Ngập ngừng dưới tán hoa sưa

17:53 - 21/06/2021

Truyện ngắn của anh Lưu Minh Hải

Ngập ngừng dưới tán hoa sưa

NGẬP NGỪNG DƯỚI TÁN HOA SƯA

Tháng tư, hoa Sưa bung tỏa đầy cành, chen chúc bên từng vòm lá, lấn át cả không gian. Những chùm hoa Sưa Trắng tinh khôi trắng muốt xen lẫn những chùm hoa Sưa Đỏ màu vàng rộm làm bừng sáng cả một góc sân trường. Có lẽ cái loài hoa của núi rừng không mang tên lãng mạn; không chiếm dụng nhiều thị phần hộ khẩu trên phố; không ganh đua với nàng Điệp vàng kiều diễm, nàng Phượng buồn môi hồng má thắm, nàng Bằng Lăng kiêu sa,…ấy lại chính là điểm nhấn của ngôi trường này. Mùa hoa Sưa ở đây gắn với bao nhiêu là kỉ niệm học trò. Hương hoa Sưa thoang thoảng thấm vào từng kí ức!

Năm nay, nhỏ học lớp mười hai, đã là học sinh cuối cấp. Sắp phải nói lời chia tay và rời xa ngôi trường này rồi! Nhỏ còn nhớ như in mới ngày nào lao tâm khổ tứ học ngày học đêm rồi học luyện thi, vân vân và vân vân…cốt để giành cho được một tấm vé vào ngôi trường chuyên này. Bởi vì, đó là tất cả bao nhiêu kì vọng, mong ước của mẹ đặt vào nơi nhỏ. Mặc dù tuyệt nhiên đó không phải là mơ ước của nhỏ! Nhỏ nhớ những ngày chân ướt chân ráo mới bước vào ngôi trường xa lạ này với bao nhiêu là bỡ ngỡ, ngô nghê. Nhanh thật! Hèn chi nhỏ nghe người ta vẫn thường nói rằng thời gian như nước chảy qua cầu, như bóng chim câu qua cửa sổ.

- Ê tụi mày, chiều nay phòng mình dọn vệ sinh khu vực sân được phân công của lớp đấy nhé!

Tiếng con nhỏ Ngọc Châu trưởng phòng ở kí túc xá của bọn nhỏ nhắc. Lại quét hoa Sưa. Nhỏ vẩn vơ! Mùa này, những bông hoa Sưa rụng xuống sân như tạo thành một tấm thảm, màu trắng muốt chen vàng tươi lốm đốm cả một góc sân trường rất đẹp. Mỗi lần dọn vệ sinh nhỏ không hề muốn quét tấm thảm đó đi. Con nhỏ Châu trưởng phòng là một đứa rất nguyên tắc nhưng cũng rất hiểu chuyện. Đặc biệt nó rất biết yêu thương bạn bè, bản lĩnh, dám làm dám chịu nên tất cả sáu đứa còn lại trong phòng đều nể nó và chấp hành răm rắp mọi nhiệm vụ mỗi khi được nó phân công.

Chiều, sau giờ tan học, như lịch trực nhật của lớp đã chia bảy đứa nữ cùng phòng bọn nhỏ tập trung làm vệ sinh ở khu vực của lớp đã được đoàn trường phân công cố định. Đó là một góc sân dưới tán những cây Sưa, bên cạnh khu căn-tin, nơi mà vào những đêm trăng nhỏ thường đứng trên hành lang của dãy lầu kí túc xá nữ nhìn sang và gửi bao điều vu vơ vào đó. Bây giờ, Sưa đang giữa mùa hoa bung nở. Những bông Sưa mềm mại rơi xuống dính đầy mái tóc của nhỏ và lũ bạn. Hương Sưa vẫn thoang thoảng, nồng nàn!

- Ghét cái loài hoa gì đâu, rơi vãi tràn lan bắt người ta quét hoài! Nhỏ Mộc Bình “điệu đàng” tỏ vẻ khó chịu.

- Mày yêu Sưa của mày lắm thì mày quét đi kìa cái con Uyển Nhi “mơ màng” kia! Cái Mộc Bình lại đùa cợt nhỏ.

- Ê, tụi mày ơi chiều nay có một chuyện lạ rất chi là động trời luôn! Chúng mày có muốn nghe không? Cái Bảo Hân “ca sĩ” lu loa.

- Kể đi! Kể đi! Cả bọn đồng thanh nài nỉ.

- Chuyện kể rằng: Chiều nay có một chàng lớp Toán bám đuôi xin số và xin làm rể phòng bọn mình đấy. Chàng còn làm cả thơ tình tự nhiên học tặng nàng nữa cơ. Giọng con nhỏ Bảo Hân “ca sĩ” cố tình uốn éo, trầm bổng khi đọc đoạn thơ tình tự nhiên học ấy:

Mình thích bạn từ thuở epsilon nào đó

Tình mình vẫn lấp ló góc anpha

Như buổi đầu e ngại bước lamda

Đến tìm bạn ở phòng sai số

Vì thích bạn khó khăn mình nguyện cố

Mong gặp bạn ở góc phố beta

Tình chúng mình như hàm số gamma

Mình đã hiểu thế nào là sin và cos

Khi hặp bạn tim mình rung đột ngột

Cộng hưởng tạo thành tần số rất cao

- Đứa nào? Đứa nào? Cả bọn nháo nhao lên truy vấn cái Hân “ca sĩ” về “đương sự” được tặng thơ hôm nay. Cái Kỳ Thư, con nhỏ có khuôn mặt cũng như tính cách rất hợp với biệt danh mà cả phòng đặt cho đó là “Thư giải trí”; bởi vì cái mặt nó lúc nào cũng hớn hở, cái miệng nó thì lúc nào cũng luyên thuyên, chưa thấy mặt đã nghe tiếng làm cho cả đám phải cười dù là khi đang buồn. Kỳ Thư “giải trí” phá lên cười hả hê sau khi nghe đọc thơ: Ối dào, chàng si tình coppy thơ ai hay vì si mà giải tình bằng thơ tự nhiên học thế hỡi người! Cả bọn lại cười ngả nghiêng và không thôi truy vấn cái Bảo Hân “ca sĩ”.

- Thôi, để chia sẻ niềm vui cùng phòng 33 kí túc xá nữ chúng ta, tôi Bảo Hân “ca sĩ” thành viên phòng 33 xin tuyên bố: Nàng thơ của chàng toán học si tình hôm nay đó chính là…chính là…nàng Hằng Nga “nhu mì” chứ ai! Cả bọn mắt tròn mắt dẹt cùng ồ lên và chúc mừng cái Hằng Nga “nhu mì”. Nhỏ Hằng Nga chỉ biết tủm tỉm cười trừ và kèm theo lời thanh minh đáng yêu: Mình còn bé, mình còn phải lo học hành, mình không yêu đâu nhé! Tại người ta chứ bộ!

- Để ngày mai tao so đai coi thế nào mà đòi bảo vệ Hằng Nga “nhu mì” nhà ta! Cái Thục Anh “võ sĩ” chêm vào đùa bạn.

- Cỡ võ sĩ karatedo đai vàng như mày thì hạ gục gã si tình là cái chắc! Kỳ Thư “giải trí” lại bông đùa.

- Thôi thôi đi mấy mẹ ơi! Hoa Sưa gì mà còn đầy ra chưa quét thế này! Làm nhanh nhanh đi tối về phòng chúng mình sẽ họp bàn tính cho tương lai của cái Nga “nhu mì”, Châu “chủ tịch” ra lời chỉ đạo. Cả bọn đồng thanh: Yes madam thủ trưởng!

***

Đêm chủ nhật. Nhỏ vừa về nhà nhân lịch nghỉ cuối tháng và mới xuống lại trường. Ở đây, gần như một trăm phần trăm học sinh ở nội trú tại trường. Khu nội trú của trường, ngoài khu nội trú giáo viên thì có hai dãy nội trú học sinh, một dãy dành cho nam sinh và một dãy dành cho nữ sinh. Cứ mỗi tháng học sinh được về nhà một lần vào cuối tuần của tuần cuối tháng. Đêm nay, cái cảm giác gia đình, cái mùi hơi của mẹ vẫn còn vương vấn làm cho nhỏ cứ trằn trọc không sao ngủ được trên chính cái giường đơn riêng quen thuộc của phòng kí túc gần ba năm gắn bó với mình. Cứ mỗi lần về nhà rồi xuống lại trường nhỏ đều có cảm giác như vậy. Còn nhớ nhỏ là học sinh của một huyện miền núi biên giới, rất xa trung tâm thị xã của tỉnh. Khi còn học trung học cơ sở, nhỏ chỉ biết mình cố gắng học thật tốt để sau này có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện ước mơ trở thành nhà giáo dục của mình, phụng dưỡng mẹ mình và phụng sự cho đời mà thôi. Nhỏ chỉ thích sống gần gũi gia đình; tối tối được ôm mẹ ngủ, được vùi đầu vào nách, vào ngực mẹ, được mẹ vuốt tóc và kể chuyện. Có lẽ cũng vì vậy mà trước giờ tuyệt nhiên trong tâm trí của nhỏ chưa hề có dự định rằng học để thi vào trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh, một ngôi trường lạ lẫm và quá xa nhà. Nhưng rồi vì mẹ, nhỏ đã làm được! Mới đó mà đã gần ba năm rồi, nhanh thật!

Nhỏ nghĩ vẩn vơ về Hoàng Quân, chàng trai có mái tóc bồng bềnh lãng tử và chơi đàn ghi-ta rất điệu nghệ. Nhưng sao cái vẻ mặt lầm lì trông mà ghét thế! Có khi nào ghét của nào trời trao của ấy không ta ơi? Nhỏ cố xua đi mấy suy nghĩ vẩn vơ trong đầu và định hình lại bài vở cho buổi học ngày mai. Nghĩ đến việc để khoác trên mình cái danh dự học sinh trường chuyên của tỉnh này nhỏ đã phải đánh đổi nhiều thứ: xa nhà, xa mẹ và em; luôn trong nỗi nhớ và thương mẹ vì không được ở nhà để có thể giúp đỡ mẹ những khi mẹ mệt nhọc. Rồi cả bỏ quên, đánh mất đi một số niềm vui cá nhân riêng của mình, niềm vui tuổi trẻ. Ở đây, lịch học dày đặc, chỉ có học và học, thi và thi. Áp lực học hành và thi cử cũng thật ghê gớm! Nếu bạn không tồn tại được thì bạn sẽ bị chuyển về trường làng mà điều đó thì dĩ nhiên không ai muốn. Vì ai cũng nghĩ rằng mình học trường chuyên mà bị chuyển về trường làng thì xấu hổ chết; không những xấu mặt mình mà còn xấu mặt cha mẹ. Học trường làng thì đã sao chứ? Từ trước tới giờ nhỏ chưa bao giờ nghĩ rằng chỉ có học trường chuyên mới giỏi được. Bạn của nhỏ có nhiều đứa học trường làng cũng rất giỏi. Nhưng nhỏ cố gắng vào chuyên, tất cả chỉ vì niềm kì vọng của mẹ nhỏ. Từ ngày bố nhỏ bỏ mấy mẹ con nhỏ mà đi theo người đàn bà khác, mẹ nhỏ chỉ còn có nhỏ và em trai nhỏ mà thôi. Hai chị em nhỏ chính là điểm tựa, là hạnh phúc, là niềm hi vọng của mẹ. Vì vậy, nhỏ luôn cố gắng trong mọi việc để mẹ vui; nhất là ý thức khi vai trò mình là đứa con lớn. Cứ mỗi lần cuối tháng nhà trường cho học sinh được về nhà, nhìn cảnh bạn bè đứa nào cũng được cha mẹ đưa đón; có cả những gia đình đánh những chiếc xe hơi bóng lộn đến đậu chật cả sân khu kí túc xá và cổng trường mà nhỏ có phần chạnh lòng, tủi thân. Nhỏ đã quen rồi với việc tự bắt xe đò về nhà và tự đi xe đò đến trường. Nhỏ không hề trách mẹ mà càng thương mẹ của mình nhiều hơn.

***

Sáng thứ ba trong tiết Hóa con Mộc Bình “điệu đàng” soi gương trong lớp bị giáo viên bộ môn ghi tên vào sổ đầu bài và trừ điểm lớp. Chiều hôm qua, con Kỳ Thư “giải trí” ngủ gục trong giờ tự học bị ghi vào sổ vi phạm của ban quản lí. Sáng hôm nay, con Bảo Hân “ca sĩ” tao đã gọi dậy rồi mà sau khi tao đi mày còn cố tình ngủ lại, trốn thể dục buổi sáng, bị thầy quản lí ghi vào sổ vi phạm nội quy nội trú. Phòng có bảy đứa thì ba đứa vi phạm rồi. Tao phải báo cáo sao với lớp trưởng và giải trình với cô giáo chủ nhiệm vào tiết sinh hoạt ngày mai đây? Tại sao mấy đứa tụi mày không chịu học tập cái Hằng Nga “nhu mì” và cái Uyển Nhi “mơ màng” chả bao giờ vi phạm đi xem ấy nhỉ? Ngọc Châu “chủ tịch” cằn nhằn ba con nhỏ vi phạm.

- Lâu lâu vi phạm tí thì đời học sinh mới thú vị, không tẻ nhạt chứ trưởng phòng! Nhỏ Thư “giải trí” lại cố tình trêu ngươi chọc cười.

Ừ nhỉ, tuổi học trò mà mọt sách quá, nghiêm túc chỉn chu quá, không một lần vi phạm nội quy thì cũng tẻ nhạt thật, phải không nhỉ? Nhỏ tự nghĩ và thừa nhận trong lòng lời của con nhỏ Kỳ Thư “giải trí” có vẻ đúng.

Chiều tối, sân trường và khu nội trú đều vui nhộn. Từ năm giờ chiều đến bảy giờ tối là cái khoảng thời gian thoải mái và vui vẻ nhất của lũ học trò ở đây. Vì đây là khoảng thời gian trong ngày dành cho việc vui chơi giải trí và sinh hoạt cá nhân mà không phải học bài. Sân trường, mỗi khu vực đều có các nhóm, các câu lạc bộ chơi và luyện tập các môn thể thao. Sân bóng đá thì đội bóng đá chơi, sân bóng chuyền thì đội bóng chuyền tập, sân bóng rổ và hồ bơi cũng vậy. Khu vực nhà thi đấu thì các đội võ Karatedo, Vovinam tập luyện. Đây là thế mạnh của trường trong các hội thi Hội khỏe Phù Đổng. Những đứa không đam mê thể thao thì có những trò khác cho mình. Trên các dãy hành lang khu nội trú, vài chàng lãng tử mang đàn ghi-ta ra dạo làm cho mấy nàng không khỏi phải chú ý. Có những ngón đàn điêu luyện, réo rắt, thánh thót thể hiện tài năng của người chơi; có sức thu hút như cái kiểu nhân vật Mị thổi lá hay mà làm đắm say bao nhiêu là trai làng trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 vậy. Thế rồi thoáng chốc lại đến cái không khí í ới tranh giành nhau phòng tắm của bọn nam sau khi chơi thể thao về. Sau đó là tiếng chén, đũa, thìa leng keng; tiếng cười nói rộn ràng ở khu nhà ăn căn-tin. Đúng bảy giờ tối, khép lại không khí vui nhộn, tất cả lại bắt đầu cắm cúi vào cái sự học. Một sứ mệnh thật lớn lao! Hôm nay, nhỏ Thục Anh vừa giật huy chương vàng Karatedo Hội khỏe Phù Đổng về nên khao cả phòng. Vì quá vui nên về phòng muộn giờ tự học, thế là cả phòng lại bị ghi vào sổ vi phạm nội quy nội trú.

***

Từ ngày nhỏ Kỳ Thư “giải trí” bỏ cuộc, bỏ trường để theo gia đình sang Mỹ định cư thì cái không khí phòng 33 kí túc xá nữ trầm lắng hẳn. Cứ nghĩ cái con nhỏ Thư với khuôn mặt và tính cách “giải trí” lúc nào cũng luyên thuyên đùa cợt, trêu ghẹo người khác làm cho cả phòng luôn phải cười ngặt nghẽo là thế mà ngày chia tay phòng nó cũng nước mắt dầm dề như mưa. Cả bọn bảy đứa cùng ôm nhau khóc. Bây giờ đã là năm cuối cấp rồi nên dường như mọi người đều phải lao đầu vào học, học một cách lặng lẽ và tự giác vì những dự định cho tương lai phía trước của mỗi người. Nhỏ Ngọc Châu “chủ tịch” thì dự định sẽ theo ước mơ kinh tế. Nhỏ Mộc Bình “điệu đàng” vẫn đam mê con đường thời trang. Nhỏ Thục Anh “võ sĩ” thì vốn đã có dự tính thi vào an ninh từ lâu rồi. Nhỏ Bảo Hân “ca sĩ” thì vẫn ngày đêm vừa học vừa luyện thanh để thực hiện đam mê con đường âm nhạc. Còn lại nhỏ Hằng Nga “nhu mì” và nhỏ - Uyển Nhi “mơ màng” thì chỉ mơ ước trở thành cô giáo, nhà giáo dục tương lai. Tuy rằng nhỏ có cái biệt danh “mơ màng” bởi tâm hồn đầy mộng mơ nhưng trước công việc nhỏ không bao giờ mơ hồ kiểu cải lương mà luôn định hình rõ nét và định hướng rõ ràng. Nhỏ là người vốn nặng lòng yêu thương trẻ nhỏ. Bằng sự tinh tế và nhận thức vượt tầm trí tuệ phổ thông của mình, nhỏ nhận ra rất nhiều điều bất cập đáng buồn trong giáo dục, ngay tại chính ngôi trường chuyên của mình. Vì vậy, nhỏ khao khát theo đuổi con đường giáo dục để muốn được phần nào góp sức mình vào đổi thay những điều bất cập của giáo dục đó. Trong đầu nhỏ từng xuất hiện những hoạch định nếu mình là một nhà quản lí giáo dục thì mình sẽ làm thế này, thế này,…Nhỏ thấy con đường phía trước xa xăm biết bao! Nhưng dù sao đó cũng là mơ ước mà nhỏ đang hướng tới.

Đêm liên hoan các nhóm câu lạc bộ nghệ thuật của trường vừa khép lại. Nhỏ Mộc Bình “điệu đàng” đoạt giải “nhà thiết kế thời trang ấn tượng”. Nhỏ Bảo Hân “ca sĩ” giật giải đồng quán quân âm nhạc cùng với tiết mục ghi-ta điêu luyện tuyệt vời của Hoàng Quân. Gã mặt lạnh nhìn thấy ghét kia bây giờ nhỏ không còn thấy ghét một tí nào nữa. Lạ thật! Còn nhớ hôm sinh nhật nhỏ đúng vào hôm cuối tuần nên tối đó được nghỉ và không phải học bài. Đêm giữa tháng, trăng sáng vằng vặc. Theo ý nguyện của nhỏ, cả phòng tổ chức sinh nhật cho nhỏ ở góc sân, dưới tán những cây Sưa gần khu căn-tin kia. Trong đêm sinh nhật đó, Hoàng Quân đã bất ngờ tặng nhỏ bằng một siêu phẩm vừa đàn vừa hát thật tuyệt vời. Những ngón đàn điệu nghệ làm nhỏ không rời mắt và cứ thế mơ màng, mơ màng…Sau tiết mục đặc biệt ấy gã ta vẫn lạnh lùng không nói gì. Nhỏ biết rằng mình đã rung động! Chàng nhà toán học thư sinh với cặp kiếng dày cộp thì vẫn si tình lẽo đẽo theo nàng Hằng Nga “nhu mì” một cách bền bỉ và trung thành. Nhiều khi nhỏ chợt nghĩ: Giá mà mình cũng được gã Mozart lãng tử mặt lạnh quan tâm trìu mến như chàng toán học si tình kia. Nhưng rồi nhỏ lại tự trả lời mình rằng: Nếu vậy thì chưa chắc mình đã thích hắn. Đúng là cái mặt lạnh lùng đáng ghét thật và nhỏ đã từng ghét mà sao giờ không ghét được? Làm sao mà hắn có thể vừa học giỏi, vừa chơi đàn hay, vừa lạnh lùng được thế cơ chứ? Khác với hầu hết những đứa con trai khác vẫn thường hay trêu chọc bạn nữ và có khi chơi nhây, nhỏ thấy hắn dường như chưa bao giờ trêu ghẹo một bạn nữ nào, kể cả bạn cùng lớp thân thiết. Nhỏ thấy hắn già trước tuổi, thấy hắn trưởng thành và rất đàn ông. Với âm nhạc hắn cháy hết mình, với học tập hắn chẳng thua kém bạn bè. Trước nhỏ hắn vẫn lạnh lùng.

***

Bây giờ đã cuối mùa hoa Sưa, đồng nghĩa với việc ngày tổng kết, khóa lại cuộc đời học sinh của tụi nhỏ đã rất gần kề rồi. Sân trường đặc biệt là sân sau, chỗ gần căn-tin nơi khu vực lớp nhỏ vẫn làm vệ sinh, những vệt hoa Sưa rơi lả tả, loang lổ mặt sân. Không còn là tấm thảm đẹp như lúc rộ giữa mùa hoa nữa. Ngôi trường này với đặc điểm nổi bật đó là có rất nhiều cây Sưa, đặc biệt là sân sau chỗ gần căn-tin và khu nội trú có cả vườn Sưa. Cũng có lẽ vì vậy mà mùa hoa Sưa đã trở thành điểm nhấn riêng của ngôi trường; gắn với tâm hồn lãng mạn và cả những kỉ niệm ngọt ngào của bao nhiêu thế hệ học trò từng một thời ở nơi đây. Vài tiếng ve đâu đó trong vòm là và cả vài cơn mưa dự báo đầu mùa của xứ sở này đã về. Nhỏ đã kịp ghi lại những trang nhật kí về mùa hoa Sưa cuối cùng ở ngôi trường thân thương này. Loài hoa mà nhỏ yêu thích và mộng mơ với nó! Trong những trang nhật kí của nhỏ có cả Hoàng Quân, với bộ dạng khuôn mặt vẫn chưa hết lạnh lùng. Nhỏ đã tự ý đặt biệt danh Hoàng Quân “lạnh lùng” vào trong nhật kí của mình. Nhỏ nhớ lại cái hôm ở ghế đá, dưới tán hoa Sưa dậy mùa nồng nàn gã lạnh lùng đã tặng nhỏ một món quà. Một món quà rất đặc biệt đối với nhỏ! Đó là một bản nhạc do chính chàng Mozart đã tự viết cả lời và nhạc. Chàng nói với nhỏ rằng đây chính là bài test nghiêm túc và tỉ mẩn nhất cho con đường ước mơ hướng tới trường Nhạc viện quốc gia của mình. Dòng pi-ét ghi ở cuối những khuông nhạc đó là: “Chờ nhau ở căn nhà tương lai trên con đường phía trước nhé Uyển Nhi của tôi!” làm đêm đó tim nhỏ rộn ràng không sao ngủ được. Trong lòng nhỏ tự nhủ: Ừ, sẽ chờ nhau!

Này nhé hương Sưa

Ta thương người từ kiếp trước xa xưa

Bao mộng mơ một thời gửi lại

Ô cửa thân thương nhớ mấy cho vừa!

Này nhé hương Sưa ơi

Suối tóc mềm ướp thương nhớ chơi vơi

Ánh trăng thề làm chứng cho tôi

Mai đường đời cùng nhé chung đôi

Ghế đá, sân trường còn kỉ niệm

Tình tôi…

Những vần thơ trên khuông nhạc của Hoàng Quân “lạnh lùng” vẫn cứ nhảy nhót, rộn ràng trong tâm hồn Uyển Nhi. Nó như một nguồn động lực dữ dội, tràn đầy cho kì thi đại học sắp tới trước mắt nhỏ. Bay lên nhé, hương Sưa!

LMH

(Tháng tư, mùa hoa Sưa bung rộ)

 

 

Tác giả : Lưu Minh Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip