Một chiếc tã nhỏ

07:55 - 14/11/2021

Cảm nhận của anh Lưu Minh Hải về một bài haiku đạt giải từ cuộc thi thơ haiku Việt 2021

Một chiếc tã nhỏ

Lời Ban biên tập: Cuộc thi: “12 năm Thơ Haikư Việt- Hà Nội” nhận được 176 chùm thơ (mỗi chùm 5 bài- tổng cộng là 880 bài) của 176 tác giả gởi đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc, và người Việt ở nước ngoài. Nhóm thơ làng Cao Lao Hạ quê mình có 7 tác giả dự thi là bác Lê Văn Viên, bác Lưu Trọng Tri, anh Lê Quang Quý, anh Lưu Văn Quỳnh, anh Lưu Đức Hải, anh Lưu Minh Hải và chị Lê Mai. Kết quả nhóm thơ làng mình có 2 bài thơ của bác Lưu Trọng Tri và anh Lưu Minh Hải được vào vòng chung kết. Đây là một niềm tự hào lớn cho làng Cao Lao Hạ quê mình

Anh Lưu Minh Hải, người có thơ được vào vòng chung kết đã có cảm nhận về một bài thơ được giải. Bài cảm nhận của anh đã được đăng trên trang haikuviet.com (https://haikuviet.com/mot-chiec-ta-nho-cam-nhan-ve-mot-bai-haiku-dat-giai-tu-cuoc-thi-tho-haiku-viet-2021/)

 

 

Haiku là một thể thơ truyền thống của người Nhật Bản; cực ngắn, dễ làm nhưng lại cực khó để đạt độ nghệ thuật thẩm mỹ. Bởi đâu dễ gì để gom hết cảm xúc, tình cảm, tư tưởng, triết lí,… mà dồn nén lại trong mười mấy âm tiết ngắn ngủi ấy. Chính vì vậy, có thể nói rằng: với haiku ai cũng có khả năng sáng tác nhưng khó tạo được tác phẩm hay. Để cảm haiku, theo suy nghĩ của cá nhân tôi, nếu dùng cảm xúc bốc đồng, cuồng nhiệt, vội vã thì khó mà có thể cảm nhận hết được chân giá trị của thi phẩm cũng như đặc trưng thể loại của nó. Muốn cảm nhận haiku phải biết tịnh tâm, biết lắng lòng dịu lại; không chỉ dùng cảm quan mà còn dùng cả suy tưởng, tâm niệm để mà cảm nhận.

Thơ haiku được đưa vào chương trình giáo dục và thực sự phát triển ở Việt Nam cũng đã khoảng mười mấy năm nay. Haiku Việt bây giờ theo như tôi thấy thì đa số đã bỏ qua một số yếu tố của haiku truyền thống Nhật Bản; chủ yếu có tính cách tân theo haiku hiện đại. Vì vậy mà đề tài, chủ đề, nội dung, hình thức, nghệ thuật khá phong phú và đa dạng. Một điểm dễ nhận thấy ở thơ haiku Việt đó là kiểu thơ haiku vô quý (khuyết quý ngữ) chiếm số lượng phần nhiều. Để viết được thơ haiku hay thì rất khó đã là một lẽ và để cảm nhận được chân giá trị, tinh thần của thi phẩm haiku cũng không hề đơn giản gì. Nhân cuộc thi thơ haiku Việt 2021 vừa qua, tôi mạn phép được dùng kiến văn khiêm tốn của mình để mạn đàm vài lời về một thi phẩm trong số những tác phẩm đạt giải mà mình cảm thấy hay, thấy ấn tượng và lay động. Đó là thi phẩm của tác giả Nguyễn Thị Phương Anh ở Hà Nội.

Lũ đi

vương trên mái nhà

một chiếc tã nhỏ.

(tác giả: Nguyễn Thị Phương Anh)

 

Bằng lối thi pháp hiện thực có vẻ khá giản dị, không phức tạp, không dụng công lựa chọn mỹ ngôn nhưng thi phẩm vẫn đủ sức gợi, sức lay động và ám ảnh đến cảm xúc, đến trái tim người đọc. Với haiku nhiều khi chỉ cần sự giản đơn như thế mà đủ thành nghệ thuật; nghệ thuật của sự tinh giản và giản dị. Bài thơ ghi lại một mảnh hiện thực mà có thể tác giả thấy được sau một trận lũ ở đâu đó trên đất nước này chăng? Mỗi chúng ta đều biết rằng lũ lụt là một hiện tượng thiên nhiên vốn gây nhiều thiên tai, mất mát, đau thương cho cuộc sống của con người. Mỗi năm cứ mùa lũ lụt về lại trở thành một nỗi ám ảnh; đặc biệt đối với người dân miền Trung. Nếu như yêu cầu tìm quý ngữ trong bài thơ này theo đặc trưng của thể loại haiku truyền thống thì chắc rằng đây chính là từ “lũ”. Quý ngữ (từ chỉ mùa) ở mỗi đất nước, thậm chí là vùng miền không đồng nhất với nhau; vì thế mà quý ngữ trong thơ haiku Việt không thể nào hoàn toàn giống với quý ngữ trong thơ haiku Nhật được. Ở Việt Nam ta, hiện tượng lũ lụt thường chủ yếu là vào mùa thu; vì vậy có thể xem “lũ” ở đây là một quý ngữ gián tiếp chỉ mùa thu; bài thơ mang quý ngữ mùa thu vậy. Tuy nhiên trong thi phẩm này thì “lũ” chỉ là hình ảnh có tính chất mào đầu, gợi nhắc lại – “lũ đi” còn “mái nhà” và “chiếc tã nhỏ” mới là hai hình ảnh tâm điểm của bài thơ. Đặc biệt, hình ảnh “chiếc tã nhỏ” có thể xem như là nhãn thi, là chất thơ, là tâm chụp của thi ảnh, là điểm hút cảm xúc đối với người viết cũng như người đọc thi phẩm này. Có lẽ chúng ta ai cũng đều biết “tã” chính là mảnh vải nhỏ được dùng để quấn, lót cho đứa trẻ sơ sinh, giúp đứa trẻ luôn được êm ái và khô ráo. Hình ảnh “một chiếc tã nhỏ” rất thực tế trong một hoàn cảnh hiện thực đã có sức gây chú ý, chấn động đến lòng trắc ẩn, tâm nhân văn của người phụ nữ, người mẹ – nữ thi sĩ Phương Anh. Nếu hình ảnh “mái nhà” gợi liên tưởng đến gia đình, đến tổ ấm, đến hạnh phúc,…thì hình ảnh “chiếc tã nhỏ” gợi cho ta liên tưởng đến đứa trẻ sơ sinh, đến mầm sống, đến hi vọng, đến tương lai,…Thiên tai (cơn lũ) vừa đi qua có thể đã cuốn trôi theo tất cả mọi thứ của cải và những giá trị vật chất của cuộc sống nhưng dường như còn đó một điều gì thẳm sâu trong thế giới tinh thần vẫn còn ở lại qua hình ảnh “một chiếc tã nhỏ”. Hiện thực tuy buồn, xót xa, cay đắng nhưng dường như không tuyệt vọng mà còn đó niềm tin vào sự vực dậy, dựng lại, đổi thay ở ngày mai. Từ “vương” mang nhiều nét nghĩa; ở đây có thể hiểu theo nghĩa là dính vào, là còn sót lại một ít; cũng có thể hiểu là vương vấn, níu giữ. Một sinh linh, một sự sống mới, một niềm tin và hi vọng vào ngày mai vẫn còn hiện hữu nơi đó với mái nhà, bên gia đình và tổ ấm hạnh phúc. Tại sao chúng ta lại không có quyền tìm hi vọng và niềm tin ở trong đau thương, mất mát,… từ những đốm sáng le lói trong tâm niệm của riêng mình?

 

Tác giả : Lưu Minh Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip