Ngầm Hói Hạ một thời máu lửa

16:30 - 27/06/2012

Cùng với bến phà Gianh 2. Ngầm Hói Hạ xã Hạ Trạch là một địa danh oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

 

Xã Hạ Trạch, nằm về phía Bắc huyện Bố Trạch, xưa gọi là làng Cao Lao Hạ. Phía Bắc làng nằm sát bờ sông Gianh, sông chảy ven Bắc làng khoảng gần 500m giáp xã Quảng Thuận (Quảng Trạch). Phía Nam làng là dãy đồi liên tiếp của  dãy núi Lệ Đệ thuộc dãy Hòn Bung, của  Trường Sơn hùng vĩ;  giáp xã Cự Nẫm và xã Liên Trạch.Phía Đông làng giáp xã Bắc Trạch. Phía Tây làng giáp xã Mỹ Trạch.  

 

Cánh đồng phía Bắc làng có con Hói tự nhiên, đầu nguồn từ Thượng Cầu phía Tây làng, chảy về phía Đông làng, nối với hào xung quanh thành Cổ (Thành Khu Túc), xuống Sác Biền, ven theo Đồng Phố, Hậu Hà, Đuồi Cùng, rồi xuống Cửa  Hói Hạ nhập lưu vào sông Gianh. Hói Hạ chạy song song với làng từ Tây sang Đông, chiều dài hơn 2 km, chiều ngang hẹp, nước Hói Hạ lên xuống nhịp nhàng theo thủy triều sông Gianh. Thuở  xa xưa, vùng đất này là chiến địa khốc liệt giữa Chiêm Thành và Đại Việt nên Hói Hạ  được  khơi đào nạo vét, đào đắp hàng năm tạo thành  con đường thủy, thuyền  bè ra vào sông Gianh thuận lợi. Năm Nhâm Tuất (1802), Hói Hạ có sắc phê chuẩn của Vua Gia Long,  Nguyên văn Sắc ghi: “Thủy Nguyên Hói Cầu, tẩu lưu hồi hói Hạ, Cao Lao Hạ hà thủy nhập Linh Giang.”; Nội dung sắc phê xác nhận địa lý của Hói Hạ thuộc lãnh thổ của làng Cao Lao Hạ. Trên Sắc Phong ghi ngày tháng mà Vua ban Sắc Phong: “Gia Long nhị niên, tam nguyệt sơ tam nhật. Cảnh Hưng lục thập nhị niên lục nguyệt, sơ lục nhật.”   Dịch là: Gia Long năm thứ 2 ngày 3 tháng 3 (1803); Cảnh Hưng thứ 62, ngày 6 tháng 6 (1803).

 

Năm 1960 bộ Giao thông vận tải quyết định chuyển phà 1 (Thanh Trạch, Quảng Phúc) lên phía trên cách cửa Gianh khoảng 6 Km, thuộc địa phận xã Quảng Thuận (Quảng Trạch) và xã Hạ Trạch (Bố Trạch), làm bến phà Gianh 2.

 

  

 

Từ nay xã Hạ Trạch có một đoạn quốc lộ 1A dài hơn 1 Km, đi ngang qua địa phận xã Hạ Trạch. Đến ngã 3 Bắc Hạ,  chia làm hai nhánh: Một nhánh quốc lộ 1A đi qua xã Bắc Trạch, đến đèo Lý Hòa. Một nhánh đi thẳng qua Ba Trại vào Cự Nẫm nối với đường tỉnh lộ II. Theo quốc lộ IA, từ Nam bến phà Gianh 2, đến ngã 3 Bắc Hạ, đi qua cầu Hói Hạ, dài hơn 10 m, cách bến phà Gianh 2, chừng 600 m.

 

Bị thua đau ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ, mở rộng chiến tranh, leo thang bắn phá miền Bắc.Trong suốt gần 9 năm ( từ 5/8/1964 đến 27/1/1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng  hơn 20 000 lần chiếc máy bay trong đó có máy bay B 52, F 111A, suốt ngày đêm, dội xuống mảnh đất “toạ độ lửa”, là trọng điểm bắn phá số 1, mảnh đất nằm gọn trong vành đai lửa, bến phà Gianh 2, bến đò miếu ông Ngư,  đường quốc lộ IA  đi qua ngầm Hói Hạ, ngã 3 Bắc Hạ, vào đường Ba Trại, qua ngầm Giếng Kiệt, dốc Oằn, trận địa Pháo Trung đoàn Sông Gianh, tiểu đoàn 214, ở Lùm lòi phía Đông làng; trận địa Tên lửa ở vùng núi Chóp Cờ, kho vũ khí, quân nhu ở Rừng Ba Trại.vv.. Trở thành một “Vành đai lửa”, với mức độ đánh phá tàn bạo và huỷ diệt.

 

Qua chín năm đế quốc Mỹ điên cuồng bắn phá, (1964 - 1973), xã Hạ Trạch đã trở thành một chiến trường khốc liệt, bị bom đạn huỷ diệt, cày đi xát lại; cây cối nhà cửa vườn tược, đình chùa, nhà thờ đều bị tàn phá, chi chít hố bom, đạn, ken dày, chồng lên nhau nham nhở khét lẹt.

 

Cầu Hói Hạ bị đánh sập thành Ngầm Hói Hạ. Từ đó Ngầm Hói Hạ phải sống những năm tháng hào hùng, oanh liệt của MỘT THỜI MÁU LỬA.

 

Để ngăn chặn những đoàn xe ngày đêm chở hàng ra tiền tuyến, đế quốc Mỹ đã huy động các phương tiện chiến tranh hiện đại, hàng nghìn lượt máy bay các loại, dội xuống đoạn đường hơn 2 km từ bến phà Gianh 2 vào Ba Trại, hàng nghìn, hàng vạn tấn bom đạn các loại, biến đọan đường này thành một tọa độ lửa, ác liệt, nóng bỏng suốt ngày đêm...

 

Ngầm Hói Hạ trở thành, vũng nước mênh mông xe không thể qua lại được. Dân quân  và các đơn vị xung  kích của xã Hạ Trạch, cùng các xã Bắc Trạch, Mỹ Trạch, phối hợp với các đơn vị TNXP ngày đêm lấp hố bom, biến cầu Hói Hạ thành ngầm Hói Hạ cho các đoàn xe ra tiền tuyến. Quân và dân Hạ Trạch xác định rõ trách nhiệm của mình là "Thông đường, thông xe" với quyết tâm:"... Xe chưa qua nhà không tiếc/Đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương...". Nhiều hộ gia đình, nhiều dòng Họ đã hạ nhà mình xuống, hạ các nhà thờ Họ, thậm chí đất đá các lăng mộ của gia đình, dòng họ mình cho sự nghiệp kháng chiến "Chống Mỹ cứu nước "

 

Nếp nhà gỗ của bà :"Hộ Tỵ "thân mẫu của ông Lê Văn Tri. Gạch ngói, gỗ đá của 6 nhà thờ Họ và đất đá của 2 lăng mộ tổ Họ Lưu làng, Họ Lê Văn  đã hóa thân cho ngầm Hói Hạ được thông, là sự hy sinh  vô bờ bến của quân và dân Hạ Trạch. (Các nhà thờ Họ gồm: Nhà thờ Họ Phan, họ Lưu Công, họ Lê Văn, họ Nguyễn, 2 họ Lê Văn, và họ Lưu Làng ).

 

Toàn bộ số cây Dương liểu, các cụ phụ lão trồng dọc đường đã cao lớn, cũng được hạ xuống, lấp ngầm Hói Hạ, ngầm cầu Kiệt. Rừng Thông do xã trồng ở vùng Ba Trại, cũng được dân quân Hạ Trạch hạ xuống, cưa thành ván chuyển về làm cầu tạm cho xe qua. Cành cây, lá bó thành từng vác bổi, được anh chị em đoàn viên thanh niên xung kích, xã viên HTX,  ban ngày  vào rừng chặt bổi, cùng TNXP chuyển về dự trữ khi ngầm bị tắc là huy động "thông xe" cho kịp thời.

 

Hàng đêm từ chạng vạng tối đến mờ  sáng ngày hôm sau; mặc những đêm mưa dầm, gió bấc, rét buốt, đến những đêm hè nóng nực.  Đội "Lộ Tiêu", và đội "Cứu xe", đội xung kích và dân quân xã Hạ Trạch, với đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, luôn  luôn  sẵn sàng có mặt trên mặt đường để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm thông đường, thông tuyến, thông xe góp phần xuất sắc đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Với khẩu hiệu: " Đường ngầm, sông, bến là trận địa.." " Một tấc không đi, một ly không rời ,""Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm..."

 

Biết bao tấm gương hy sinh anh dũng, của quân và dân Hạ Trạch trên mặt trận giao thông vận tải.

 

Suốt 3 đêm từ 24 đến 26 tháng 8 năm 1966; Nhận nhiệm vụ phục vụ cho chiến dịch thông ngầm, thông phà 2, cho chiến dịch: "Tên lửa vượt sông Gianh ", các lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến, dân quân các xã Bắc Thanh, Mỹ cùng các lực lượng quân và dân xã Hạ Trạch, tập trung về địa bàn xã Hạ Trạch để phục vụ cho chiến dịch.  Ban ngày các đơn vị vào rừng Ba Trại chặt cây,  bó lá, đào  đất, đá chuyển dần tập trung về dốc Ba Trại, để đêm đêm, chuyển cây, lá, đất đá về mặt đường từ phà Gianh II vào đến dốc Ba Trại để san lấp hố bom, lấp ngầm, lấp cống, thông đường cho đoàn tên lửa nặng hơn 18 tấn, lần đầu tiên vượt sông Gianh về Ba Trại để bảo vệ vùng trời nam bắc sông Gianh.

 

Các  chiến sĩ công nhân phà Gianh, ngày đưa phà đi trú ẩn, chiều tối các công nhân Phà huy động lực lượng ghép 3 phà thành cầu phao khẩn trương cho đoàn tên lửa vượt sông. Không khí hối hả đó, máy bay Mỹ đêm đêm đi chụp ảnh trinh sát phát hiện được. Chúng huy động lực lượng các loại máy bay, bắn pháo sáng từ đầu hôm đến sáng, chúng nhào lộn ném bom sát thương, bắn đạn 20 li và thả bom bi lên đoạn đường hơn 3 cây số mà các lực lượng phục vụ chiến dịch đang san lấp.  Mặc dù trong suốt 3 đêm, đêm nào cũng có thương vong, nhưng các chị các anh vẫn dủng cảm bám  mặt đường. tận tụy say sưa với công việc. Lợi dụng pháo sáng Mỹ thắp sáng cả vùng, anh chị em các đơn vị, tranh thủ khi vắng máy bay lại bám đường san lấp.

 

Đêm nay, đêm 26/8/1966, tên lửa Vượt sông Gianh theo kế hoạch. Các đơn vị làm đường hối hả lên mặt đường. Mới chạng vạng tối, từng tốp máy bay đã gầm rú, nhào lộn bắn pháo sáng, ném bom lên mặt đường, những loạt bom bi, bom sát thương, rốc két, 20 li, chúng thay nhau xối xả lên đoạn đường tờ bờ sông Gianh vào chân dốc Ba Trại. Hơn 22 giờ đêm, 3 chiếc phà, được những người cảm tử phà Gianh đưa đoàn tên lửa đồ sộ cồng kềnh cập bến Nam Gianh giữa tiếng reo hò náo động cả một vùng, bởi lòng sung sướng, bởi lòng tự hào, và niềm tin tất thắng của những chiến công.

 

Dưới ánh trăng đêm 11 tháng 7 âm lịch, cùng với từng chùm pháo sáng của đế quốc Mỹ rọi đường cho đoàn tên lửa đầu tiên vượt sông Gianh lầm lũi đi về phía Ba Trại.

 

Đoàn xe tên lửa vừa vượt qua ngầm  Giếng Kiệt thì từng tốp máy bay lại ập tới. Tất cả TNXP, Dân Công hỏa tuyến và dân quân của các xã vùng Bố Trạch tản ra khỏi mặt đường, phân tán xuống các bờ mương, bờ ruộng trú ẩn. Một tốp máy bay nữa lại bổ nhào, các cở pháo phòng không trong vùng của các đơn vị bộ đội chủ lực, các cở súng máy, 12 ly7, súng trường của dân quân Hạ Trạch và các xã Bắc Nam sông Gianh đan thành lưới lửa trùm lấy những con quạ đói trong đêm. Ba loạt bom sát thương thi nhau rung chuyển mặt đường, nơi đoàn xe vừa mới đi qua. Tiếp đến từng loạt bom bi chát chúa chớp sáng  inh tai, long óc, vây lấy mặt đường. Có tiếng kêu khóc, có nhiều tiếng rên rỉ nơi ngả ba, nơi ngầm Hói Hạ, và nhiều tiếng la khóc bên bờ ruộng. Mặc tiếng máy bay đang gầm rú, các đơn vị ào lên tìm nhau, tiếng khóc, tiếng gọi nhau Hoa ơi!, Muống ơi!, Đào ơi! Đức ơi! Hén ơi!...trong màn khói lửa khét lẹt sao mà thảm thiết, ghê rợn...

 

Các loạt bom sát thương, bom bi đã sát thương hàng trăm anh chị em của các đơn vị tham gia chiến dịch. Những người còn sống sót không bị thương vong kịp thời khiêng vác, những người bị thương và  tử thương đưa về nhà kho HTX Trường Lưu để kịp thời băng bó chuyển viện cấp cứu, đồng thời các đơn vị có người hy sinh làm thủ tục mai táng...

 

Đêm chiến dịch:" Tên lửa vượt sông Gianh ", hoàn toàn thắng lợi. Trong niềm hân hoan chiến thắng, có chiến công của các chiến sỹ phà Gianh, Bộ đội, TNXP, Dân công hỏa tuyến, dân quân của các xã trong vùng, trong đó có chiến công của cán bộ chiến sỹ và nhân dân Hạ Trạch chúng ta.

 

 Sau khi vượt sông Gianh, Đơn vị Tên lửa  chiếm lĩnh Hòn Bung thuộc vùng Ba Trại. Dân quân toàn xã và các xã trong vùng ngày đêm khiêng vác công sự đúc sẵn khoảng 1.500 tấn với 9.122 ngày công mang vác lắp ráp công sự trên Hòn Bung. Ban chỉ huy tên lửa đóng quân trên Hòn Chóp Cờ ( Kỳ Sơn).

 

Quân khu cử tiểu đoàn 5.100 với 6 khẩu tiểu cao 37 ly; Tỉnh đội cử 1 đại đội tiểu cao 37ly, cùng cắm chốt trên địa bàn xã Hạ Trạch để yểm trợ " Tên lửa", tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng.

 

Khi phát hiện có lưới lửa phòng không của ta.  Máy bay của đế quốc Mỹ tìm mọi cách để tránh đạn, đồng thời hủy diệt các trận địa của ta. Nhiều thủ đoạn xảo quyệt, chúng ném bom trên tầng cao theo tọa độ, hoặc bất ngờ bổ nhào xuống tầng thấp, ngoài tầm kiểm soát của tên lửa và pháo 37 ly, rồi ném bom bừa bãi. Vùng Nam Bắc cửa Gianh, bến phà Gianh, càng trở thành "tọa độ lửa", không ngày nào, đêm nào ngớt tiếng bom rơi đạn nổ. Đoạn đường từ phà Gianh vào Ba Trại, đường  IA từ đèo Lý Hoà về ngã ba Bắc Hạ bị cày xới, bom chồng lên bom, hố bom chồng lên hố bom. Vùng Bắc Bố Trạch, không ngày nào đêm nào không có nhà cháy, người chết, trâu bò chết; ruộng vườn  xóm làng, nhà cửa tiêu điều xơ xác.

 

Đặc biệt đêm 20/8/1967 Hai đoàn TNXP tỉnh Hà Tây, phiên hiệu 751, và 759 cùng với lực lượng thanh niên xung kích, dân quân xã Hạ Trạch đã bám mặt đường, quyết tâm san lấp hố bom, lấp ngầm Hói Hạ thông xe cho đoàn xe đi về phía trước.  Từng tốp máy bay giặc Mỹ lồng lộn bắn pháo sáng, dội  các loại bom đạn không ngớt xuống ngầm Hói Hạ. Đêm đó 88 người đã anh dũng góp xương máu của mình cho ngầm Hói Hạ được thông. Suốt đêm  dân quân xã Hạ Trạch, có sự chi viện của các xã bạn đã kịp thời mai táng các liệt sỹ về  nghĩa trang xã Hạ Trạch. Mãi đến sau ngày thống nhất tổ quốc Tỉnh Hà Tây  đã tổ chức đưa hài cốt các liệt sỹ về nghĩa trang quê nhà.

 

Từ sau tuyên bố của tổng thống Mỹ Ních xơn tháng 5/1972,  tình hình chiến sự vùng khu 4 cũ,  đặc biệt là vùng Quảng Bình -Vĩnh Linh,  trở nên ác liệt hơn bao giờ hết. Tại Bố Trạch  máy bay, tàu chiến Mỹ hoạt động đánh phá suốt đêm ngày,  không lúc nào ngớt tiếng  bom đạn trên các trọng điểm Cảng Gianh, bến phà II, ngầm Hói Hạ,  ngầm cầu Kiệt, Dốc Oằn Ba Trại... cả Hạ Trạch nóng bỏng bao trùm trong lửa đạn của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ  2 của đế quốc Mỹ.  Cùng với quân và dân trên đất Bố Trạch chúng ta đã chịu đựng trên 28.500 trận đánh phá bằng không quân; với trên 375. 000 quả bom các loại, trong đó máy bay B52 ném bom rãi thảm 334 trận,  có 19 lần chúng đánh vào làng mạc,  nơi đông dân cư sinh sống.  Tàu chiến Mỹ pháo kích 372 lần,  bắn hàng ngàn quả đạn pháo vào ruộng đồng làng mạc bất cứ ngày hay đêm.  Mức độ đánh phá của địch trong những tháng cuối năm 1972  tăng gấp 4 năm cộng lại của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. 

 

Để lấp ngầm Hói Hạ, xã đội đã động viên những nếp nhà đã bị bom đạn đốt cháy, phá hủy,  hạ xuống để lấy vật liệu gỗ, gạch, đá, ngói vv ... của  nhà thờ Họ và   lăng mộ, tất cả cho việc thông đường cho xe ra mặt trận. Các lực lượng dân quân, thanh niên xung kích đã vào rừng thông đốn 1 100m3 gỗ thông, hàng vạn gánh bổi, đào dắp hơn 1000 m3 đất đá đổ xuống ngầm, cống,  hố bom, ta lấp xuống, bom đạn lại đào lên, nhưng quân và dân Hạ Trạch vẫn kiên cường bám trụ, với tinh thần: "Tất cả cho tiền tuyến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược..." 

 

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Bố Trạch Tập II, 1954-1975 trang 227 có viết: "... Đoạn đường Hói Hạ ở bờ nam bến phà Gianh dài hơn 1000m, đã trở thành một tọa độ lửa, máy bay Mỹ đã dội xuống đây hàng trăm quả bom, mặt đường bị cày xới, băm nát, bị cắt khúc, nhưng quyết không để tắc đường, nhân dân hai xã Bắc Trạch, Hạ Trạch phối hợp cùng  cán bộ , chiến sỹ Đại đội 751 TNXP Bố Trạch chuyển hàng trăm gánh  củi, bổi về lấp hố bom, san mặt đường cho xe qua..."

 

Trong cuốn Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ cứu nước, 1954 - 1975 của Đảng ủy, BCHQS Tỉnh Quảng Bình, năm 1994, Trang 164 có ghi:"...Ở Nam Gianh đoạn Hói Hạ, hơn 1 km đường biến thành một  vùng nước mênh mông. Đường vừa làm xong, địch lại phá. Để lấp ngầm Hạ Trạch ( Nam Gianh) có đêm lực lượng làm đường hy sinh 88 người..."

 

Trong 9 năm kiên cường bám trụ, quân và dân Hạ Trạch đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, thiếu thốn, vượt qua tang tóc đau thương, vượt lên cái chết, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, với quyết tâm sắt đá: Quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.

 

Dân quân toàn xã  liên tục 16 năm liền đạt Đơn vị Quyết thắng (1964 - 1980), được hội đồng chính phủ tặng Huân chương hạng hai.

 

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân xã Hạ Trạch, vinh dự được Đảng và chính phủ tuyên dương, xã Hạ Trạch là đơn vị: " Anh hùng LLVTND ."

 

Nên chăng cùng với bến phà Gianh 2 (Di tích lịch sử cấp Quốc gia), Thì Ngầm Hói Hạ xã Hạ Trạch, đề nghị các cơ quan chức năng, tìm hiểu nghiên cứu sớm đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cấp bằng Di tích Lịch sử;  Nơi 88 liệt sĩ TNXP tỉnh Hà Tây hy sinh đêm 20/8/1967 và hàng trăm liệt sỹ hy sinh đêm "Tên lửa Vượt sông Gianh"  28/6/1966, cùng hàng ngàn liệt sỹ, thương binh, góp xương máu và tuổi xuân của mình cho đoạn đường Phà Gianh 2 - Ba Trại, cùng  NGẦM HÓI HẠ MỘT THỜI MÁU LỬA.

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip