Mưa quê hương

20:17 - 02/09/2016

Bút ký của anh Lưu Văn Quỳnh

 

MƯA QUÊ HƯƠNG

 

          Trận mưa cuối hạ ào ào đổ xuống như trút nước. Tuy chưa thật hả hê, thỏa mãn, nhưng cũng giải được cơn khát bao ngày mong đợi bà của con quê ta. Cơm nước, tửu trà xong, mưa cũng vừa tạnh. Bạn bè, khách khứa ra về, tôi thu xếp nghỉ ngơi sau một ngày trên xe vượt hơn cả nửa ngàn cây số.

          Đèn tắt đã lâu mà tôi không sao chợp mắt được. Bao cảm xúc vui buồn lại có dịp ùa về. Quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ và lời nói của người bạn đứng bên trên quảng trường Nhật Lệ hôm nào gieo vào lòng tôi nỗi buồn thương khôn tả:

          - Vào đây rồi mới thấy hết sự tàn phá kinh hoàng của cơn bão Pormosa mà ông Vũ Kim Cử hớn hở rước về. Bờ biển Nhật Lệ hôm nay hoang vắng như thuở chiến tranh. Thương bà con Quảng Bình mình quá.

          - Rồi tiếng cười nói rộn rảng của vợ chồng Phùng Hà khi giương ô bước vội lên thềm lại khiến tôi phấn chấn lâng lâng:

          Chà! Vợ chồng tôi đội mưa đội gió ra đây là để được cụng vài ly mừng hai bác đem mưa về quê hương đó.

          Anh Hòa Liệu thì nói:

          Lạ thiệt! Không biết vợ chồng nhà ni, có phép chi mà năm nào về quê trời đang nắng châng chang cũng đột nhiên ào ào mưa trút xuống. Từ nay khi nào bà con quê ta cần mưa, tôi sẽ điện để cô chú về nhé!

          Được thể tôi tha hồ chém gió: Ấy chết để em chủ động, chứ chờ bác gọi điện mới về thì mất thiêng làm sao có mưa được. Cả nhà được trận cười vui vẻ. Dẫu biết rằng anh em, bạn bè gặp nhau tếu táo. Chứ nắng mưa là việc của trời. Tôi nào có tài cán gì đâu mà hô mưa, gọi gió như Khổng Minh Gia Cát. Ấy thế mà lòng cứ thấy vui vui.

          Vui vì lần nào về quê cũng đều tránh được cái nắng như nung của “gió Lào thổi rạc bờ tre”. Vui khi được cùng bà con đón trận mưa ra vàng, ra bạc sau bao ngày mong đợi. Vui vì được anh em bạn bè yêu mến, mỗi bận về quê biết tin, kẻ ở xa, người ở gần cũng tìm về gặp gỡ, hàn huyên.

          Gần 2 giờ sáng mà mắt cứ mở trân trân. Biết chắc đêm nay khó lòng ngủ được, liền xách ghế ra thềm ngồi ngắm trời ngắm đất. Tai như nghe tiếng xào xạc, thì thảo của muôn vàn cây lá đang đâm chồi nảy lộc sau mấy giờ thấm đẫm trong mưa. Hết ngồi ngoài hiên, tôi lại khẽ khàng vào mở vi tính. Đọc lại phóng sự Đường qua làng Rẫy của anh Lê Chiêu Phùng và mấy trang comet của bà con quê nhà. Rồi giật mình dừng lại ở comet của tác giả Hatrach@yahoo.com viết lúc 7h12’ ngày 17/8/2016 “Sau khi nắm bắt được thông tin của bà con phát hiện phản ánh về việc nhà máy sản xuất bột dăm sẽ xây dựng ở Phôốc Láng thuộc địa phận xã Sơn Lộc, lãnh đạo xã đã đi khảo sát và kết luận: Nếu nhà máy xây dựng ở đây sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước Vực Sanh.

          Chao ôi! Biển đã chết, trời đang chờ ngày hấp hối khi hai mươi ba ống khói của nhà máy luyện thép Hưng Nguyên Formosa đồng loạt phun khói độc. Giờ đây thảm rừng đầu nguồn Vực Sanh cũng bị đào xới, san lấp để xây nhà máy! Rồi đây những trận mưa rừng đổ xuống, dòng nước mát lành sau khi thẩm lọc qua lớp thảm dầy của rừng thông, rừng tràm thơm ngào ngạt đổ về Vực Sanh có còn là niềm khao khát mong chờ, hay nỗi kinh hoàng phấp phỏng của bà con quê ta khi phải hứng chịu hậu quả của một Formosa biến dạng.

          Mà sao tôi cứ ngờ ngợ. Từ bé đến nay, đây là lần đầu tiên tôi được biết đến hai tiếng Sơn Lộc. Và Phôốc Láng nữa. Trong kí ức tuổi thơ tôi, đây là một thảm rừng tràm bằng phẳng, cỏ lá tốt tươi. Mỗi năm tết đến xuân về lũ trẻ chúng tôi vượt dốc Cửa Chùa, qua Ba Trại rồi dừng lại địa phận cuối cùng của làng ta để cắt cỏ, chặt cây ran về làm hàng rào và tha hồ hái những chùm dâu tím lịm. Thuở học cấp 3, lũ học trò chúng tôi mỗi chiều thứ Bẩy hè nhau chạy thật nhanh qua trọng điểm bắn phá của máy bay giặc Mỹ ở cầu Dài Vạn Trạch, ở ngã ba Thủ Lộc. Đến Phôốc Láng là tha hồ reo hò: Về đến quê rồi chúng mày ơi. Ôi Phôốc Láng! Cái tên quen thuộc, thân thương đó phải chăng giờ đây đã bị đổi chủ thay tên. Nếu thế thật thì đau xót biết chừng nào!

          Theo dòng suy tưởng miên man, trong tôi lại hiện lên hình ảnh đẹp đẽ khang trang của ngôi đình làng sau ngày tu bổ mở thêm hai cổng phụ và lời gợi ý của anh Hoàng Giáp - một trong những chuyên gia hàng đầu của Viện Hán Nôm. Nhân chuyến du lịch động Thiên Đường tôi mời về thăm quê ta nhân ngày giỗ đình 16/6/2015. Đọc câu đối Thiên khai thạnh hội quang cường tỉnh/Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim. Và nghe lời dịch: Trời xanh mở hội mạnh giàu/Xóa nghèo giảm đói dân giàu văn minh… tôi đọc lại từ sách Địa chí làng Cao Lao của bác Lê Văn Sơn, anh nói:

          Tôi không được biết lịch sử khai thiết, xây dựng của làng Cao Lao cũng như ngôi đình này nên không dám nhận xét gì nhiều. Song mới đọc qua và nghe dịch như thế e chưa chuẩn. Chữ cuối vế 1 là tỉnh chứ có phải là thịnh đâu. Tỉnh là giếng làng, là đơn vị đo diện tích (1 dặm vuông là 1 tỉnh), là nơi khởi nguồn của 12 kinh mạch, là ngăn nắp… Trong bao nhiêu nghĩa đó, chú phải tìm lấy một nghĩa phù hợp nhất với lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa của quê hương mình để hiểu thật đúng ý tứ sâu xa mà các bậc tiền nhân đã ký thác.

          Hơn năm nay lời gợi ý đó đã thôi thúc tôi học hỏi, tìm tòi tra cứu. Dần dần cũng sáng ra nhiều điều. Có dịp tôi trao đổi cùng anh Lê Chiêu Chung bao điều định nói mà chưa dám nói.

          Chú Chung à! Không biết các câu đối ở cột cổng đình làng ta có từ bao giờ. Do ai dịch, để được lưu truyền như trong cuốn Địa chí làng Cao Lao Hạ của bác Lê Văn Sơn. Nhưng tôi e rằng vế 1 của câu hướng về phía Nam: Thiên khai thạnh hội quang cường tỉnh dịch: Trời xanh mở hội mạnh giầu, xóa nghèo giảm đói dân giàu văn minh e chưa chuẩn xác. Nó hiện đại và mâu thuẫn quá. Đã mở hội mạnh giàu sao lại còn xóa nghèo giảm đói. Như thế chẳng khác chi anh học trò mừng vui vì được sinh ra trong gia đình giàu có lại lo đi làm thêm để kiếm tiền đóng học. Hơn nữa Cường thì đúng mạnh rồi, nhưng Tỉnh thì không bao giờ là giàu cả.

Thiết nghĩ nếu ở vế 1 các từ Thiên khai - Trời mở. Thạnh hội - vận hội lớn. Quang – sáng tỏ rõ ràng. Cường – có âm khác là cương. Vạch cõi – đỉnh rõ bờ cõi ranh giới. Tỉnh – sắp xếp, ngăn nắp… Thì câu đối trên có thể dịch chi tiết như sau: Trời mở ra vận hội lớn - chọn được vùng mang vượng khí tốt lành để khai canh lập ấp. Từ đó tổ tiên ta đã kiến tạo, tô bồi biến vùng đất hoang thành làng Cao Lao Hạ có cương giới rõ ràng, có hình hài ngăn nắp, đẹp đẽ. Nhờ đó nơi này đã sinh ra bao người tài giỏi xưa nay ai cũng thấy. Đúng như trong Cao Lao Hương Sử của bác Lưu Trọng Tuần đã viết:

          “… Tổ tiên ăn ở không kham

          Tìm đường, tìm chốn ẵm mang con vào

          May tìm được chốn thanh cao

          Phá rừng, phá núi biết bao công trình

          Ngày nay mới có chúng mình

          Thanh, cao, tín, mỹ giữ gìn ở ăn.”

          ……

Thông qua lĩnh vực dân cư

Làng tuy to lớn, ở như cái vườn

Hướng nhà đều trở nam phương

Hình làng như một chiếc thuyền Long Châu

Làng trên như một cái đầu

Thân làng như một chiếc cầu Ngưu Lang

Đuôi làng phơi phới phụng hoàng

Chia lân xinh đẹp hàng hàng song song

Hai lân một lối đường chung

Có mương nước chảy có đường đắp cao

Đắp đường Bản, xây cống cầu

Hai mươi lân ở chung giao thành làng…”

          Còn như: Nay Cửu khúc long khê không còn, Hói hạ, Phôốc Láng cũng mất sang tên chủ khác. Núi đồi, rừng rú đang bị bới đào nham nhở. Liệu rằng quê mình có còn giữ được các yếu tố phong thủy của chốn địa linh để sinh bao lớp nhân kiệt nối tiếp truyền thống cha ông. Chú thấy có đúng không?

          - Được như anh nói thì hay quá, đúng quá. Nhưng tiếc rằng chữ trên cột đình đây là chữ Cường chứ có phải chữ Cương đâu anh. Phải biết tôn trọng lịch sử anh ạ. Biết làm sao được!

          Anh em chia tay mà lòng tôi hụt hững, chơi vơi. Có lẽ Lê Chiêu Chung nói đúng. Phải tôn trọng lịch sử!

Biết vậy rồi sao tôi cứ băn khoăn, trăn trở mãi không thôi. Cường là mạnh, nhưng Tỉnh là gì? Nó phải ăn nhập gì với nhau trong câu đối này chứ? Điều băn khoăn đó khiến tôi tìm tòi, tra cứu trên tất cả các từ điển Hán Việt cổ đại và hiện đại tôi được biết trong khả năng có thể…

          Trong cuộc tìm kiếm đó, thật may mắn ở cuốn từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành tháng 2 – 2012 – trang 169, 170, mục chữ Cường có ghi rất rõ:

          - Cường ……: Là lớn, mạnh. Ngoài ra còn có âm khác là Cương …….với nghĩa vạch cõi, định rõ ranh giới cõi bờ như chữ Cương…… ở trang 366 (Sách này).

          Tôi vui sướng reo lên. A đây rồi! Ôi! Cha ông mình thật sâu sắc, thâm thúy. Bấy lâu chúng ta chỉ hiểu hời hợt mà thôi. Câu đối trên không chỉ là lòng yêu mến tự hào, biết ơn tiên tổ chung chung. Nó còn là lời nhắc nhở khắc cốt, ghi xương với muôn đời con cháu: Phải biết giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất của cha ông. Nơi trời đã định. Nơi ông cha đã kiến tạo, tô bồi, vạch cõi. Có như thế nơi đây mới được thịnh vương muôn đời. Các bậc hiền tài mới được sinh sôi để tiếp bước truyền thống của cha ông.

          Trên đây là những lời dài dòng văn tự để hiểu kỹ càng hơn về câu đối Thiên khai thạnh hội quang cường tỉnh/Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim. Xin được mạo muội dịch lại ngắn gọn là: Trời mở hội khai canh định cõi/Đất sinh người tài giỏi xưa nay.

          Đôi điều trộm nghĩ mà viết ra sau một đêm dài thao thức nung nấu. Vui được cùng bà con tận hưởng sự mát lành của trận mưa cuối Hạ. Buồn bởi những gì cha ông để lại, nhắc nhở thế hệ con cháu làng Cao Lao Hạ hôm nay, chưa thực hiện được một cách vẹn toàn.

          Có gì thất thố mong bà con lượng thứ.

 

Ngày 30 tháng 8 năm 2016

Lưu Văn Quỳnh

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip