Người chỉ huy trận 'Điện Biên Phủ trên không' và trận đánh đầu tiên ở Cổng Trời

18:27 - 01/01/2020

Bài viết về Trung tướng Lê Văn Tri đăng trên nhiều trang tin điện tử trong những ngày gần đây

Người chỉ huy trận 'Điện Biên Phủ trên không' và trận đánh đầu tiên ở Cổng Trời

Trung tướng Lê Văn Tri (1920-2006).
 
Trung tướng Lê Văn Tri từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đề xuất và thực thi kế hoạch đánh pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội trong Chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không' tháng 12 năm 1972. Ông cũng là người trực tiếp phất cờ lệnh và chỉ huy trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

Đằng sau hào quang của một cuộc đời binh nghiệp, ít ai biết rằng Tướng Lê Văn Tri từng bị nạn, thoát bản án tử hình trong gang tấc ngay trận đầu ông trực tiếp cầm quân giành thắng lợi ở Cổng Trời vùng biên giới Việt- Lào cách đây tròn 70 năm.

Trận đánh đầu tiên ở Cha Lo - Cổng Trời

Quảng Bình là vùng đất linh thiêng, đã sinh ra nhiều nhân vật lẫy lừng lịch sử. Bên cạnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ví như một Trần Hưng Đạo xa xưa, người đồng hương Lê Văn Tri giống như một Phạm Ngũ Lão hay Dã Tượng - những thuộc tướng tài ba.

Trung tướng Lê Văn Tri tên thật là Lê Chiêu Nghi, sinh năm 1920 ở làng Cao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thuở nhỏ ông theo anh trai vào Sài Gòn kiếm sống, lên Biên Hòa tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Quân Pháp tái xâm lược, ông trở về quê hương Quảng Bình gia nhập quân đội, khởi đầu cuộc đời binh nghiệp từ những trận đánh ở Cổng Trời biên giới Việt - Lào. Là con em nông dân chính hiệu, Lê Văn Tri trông thô ráp, chất phác, hiền hậu trong đời thường, nhưng trên chiến trường ông là một chiến binh can đảm, nhạy bén, mưu lược, quyết đoán. Điều đó thể hiện ngay trận đánh đầu tiên mà ông trực tiếp cầm quân…

Cuối năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược ngày càng quyết liệt. Tình hình chiến trường biên giới Việt - Lào đang gặp khó khăn nguy cấp. Quân Pháp ở thế mạnh, chuẩn bị binh hùng tướng mạnh từ Lào vượt biên giới qua vùng núi đá hiểm trở Cha Lo - Cổng Trời để tấn công xuống tỉnh Quảng Bình cũng như Khu 4 - phía Bắc miền Trung…

Cha Lo - Cổng Trời (nay thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, vốn nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh) là vùng núi non hùng vĩ, có địa thế hiểm yếu, vách đá cheo leo, vực sâu hun hút, sương mù lạnh lẽo bao phủ quanh năm. Cổng Trời gồm hai khối đá tự nhiên sừng sững nghiêng tựa vào nhau, như hai con người ôm quấn lấy nhau, gắn liền với truyền thuyết tình yêu bi kịch của nàng Y Leng và chàng Thông Ma dân tộc Khùa bản địa. Vị trí quan trọng này khi ấy do Lê Văn Tri nắm quyền chỉ huy một tiểu đoàn trấn thủ, canh giữ cả mặt trận đường 12. Ông là Tỉnh đội phó Quảng Bình được Bộ Tư lệnh Khu 4 do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm tư lệnh điều lên chỉ huy bộ đội chủ lực ở biên giới.

Nhận tin cấp báo quân Pháp chuẩn bị tấn công vượt qua Cổng Trời, nhưng vì trấn thủ ở vùng biên xa xôi nên Lê Văn Tri không cách nào liên lạc nhanh xin ý kiến cấp trên. Giữa sương mù lạnh giá mà người ông nóng như lửa đốt. Cả đêm không ngủ. Hừng đông. Núi rừng vẫn còn ngái ngủ, Lê Văn Tri cho liên lạc triệu tập cuộc họp khẩn toàn ban chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi bàn bạc và thống nhất ý kiến, Lê Văn Tri quyết định chủ động "ra đòn" trước, giành thế "tiên hạ thủ vi cường".

Khi nghe lệnh từ Chỉ huy trưởng Lê Văn Tri, cả đơn vị phấn khởi hạ quyết tâm trận đầu nhất định thắng. Mặt trận đường 12 rền vang tiếng súng. Lửa đạn và bụi mù bao phủ núi rừng. Tuyến đường huyết mạch vùng biên Cha Lo hoàn toàn bị đánh phá. Bước tiến của quân Pháp bị chặn lại và đẩy lùi về phía bên kia biên giới Việt - Lào.

Trận đầu Lê Văn Tri trực tiếp cầm quân trên chiến trường đã giành được thắng lợi!

Tuy nhiên, điều mà Lê Văn Tri và cả đơn vị không chờ đợi đã bất ngờ ập đến. Khi trận đánh vừa kết thúc trong niềm phấn khích của bộ đội thì có quân lệnh của Thiếu tướng Tư lệnh Lê Thiết Hùng: bắt Lê Văn Tri giải thẳng về Bộ Tư lệnh Khu 4!

Cả tiểu đoàn bàng hoàng. Vì sao trận đánh thắng lợi mà Chỉ huy trưởng lại bị bắt? Theo thông báo của Bộ Tư lệnh Khu 4, Lê Văn Tri đã vi phạm quân pháp, tự ý chỉ huy bộ đội đánh phá đường 12 Cha Lo - Cổng Trời khi chưa được phép của cấp trên, mà người nắm quyền cao nhất Khu 4 là Thiếu tướng Tư lệnh Lê Thiết Hùng. Điều đó có nghĩa Lê Văn Tri sẽ bị đưa ra tòa án binh để xét xử, có thể đối mặt với bản án nặng nhất.

Dù trận ra quân đầu tiên chiến thắng song trong lòng mỗi người lính thì thất bại não nề. Thế nhưng, một bất ngờ khác lại tiếp tục diễn ra…

Trên đường áp giải "tội đồ" Lê Văn Tri về Bộ Tư lệnh Khu 4 thì Thiếu tướng Tư lệnh Lê Thiết Hùng bỗng nhận được một bức điện khẩn từ Bộ Tổng tư lệnh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký: phải nhanh chóng đưa một tiểu đoàn công binh lên phá đường 12!

Tư lệnh Lê Thiết Hùng là một trong tám Thiếu tướng đầu tiên được phong chính thức của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với các ông: Nguyễn Sơn, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Trần Đại Nghĩa, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Hoàng Sâm. Cầm bức điện khẩn trong tay, tướng Lê Thiết Hùng nhanh chóng hiểu rằng cấp dưới của mình đã làm đúng khi chủ động đi trước một bước để bảo vệ an toàn cho biên giới. Ông cũng thấy sự sáng suốt, nhạy bén trong việc chỉ đạo từ xa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh quân đội!

 

Tư lệnh Lê Văn Tri (đứng) trình bày với Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn và Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Văn Tiến Dũng về kế hoạch tác chiến Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội năm 1972.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng vội ra lệnh thả ngay Lê Văn Tri và cho xe đưa vị chỉ huy trẻ tuổi trở về gấp đơn vị để tiếp tục chỉ huy bộ đội chặn bước tiến của quân Pháp.

Chính nhờ "sự cố" này mà về sau hai viên chiến tướng họ Lê rất quí mến nhau. Một lần, Tướng Lê Thiết Hùng bảo với tướng Lê Văn Tri:

- Nếu không có bức điện khẩn của anh Văn thì có thể tôi đã xử tội oan cho anh.

- Tôi biết làm thế là vi phạm quân pháp, nhưng tình thế cấp bách, không làm sao liên lạc kịp với anh và Bộ Tư lệnh Khu 4.

- Cái câu "Tướng quân tại ngoại" cũng đúng trong trường hợp này của anh.

Rồi hai vị Tướng ôm nhau khóc, cùng hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ ác liệt, thiếu thốn trăm bề tại một trong những vùng đất lửa biên thùy phía Tây Tổ quốc.

Riêng tướng Lê Văn Tri, trận ra quân Cha Lo - Cổng Trời còn để lại trong ông niềm cảm hứng mãnh liệt viết nên những vần thơ mộc mạc, xúc động:

"Cha Lo sương mù lạnh lẽo
Người lính biên thùy mưu mẹo đánh Tây
Cổng Trời cao vút tầng mây
Tây ra Tây chết bỏ thây đầy đường"

Không phải thứ thơ "sản xuất" từ sa long cờ hoa "hoan hô" chiến trận. Đó là những câu chữ kết tinh từ sương gió máu lửa biên cương của người lính trấn thủ.

*

Năm 1954, một nửa đất nước được giải phóng. Trung ương quyết định từng bước chính qui hóa, hiện đại hóa quân đội. Riêng Quân chủng Phòng không thì xây dựng lực lượng phòng không dã chiến, bảo vệ các yếu điểm chiến lược quốc gia. Từ đó, E367 được nâng thành Đại đoàn 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, sau trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ chỉ huy Đại đoàn 367 gồm các ông: Hoàng Kiện làm Đại đoàn trưởng, Đoàn Phùng làm Chính ủy, Lê Văn Tri làm Đại đoàn phó. Nghĩa là từ bộ binh Lê Văn Tri đã chuyển sang chỉ huy pháo binh.

Một thời gian sau, Lê Văn Tri rời Đại đoàn 367 xuống Kiến An, Hải Phòng học văn hóa nâng cao và học tiếng Trung Quốc. Đầu tháng 8 năm 1956, ông quay về Hà Nội để lên đường sang tu nghiệp ở Học viện Pháo binh Leningrad của Liên Xô. Một chân trời mới mở ra cho vị tướng tương lai.

Học tập bốn năm, Lê Văn Tri trở về nước được điều làm Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, rồi chuyển sang làm Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặng Tính chuyển vào làm Chính ủy Bộ đội Trường Sơn 559 thì ông Lê Văn Tri được đề bạt làm Tư lệnh, còn ông Hoàng Phương làm Chính ủy Quân chủng.

Kể từ đây, với tư cách một trong những sĩ quan cao cấp quan trọng của quân đội, Lê Văn Tri thực sự trở thành một nhân vật trực tiếp tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại của đất nước trong cuộc chiến tranh cứu nước, đặc biệt là ông trực tiếp chỉ huy Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội năm 1972 và trận tấn công sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn phát tín hiệu mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

Nguồn bài viết: https://baomoi.com/nguoi-chi-huy-tran-dien-bien-phu-tren-khong-va-tran-danh-dau-tien-o-cong-troi/c/29179989.epi
Tác giả : Phan Hoàng

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip