Mau mau! Trâu ẹ!

01:14 - 07/06/2014

Ghi chép của anh Lưu Văn Lộc về ký ức của thế hệ sinh ra và lớn lên trong cái thời bom đạn chiến tranh, cái thời nghèo khó, đã từng tham gia hợp tác được hứng phân trâu và quen với tiếng kêu “trâu ẹ”.

 

Tháng 5 mùa gặt, đi qua những cánh đồng lúa chín vàng trĩu bông, không còn thấy cảnh nhộn nhịp kẻ gặt người gánh. Cũng không còn bắt gặp từng đoàn người kĩu kịt những gánh lúa nặng trĩu trên vai. Bỗng dưng lòng tôi lại thấy xốn xang, nhớ về những kỷ niệm thời ấu thơ, nhớ về những vụ gặt năm ấy.

 

Vào vụ gặt, lúa má gặt xong đều gánh về tập trung tại kho đội sản xuất. Vụ Đông Xuân cũng như vụ Hè Thu, lúa chất thành từng đống, có khi đầy kín tận nóc cả 5 gian nhà kho rộng thênh thang.

 

Chuyện gặt lúa, nhất là ruộng bàu sâu không hề đơn giản. Mỗi đội sản xuất phải tập trung gặt từng bàu một để thuận lợi trong việc bố trí người gặt, người bó, người gánh. Lúa bàu ngày xưa là giống cũ, cây cao, năng suất thấp. Được cái, những giống lúa như lúa “nác 2” lại chịu ngập nước cực tốt. Có những bàu cấy xong chẳng thấy cây lúa đâu cả, nhưng vài ngày sau, cây lúa cứ đội nước mà lên. Nửa tháng sau đã phủ một màu xanh mơn mởn, nhìn mút tầm mắt. Mùa lúa chín, nhất là vụ Hè Thu thường hay gặp lụt nên việc gặt hái vô cùng vất vả. Gặt bàu thì dùng hái, cứ gặt được một nắm lúa chặt thì cắt 1 cây lúa dài hơn quấn lại làm 1 “tay lúa”, 7 tay là một rộp, 3 – 4 rộp  bó thành 1 bó. Mỗi tốp gặt năm, bảy người chung nhau 1 cái chõng gọi là “chõng cắt”. Cái chõng luôn được kéo theo sát người gặt để tiện cho việc bỏ lúa lên chõng. Chõng được cấu tạo đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt. Nó như chiếc giường, có song, có vạc nhưng dưới chân chõng có 2 thanh ngang. Mỗi thanh có 1 đầu hếch cái mũi nhọn lên để khi kéo không vướng vào bùn, không mắc “côộc toóc”. Chõng vừa là nơi bỏ lúa của thợ gặt, cũng là chỗ để bó lúa. Bó lúa cũng là một nghệ thuật, không phải lão nông nào cũng làm được việc này. Phải là người có sức khỏe, cao lớn và có kinh nghiệm mới bó chặt, khi xóc mới nâng được bó lúa lên. Đủ 2 bó xóc thành một gánh, có lão nông khác chờ sẵn gánh lúa lên bờ. Việc bó lúa, gánh lúa chủ yếu dành cho đàn ông, thanh niên. Những bước chân chậm rãi gánh những gánh lúa nặng trĩu trên những đôi vai chai sạn. Những đôi chân rớm máu vì rạ cào, đĩa cắn. Thế mà ngày này qua ngày khác, hàng chục, hàng trăm mẫu lúa bàu sâu, bàu cạn rồi cũng được gặt xong. Có những vụ, người nông dân phải mò mẫm vơ từng bông lúa bị ngập sâu trong nước, qua nhiều ngày đến nỗi hạt lúa đã lên mầm. Có khi bàu bị nước ngập sâu quá, sức người gánh không nổi phải dùng nôốc nan để chở lúa từ bàu vào bờ. Có vụ thì sâu keo, vịt trời phá hại, bông lúa chẳng còn mấy hạt nhưng cũng phải mò, phải gặt. Biết bao mồ hôi công sức đã đổ xuống, hy vọng chờ đợi một vụ lúa bội thu, nhưng trời không cho ăn đành chịu. Công cán, mồ hôi đổ ra thật nhiều nhưng lúa gạo thu về chẳng được bao nhiêu. Vậy nên, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng năm này qua năm khác. Gặt bàu vụ Đông Xuân thì có đỡ hơn. Có những bàu vừa gặt vừa cầm theo chiếc nơm để bắt cá “lọng mo”. Cuối buổi gặt, những xâu cá chép, cá tràu, cá rô… lủng lẳng  theo gánh lúa về làng.

 

Lúa gặt về kho, tranh thủ buổi trưa, buổi tối, nông dân lại tập trung đạp lúa.  Có một thời, lúa má đều phải đạp bằng chân người.

 

Giữa những cột nhà kho, những cây tre dài được buộc chắc chắn cách mặt đất chừng 1 mét. Người đạp lúa đứng trong tư thế 2 tay vịn vào sào tre. Bó lúa được mở ra để bên cạnh, các tay lúa cũng được mở ra, người đạp lúa dùng chân kéo một mớ lúa về phía mình và dùng hai chân  đạp trên mớ lúa. Đạp lui đạp tới, vừa đạp vừa trở, cho đến lúc  tất cả hạt lúa rơi rụng ra hết, chỉ còn trơ lại một mớ cọng rơm thì dùng chân hất qua một bên. Lại dùng chân kéo một mớ lúa khác, và lại đạp, lại trở bằng đôi chân trần. Đôi bàn chân chai sạn không còn cảm giác đau đớn khi giẫm lên những hạt lúa sắc nhọn. Những đôi bàn chân thoăn thoắt đạp, trở, hất… đống lúa cứ thế vơi dần. Có lẽ vì làm gì, đi đâu cũng là với đôi chân trần nên đôi bàn chân của người nông dân chai sạn, cứ to bè ra. Nhiều lão nông có những đôi chân ngoại cỡ, không có dày dép nào vừa được. Nhưng những lão nông có đôi bàn chân càng to thì đạp lúa càng nhanh. Có lẽ vì thế mà trong dân gian có câu: “To chân đạp ló, nhỏ chân đi đàng (đường)”. Lúa đạp ra, sau đó là phần việc rủ rơm, sàng sảy của các chị, các mệ.

 

Sau cái thời đạp lúa bằng chân, là thời kỳ dùng sức kéo trâu bò. Những chiếc trục đơn, trục đôi để trục lúa cũng ra đời từ đó.

 

Cái thời con trâu là đầu cơ nghiệp nên nó được tận dụng đến mức tối đa. Ngày hai buổi kéo cày, kéo bừa, đêm lại tập trung ở kho đội sản xuất để kéo trục. Cũng có khi việc trục lúa được thực hiện vào tầm 3 – 4 giờ sáng và hoàn thành trước buổi bà con ra đồng.

 

Trên nền sân kho đội sản xuất, lúa được rải đều thành vòng tròn rộng. Một tốp 5, 7 chú trâu, bò nối đuôi nhau đi theo vòng tròn thảm lúa. Tùy sức khỏe của từng chú trâu, bò mà kéo trục đôi hay trục đơn. Gay cấn nhất là khi bắt đầu vào việc. Có lẽ theo thói quen nên khi mới móc “éc” lên cổ là mấy chú trâu lại dạng 2 chân sau, cong đuôi lên để thực hiện 1 trong “tứ khoái”, nói theo ngôn ngữ văn hoa một chút là “trút bầu tâm sự”, còn nói đúng bản chất sự vật hiện tượng, dân dã nông dân  là “trâu ẹ”. Chú trâu nào đang đi hoặc đứng mà có biểu hiện dạng 2 chân sau ra, cong đuôi lên là y như rằng hắn sắp “ẹ”. Người dắt trâu, bò phải phát hiện ra điều này thật nhanh, chụp lấy đuôi trâu đè xuống để bịt kín hậu môn của nó, bắt nó “hãm cái sự sung sướng” lại, đồng thời hô to “Mau mau! Trâu ẹ, trâu ẹ!”. Đã có sự phân công và chuẩn bị sẵn, một cái sọt lót dày rơm nhanh chóng được một người chụp lấy, chạy thật nhanh tới hứng vào sau mông chú trâu. Lúc này người dắt trâu nhanh chóng thả đuôi trâu ra để chú thực hiện sự sung sướng của mình. Có khi ba, bốn chú trâu đồng loạt thực hiện cái công việc không mấy thơm tho này nên những tiếng hô “Trâu ẹ, trâu ẹ” vang lên liên tục, hối hả. Gặp phải mấy chú trâu có hệ tiêu hóa kiểu “đi ngoài ra nước” thì mấy động tác hô, bịt, hứng… phải hết sức nhanh nhẹn, nhịp nhàng và chính xác. Chuyện phân trâu văng vào mặt là hết sức bình thường. Phần nhiều các chú trâu khi cần giải quyết nhu cầu thì đứng yên một chỗ, nhưng cũng có chú thì vừa đi vừa “ẹ” cho đỡ tốn thời gian, nên người hứng phân phải bưng sọt đi theo, có khi đi “hết vòng trái đất” mới hứng xong bải phân trâu. Người được phân công hứng phân phải rất chuyên nghiệp để quen tính từng chú trâu. Con nào đầu buổi, con nào giữa buổi, con nào gần cuối buổi… phải nắm thật rõ để có phương án xử lý nhanh nhất. Công việc này thường được giao cho mấy cậu học sinh cấp 2, cấp 3.

 

Không khí những buổi đạp lúa bằng trâu thật hối hả, nhộn nhịp. Người dắt trâu, người dùng xỉa đảo lúa, người rủ rơm, sàng lúa. Vất vả mà vui. Những câu chuyện tiếu lâm, chuyện cười, lời ca tiếng hát xen lẫn tiếng hô “trâu ẹ” là những món ăn tinh thần giúp mọi người quên đi cái nặng nhọc. Nhiều cô cậu học trò đi theo người lớn, chui vào một đống rơm nào đó, ngủ một giấc ngon lành, chờ người lớn xong việc để dắt trầu về.

 

Chừng vài tiếng đồng hồ, lúa được đạp sạch, trâu được mở trục đứng thong thả nhai rơm. Mọi người lại tập trung cho việc rủ rơm, chia rơm. Rơm gánh về, có gia đình còn tranh thủ đạp lại, rủ lại bòn lấy những hạt lúa còn sót. Nghĩ đến hình ảnh này, mới thấy hạt lúa ngày xưa quý biết nhường nào.  

 

Ngày nay, máy móc đã thay thế con người, cảnh đạp lúa bằng chân, bằng trâu bò không còn nữa. Nhưng những kỷ niệm một thời làm ăn theo hợp tác xã, theo đội sản xuất có lẽ vẫn chưa phai với những ai đã từng trải qua cái thời gian khổ này. Phải chăng, tình yêu quê hương, tiếng gọi thân thương từ quê hương cứ mãi vương vấn, níu kéo với người đi xa không phải bằng những lời hoa mỹ, những câu khẩu hiệu sáo mòn, mà đơn giản chỉ là những tiếng gọi nhau đi nơm, đi tát, đi mót, đi mò. Hoặc chỉ bắt nguồn từ những  tiếng gọi rất dân dã, rất bình dị: Mau mau, trâu ẹ!

 

Có ai sinh ra và lớn lên qua cái thời bom đạn chiến tranh, qua cái thời nghèo khó mà chưa từng nghe tiếng gọi “trâu ẹ”, hay chưa một lần được hứng phân trâu?

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip