Mùa thu không vàng

18:19 - 22/05/2021

Truyện ngắn của anh Lưu Minh Hải

Mùa thu không vàng

MÙA THU KHÔNG VÀNG

Những con sóng ngoài khơi như bị ai truy đuổi, xô đẩy và nối tiếp nhau quất vào những mỏm đá. Trời đặc quánh một màu xám trắng, ủ dột như khuôn mặt của một gã đàn ông thất tình. Cuối thu, mùa biển động. Hải Đăng ngồi trên bãi biển nhìn theo cánh chim hải âu bay đi, rời xa tận phía cuối chân trời. Mới đó mà đã hơn hai năm rồi anh đến nơi hòn đảo này, ngày đêm nghe rì rào sóng biển. Một cuộc chạy trốn vô định và dừng chân không hẹn trước. Ở đây, ngày ngày Hải Đăng dạy học cho con em ngư dân trên đảo. Là một thầy giáo nhưng ngoài công việc dạy học thì anh còn làm đủ mọi việc cùng với bà con ngư dân như: đan lưới, kéo lưới, đẩy thuyền,…đặc biệt thú vui nhất đó là đi câu mực vào những đêm cuối tuần. Việc gì Hải Đăng cũng có thể làm được, lầm lì làm một cách nhiệt thành, không từ nan, nề hà. Có lẽ cũng vì vậy mà những người dân đảo ở đây rất quý mến anh, quý mến một cách lặng lẽ như chính những gì anh làm cho họ vậy.

- Thầy Hải Đăng…gió lớn thế này sao thầy ngồi ngoài này một mình vậy?

- À…tôi ra đây một chút cho mát! Hải Đăng không nhớ rằng bây giờ đang là mùa thu, sau cơn bão biển sóng lớn và gió lạnh.

Cơn bão vừa đi qua hôm qua làm hư hỏng một số nhà dân trên đảo. Ở đảo, cứ vào mùa bão là con người ta luôn trong trạng thái nơm nớp và tâm thế sẵn sàng chiến đấu để chống chọi với những cơn giận giữ của thiên nhiên. Tuy cuộc sống vất vả là thế, nguy hiểm là thế, khó khăn là thế nhưng những con người ở nơi đây vẫn luôn yêu đảo, yêu mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này và không ai muốn rời đi.

- Thầy Hải Đăng…Quỳnh có thể nhờ thầy được không? Người đàn bà ngập ngừng! Mái nhà của mẹ con Quỳnh hôm qua bị bão…

- Ừ, Quỳnh về đi rồi tôi sẽ qua giúp cho. Hải Đăng nói trong khi vẫn nhìn ra biển, không quay lại phía Quỳnh.

Hải Đăng tốt nghiệp đại học sư phạm, ra trường đi theo tiếng gọi của ước mơ và khát vọng. Anh mang theo mình hành trang là bao dự định trên con đường nam tiến. Điểm đến đầu tiên là Sài Gòn. Nhưng Sài thành, nơi phồn hoa đô hội, ganh đua, vội vã và chen chúc, không phải là nơi Hải Đăng muốn dừng chân. Anh rời Sài Gòn lên miền cao của miền đông vào một ngày đầu thu trời nắng gắt. Con đường quốc lộ cứ loang loáng, bóng nhẫy như chảy mỡ, xộc lên bởi luồng khí nóng và mùi nhựa hắc. Ấy thế mà khi nhìn qua cửa xe, hai bên đường là những cánh rừng cao su ngút ngàn xanh mát làm cho cảm giác tâm hồn như dịu lại. Xa xa, những con đường đất hun hút bụi đỏ làm cho những cây cao su bên đường lá có một mặt xanh và một mặt hồng của bụi đất đỏ bazan.

Ngôi trường mới xây dựng còn mới tinh chưa hết mùi sơn nằm bên cạnh con đường từ thị trấn về xã. Nhìn bốn phía đâu đâu cũng thấy những rẫy điều mênh mông, bạt ngàn xanh mát. Một cảm giác thật trong lành và yên bình! Thời tiết miền đông vào mùa này hệt như tính nết thất thường của những cô gái đang tuổi yêu. Mưa đó rồi nắng đó! Những cơn mưa xối xả như trút nước, trắng xóa cả những cánh rừng điều, rừng cao su bạt ngàn. Những cơn mưa làm cho người nào mới tha hương không khỏi cảm thấy chạnh lòng buồn man mác. Thế mà độ một giờ sau trời đã ráo hoảnh, sáng bừng, trong vắt. Cũng có lẽ một phần từ đặc tính thiên nhiên như vậy mà con người miền nam phóng túng; không ủ dột dầm dề, kiểu cách; cũng không cố gắng gượng chăng? Hải Đăng đã dần quen và yêu mến cái mảnh đất miền cao thanh bình này. Đó cũng như là sự đón nhận và yêu thương một cô gái có tính nết thất thường mà rất đáng yêu vậy.

Cơn bão đêm qua làm cho căn nhà cấp bốn của mẹ con Quỳnh bị tốc mái và vỡ ngói lổ loang nhiều chỗ. Đàn bà sống đơn thân ở cái nơi đầy bão tố này cũng khổ! Quỳnh là một người đàn bà khá đẹp nhưng vì tình đã bị kẻ sở khanh lừa và bỏ rơi. Cô lặp lại như chính cuộc đời của mẹ cô vậy. Ngày ấy, không ai biết rõ nguyên nhân nhưng vẫn còn nhớ chuyện một người đàn bà xinh đẹp bế theo đứa con còn đỏ hỏn dạt đến nơi hòn đảo này. Bây giờ, mẹ Quỳnh đã không còn. Mẹ Quỳnh mất vào một đêm giông bão, biển gầm gào dữ dội, gió mưa mù mịt trời. Khi cơn đau ruột thừa bục phát, nhà lại không có người đàn ông nên không thể nào đưa đi bệnh viện để mổ kịp thời. Ngày ấy, ở đảo đường sá đi lại còn khó khăn, y tế cũng còn thô sơ, thiếu thốn trăm bề. Sau khi mẹ mất, Quỳnh sống lầm lũi như con còng gió ngoài bãi biển vậy.

- Ngói vỡ hết rồi, để tôi đi kiếm một số ngói đã rồi sẽ thay cho cô nhé?

- Nhưng mà anh kiếm ở đâu? Quỳnh rụt rè e ngại.

- Việc đó để tôi, không phải lo, cứ yên tâm!

Sau cơn bão, đảo dường như cũng đã tạm yên bình trở lại. Mái nhà cấp bốn của mẹ con Quỳnh đã được sửa sang. Những viên ngói vỡ để lộ những khoảng trời đã được thay thế; nhiều cái cây được chằng đè lên mái và buộc chặt, rất cẩn thận và chắc chắn. Quỳnh chuẩn bị cơm nước cẩn thận, cả hai mẹ con cố níu mời Hải Đăng ở lại dùng cơm nhưng anh lấy cớ chiều tối còn có việc bận nên ra về. Người đàn bà nhìn theo cho đến khi anh đi khuất.

Đã hơn hai năm kể từ ngày đến đảo, Hải Đăng đã quen với cuộc sống ở nơi đây, quen với tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá, với những cuồng phong dữ dội của biển cả. Anh không còn muốn rời đi đâu nữa. Ngày ngày lên lớp dạy tụi nhỏ đáng yêu, giúp đỡ những người ngư dân, làm những việc mình thích. Ai cũng quý mến anh. Duy có một điều mà người ta thắc mắc đó là chuyện anh không chịu lấy vợ, không hề nhắc đến chuyện vợ con gì.

Gần ba năm rồi nhưng trong tâm trí Hải Đăng bóng dáng cao nguyên miền đông vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Hình ảnh những cánh rừng cao su bạt ngàn trải những tấm thảm vàng mùa thu. Rồi hình bóng KLinh thỉnh thoảng vẫn hiện về trong giấc ngủ của anh. KLinh đứng ở đầu giường với khuôn mặt hồn nhiên nhí nhảnh, thoáng chốc lại đượm buồn như trách móc. Ngày đó, sau mối tình với cô đồng nghiệp cùng trường tan vỡ bởi những bốc đồng và nông nổi của tuổi trẻ Hải Đăng đã có những ngày tháng chán chường và đổ vỡ. Sau này thỉnh thoảng anh vẫn nghĩ: nếu ngày ấy mình bớt cái tôi và tỉnh một chút như bây giờ thì có lẽ chuyện không đến như vậy! Thế mới biết chuyện thất bại trong đời hầu như đều do sai thời điểm. Sau khi chia tay người yêu, vì không muốn hàng ngày phải cứ chường cái mặt ra mà đối diện với nhau và vì một vài lí do nữa nên Hải Đăng đã rời bỏ ngôi trường đầu tiên, nơi gắn với biết bao nhiêu kỉ niệm những năm đầu đứng trên bục giảng với cái nghề gieo chữ. Anh rời bỏ miền đất đã từng có ý định muốn dừng chân và gắn bó ấy.

Sau một khoảng thời gian bôn ba mất phương hướng, Hải Đăng đã đến với một miền đất khác. Anh đến đây cũng vào một buổi chiều mùa thu, khi những cánh rừng cao su miền đông lổ loang lốm đốm vàng trên từng sắc lá. Vẫn những con đường hun hút, mịt mờ bụi đỏ khi trời nắng và dính quện gót chân khi trời mưa. Hải Đăng yêu lắm mùa thu xứ cao nguyên miền đông này! Yêu những rẫy điều và những cánh rừng cao su ngút ngàn tầm mắt. Đặc biệt là những tấm thảm vàng kéo dài xa tận chân trời của cao su mùa thay lá; hệt như cảnh trong phim ngôn tình xứ Hàn vậy. Ai đã từng yêu thích bức tranh “mùa thu vàng” của danh họa Le-vi-tan hẳn chắc rằng sẽ say đắm cái sắc thu vàng đến nao lòng ở đây. Anh còn yêu cả âm thanh của tiếng sấm rền đâu đó vọng từ trong những cánh rừng đại ngàn vọng lại, báo hiệu cho cơn mưa của mùa mưa sắp về. Hải Đăng đã quyết định quay trở lai với nghiệp cầm phấn và cầm bút, coi đó như là chuyện của định mệnh. Mỗi buổi chiều sau giờ tan trường, Hải Đăng không ra phố huyện tụ tập, đàn đúm, dạo chơi, nhậu nhẹt,… mà thường lang thang trên những ngọn đồi, những cung đường hun hút trong những cánh rừng cao su. Ở đó, anh nghe tiếng lá hát, nghe rừng thở, những tiếng thở của đại ngàn đầy huyền bí và ma mị. KLinh là một cô gái dân tộc Mạ mà Hải Đăng gặp để rồi chuyện tình của họ như là một định mệnh cũng vào một buổi chiều như thế.

Quỳnh suy nghĩ mông lung về người đàn ông đứng tuổi, lầm lì ít nói nhưng vẫn luôn giúp đỡ mọi người; sẵn sàng giúp đỡ mình vào những khi mà cô cần nhất. Gần đây, hình ảnh người đàn ông ấy ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tâm trí của cô. Người đàn bà nghĩ: mình là một người mẹ đơn thân, phận lỡ làng, không cha mẹ, không người thân thích thế này thì làm sao mơ ước hạnh phúc, làm sao dám mong có được tình cảm của người ta! Những lúc như vậy, người đàn bà lại chạnh lòng buồn, xót xa vể cuộc đời của mình. Sinh ra rồi lớn lên bên mẹ, biết bên mình chỉ có mẹ mà thôi, ngoài ra không còn một người thân nào khác. Người mẹ rất mực thương yêu đứa con gái của mình nhưng không hề nói cho con biết về cha của nó là ai. Thuở nhỏ, đi học Quỳnh thường bị bạn bè trêu chọc và xa lánh chỉ vì cái chuyện không cha của mình. Lúc đầu Quỳnh khóc, lâu dần thành quen chả buồn khóc nữa. Lớn lên, đã vài lần Quỳnh muốn hỏi mẹ về cha của mình nhưng thấy khuôn mặt mẹ lúc nào cũng buồn rười rượi nên cô lại thôi. Cô thương mẹ vô cùng! Từ lúc mới sinh đến giờ, Quỳnh sống ở đây và chỉ biết có hòn đảo nhỏ này mà thôi. Nhưng Quỳnh không bao giờ bằng lòng với khoảng trời nhỏ bé ấy. Khi còn học phổ thông Quỳnh đã luôn khao khát, ước mơ được bay ra với thế giới rộng lớn phía đất liền ngoài kia. Điều đặc biệt là tuy không được đào tạo gì về nghệ thuật nhưng cô nữ sinh Quỳnh lại rất có năng khiếu về âm nhạc và diễn xuất. Điều đó càng góp phần thôi thúc ước mơ trở thành một cô ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng sống bằng ánh đèn sân khấu, bằng những lời lẽ tán dương của người đời nơi Quỳnh.

- Con ạ, đời người nghệ sĩ bạc lắm; hào nhoáng hư danh có thể giết chết một đời người! Mỗi lần khuyên răn con gái như vậy, người mẹ như lén tự nhìn lại chính bản thân cuộc đời mình.

Quỳnh không bao giờ cãi lại mẹ nhưng có nhiều chuyện cô vẫn giấu mẹ và làm theo ý riêng của mình. Cũng đã nhiều lần Quỳnh suy nghĩ: nếu mình không nghe lời mẹ, cứ khát khao theo đuổi con đường nghệ thuật ở tận đất liền xa tít kia rồi mẹ ở đây một mình sẽ ra sao? Đã rất nhiều trăn trở nhưng khát vọng vẫn không thể nào bỏ được trong tâm hồn cô gái mới lớn. Bẵng đi một thời gian, khát khao của Quỳnh lại trỗi dậy khi có đoàn văn công từ đất liền ra đảo biểu diễn. Năm ấy, cũng vào mùa này, khi đoàn văn công vừa ra đảo biểu diễn hai hôm thì gặp bão lớn suốt mấy ngày liền nên đoàn phải ở lại trên đảo hơn một tuần. Đứa con gái tuổi vừa chạm ngõ đôi mươi, cái tuổi xuân thì vừa độ chín mọng và căng đầy sức sống. Quỳnh giống mẹ, xinh đẹp đủ để cuốn hút bất cứ người đàn ông nào khi ở gần, dù cô gái không hề ăn diện. Cô gái từ bé tới giờ chỉ biết quanh quẩn nơi hòn đảo nhỏ, sống thui thủi bên người mẹ đơn thân có gương mặt buồn rười rượi. Ngày ngày ngồi bên bờ biển nghe tiếng sóng vỗ và nhìn ra đại dương mêng mông tâm hồn cô gái mới lớn ấy không thôi khao khát về một thế giới rộng lớn, hào hoa, rực rỡ đèn màu ở phía đất liền xa xôi ấy. Bởi quên những lời mà mẹ thường hay nhắc bảo, Quỳnh sa vào lưới tình chớp nhoáng từ một chàng ca sĩ trẻ đẹp trai, hát hay của đoàn văn công trong chuyến ra đảo ấy.

Chiều tan trường. Sau cơn mưa, bầu trời trong vắt và mát mẻ. Những cánh rừng cao su như vừa được tắm gội sạch sẽ, xanh hút tận chân trời. Chiếc xe Win băng băng trên con đường qua giữa những cánh rừng cao su. Thỉnh thoảng gió vô tình rây những hạt mưa còn sót lại trên lá cây rơi xuống mặt một cảm giác mát rượi. Chàng trai đang mải mê huýt sáo và gửi hồn theo những tiếng chim Kơ-tia đâu đó đang sải cánh giữa đại ngàn. Rầm! Một chiếc xe từ phía trong con đường nhỏ chạy ra bất ngờ làm cho Hải Đăng trở tay không kịp. Ở đây, sau những cơn mưa đường đất đỏ thường trơn trượt, cho dù chạy xe cẩn thận nhưng tay lái yếu thì chuyện té xe cũng thường tình xảy ra. Cú cắt ngang bất ngờ này không té mới lạ! Sau mấy giây định thần, Hải Đăng bối rối nhìn về phía cô gái.

- Cô có sao không?

Cô gái có vẻ đau. Cái đau cộng với cảm giác áy náy về lỗi do mình gây ra làm cho khuôn mặt cô gái thật đáng thương mà lại buồn cười. Hải Đăng nhanh nhẹn đến gần và ngỏ ý đỡ cô gái dậy. Bất giác, anh giật mình vì nhìn xuống thấy chân cô rỉ máu. Chưa hết, nhìn lên anh lại thấy áo người con gái bị rách một mảnh, mấy chiếc cúc bị bung đứt đâu, lộ ra một mảng ngực. Hải Đăng luống cuống! Sau một phút thất thần, bây giờ cô gái có lẽ mới nhận ra chiếc áo bị rách và đứt cúc của mình nên vội vàng lấy tay che lại, cảm giác đầy ngại ngùng. Không nói gì, Hải Đăng nhanh nhẹn cởi ngay chiếc áo gió của mình đang mặc giao cho cô gái và quay mặt đi hướng khác. Cô gái có vẻ đau lắm nên chân đi còn hơi khập khiễng. Hải Đăng cũng bị rách một mảng quần và trầy xước ở đầu gối. Vì không thể yên tâm nên dù không bị bất cứ lời trách móc nào nhưng anh cũng hộ tống cô gái về tới tận cổng nhà cho bằng được.

Chờ mãi mà chẳng thấy chàng ca sĩ trẻ quay trở lại đảo như lời đã hứa. Những ngày đầu Quỳnh vui vẻ, lạc quan, hi vọng bao nhiêu thì bây giờ đây cô đang buồn bã và thất vọng bấy nhiêu. Gã ca sĩ họ Sở vẫn bặt vô âm tín. Bằng linh cảm và kinh nghiệm của người mẹ, mẹ Quỳnh đã nhận ra điều bất thường ở con gái mình. Người mẹ phát hiện Quỳnh đã có thai nhưng vẫn lặng im, không hề quát mắng hay chửi bới một lời nào. Nhìn cô con gái ngày càng như tàu lá héo úa, te tua sau cơn bão mà nhiều đêm người mẹ không sao ngủ được. Bà khóc một mình; khóc không thành tiếng, nước mắt như cứ chảy vào trong. Người đàn bà đơn thân từng bị người đời dè bỉu cảm thấy đau xót, đắng cay biết bao khi nhìn lại cuộc đời mình đang sắp được lặp lại ngay chính nơi đứa con gái duy nhất đáng thương của mình. Sau này, Hải Đăng nghe người ta nói rằng khi Quỳnh sinh con bé Thùy Dương, vào một đêm khuya, người mẹ cô không dám nhờ cậy ai nên đã tự mình đỡ đẻ cho con gái mình. Vậy mà trời thương, mẹ tròn con vuông! Con bé Thùy Dương ra đời ngoan ngoãn, ti no lại ngủ, không hề quấy mẹ và bà. Càng lớn Thùy Dương càng ngoan, gặp ai cũng chào làm cho những người ở đảo ai cũng thương, muốn bế và nựng nó, có cái gì ăn cũng cho nó. Thấm thoắt bé Thùy Dương cũng đã hơn năm tuổi và sắp vào lớp một. Người mẹ, chỗ dựa duy nhất của Quỳnh cũng đã không còn. Trong tâm trí Quỳnh bây giờ cũng không còn cái khao khát rời đảo để đến với đất liền náo nhiệt, phồn hoa; với con đường âm nhạc hay diễn viên như ước mơ ngày nào nữa. Những người đàn bà trên đảo có vẻ như ngày càng cảm thông và yêu thương mẹ con Quỳnh nhiều hơn.

Hải Đăng gặp lại KLinh vào một lần ra huyện, khi anh đưa đoàn học sinh của trường đi tham dự giải văn nghệ phong trào. KLinh làm ở trung tâm văn hóa cộng đồng huyện. KLinh nói sẽ trả chiếc áo hôm trước cho anh, Hải Đăng chỉ mỉm cười. Cô gái thì hồn nhiên như những gì vốn là vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng bản địa. Từ sau lần gặp nhau đó, hai người mới bắt đầu liên lạc với nhau và gặp nhau ngày càng nhiều hơn. Tình yêu giữa họ cũng đến một cách thật tự nhiên và lớn dần trong thầm lặng, không hề có chút sóng gió. Thời gian cứ thế trôi đi một cách bình yên, như những cánh rừng cao su xanh biếc rồi lại trải thảm vàng thay lá làm đẹp cho cái xứ sở miền cao này. Trong mắt Hải Đăng thì KLinh mãi vẫn là một cô gái mang vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên như những bông hoa dại nơi núi rừng này, thô mộc mà cũng đầy huyền bí vậy! Mỗi khi ở bên Hải Đăng KLinh đều rất vui vẻ, cười nói líu lo như con chim của núi rừng. Hải Đăng thì không những không hề ái ngại trước người khác mà còn luôn tự hào về bạn gái của mình, một cô gái dân tộc thiểu số. Những cung đường tít tắp len lỏi giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn bây giờ không còn một mình bóng dáng Hải Đăng nữa mà đã có dấu chân của hai người. Vào những chiều thứ bảy hay những ngày chủ nhật đẹp trời họ thường đi phượt khắp những con đường trong huyện và cả mấy huyện lân cận nữa. Họ cùng có chung tình yêu say đắm đối với rừng, với những cây cao su – nguồn nhựa sống cho xứ sở này. Những cánh rừng cao su ngút ngàn tít tắp, chạy mãi, chạy mãi tới tận chân trời như tình yêu của Hải Đăng và KLinh mùa qua mùa trên những con đường nối mãi.

- Tết năm này anh sẽ về quê nói với bố mẹ và gia đình vào xin phép cưới em làm vợ. Hải Đăng nói với KLinh.

KLinh trêu đùa anh:

- Đến bây giờ mới chịu cưới cơ à? Mà chắc là bố mẹ em sẽ mừng lắm đấy! Em đã gần hai mươi hai tuổi rồi còn gì! Dù bất cứ lí do gì thì người đồng bào chúng em đều không muốn con gái mình phải ở giá đâu!

- Ừ! Em nói với bố mẹ hồi môn cho chúng ta chừng một hecta cao su thì mọi chuyện sẽ êm đẹp, xong hết. Hải Đăng đùa lại nàng.

Đôi trẻ ngày ngày vẫn sống trong hạnh phúc và đang chờ đợi ngày nên duyên để về chung một nhà, để cùng nhau xây tổ ấm.

Đã hơn một tuần nay, Hải Đăng có công chuyện phải về đất liền. Quỳnh luôn cảm thấy như thiêu thiếu một điều gì đó, nhiều khi làm việc mà cứ như người mất hồn. Có nhiều buổi chiều cô cùng con ra bãi và nhìn xa xăm về phía biển. Cô không biết rõ là anh về đất liền vì chuyện gì. Tự dưng trong lòng cô có sự nơm nớp lo lắng rằng anh sẽ không quay trở lại. Hòn đảo nhỏ bé này như cuộc đời của cô vốn đã buồn rồi, không có anh về nữa chắc sẽ buồn lắm. Thùy Dương thỏ thẻ:

- Mẹ ơi, bác Hải Đăng bỏ chúng ta mà đi rồi hả mẹ? Con nhớ bác ấy lắm!

- Ừ, mẹ cũng nhớ bác ấy! Quỳnh buột miệng nói câu ấy với con xong rồi chợt nhận ra mình như bị hớ. Sợ con gái hỏi nữa sẽ làm cho mình không biết trả lời con như thế nào nên cô cố lảng sang chuyện khác. Con bé thì vẫn không thôi nhắc về bác Hải Đăng của nó với một thái độ tự hào hơn cả dành cho một người cha.

Trong tâm trí Hải Đăng vẫn còn nhớ như in, trong tim Hải Đăng vẫn còn khắc sâu nỗi đau đã đổ ập xuống đầu anh ngày hôm đó. Chiều hôm đó, đang dạy tiết cuối cùng ở trường, dự định hết tiết sẽ ra thị xã đón KLinh cùng đi lấy bánh sinh nhật để tối nay sinh nhật em như đã hẹn. Hải Đăng chết lặng, cảm giác như không còn đứng vững trên bục giảng sau khi nghe cuộc điện thoại. Ai đó đã dùng điện thoại của KLinh để gọi báo cho anh rằng cô gái bị tai nạn rất nặng do xe tông ngoài thị xã. Họ nhìn vào cuộc gọi cuối cùng trong điện thoại của KLinh và gọi báo cho anh. Hải Đăng cho học sinh nghỉ, tức tốc chạy ra bệnh viện thị xã. Khi đến, người anh như quỵ đi, anh không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy KLinh. KLinh nằm đó như đang ngủ trên tay anh nhưng không còn thở nữa. Em đã ra đi mãi mãi vào đúng ngày sinh nhật thứ hai mươi hai của mình. Hải Đăng suy sụp hoàn toàn trước sự ra đi đột ngột của người yêu. Sau đám tang của KLinh, Hải Đăng như kẻ không hồn, chiều chiều vẫn một mình lang thang trên những con đường trong những cánh rừng cao su, nơi gắn với những kỉ niệm của hai người; có khi nửa đêm anh mới về phòng.

Mùa thu ở nơi đây vốn dĩ đã buồn nay như lại càng buồn hơn. Bây giờ đã là giữa thu, những cánh rừng cao su nơi này vẫn bạt ngàn mênh mông, chạy dài tít tắp, hút tầm mắt đến tận cuối chân trời. Những cánh rừng cao su đang đồng loạt vào mùa nhuộm lá. Một sắc vàng bao trùm khắp nơi như trong bức tranh “mùa thu vàng” của danh họa Le-vi-tan. Trong điện thoại của Hải Đăng còn lưu giữ không biết bao nhiêu là pic ảnh tự chụp và chụp cho nhau của hai người giữa sắc vàng cao su của mùa thu xứ sở. Mỗi buổi chiều, giờ giải lao hay sau giờ tan trường, đứng trên hành lang lầu bốn của ngôi trường mình đang công tác nhìn ra bốn phía đều thấy một màu vàng của bạt ngàn cao su. Nhưng trong mắt Hải Đăng, cái màu vàng nổi bật ấy giờ không còn là màu của sung túc và hi vọng nữa mà là màu của héo úa và niềm đau. Lòng anh buồn nặng trĩu! Những tiết học của lớp Hải Đăng dạy bây giờ đều buồn ảm đạm. Lũ học trò không còn thấy thầy chúng nó cười, không còn được nghe kể chuyện vui hay những câu trêu đùa, khôi hài để xả stress nữa. Hải Đăng dường như không thể chịu đựng được nữa khi ngày ngày phải đối diện với kỉ niệm. Những con đường, những cánh rừng, góc quán cà phê,…tất cả nhìn vào đâu cũng thấy hình bóng của KLinh. KLinh hiện về nhiều đêm trong giấc mơ của anh, với một vẻ mặt buồn rười rượi. Hải Đăng đã viết đơn xin nghỉ việc và làm những việc cần thiết cuối cùng. Sau lễ thất tuần cho KLinh, Hải Đăng rời bỏ nơi này, rời bỏ cao nguyên miền đông như là một sự chạy trốn. Ngày anh ra đi, lá cao su rụng đã quá nửa; nhiều lá trên cành thâm đỏ như máu ứ. Nhìn lên những cánh rừng cao su sắc vàng đã nhợt nhạt, lổ loang đầy những khoảng trống; những cành trơ ra như muôn ngàn vết xước. Lá cao su rụng đã khô giòn, lạo xạo dưới chân người đi.

Hải Đăng đã trở lại đảo sau gần nửa tháng xa cách. Ngày trước anh đến nơi đây như là một cuộc chạy trốn quá khứ, chạy trốn kỉ niệm. Cuộc chạy trốn vô định và dừng chân không hò hẹn. Nhưng giờ đây anh trở lại đảo và sẽ quyết định gắn phần đời còn lại của mình ở nơi này. Bản thân anh biết rằng điều đó vì lí do gì. Từ xa, Hải Đăng đã thấy bóng dáng của Quỳnh và con bé Thùy Dương đứng bên mỏm đá. Từng đợt sóng biển tung trắng xóa.

Tác giả : Lưu Minh Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip