Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Miền cao su thương nhớ...

Tản văn của anh Lưu Minh Hải, người Cao Lao Hạ, hiện sống và làm việc tại Nhật Bản

Miền đông! Nơi ấy giờ đây trong tôi chỉ còn là vùng nỗi nhớ và hoài niệm. Một nỗi nhớ u hoài, đằm lại thẳm sâu trong cõi hồn mình. Một niềm thương mênh mông, xa xăm, vời vợi. Tôi còn gửi lại gì nơi những cánh rừng cao su bạt ngàn xứ sở ấy? Những cánh rừng cao su cứ chạy mãi, chạy mãi tới tận phía chân trời. Nhiều khi hồn ngẩn ngơ, cảm giác như mình đã đánh rơi một thứ gì đó quý giá. Đó là cả một miền yêu thương! Lữ khách theo gót đời gió bụi đã rời đi từ lâu rồi mà tâm hồn vẫn còn gửi lại nơi phương trời giờ xa xôi ấy, để mỗi lần chạm vào nỗi nhớ thương lại ngân lên xào xạc như gió hú vọng về từ đại ngàn cao su.

Tôi đã từng có những ngày tháng rất thơ nơi miền cao su ấy. Cũng chẳng hiểu duyên cớ sao mình lại dành tình yêu cho miền cao su nhiều đến thế, sâu sắc đến thế, lạ lùng đến thế? Đi xa rồi mà nhớ nhung, mà hoài niệm,…như nỗi nhớ của thứ tình cảm dành cho người tình. Những cánh rừng cao su miền đông nam bộ cứ như một thứ ám thị có sức dẫn dụ, mê hoặc, thôi miên tôi đến lạ. Như mơ mà thực, như xa xôi mà gần gũi, như xa lạ mà trìu mến, chân thành. Nhiều khi tâm hồn lang thang lạc vào ngút ngàn cao su ngỡ như lạc vào miền mộng tưởng.

Những con đường đất đỏ thẳng tắp nấp dưới những tán rừng cao su miền đông cứ chạy mãi, chạy mãi,… hun hút vào sâu bên trong như đi vào thẳm sâu miền nỗi nhớ. Ở nơi ấy mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân, một màu lá non mướt xanh biêng biếc, mềm mượt xuân thì, tràn trề nhựa sống; tạo nên cái cảm giác sảng khoái lâng lâng, mát lành, dễ chịu tâm hồn. Thêm một chút thời gian nữa thôi, lá cây trưởng thành hơn, rừng cao su như những tấm gương màu thiên thanh khổng lồ phản chiếu lên bầu trời, làm dịu mát cả mùa xuân. Rồi rừng chở che, xoa dịu cái nắng phương nam mùa hạ. Cái cảm giác ấn tượng nhất trong cõi hồn tôi, để nhiều khi không kìm được phải thốt lên cảm thán, đó là mùa cây thay lá. Miền đông vào mùa cao su thay lá vô cùng tuyệt đẹp, chẳng khác gì mùa thu vàng của rừng phong nơi những viễn quốc xứ lạnh. Trên những bước đường sương gió của đời mình, tôi đã từng đi qua, dừng chân, chiêm ngắm, thả hồn hàng giờ,… nơi những cánh rừng cao su bạt ngàn miền đông xứ sở ấy. Thống Nhất, Long Khánh, Trảng Bom, Cẩm Mỹ của Đồng Nai. Bến Cát, Bàu Bàng của Bình Dương. Châu Đức của Bà Rịa – Vũng Tàu. Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long, Phước Long, Phú Riềng của Bình Phước. Khi mùa thu đến, hầu như các loài cây bắt đầu trở mình thay lá thì cao su vẫn còn nhẩn nha. Cao su thay lá muộn hơn những loài cây khác và cảm giác như mùa thay lá cũng kéo dài hơn. Phải sang hẳn chính đông thì cây cao su mới thong thả, rục rịch chuyển mình chuẩn bị cho việc thay lá. Những vết loang dần, loang dần của màu lá đỏ trong màu lá xanh. Nhẹ nhàng cơ hồ như không hề có sự lấn chiếm, giành giật mà là trêu đùa, cợt nhau của màu sắc. Tới độ khoảng nửa cuối đông, rừng cao su mới đồng loạt tung mình thay áo. Khoác hẳn lên mình chiếc áo vàng rực rỡ mê hoặc những bước chân lãng du và những tâm hồn đầy mơ mộng. Những cánh rừng cao su bạt ngàn bấy giờ đang trải những tấm thảm lụa vàng rực lên bầu trời miền đông. Cứ thế mà nhẹ ru vào cõi hồn mê đắm, bâng khuâng,… trong nắng sớm cũng như lúc chiều tà. Đến độ gần giữa xuân thì cây cao su mới hoàn thành việc trút lá để bắt đầu bước vào một quy trình mới của đời mình. Bấy giờ mặt đất là những thảm lá khô dày. Những chiếc lá va chạm vào nhau xao xác, lao xao trong gió. Khúc tình ca hoàn thành sứ mệnh trước khi mục tan hòa vào lòng đất, bồi đắp những hồi sinh. Ngoài những mùa lá thì cao su trong thương nhớ của tôi còn có một mùa nữa, đó là mùa quả rụng. Quả cao su chín khô và rụng vào sát trước mùa cây thay lá. Khoảng độ vừa dứt những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa và bước vào mùa khô phương nam, đi dưới những tán rừng cao su cảm giác sẽ rất vui tai bởi những tiếng lách tách, lách tách,… rào rạo, rào rạo,…. Đó là âm thanh nổ lách tách được phát ra từ những quả cao su chín khô tách vỏ trên cây, trả hạt về mặt đất. Đó là tiếng rào rạo giòn tan dưới bàn chân khi chúng ta giẫm lên lớp vỏ ngoài của quả khô sau khi tách bung ra. Như một sự kết giao cõi tâm hồn, cao su trong tôi mùa nào cũng đặc biệt. Mỗi lần đi dưới những tán cao su miền đông, tôi nghe như rừng đang du dương những khúc tình ca. Hồn tôi đã từng ngân lên những khúc tình ca với cao su miền đông như thế.

1.

Miền cao su xào xạc tình mùa thay lá

Không lời hò hẹn trên bước đường tha hương

anh đến nơi đây một chiều cao su bạt ngàn thay lá

Chiếc áo thu vàng choàng lên hồn anh níu si mê kì lạ

đất đỏ quện gót chân, rạo rực nghe mầm sống sinh sôi

bây giờ vẫn thương khúc tình ca lá hát bên đồi.

2.

Lòng anh giờ như phố núi bình yên

Phố ở đây thừa rừng và thiếu bụi

thiếu ghế đá công viên thứ bảy đêm đôi lứa dập dìu

Anh nằm cùng thơ bên đời nghe lá hát

trăng cao nguyên dịu hiền treo trên nhánh cao su

em còn nhớ cúc áo để quên nơi ghế đá ngày xưa?

***

Những cánh rừng cao su miền đông bạt ngàn xa thẳm chân trời; những mùa sinh rồi tàn trong vòng đời cây cao su; những mùa đong đầy yêu thương và mơ mộng;…tất cả giờ đây trong tôi thành những mùa nỗi nhớ, những mùa hoài niệm. Nỗi nhớ, hoài niệm cũng sâu thẳm, mênh mông…

Mino, đông 2023

 

Tác giả: Lưu Minh Hải

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 3094

    Trong tuần: 18321

    Trong tháng: 69323

    Tổng số: 11709700

    Đang online: 183