Màu xanh vùng đồi

14:22 - 02/11/2016

Màu xanh vùng đồi, bút ký đạt giải ba cuộc thi liên hoan truyền hình Quảng Bình của anh Lê Chiêu Phùng

Chúng tôi về thăm thị trấn Nông trường Việt Trung huyện Bố Trạch sau một thời gian chưa có dịp trở lại. Trên đoạn đường đất đỏ xuyên qua giữa khu rừng thẳng tắp là những lô cao su mới phục hồi đan xen với những gốc hồ tiêu, vườn cây ăn quả trĩu cành, dưới bàn tay con người đã được hồi sinh sau trận bảo lịch sử 2013 đổ ập xuống mảnh đất miền Trung mà thị trấn nhỏ bé này là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mới sáng sớm đầu hè, những tia nắng chói chang đã xòe ra như chiếc nan quạt khổng lồ bao trùm đến bỏng rát, thế nhưng trên con đường dẫn vào các khu trang trại, từng đoàn người, xe cộ đã nhộn nhịp vào ra. Thay vì những chuyến xe đầy ắp mũ cao su ngày nào nay là chuối, đu đủ, chè xanh, tiêu, trái cây…hối hả lăn bánh rời khỏi vườn đồi.

Bước vội theo ông trên đường vào các khu trang trại, Nguyễn Văn Diệm luôn nhận được những lời chào tinh nghịch: “Trời! mấy bữa ni anh đi mô mà vắng rứa? đi mà không cho bọn em đi với? nhớ anh sắp chết đây nì…hi hi hi…” Và sau những câu  đùa, bóng các em đã “mất hút” giữa rừng cao su bạt ngàn, chỉ còn vọng tiếng cười trong gió thoảng, ông ngượng ngùng, đỏ mặt hiện rõ những nếp nhăn trên khuôn mặt sạm nắng trong già hơn nhiều so với tuổi 62, nói như muốn thanh minh với tôi: “Ở khu trang trại này là thế! đàn ông thì hiền như bụt còn đàn bà nhất là lớp trẻ tinh nghịch đáo để, thấy vắng vài ngày là có chuyện…là hỏi thăm liền mà”. Rồi ông tâm sự: “Mà cũng đúng thôi, bà con ở đây đã gắn bó với nhau như anh em từ những năm đầu thập kỷ 90. Thời đó ai dám đến vùng miền tây hoang vắng này? Không chỉ đường sá đi lại khó khăn, đồi núi toàn lau lách, những ngôi nhà thưa thớt bên ngọn đèn dầu…mà còn thiên tai, bệnh tật, rồi con cái học hành... Nhưng họ đã giúp nhau, cùng nhau bám trụ cùng chia sẽ ngọt bùi và rồi họ đã vượt qua tất cả. Ban đầu chỉ có 5-7 hộ, sau đó kéo dần bà con, bạn bè, anh em đến đây sinh cơ lập nghiệp, và anh thấy đó đất lành chim đậu, vùng đồi hoang vắng trước đây nay đã được phủ kín với đầy tiềm năng phát triển kinh tế”. Cùng với việc hoàn chỉnh hệ thống điện, đường, trường, trạm…những dãy nhà 2,3 tầng vừa mới mọc lên ẩn hiện trong những khu vườn trĩu quả…Thị trấn Nông trường Việt Trung đã và đang khoác lên mình một diện mạo mới. Trên nền áo lấm thấm mồ hôi, ông Diệm bước nhanh như “con sóc rừng”, vừa đi vừa kể chuyện  “Cũng may, khi bà con đang gặp khó khăn thì năm 1992-1993, nhà nước ban hành Chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo thuận lợi cho nông dân xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Thật đúng là đang hạn thì gặp trận mưa rào, bà con vui mừng lắm”.

Trong phòng khách thoáng mát, ấm nước chè xanh “ đặc sản” của nông trường đang bốc hơi trên bộ bàn tròn còn thơm mùi gỗ mới. Vừa rót nước mời khách, ông Diệm vừa tâm sự như giãi bày nỗi lòng của mình: “Những năm mới đến khai hoang vùng đồi này, mặc dù đã có chủ trương của nhà nước về phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng nếu không có sự bảo trợ, giúp đỡ của Công ty cao su Việt Trung chắc khó trụ nổi vì lúc đó bà con chân ướt chân ráo không biết bấu bíu vào ai. Từ đất đai, kỹ thuật, giống, phân bón… đều phải nhờ đến Công ty cao su Việt Trung, họ thực sự là “bà đỡ” của bà con. Các anh biết đó, các gia đình lên lập nghiệp tại đây phần lớn thuộc diện hộ nghèo, lại không có kiến thức, việc nuôi con gì, trồng cây gì cũng phải nhờ, phải hỏi ý kiến của Công ty? Những năm đó, nhiều hộ thấy có đất là trồng bừa, kiếm được giống chi thì trồng giống đó. Sau này dần dần biết quy hoạch, loại bỏ cây này, thay dần cây kia.... nhưng cũng loay hoay mãi, mất nhiều thời gian lắm mới được như hôm nay”.  Anh thấy đó, ông đưa tay chỉ về phía trước: “Từ một vùng đồi khô cằn “chó chạy thấy đuôi” sau hơn 20 năm đã biến thành rừng cây bạt ngàn với hàng trăm ha cao su, tiêu, chè, cây ăn quả sum suê xanh tốt. Nếu không bị trận bảo năm 2013 thì bà con chắc chắn giàu to lắm”. Rồi ông Diệm kể lại: “Những năm trước 2013, ở thị trấn Nông trường Việt Trung này có trên 300 trang trại thì đã có gần 200 trang trại thu nhập trên 1 tỷ đồng một năm, thậm chí có nhiều trang trại thu nhập 5-7 tỷ, chủ yếu từ cây cao su. Nhờ đó mà việc đầu tư mua sắm xe hơi, trang thiết bị đắt tiền trong gia đình đối với bà con làm trang trại ở đây là chuyện bình thường. Thế rồi sau trận bảo khủng khiếp đó, không ít gia đình trắng tay, nợ nần chồng chất…”

Nhớ lại tháng 10 năm 2013, cơn bảo số 10 với sức gió cấp 12, giật cấp 13- 14 đổ ập vào Miền Trung, tâm bão vào Quảng Bình, hàng ngàn ha cao su đang vào mùa thu hoạch đã bị gió bảo quật đổ ngổn ngang. Hàng trăm trang trại bị bảo xé nát, băm vụn, xơ xác. Ngồi sụp giữa vườn cao su 7 tuổi chuẩn bị thu hoạch vụ đầu, ông Lưu Thọ ngao ngán thở dài: “Trời đã lấy hết rồi, trắng tay rồi, lấy gì để trả vốn vừa vay ngân hàng đây”. Không riêng gì ông Thọ mà các hộ trồng cao su ở thị trấn nhỏ bé này cũng không ngoại lệ. Theo thống kê của hội làm vườn thị trấn Nông trường Việt Trung thì bảo năm 2013 đã quét sạch trên 400 ha cao su. Chỉ tính riêng các hộ tại đội Hữu Nghị đã có trên 100 ha gần như bảo bị xóa sổ, trong đó trang trại ông Nguyễn Văn Diệm 7 ha, Nguyễn Tuấn 6 ha, Trần Đình Lực 9 ha, Nguyễn Dũng 8 ha, Lưu Thông 5 ha, Lê Đông 4 ha…Sau bão, chính quyền các cấp, các cơ quan đoàn thể đã kịp thời đến thị trấn Việt Trung nơi được coi là điểm sáng vùng đồi một thời để chia sẽ, giúp đỡ và động viên bà con về những mất mát lớn lao này. Các cơ quan ngân hàng cũng đã tổ chức các đoàn kiểm kê, khoanh nợ, bước đầu giúp bà con lấy lại tinh thần ổn định sản xuất. Với sự giúp đỡ của nhà nước, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan ngân hàng đã tạo động lực, giúp bà con vực lại tinh thần. Nhờ đó mà các hộ đã chủ động thuê máy, nhân công nhanh chóng phục hồi lại vườn cao su, vườn cây ăn quả của mình. Số đổ gãy cưa bỏ, số bị bão xô nghiêng dùng máy dựng lại, bón thúc phân cho cây mau hồi phục. Và trời không phụ lòng người, chỉ sau 2-3 năm màu xanh trên khắp vùng đồi thị trấn Nông trường Việt Trung đã phục hồi trở lại.

Cứ nghĩ thế là ổn, sau trận bão năm 2013, khi cao su chưa kịp phục hồi thì bà con tiếp tục hứng chịu một “trận bảo” khủng khiếp hơn, đó là “bảo giá”, cao su rớt giá một cách thê thảm. Nhiều chủ vườn thị trấn Việt Trung đã bỏ bê cao su, không chăm sóc, không muốn thu hoạch, không khai thác. Mà cũng đúng thôi, những năm trước giá mũ từ chổ cao ngất ngưởng có thời điểm trên 40 ngàn đồng “bổng dưng” rớt xuống chỉ còn 10- 13 ngàn đồng/kg, tiền khai thác thu không đủ chi phí cho thợ cạo. Không ít gia đình đã phá bỏ cao su chuyển đổi cây trồng khác.

Không khoanh tay đứng nhìn, bà con tiếp tục đầu tư, vay vốn…loại bỏ những vườn cao su khó phục hồi chuyển đổi qua cây trồng khác. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nhiều hộ thuê máy móc đào bới tận gốc những cây cao su gãy đổ tiến hành trồng dưa hấu, sắn, lạc, hồ tiêu, chuối…và chính nhờ chuyển đổi kịp thời này nhiều gia đình đã cho thu nhập đáng kể. Với ý chí không khoanh tay chịu nghèo, nhiều hộ vẫn tiếp tục đầu tư vào cây cao su, tiêu và các loại cây trồng khác. Và hôm nay, cũng chính trên vườn cao su bị bảo “băm vụn” ngày nào, ông Thọ tự động viên mình: “Trời có thể lấy hết thành quả lao động nhưng không thể lấy đi ý chí của con người được”. Đúng vậy, chỉ mới sau 3 năm khi chúng tôi có mặt, 7 ha cao su, cây ăn quả của ông Thọ cũng như hàng trăm trang trại khác đã hồi sinh và đang vào mùa thu hoạch. “Các anh thấy đó, 10 ha cao su gãy đổ năm 2013, tôi đã chuyển đổi trồng dưa, ớt, sắn và trồng 3,5 ha hồ tiêu. Đất Việt Trung này hợp với cây hồ tiêu nên phát triển nhanh lắm. Vụ đầu dù chỉ hái bói nhưng cũng được gần 2 tấn tiêu, thương lái đến mua tận nơi, vụ đó thu gần 400 triệu đồng. Ngoài trồng sắn, tiêu, lạc, dưa, chuối…tôi còn đầu tư vào chăn nuôi hưu lấy nhung và nuôi ông lấy mật cũng thu nhập khá”, ông Diệm tâm sự.

Dạo quanh các khu trang trại thuộc diện “anh, chị”, có trang trại của anh họ Bế tên Mạnh. Nghe lạ, anh Diệm phân bua: “Xóm trang trại này, phần lớn là người Bố Trạch, Quảng Trạch và một số ít người ở địa phương khác đến sinh cơ lập nghiệp, riêng anh Bế Quang Mạnh quê ở xa nhất. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở thị trấn Việt Trung nhưng gốc gác mãi tận Lạng Sơn. Bố Mạnh đi bộ đội đóng quân ở Quảng Bình. Lớn lên anh cũng theo con đường binh nghiệp rồi nghĩ hưu và lập trang trại ở đây. Là một trong những gia đình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi lắm”. Len lỏi giữa vườn cây hoa trái sum suê, những dãy hoa thược dược, lay ơn, cúc, mai vàng…chúng tôi băng qua khu chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng. Cạnh đó là hồ nuôi cá rộng trên 1 ha với đủ các loại cá trắm, mè xanh, rô phi… vẫy đuôi ào vào bờ mỗi khi chủ nhà ném thức ăn xuống. Trang trại của anh Mạnh khá rộng với gần 20 ha cao su, trên 1 ha tiêu và khu vực chăn nuôi với hàng chục con bò sinh sản…Theo anh thì những năm trước mủ cao su được giá nên đầu tư trồng cao su lãi to lắm, trừ các chi phí, mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng. Trận bảo 2013, phần lớn diện tích cao su bị đổ chưa kịp hồi phục thì thị trường Trung Quốc đóng cửa, giá cao su rớt thê thảm nhưng nhờ đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi nên thu nhập vẫn ổn định. Mất cao su thì còn tiêu, lạc, đu đủ, dưa hấu, chuối bù lại và nhờ có nguồn thu này mà doanh nghiệp của anh không chỉ đứng vững mà còn mở mang thêm ngành nghề.

Gần khu trang trại của anh Mạnh là trang trại của anh Trần Đình Lực, sinh ra và lớn lên tại huyện Quảng Trạch nhưng anh lại là một trong những người đầu tiên khai phá vùng đồi này. So với những gia đình khác, diện tích trang trại của anh không nhiều nhưng nhờ có kiến thức về sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ nên Lực không chỉ trồng cao su, tiêu, cây ăn quả… mà còn làm nghề thu mua hàng hóa nông sản, nhờ đó mà mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng. Các trang trại của Nguyễn Trúc, Lưu Dũng, Lưu Ngọc, Hải Đông, Thanh Chương… cũng nhờ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, áp dụng tốt phương châm lấy ngắn nuôi dài nên mặc dù cao su bị ảnh hưởng nhưng vẫn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cùng với việc tiếp tục đầu tư, phục hồi cây cao su, vườn cây ăn quả, nhiều gia đình đã mạnh dạn trồng thêm các loại cây công nghiệp dài ngày như: Sao, Dầu, Lát hoa, Huê, Huỵnh, Trầm gió...các loại cây này phát triển rất tốt, thu nhập cao lại chịu được bảo và hạn hán. Hiện tại thị trấn Việt Trung có trên 300 trang trại thu nhập cao, chiếm 30% số lượng trang trại của huyện Bố Trạch. Điều đáng nói là tất cả các trang trại tại thị trấn Việt Trung đều cho thu nhập khá ổn định bởi bà con biết dựa vào thế mạnh của vùng đất ba gian để chọn giống cây trồng cho phù hợp. Hiện tại, phần lớn các trang trại đã được quy hoạch chỉn chu, xây mới hệ thống hàng rào, đường giao thông vào tận nơi thuận tiện cho thương lái thu mua, bốc xếp nông sản. Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị hệ thống tưới nước “nhỏ giọt” tự động, không chỉ tiết kiệm nguồn nước mà còn đở tốn công lao động nhất là vào mùa hè nắng nóng. Theo anh Lưu Ngọc thì: “Để có một trang trại bền vững nhất thiết phải giữ bằng được môi trường sinh thái, để giữ vững môi trường sinh thái cần phải hạn chế sự biến dạng, phá vỡ địa hình tự nhiên. Những việc lớn như ngăn suối, san ủi mặt bằng, bố trí các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm… phải được tính toán kỹ lưởng. Chú trọng khu vực ăn ở, sinh hoạt phải thoáng mát, sạch sẽ, đầu tư thêm cây cảnh, điểm vui chơi, giải trí, tạo môi trường sinh thái hấp dẫn trong khu trang trại của mình”.

Trở lại trang trại của ông Nguyễn Văn Diệm. Trong một khuôn viên thoáng mát, hai bên đường đầy ắp cây cảnh hoa tươi. Bên những hàng chè xanh, những chiếc ghế đá ẩn hiện dưới bóng liễu rủ. Khi được hỏi về mình, ông Diệm cười: “So với các gia đình khác thì mình thấm béo gì đâu, mà các anh biết đó, đời tôi không muốn phô trương, mình làm được gì, bà con biết cả mà”. Chần chừ một lúc ông nói tiếp: “Dù sao mình là một cán bộ được bà con tín nhiệm lại là một cựu chiến binh, một thương binh…chừng nào còn sức thì còn làm gương cho bà con”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe cuộc đời binh nghiệp, những năm tháng học tại Trường sỹ quan Hậu cần, rồi chuyển ngành, tiếp tục học đại học Tài chính và trở thành cán bộ cốt cán của trường Quản lý Thương nghiệp Quảng Bình…Sau ngày nghỉ hưu, ông Diệm không về Hạ Trạch nơi chôn rau, cắt rốn của mình mà tham gia vào đội quân tiên phong khai phá vùng đồi. “Diện tích trang trại của mình không được nhiều nhưng được cái trồng cây gì, nuôi con gì ra con đó”, ông Diệm nói. Đã qua rồi những năm tháng khó khăn, giờ đây ông có một cuộc sống đầy đủ viên mãn và nụ cười toại nguyện đã nở trên môi của người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Sau trận bão khủng khiếp năm 2013, nhiều hộ làm vườn đã thực sự trắng tay, nhưng với bản chất cần cù lao động, sáng tạo, họ đã đứng lên làm lại từ đầu và mới 3 năm sau bảo lũ, hàng trăm khu trang trại thị trấn Nông trường Việt Trung đã thực sự hồi sinh; và một màu xanh bát ngát đã và đang phủ kín vùng đồi với nhiều khu biệt thự khang trang nằm giữa những khu vườn trĩu quả.

          Lưu luyến chia tay bà con vùng đồi cũng vừa lúc hoàng hôn buông xuống. Bên kia đường tiếng mỏ lọc cọc của đàn bò thong thả về chuồng hòa lẫn tiếng chim ríu rít gọi nhau bay về tổ. Trước mặt tôi thị trấn Nông trường Việt Trung hiện lên như một bức tranh thủy mặc của một vùng đồi êm đềm, ẩn giấu nhiều tiềm năng đã và đang trên đà phát triển. Mặc dù còn nhiều khó khăn vất vã, nhưng trong tôi vẫn vững một niềm tin bởi những chủ nhân nơi đây bằng nghị lực ý chí của mình sẽ tiếp bước xây dựng lên một thị trấn Nông trường Việt Trung không những giàu có về kinh tế mà còn là điểm đến của mọi người với những khu du lịch sinh thái vườn đồi tràn ngập màu xanh hoa trái. Và chắc chắn tôi sẽ cùng chung trong đoàn người đó về lại nơi đây với những con người kiên cường và thân thiện./.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip