Nghề làm nón lá ở Làng Hạ

11:59 - 26/10/2015

Giới thiệu về nghề làm nón lá ở làng Cao Lao Hạ của tác giả Nguyễn Chung Quý

 

Kẻ Chuông, Kẻ Thảng (xã Mỹ Trạch), đến Kẻ Hạ (Cao Lao Hạ), Kẻ Đừng (Ba Đề) cùng nằm trên một dải đất phía nam sông Gianh thuộc huyện Bố Trạch, người dân nơi này với nghề chính là trồng lúa nước, ngoài ra họ còn có nghề truyền thống chằm nón. Nghề chằm nón lá ở đây không biết chính xác bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ, nhưng theo tìm hiểu qua các cụ cao niên thì nghề này đã có từ hàng trăm năm.

 

Thời điểm hoàng kim, ở Kẻ Hạ (làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch ngày nay) người người, nhà nhà làm nón, là nghề không giới hạn tuổi tác: đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ đều tham gia. Nón Kẻ Hạ được xuất bán khắp mọi miền, từ Nam ra Bắc, thậm chí sang cả bên nước bạn Lào. Nguồn nguyên liệu để chằm nón, thường vào phiên chợ bà con đi đò qua sông Gianh sang chợ Ba Đồn hoặc chợ Hoạ (Quảng Thuận), để mua lá tra (lá già), lá non, nứa, móc, than... Những ai có điều kiện thì các bác, các chú đi vào Nông trường để “ăn lá”. Lá được mua hoặc “ăn” về, bà con đạp thật kỹ, sau đó đem phơi, nếu thời tiết xấu thì xông trên bếp, còn nếu để nước mưa lên, lá sẽ bị úa vàng. Đi qua Hạ Trạch sau vụ thu hoạch, vào những ngày nắng đẹp, nhìn nhà nào cũng một màu trắng xanh của lá nón, lá ngoài sân, lá phơi mái nhà, lá treo gác bếp, lá cất trên tra (gác nhà).

 

Công đoạn tiếp theo là bẻ và ủi lá. Lá được ủi phẳng trên nồi ủi. Nồi ủi là một cái soong, hoặc một cái nồi đã cũ, trên đó đặt một cái lưỡi cày bằng gang. Trước khi ủi, cho than vào nồi, quạt than cháy thật đều, sau đó cho một ít tro bếp phủ lên trên, nhằm giữ than cháy lâu và để khỏi xém lá. Khi than đã chuẩn bị xong, người ủi lá, một tay đặt tấm lá đã được bẻ lên lưỡi cày, tay kia cầm bàn ủi đè nhẹ, tay cầm lá kéo nhẹ lá ra và theo hướng xuống đất để lá được nhanh phẳng.

 

 

Nón thường có ba lớp: lớp ngoài bằng lá non, loại đẹp và trắng nhất, lớp ở giữa là lá già và lớp trong cũng bằng lá non nhưng đẹp không bằng lớp ngoài. Công việc bẻ lá, ủi lá đa số các bà, các mẹ, các chị làm, còn đàn ông, nam giới thì đo, cắt, chẻ nứa vót vành. Một cái nón thường có 16 vành (vèng). Vành cái (vèng cấy) được làm bằng tre, số còn lại từ vành hai đến vành chóp làm bằng nứa. Công việc làm vành thường là các ông, các chú đảm nhận, tuy nhiên cũng có những gia đình, phụ nữ tự làm.

 

Để có một chiếc nón đẹp, ngoài lá và các phụ kiện khác, thì bộ vành cũng rất quan trọng. Vành phải được vót đều, trơn, thiết diện của vành phải nhỏ dần từ vành cái đến vành chóp. Khi các nguyên liệu, phụ kiện đã sẳn sàng, tiếp theo công đoạn là rập “vèng”, chọn lá, rập nón. Nón được chằm bắt đầu từ vành nhỏ nhất. Công việc chằm lá vào vành là công đoạn đặc biệt quan trọng, người thợ phải có sự khéo léo để đường kim, mũi móc được chính xác, thẳng và đều theo độ cong của vành nón.

 

 

Vào những thời điểm nông nhàn, hoặc sau mùa gặt, là thời gian bà con giành cho công việc chằm nón. Người làm nón ít khi ngồi một mình, mà họ thường tập trung thành nhóm năm ba người ngồi với nhau, vừa chằm nón vừa trò chuyện, họ trao truyền cho nhau những lời ca, câu đối đáp, những bài học hay… Họ thi đua xem ai làm xong trước, tạo không khí vừa vui vẻ, vừa có tính cạnh tranh. Những nam thanh, nữ tú có tình ý, họ hẹn hò nhau về chằm nón và đã có nhiều người nên duyên chồng vợ từ đây. Trẻ em sau giờ tan học ở trường, cũng ngồi bên khuôn nón, tay thoăn thoắt chằm nón miệng thì ôn học bài…Nghề chằm nón, ngoài lợi ích về kinh tế là tạo công ăn, việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, thì còn có ý nghĩa xã hội vô cùng quan trọng: mọi người sống với nhau gần gũi, chan hoà, yêu thương, tối lửa tắt đèn có nhau, đồng thời hạn chế được việc “nhàn cư vi, bất thiện” (rảnh rỗi quá, thì hay làm những việc không tốt)   

 

Nón lá có nhiều loại với giá cả khác nhau: loại đội khi đi làm, loại dành lúc đi chơi, loại làm quà biếu, nón thường, nón bài thơ v.v. Chiếc nón lá, ngoài chức năng là che nắng, che mưa thì còn như một thứ trang phục làm tăng thêm vẻ duyên dáng của người phụ nữ. Dưới vành nón lá là đôi mắt bồ câu, là lúm đồng tiền, là nụ cười toả nắng giấu sau vành nón, làm rạo rực, xao xuyến bao người…

 

 

                           

“Bồi hồi qua ngõ nhà anh

Che nghiêng nón lá, liếc nhanh mắt tìm…”

(Thơ: Đỗ Mỹ Loan)

 

Với truyền thống của mình, ngày 27 tháng 8 năm 2008 làng Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ) xã Hạ Trạch được UBND Tỉnh Quảng Bình ký Quyết định số 2075/QĐ-UBND, công nhận là “Làng nghề sản xuất nón lá, vận tải liên xã”. Tuy nhiên ngày nay vì nhiều lý do khác nhau, nghề làm nón lá ở Hạ Trạch không còn được hưng thịnh như trước, chỉ còn một số ít người vẫn còn duy trì nghề này, song quy mô và hình thức nhỏ lẻ.

 

Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, tạo công ăn, việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, đó là chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền xã nhà, cũng như mong muốn chung của tất cả bà con nhân dân. Vừa qua, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, Hội LH phụ nữ xã Hạ Trạch đã tổ chức khai giảng lớp học may nón lá lần thứ nhất năm 2015. Đến dự lễ khai giảng có đại diện Phòng kinh tế hạ tầng, Hội LH phụ nữ huyện Bố Trạch, các đồng chí lãnh đạo xã Hạ Trạch, đặc biệt là sự có mặt của giáo viên và 35 học viên đến từ các thôn.

 

 

Hy vọng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề làm nón lá ở Cao Lao Hạ - Hạ Trạch sẽ được duy trì và ngày càng phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho bà con nhân dân, tạo cơ hội để bà con làm giàu cho gia đình và quê hương

Tác giả : Nguyễn Chung Quý

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip