm và điều về dạy học ở trường Tràng An – Huế. Suốt thời gian ở Huế cụ là một thanh niên hào hoa phong nhã, cụ thông thạo thiên văn, phong thủy, huyền không học của Trung Hoa, Tướng Pháp và Ngọc Hạp Thông Thư của nhà Nguyễn. Sau này Cụ chán ghét cuộc sống phồn hoa nơi đô thị, nỗi nhục nhã của người dân nô lệ, mất nước, cụ bỏ về quê làm nghề dạy học, xây dựng gia đình cho đến khi qua đời. Ngoài làm nghề dạy học, cụ còn làm thơ và dịch thơ. Thơ của Cụ rất phong phú, bao gồm cả thơ Nôm, thơ mới bằng chữ quốc ngữ và thơ dịch từ thơ Pháp. Nhưng rất tiếc  những sáng tác của cụ phần lớn là chống lại chế độ thực dân phong kiến thối nát, nên không được đăng tải, không xuất bản,  mà chỉ gửi tặng học trò, bạn bè, người thân, như một ấn phẩm tuyên truyền bí mật và được lưu giữ trong trí nhớ của mọi người… Cụ bị bệnh và qua đời khi còn rất trẻ. 42 năm của cuộc đời,  hơn 30 năm theo học và làm nghề dạy học, cụ đã để lại trong lòng các thế hệ học trò, tư tưởng tiến bộ, tấm lòng yêu nước, thương dân, một lòng gắn bó với quê hương và chí căm thù giặc sâu sắc. Sau này các học trò của Cụ phần lớn trưởng thành, tham gia kháng chiến, nhiều học trò trở thành nhà thơ, nhà báo, nhà quân sự như thiếu tướng Lưu Dương, nhà thơ nhà giáo Lưu Trọng Thùy vv…

 

Mãi đến khi đất nước thống nhất, năm 1976 bà Tôn Nữ Thục Chinh, bạn tri kỷ của Cụ thời ở Huế, con của một vương quan trong triều đình nhà Nguyễn, đã gom nhặt được một số bài thơ của Cụ, cùng Cựu chiến binh Lê Chiêu Cường con của một học trò  cũ của Cụ,  đã sưu tầm bước đầu, được 23 bài thơ, và in thành tập, lấy tên: “ CỬU PHẨM LƯU QUAN TỘC TÌNH THI ”( thơ tình của ông Cửu Phẩm  họ Lưu Quan.)

 

Đọc thơ cụ,  một thư sinh thời đất nước những năm 1930, tối tăm tù ngục, một thầy giáo dạy tiếng Pháp, tiếng quốc ngữ cho con nhà giàu, quan lại, nhưng sớm giác ngộ, sớm nhận biết, đất nước bị xâm lăng, dân tộc bị nô lệ. Trong bài CHÍ TRAI cụ viết :

 

Chí lớn đã về với nước non / Hiếu trung hai chữ giữ vuông tròn / Làm trai đâu để đời phiêu bạt / Gánh vác Giang sơn buổi mất còn…

 

 Cụ nhắc nhở học trò, bạn bè, làm trai thời loạn lạc, thời đất nước bị nô lệ, xâm lăng; Cụ viết: “… Tình nặng mà nghĩa không cân nhẹ /  Màng chi duyên, xe chốn vàng son / Cù mộc, Bách tùng luôn đứng thẳng / Khí phách anh hùng sử lưu danh.” ( Chí trai ).

 

Cụ nhắc nhở những người trai đất Việt, đứng dậy chống quân xâm lăng, dành lại độc lập tự do cho tổ quốc. Khí phách như cây Tùng, cây Bách, vững vàng, trong gió bão mưa sa, chí trai anh hùng,  lịch sử đất nước mãi lưu danh.

 

Ngày ngày ra đường đến trường, gặp bọn Tây mũi lõ ngông nghênh ngoài đường, cụ càng căm tức, Cụ càng đớn đau, thương đất nước mình thuộc địa, dân mình bị đồng hóa lối sống lai căng của giặc Tây; Trong bài MIỀN THUỘC ĐỊA cụ viết: “ Ngó về Vĩ Dạ, bến Văn Lâu / Gió tây rát mặt, sóng đỏ ngầu / Nóng bỏng trời Nam đất thuộc địa / Ra đường thấy cú trợn mắt thau…” Hay “ … Hổn loạn dân tình khiếp mũi lọ / Áo tím, dung y đã  biến màu / Đau lòng con trẻ tờ giấy trắng /  Đệ lang vẽ rắn dọa đồng bào…( Miền thuộc địa )”.

 

Cụ căm thù giặc Pháp, càng ngày càng lộ rõ bản chất thâm độc, o ép triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, để xâm lược đất nước ta. Cụ thương những nghĩa sĩ Cần Vương ở quê nhà Cao Lao Hạ, đã cùng tướng quân triều đình Lê Mô Khải, người con anh hùng của quê hương đã lập căn cứ ở Trại Nái ( Ba Trại) phò vua bền gan đánh Pháp. Cụ cảm kích, chí khí ngoan cường của nghĩa sĩ Cần Vương. Trong bài PHÂN ƯU Cụ viết: “ Trại Nái cứ địa mấy tang thương / Khu Túc thành lũy tịch bóng dương / Lệ Đệ buồn thương hồn nghĩa sĩ / Quan lớn họ Lê lánh quan trường…”

 

Cụ chia sẻ nỗi đau mất mát hy sinh, những người của làng quê bất khuất, kiên cường đánh giặc, Cụ làm thơ giáo dục học sinh, chia sẻ, nỗi niềm với bạn bè, Cụ khẳng định một dân tộc bị nô lệ, một đất nước bị xâm lăng, thì mỗi gia đình chịu chung số phận của một kẻ mất nước, mất hết tự do: “ Bằng hữu, tình  thân rơi nước mắt/ Phân ưu một phút nghĩa Cần Vương /  Quốc vong dân tình kham nô lệ / Nước mất thì nhà giữ được chăng ?( Phân Ưu ) ”.

 

Đọc thơ Cụ, càng hiểu thêm tấm lòng của Cụ, tấm lòng của những người con xa quê, cách núi cách sông, nghìn trùng thăm thẵm, đường đi lại khó khăn, phương tiện không có. Nỗi thương cha nhớ mẹ, nhớ quê hương càng thêm da diết. Mặc dù sống ở cố đô, nơi cảnh đẹp người xinh, nơi lầu son gác tía, nhưng Cụ càng ngắm sông Hương với núi Ngự Bình, cụ càng nhớ đến nao lòng dòng sông Linh Giang quê mẹ, nhớ núi Lệ Đệ quê cha, nhớ nỗi vất vả nơi miền quê nghèo khó, một nắng hai sương nuôi mình khôn lớn. Trong bài CHÂN QUÊ Cụ viết: “ Sông Hương với núi Ngự Bình / Sánh với quê mình đẹp đến là bao ? Linh Giang sóng nước  dạt dào/ Ngàn xanh Lệ Đệ vợi cao Lũy Thành / Ta về tắm nước Vực Sanh ? Mắm Coòng rau muống, nuôi mình lớn khôn…”

 

Chúng ta càng cảm phục tấm lòng của một thầy giáo, luôn thủy chung son sắt, gắn bó với quê hương, để rồi trong bài giảng của thầy càng nhắc nhở học sinh, lòng biết ơn công cha nghĩa mẹ, đạo lý “ Cây có cội, nước có nguồn”, “ Ăn quả nhớ người trồng cây”: “ Ta về cảm tạ nguồn Son / Bãi bờ mang nghĩa nước non ngàn đời / Bần chua, mận ngọt lịm môi / Em cứ hờn dỗi bắt tôi hái về… ( Chân Quê )”

 

Như vậy đấy,  từ lòng “thương cha nhớ mẹ”. đến  “ tình yêu quê hương, làng mạc, xóm thôn, cây đa , bến nước…” rồi đến “ Tình yêu tổ quốc…”

 

Ngoài những bài thơ giáo dục học sinh lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, đến tình yêu quê hương, tình yêu dân tộc, nghĩa đồng bào… Thầy giáo Lưu Đức Nhu còn có nhiều bài thơ tặng học trò, tặng bạn bè tri kỷ, tặng người thân, và người bạn đời chung thủy.

 

Khi dạy học ở Huế, thầy giáo Lưu Đức Nhu vừa là người có tài vừa đẹp trai, hào hoa,  phong nhã, vì vậy nhiều cô nữ sinh người Huế tỏ tình. Mặc dù còn trẻ chưa lập gia đình, nhưng trong thâm tâm thầy: “ Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn …”

 

Vì vậy khi nữ sinh đứng bên thầy: “ Suối tóc xanh, đôi mắt nai tần ngần / Bối rối bên thầy sụt sùi lệ nhỏ…” Phút nghĩ suy,  lòng dặn lòng , giữ gìn bản chất tốt đẹp của người thầy giáo chân chính, thầy dứt khoát với em về mối quan hệ của mình: “ .. Giây phút này ta là thầy, là anh/  Anh trai đứng trước đàn em bé nhỏ … Hãy bay đi đàn sáo sậu yêu thương…”

 

Với người bạn gái thân một thời để nhớ, Cụ viết: “ Trời như đất lặng thầm mơ dấu guốc / Cỏ thanh thiên hoa tím đợi em về..( Đợi em )” Với người vợ hiền thầy viết: “ Tại gia tòng phụ/  Đôi ta thiên định vị rồi/ Anh mơ được em như người trong mộng…( Vấn tình )”.

 

            

Bìa cuốn sách: Cửu phẩm Lưu Quan Tộc Tình thi

 

Khép lại tập thơ mỏng “ Cửu phẩm Lưu Quan tộc tình thi ” của CCB Lê Chiêu Cường sưu tầm giới thiệu, chúng ta càng thương tiếc Cụ một con người tài hoa mà cuộc đời quá ngắn ngủi. Những bài thơ nhặt lại trong trí nhớ dân gian chưa được nhiều, nhưng mới ngần ấy thôi, những câu thơ “rừng rực lửa căm thù” của một người trai mất nước, những vần thơ “ ngọt ngào tươi mát, như dòng nước Vực Sanh Quê hương”, Những vần thơ “ Như giục giã, thôi thúc người ra trận…”  Càng thấy giá trị  của những bài thơ “ Tiền chiến”, là bài học sâu sắc cho những thầy giáo đứng trên bục giảng hôm nay, và những thế hệ học trò, luôn theo bước chân,  của các bậc tiền nhân có “ Tấm lòng tiên sinh trong sáng /  Rạng ngời như ánh Sao Khuê…”

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip