Ngon lắm củ Khoai Thành

11:32 - 29/12/2014

Ký sự của anh Lưu Văn Lộc, một người con sinh ra vào một trong những thời kỳ khó khăn nhất của quê hương

 

Khoai Thiềng, hay khoai Thành, đơn giản vì nó được trồng trong Thành. Thành lồi Cao Lao Hạ, một di tích lịch sử có từ thờ xa xưa, đã được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

Ở Cao Lao Hạ, ngày trước, khoai được trồng rất nhiều và nhiều vùng khoai rất ngon, như khoai Hói đá, khoai Cồn, khoai Cửa Nam, khoai Phố Tịnh, khoai Phần mua... Nhưng với nhiều người, ngon nhất có lẽ là khoai Thành. Thời trước, khoai là lương thực chủ lục giúp người nông dân “ấm bụng” khi mà hạt gạo vô cùng khan hiếm, mong có được một bữa “cơm rặt” là niềm khát khao đằng đẳng của những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cái điệp khúc trưa sắn chiều khoai cứ lặp đi lặp lại  năm này qua năm khác đã ăn sâu vào tâm trí bao người.

 

Thời bao cấp, làm ăn theo đội sản xuất, nhiều điều bất cập kìm hãm phát triển. Tuy vậy, vẫn có những điều hợp lý, mang tính bình đẳng, dân chủ cao, như cái chuyện khoai Thành. Trong Thành, hầu như nhà nào cũng được chia một vài thước đất, ít ra cũng đủ trồng được một vồng khoai. Không biết cha ông lấy đất ở đâu về đắp thành mà đất trong thành đẹp đến thế. Nó vừa bở vừa mịn, có màu vàng sáng, cày bừa nhẹ, cuốc phăm dễ, lại ít cỏ, rất phù hợp để trồng khoai, trồng đậu. Có lẽ thời xưa, cha ông ta đã biết giá trị vùng đất này, giá trị của củ khoai trồng trên đó nên mới chia mỗi nhà một luống, theo kiểu “Một miếng trựa làng bằng một sàng trong bếp”, hay “Miếng ngon mỗi người hưởng một tý”.

 

Tháng chạp là tháng trồng khoai. Đến mùa trồng khoai, cả làng như vào ngày hội. Người nào việc nấy, người cắt ngọn, người gánh phân, người cày cuốc, vơ rều, ủ toóc, đánh vôồng, phăm, trồng…Khắp đồng làng như một đại công trường. Vất vả mà vui .

 

Còn nhớ, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, bắt đầu của thời kỳ đổi mới, ruộng đất được chia về từng hộ gia đình sản xuất theo hình thức khoán sản phẩm. Lúc đó hầu như không còn một tấc bỏ không. Lúa khoai được trồng, chăm sóc chu đáo, đầy đủ nước, phân. Năm đó được mùa, nhất là vụ khoai. Nhà nào nhà nấy lúa chất đầy sân, khoai chất đầy nhà. Cái đói cái nghèo lui dần từ đó.

 

Hồi trước, khoai chủ yếu trồng bằng giống Kim Lũ, củ khoai to, dài có màu đỏ tím. Củ khoai Thành, hình dáng nó cũng bình thường như củ khoai ở những vùng đồng khác, có chăng chỉ khác khi đã nấu chín. Khoai Đồng Phố nấu lên ăn có vị mặn, chua, ít bột, khoai Phần Mua, Cửa Nam, Phố Tịnh nhiều bột, bùi. Riêng khoai Thành vừa bột, vừa bùi vừa ngọt lại rất thơm. Nếu nồi khoai khi luộc bỏ vài bông hoa cặc kè được hái trên rừng về thì mùi hương ngát thơm khắp xóm.

 

Khoai Thành ngon có tiếng, nhưng để tăng thêm giá trị thì cần có một chút “bí quyết” khi luộc. Ấy là ước lượng lượng nước vừa đủ để khi khoai chín thì nước trong nồi cũng vừa khô. Nếu khoai đã chín mà còn có nước thì chắt hết nước ra, đặt nồi lại trên bếp, cho nhỏ lửa vài phút để nước thật khô rời bê xuống. Khoan vội mở nắp nồi chừng vài phút để củ khoai “lóc” khỏi đáy nồi, lúc đó mới vớt khoai ra. Cầm củ khoai Thành luộc chín, còn nóng hổi, vừa thổi vừa bóc lớp vỏ mỏng, lộ phần bột trắng thơm phức. Thêm bát canh tép nấu bầu với rau hao, hay tép nấu cà chua, thứ cà chua ta, quả bằng đầu ngón tay, tép thì cất te hay đơm nò trong mấy ruộng lúa đang thì con gái, miếng khoai vừa bột, vừa thơm, nhai chậm rãi để cảm nhận cái vị vừa bùi vừa ngọt, húp thêm miếng canh cho dễ nuốt. Hay, khoai luộc được ăn kèm với môn muối, cà muối,... chao ôi sao mà ngon thế. Đúng là, ăn khoai Thành phải “ngậm mà nghe”.  

 

 Rồi những buổi làm nhà dựng cửa, lợp lại cái chuồng lợn, gian bếp vào ban trưa sau buổi làm đồng, những đêm quây quần chằm nón, những ngày cấy bàu sâu, cày bàu cạn, những buổi lên rừng chặt gỗ làm hầm…củ khoai là bạn đồng hành không thể thiếu của người nông dân. Khoai đã giúp người  dân vượt qua chiến tranh bom đạn, vượt qua cái đói cái nghèo, nâng bước bao thế hệ học trò. Củ khoai Thành còn là món quà quý của những người con xa quê.

 

Đó là chưa kể tầm tháng 3, tháng 4, sau một đêm mưa, sáng ngủ dậy đi bấm đọt khoai. Những đọt khoai to, dài như chiếc đũa, non mơn mởn chưa kịp ra lá. Đem về luộc lên chấm mắm quầy, mắm coòng hay ruốc đam thì khỏi phải nói. Thứ đọt khoai vừa mềm vừa giòn vừa ngọt này, mỗi vụ “trời” chỉ cho một hai buổi. Ai không nhanh tay nhanh chân thì phải đợi vụ sau.

 

Khoai không chỉ ăn củ, khoai còn được roọc, cắt lắt, bằm…Có lẽ nhiều người chưa quên khoai bằm nấu với mít nài, khoai roọc nấu đậu đen, khoai xéo, rồi khoai bằm phơi khô giã mịn làm bánh khoai. Nhưng khoai nào bằm xắt thì mặc, riêng khoai Thành, chỉ để dành ăn củ. Khoai bới về, mớ thì để ăn hàng ngày, còn những củ đẹp, không sâu hà, không trầy xước đem cất vào chỗ thoáng và khô ráo, ít ánh sáng để dành khi giáp hạt. Củ khoai Thành cất càng lâu ăn càng ngon.

 

Hình ảnh cái xéo đựng ba phần khoai một phần gạo, cùng với lọ mắm tép, chai ruốc đam, loong tép khô… theo chân lũ học trò đi bộ hàng chục cây số lên học cấp 3 trường huyện chưa thể nào phai với nhiều người. Đèo Lý Hòa, dốc Oằn, Ba Trại, Phú Định còn ghi dấu những đôi chân trần, áo rách cùng chiếc xéo quàng vai của nhiều thế hệ sĩ tử Hạ Trạch. Đói nghèo nhưng vẫn quyết tâm học hành cho bằng bè bằng bạn.

 

Cái thời khoai sắn thay cơm mới đó mà nay đã thành cổ tích. Kinh tế bây giờ cũng còn khó khăn, nhưng không còn nhà nào ăn khoai trừ bữa. Quê ta cũng còn ít nhà trồng khoai, không còn duy trì mùa khoai như xưa. Đất trong Thành cũng đã tiến hành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng từ lâu. Cái không khí mùa trồng khoai đông như hội không còn. Cũng không còn mỗi nhà một vồng khoai Thành để đến mùa lại đi trồng, đi bới, đi mót như trước nữa. Củ khoai Thành vì thế mà càng hiếm.

 

Tạo hóa vần xoay, thứ mà ngày xưa thừa thải thì nay lại trở thành đặc sản. Như chuyện củ khoai, con tôm con tép, con cua, con đam ấy. Ngày xưa, cá cua chẳng nhà nào thiếu. Nhà có nghề thì đi câu, đi lưới, đơm trộ, đơm nò, ăn không hết thì bán. Cá cua bán rẻ như cho. Nhà không nghề thì đi mò, đi tát, đi te, đi rói, bắt đam, bắt ốc, ăn không hết thì làm mắm, làm ruốc để dành khi mưa dầm gió bấc. Bây giờ, cua, đam, trìa, ốc đều là đặc sản, mấy bà nội trợ ra chợ mua đam phải đếm từng con, không phải từng rổ, từng oi như ngày nào. Tuy vậy, cua đam còn có mà mua, siêng năng thì có thể đi bắt được. Riêng củ khoai Thành thì chịu. Những người con Cao Lao Hạ xa quê, mỗi khi thích ăn khoai, ra chợ hoặc vào siêu thị mua một hai cân. Khoai cũng chẳng hề rẻ. Ngày trước một cân thóc mua được mấy cân khoai, bây giờ thì ngược lại, một cân khoai bằng mấy cân thóc. Giống khoai nay cũng phong phú, nào ruột tím, ruột vàng, ruột đỏ, cũng bở cũng ngon. Nhưng không hiểu sao, ai cũng cứ đem so với củ khoai Thành. Càng so, càng nhớ, càng thèm…

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip