Nghĩa tình Cao Lao trong những lễ cưới xa quê

12:16 - 17/01/2015

Ghi chép về tình cảm đồng hương qua những lễ cưới xa quê của anh Nguyễn Xuân Văn

 

Những người đồng hương bạn bè xa quê thường mong muốn được gặp nhau để hàn huyên tâm sự về quê nhà, về bạn bè xưa củ, để như được tìm về:

Nơi tôi yêu.

Có vầng trăng lên.

Trôi suốt tuổi thơ ông trăng bầu bạn.

Nơi nhà mẹ nghèo thay đèn trăng sáng.

Trang sách nào đầy cả ánh trăng lên.- (Sưu tầm)

 

Tuy nhiên do điều kiện công việc, địa bàn cư trú không gần nhau lắm nên ngoài những lần họp mặt cuối năm, đầu năm do Ban liên lạc, các hội nhóm tổ chức định kỳ thì anh em ít có dịp gặp gở. Đám cưới con em đồng hương tổ chức xa quê là một trong những dịp bà con anh em để trước là chúc phúc mừng hôn lễ sau đó là dịp "tay bắt mặt mừng" hỏi thăm nhau.

 

Các tân nương, tân giai nhân nhất là những người được sinh ra và lớn lên trên quê nhà ai cũng mong muốn được tổ chức lễ cưới tại quê, nơi chôn rau cắt rốn, nơi có tổ tiên, ông bà cha mẹ, bà con ruột thịt đã có công sinh thành dưỡng dục mình nên người. Nơi ấy gắn liền với bao ký ức tuổi thơ bầu bạn. Mong ước là thế nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Vì vậy, nên các bạn đành thu xếp tổ chức cưới xa quê, trên "đất khách quê người" nơi mà họ đang làm ăn sinh sống.

 

Trong sự kiện quan trọng của đời người như thế không thể thiếu đấng sinh thành, anh chị em và bà con thân thích. Dù xa ngái nhưng ông bà, cha mẹ không ngại xa xôi mà ngược lại rất phấn khởi vui mừng thu xếp công việc, thời gian để đến với ngày vui của con cháu và đón nhận thêm một thành viên mới cho gia đình.

 

 

Vì điều kiện xa cách quê nhà không cho phép nên các phong tục nghi lễ cho đám cưới cũng đơn giản và rút gọn đi nhiều thủ tục. Lễ cưới, lễ ăn hỏi và lễ đón rước dâu thường được gộp chung một ngày hoặc tổ chức các ngày gần nhau để đám cưới diễn ra nhanh chóng, đơn giản. Mặc dù được đơn giản hóa nhưng lễ gia tiên là thủ tục không thể thiếu ở cả hai gia đình. Chú rễ, nàng dâu dâng nén hương lên bàn thờ gia tiên báo cáo việc con cháu trở thành vợ chồng, mỗi gia đình có thêm thành viên mới. Sau đó là để đôi bạn tạ ơn công lao sinh thành dưỡng dục, tác thành lương duyên gia ngẫu cho mình của cha mẹ đôi bên. Nghi lễ này cũng là lúc các bậc cha mẹ cầu mong cho các con mãi mãi thắm tình trọn nghĩa phu thê, sẻ là dâu hiền rễ thảo xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn của hai gia đình cùng bà con họ hàng.

 

 

Quê nhà mỗi khi có đám cưới thì thông tin này hình như cả làng đều biết không chỉ qua thông tin truyền nhau mà từ giàn nhạc phục vụ. Xa quê thì có phần khó khăn hơn nhất là việc báo tin gửi thiệp mời chung vui. Có những bạn tâm sự, dù chuẩn bị cả vài tháng, lên danh sách mời bà con anh em nhưng vẫn không trọn vẹn như ý. Dù vẫn biết anh em đồng hương đông nhưng bà con sinh sống rải rác ở nhiều nơi cách nhau vài chục có khi là hơn cả trăm km là bình thường. Đến nhà mời vào các ngày thường thì ít khi gặp, tranh thủ đi mời ngày chủ nhật thì may cũng được vài nhà. Việc này không chỉ mình chú rể cô dâu mà còn huy động cả ba mẹ, anh chị em và bạn bè trợ giúp. Khi đến nhà, khách và chủ gặp nhau cũng "sinh chuyện", lâu ngày vui quá thế là ta làm "sương sương vài be" nên đôi khi kế hoạch đi mời lại không thực hiện được. Vì thế nên đôi khi đành cáo lỗi và mời qua điện thoại hoặc nhờ bạn bè anh em chuyển thiệp mời giúp.

 

Thông cảm điều này nên trước ngày cưới, bà con anh em đồng hương, bạn bè thường alô trước là hỏi thăm nhau sau là gợi ý xem có tiếp nhận thông tin hay sự kiện gì mới không nhưng thực ra rủ nhau cùng đi chung vui hoặc nhờ bạn bè anh em gửi thiệp dùm vì có lý do cá nhân không thể đi dự được. Không ít trường hợp do sơ suất nhầm lẫn thông tin về giờ ngày cưới nên khi đến nhà hàng thì tiệc cưới đã diển ra hôm trước hoặc sẻ vào ngày hôm sau.

 

Lễ cưới cũng là một trong những dịp để mọi người hội ngộ, vì thế anh em cũng tranh thủ đến sớm hơn giờ cử hành hôn lễ để hỏi thăm gặp gở, bà con, anh em bạn bè và chọn cho mình một "chổ ngồi" tốt nhất.

 

Bà con tham dự lễ vu quy bạn Cao Thị Thúy Phượng,

con anh chị Nguyễn Thị Hương tổ chức tại TP Biên Hoà.

 

Đồng hương trong khu vực Đông Nam bộ này có nhiều hội từ nhiều miền quê nhưng mỗi vùng quê có sắc thái riêng, đặc trưng riêng. Trong tiệc cưới có một không gian giao tiếp trò chuyện với ngôn từ, cử chỉ rất Cao Lao. Có người bạn nói rằng: gặp anh em nói tiếng Cao Lao cho sướng, khỏi phải đá giọng mà cũng không gióng ai hết. Tiếng gọi, lời chào "eng, ả, từ mạ rồi iêm ... mô, tê, răng, rứa ..." được sử dụng nghe tha thiết như một không gian thu nhỏ ở quê nhà. Tiệc cưới dù được tổ chức tại nhà hàng hay tại tư gia thì vẫndiễn ra vẫn theo những nét truyền thống, người thân và bạn bè cùng nâng ly rượu nồng đằm thắm để chúc nhau và chúc phúc cho đôi bạn.

 

Tiệc cưới đôi bạn Lê Vi Phương Nam, con anh chị Lê Chiêu Định

được tổ chức tại quận 11, TP Hồ Chí Minh.

 

"Một lời ca bằng ba lời chúc" anh chị em lại cất lên lời ca tiếng hát "cây nhà lá vườn" chúc phúc cho hôn lễ.  TỈNH CA với bài "Quảnh Bình quê ta ơi" có thể nói là không thể thiếu trong các dịp như thế. Một bài hát hay người nghe thường nhắc đến ca từ, giai điệu tiết tấu .... của nó. Với ca khúc "Quảnh Bình quê ta ơi" còn hơn thế nữa bởi chứa đựng nội dung của nó. Bài hát như là bản báo cáo thành tích của quân và dân Quảnh Bình về tinh thần thi đua lao động sản xuất, anh dũng chiến đấu trong thời kỳ đầu của cuộc chiến khốc liệt nhất. "... Dòng sông Gianh ... tên anh những người anh hùng...", quân dân Quảng Bình từ biển xanh đến rừng núi xanh ... cùng với Miền Bắc "tất cả vì miền Nam ruột thịt, hạt gạo chia đôi, xe chưa qua nhà không tiếc ...". Những người con vô danh đã hy sinh thầm lặng đó là ai? Là “chị thanh niên phơi muối ven biển; anh công nhân đắn gỗ trên rừng; chị dân quân canh gác ven biển; anh chiến sĩ canh gác bầu trời; các mẹ, các anh, các chị dành gạo nuôi quân” khắc sâu trong lòng sự tri ân của các thế hệ hôm nay và mai sau. Những tên đất tên làng đã đi vào ca khúc mà mỗi người con Quảng Bình ai cũng biết nhưng không phải ai cũng đã có dịp đi hết những địa danh này.

 

Anh Nguyễn Đình Nam & chị Lê Thị Kim Phụng (quê Quảng Trị) là con dâu làng Cao Lao đang trình bày ca khúc

Quảnh Bình quê ta ơi trong lễ vu quy bạn Cao Thị Thúy Phượng

 

Cao Lao quê tôi soi bóng bên dòng sông Gianh lịch sử, của khúc ruột Miền Trung nơi eo nhất của dãi đất hình chữ S, nằm trong vùng chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt với đặc sản "gió lào cát trắng". Người Cao Lao quê tôi sinh ra lớn lên trong nhọc nhằn mưa bảo. Trong cái khắc nghiệt ấy bà con anh chị em đứng lên để bươn chải mưu sinh cùng giúp nhau xây dựng cuộc sống trên quê nhà cũng như nơi đất khách quê người. Đường đời vốn không bằng phẳng như mong muốn, nhưng trong lòng vẫn tự động viên "sông có khúc, người có lúc". Khi gặp  khúc quanh như thế thì "chất" Quảng Bình trong ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân lại được khơi lên trong những người con phiêu bạt.

 

"... Khi khó khăn con nhớ lời Đại tướng.

Hát lên bài "Quảng Bình quê ta ơi" để xốc lại tinh thần. (*)

"Nếu ai hỏi vì sao" khúc nhạc tình quê gọi.

Chất Quảng Bình thúc mỗi bước con đi ..."

Khúc hát tiễn Người - tháng 10/2014 - Nguyễn Xuân Văn

 

Gian khổ là thế nhưng từ gian lao đó, con người quê tôi đứng lên trong khí hậu khắc nghiệt, trong nghèo nàn để học hành, bươn trải với tinh thần lạc quan, yêu đời, đoàn kết, quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để làm giàu chính đáng cho mình, góp phần nho nhỏ vào việc xây dựng đời sống vật chất, các công trình mang nét văn hóa tâm linh nơi quê nhà. "Đất lạ hóa thành quen" bà con Cao Lao trên quê hương thứ hai vẫn luôngìn giữ bản sắc quê hương trong các dịp lễ, Tết, rằm, cưới hỏi ... "Ly hương nhưng không bao giờ ly Tổ" một lòng hướng về nơi "chôn rau cắt rốn" nhưng bà con xa quê cũng vô cùng biết ơn mảnh đất nơi mình đang làm ăn sinh sống đã nuôi dưỡng, tác thành không những phần đời mình mà cả con cháu sinh thành lớn lên, học hành, công tác rồi đóng góp vào nơi ta đang sinh sống với bao ân tình, nặng nghĩa. Đó là tấm lòng, bản ngã của những nhân cách thủy chung và luôn có ý thức làm người công dân tốt trên quê hương thứ hai này.

 

Dù bạn đang ở đâu, đang làm gì trên khắp mọi miền của Tổ quốc mỗi khi nghe bài hát thì những tên đất tên làng "...dòng sông Giɑnh với hàng dương xanh đời đời hát ca tên ɑnh, những người anh hùng, có ai về Ϲảnh Ɗương, Quảng Phú, Rào Nɑm ... vùng Cự Nẫm ..." càng gợi niềm tự hào, nỗi xúc động rưng rưng về quê hương. Là người con Cao Lao, người dân Quảng Bình với những địa danh "... Đại Phong xin vô ghé thăm vùng bến Tiến, bến Xuân Ɓồ, dòng Nhật Lệ, dòng Kiến Giɑng điệu hò khoɑn Lệ Thủу..." đã đi vào tiềm thức nhưng không phải ai cũng có dịp ghé thăm. Vì thế, ai cũng mong muốn một lần tìm về những địa danh ấy để được thấy những bước đổi thay trên quê hương sau ngày kết thúc cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc nhất là trong thời kỳ đổi mới.

 

Ca khúc Quảng Bình quê ta ơi cũng là khúc ca giã bạngợi niềm tự hào, nỗi xúc động lưu luyến chia tay bà con anh em, bè bạn để hẹn ngày gặp lại.

 

     Trong những giờ phút chia tay, nhiều người đã vội vạ ghi lại hình ảnh này qua máy ảnh mini, điện thoại di động.

 

 

Mãi bươn chải mưu sinh với cuộc sống nên bà con ít có dịp gặp nhau. Vì thế, sau tiệc cưới trên đường về anh em cũng tiện thể ghé thăm một số gia đình gần đó.

 

 

Bà con ghé thăm 2 bác Lê Quang Sự, nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch hiện đang sinh sống cùng các con tại TP Biên Hòa (ảnh trên)& gia đình anh chị Nguyễn Danh Hùng, là ba Miss Teen Huyền Trang (ảnh dưới).

 

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, bà con lưu luyến bịn rịn chia tay nhất là các cô bác, anh chị từ quê vào. Nhưng điều khó quên và trên hết là tình làng nghĩa xóm Cao Lao động lại trên đất khách, quê hương thứ hai của nững người con xa xứ.

 

  

 

(*)  Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu thích bài hát Quảng Bình quê ta ơi. Có lần về thăm quê, giao lưu với quân dân Quảng Bình, Đại tướng động viên: “Khó khăn nhiều nhưng các cháu luôn phải học tập, luôn cố gắng, khi nào khó khăn quá thì cùng nhau hát bài Quảng Bình quê ta ơi để phấn chấn mà phấn đấu xốc lại tinh thần”.

 

Trong những ngày tháng cuối đời Đại tướng điều trị tại bệnh viện 108, chị em điều dưỡng viên vẫn thường lấy điện thoại mở bài Quảng Bình quê ta ơi cho Đại tướng nghe. Những lúc ấy, mắt ông thường rớm rớm lệ.

 

... Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu quý ...

Tác giả : Nguyễn Xuân Văn.

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip