Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Người đàn ông lặng lẽ

Truyện ngắn của TS. Lưu Trọng Hồng, đã in trong Tạp chí Văn nghệ Quân Đội, số 604

 

 

Huy vừa đi đâu về thì nhìn thấy Thúy đang lau hành lang trước nhà. Anh đứng lại nhìn rồi cúi xuống giữ tay Thúy:

- Xin lỗi bạn, cho tôi xem cái giẻ lau một chút!

Không đợi Thúy đồng ý, Huy lôi cái giẻ lau lên xem, ngắm đi ngắm lại rồi nhận xét:

- Cái áo trẻ con còn dùng được – Huy quay nhìn Thúy nói: - Bạn chờ tôi một phút!

Huy thả cái giẻ xuống và chạy nhanh về phòng của mình cách đó một căn hộ. Thúy không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng vẫn kiên nhẫn đứng chờ.

Rất nhanh, Huy đã trở lại, trong tay anh cầm một nắm giẻ được cắt từ áo quần bộ đội. Anh nói với Thúy:

- Bạn cho tôi xin cái áo trẻ con kia. Bạn dùng thứ này mà lau nhà tốt hơn – Anh dơ nắm giẻ lên. Tôi đã giặt bằng xà phòng rồi đấy!

Cũng không đợi Thúy đồng ý, Huy cúi nhặt chiếc áo, bỏ lại nắm giẻ và thản nhiên trở về phòng mình.

Thúy tỏ ra khó chịu đứng nhìn theo Huy cho đến lúc anh đi khuất vào phòng. Cô nhặt nắm giẻ, đóng cửa lại và cũng đi vào phòng mình.

Thúy có vẻ mệt mỏi đấm mấy cái vào lưng rồi nằm duỗi chân tay lên giường. Hình ảnh bữa tối hôm nào ập đến. Lúc đó, cũng như mọi khi, Thúy chia tay Bình ở chỗ khuất tranh tối tranh sáng ngay lối vào khu tập thể. Bình vừa kéo Thúy vào lòng thì Huy đi ngang qua. Anh dừng lại, nói:

- Cẩn thận, bọn trẻ con trong khu đang nhìn lén các bạn đấy!

Nói xong, Huy bỏ đi luôn.

Thúy xấu hổ cúi mặt, không dám nhìn Bình. Còn Bình thì bực lắm, mặt anh đanh lại, không nói một lời – Thúy nghĩ có lẽ anh đang tiếc vì vừa bỏ mất cơ hội mà bấy lâu anh vẫn chờ đợi mình dành cho anh.

Nhớ lại chuyện cũ, chấp nối với những chuyện vừa xảy ra, kể cả chuyện hôm nay, Thúy thấy anh bạn láng giềng của cô thật lạ lùng.

Cách đây khoảng ba tháng Huy đã đến thuê căn phòng cơi nới của nhà bên cạnh nhà Thúy để ở.

Suốt ngày Huy đi vắng. Cứ đúng sáu giờ sáng, khi nghe mấy tiếng tít tít trên đài phát thanh là Thúy thấy Huy dắt chiếc xe đạp và khoác trên vai chiếc ba lô bộ đội đi qua căn hộ của mình. Buổi chiều tối mịt anh mới trở về nhà và sau đó chỉ dăm mười phút cả hành lang khu tập thể sực mùi cá nục rán từ căn phòng của Huy xông ra. Hầu như bữa tối nào Huy cũng ăn cá rán. Cứ ngửi thấy mùi cá rán là mọi người biết Huy đã trở về nhà. Thỉnh thoảng Thúy nghe mấy bà hay đưa chuyện bàn tán về anh. Nào là “anh này đi bộ đội về không có việc làm phải xuống Phà đen bốc vác thuê”. Nào là “không có tiền nên quanh năm suốt tháng phải ăn cá rán cho đỡ tốn” v.v…

Tối nào cũng vậy, Huy gần như ở rịt trong phòng. Chỉ trước khi đi ngủ – thường rất khuya, sau mười một giờ đêm – Huy mới ra đứng ở hành lang hít thở không khí trong lành. Chẳng ai biết Huy thức khuya như thế để làm gì. Nhưng cứ năm giờ sáng người ta đã thấy anh chạy lòng vòng tập thể dục ở dưới sân của khu tập thể.

Thúy thường đem chuyện của Huy ra kể cho Bình nghe, mỗi khi họ gặp nhau ở nhà Thúy. Lúc đầu Bình hơi khó chịu với Thúy, có lúc anh còn nghi ngờ Thúy, nhưng nghe mãi anh cũng quen dần bởi những chuyện Thúy kể về Huy toàn chuyện Bình cho là thuộc loại “nê-ga-tip” (tiêu cực).

Khốn nỗi cái gì đã quen thì thường dễ bị chán. Nhưng Bình không dám để lộ cho Thúy biết. Vì với cái cách bố mẹ Thúy cho hai người đươc gặp nhau dưới sự giám sát chặt chẽ của ông bà như thế này thì họ cũng chẳng có nhiều chuyện gì khác nữa để nói với nhau.

Quả thực, bố mẹ Thúy chỉ cho Thúy gặp Bình tại nhà mình, ngoài thời gian hai người ở trường. Nói là cùng trường, cùng khoa báo chí, nhưng Bình học trên Thúy những hai lớp, thành ra họ cũng chỉ được gặp nhau  thường là vào buổi tối tại nhà Thúy. Và trong những buổi tối đó bao giờ cũng có những lý do “tình cờ” để lúc thì ông bố, lúc thì bà mẹ vào buồng của Thúy.

Có được cái góc khuất “già tối non sáng” ở lối vào khu tập thể mà Bình và Thúy thường lợi dụng để chia tay nhau cho “kín đáo” thì vừa rồi lại bị “ông bạn láng giềng” của Thúy “chiếu tướng”. Vậy là Bình “hết bề họat động!” – Nói theo kiểu trêu ghẹo của mấy thằng bạn thân của Bình.

Một hôm Bình phát huy sáng kiến đem báo ra đọc chung, rồi hai người cùng trao đổi xem chỗ nào hay, chỗ nào dở của từng bài báo. Việc này làm Thúy rất thích thú, nhất là được nghe những nhận xét sắc sảo của Bình. Biết người yêu khen, Bình cũng hào hứng sưu tầm những bài báo hay nhất đưa đến cho Thúy đọc.

Một lần Bình chỉ cho Thúy bài phóng sự về đời sống sinh viên nội trú của một phóng viên có tên là Quỳ Hương và bảo:

- Thúy xem để hiểu thêm cuộc sống của bọn anh.

Thúy chăm chú đọc ngấu nghiến. Đọc xong cô ngồi thừ ra một lúc rồi nói:

- Bà Quỳ Hương này viết sắc sảo và dí dỏm quá, anh nhỉ! Thẳng thắn đề cập đến những vấn đề ít ai dám nêu ra. Giá sau này anh em mình cùng viết được những bài báo hay như vậy!

Thúy chỉ thấy Bình mỉm cười, rồi anh bắt đầu phân tích cụ thể những ưu điểm và cả nhược điểm của bài báo. Anh nói say sưa làm Thúy chột dạ và buột miệng nói ra:

- Không khéo chính anh viết bài này?

Bình lại mỉm cười, hỏi Thúy:

- Chẳng phải lúc nãy em bảo Quỳ Hương là bà đó sao? – Nói xong, Bình chuyển sang chuyện khác.

Từ hôm đó, Thúy luôn chú ý tìm những bài báo của Quỳ Hương để đọc trước tiên. … Thấm thoát một năm đã trôi qua. Thúy chuẩn bị bước sang năm thứ ba, còn Bình đã tốt nghiệp khoa báo chí. Anh đang trong thời gian chờ đợi để tìm việc làm, nhưng các cuộc hẹn hò của hai người thì “nguyễn như vân”. Địa điểm vẫn là buồng riêng của Thúy. Nội dung vẫn chỉ xoay quanh các bài báo và các câu chuyện về Huy - Đến một buổi cùng đi xem ca nhạc, bố Thúy cũng không cho phép - Ông bảo với Thúy:

- Phải tập trung vào học tập. Khi cần nghỉ ngơi, muốn nghe ca nhạc, con cứ mở ti vi ra mà nghe. Dạo này ti vi có nhiều kênh, nên chương trình ca nhạc cũng có nhiều. Chẳng cần phải đi đâu, vừa không mệt, vừa khỏi mất tiền, mà con vẫn được nghe nhạc.

Mỗi lần không rủ được Thúy đi chơi, Bình chỉ còn biết thở dài. Bình cũng chán dần những cuộc “đàm đạo” về báo chí với người yêu. Điều tệ hại hơn cả là Bình nhận ra các câu chuyện của Thúy kể về Huy gần đây toàn là những câu chuyện tốt đẹp.

Chẳng hạn một buổi tối hai anh em con ông chủ nhà bên cạnh – trong đó người anh vẫn nhăm nhe tán tỉnh Thúy - đang đứng chơi ở hành lang thì đột ngột cả hai bỏ chạy vào nhà. Tình cờ Huy trông thấy, anh tỏ ra nghi ngờ và nhìn xuống sân thì thấy có hai người đang tháo trộm cốp xe máy của khách đến thăm người nhà trong khu tập thể. Biết là hai anh em họ sợ và lảng tránh, nên Huy vội vàng kêu lên:

- Ê, mấy tên ăn cắp kia! – và anh nhảy thẳng từ tầng hai xuống sân làm cả hai tên ăn cắp sợ quá bỏ chạy và vứt lại cái cốp xe chúng vừa tháo được.

Thúy kể xong câu chuyện còn bổ sung thêm:

- Em kể lại chuyện này mà em đã mục sở thị cho bố mẹ em nghe. Bố em vỗ đùi, khoái chí kêu lên: “Cái thằng! Thế mới xứng danh một thời là lính đặc công!”

Lại có lần vừa trông thấy Bình đến chơi, Thúy đã chăm chăm nhìn Bình từ đầu đến chân, rồi vui vẻ khoe:

- Hôm nay em vừa trông thấy anh Huy, mặc bộ quần áo rất đẹp, gần giống bộ anh đang mặc, lao xe máy qua trước mặt em – Em định gọi, nhưng sợ nhầm vì anh Huy có bao giờ mặc đẹp như vậy, lại đi xe máy biển xanh của cơ quan, nên em thôi – Rồi Thúy hồn nhiên nhận xét: Giá đấy là anh Huy thật thì hay biết mấy, anh nhỉ!

Nghe giọng Thúy nói, và nhìn Thúy cười mà Bình đau nhói cả tim! Bữa đó Thúy còn móc trong túi áo ra chiếc chìa khóa, rồi đung đưa trước mặt Bình và nói:

- Lúc nãy anh Huy gọi em ra bảo là anh ấy về quê mấy ngày, nếu chúng mình cần chuyện trò cho thoải mái thì sang phòng anh ấy.

Bình không kìm được, cáu kỉnh nói:

- Vớ vẩn, có mà bố mẹ em cho phép! – Bình vứt tờ báo lên bàn trước chỗ Thúy ngồi – Báo đấy, cô đọc đi! Trong đó có bài của Quỳ Hương “Thanh Khê ly nông, quyết không ly hương” – Bình dơ tay – Hôm nay anh có chút việc bận. Chào!

Bình nói xong quay người đi thẳng ra cửa, quên cả chào bố mẹ Thúy.

Dạo đó hai người giận nhau phải đến mấy tuần. Nhưng rồi những cuộc giận nhau như vậy xẩy ra thường xuyên hơn.

Cho đến ngày Thúy bước sang năm học thứ tư, năm học cuối cùng của sinh viên khoa báo chí và Bình đã có việc làm tập sự ở một tờ báo ngành, thuộc lĩnh vực kinh tế thì Bình đã đặt thẳng vấn đề với Thúy:

- Anh định tháng tới đưa bố anh từ quê lên để ăn hỏi và xin bố mẹ em cho chúng mình tổ chức hôn lễ vào dịp tết này.

Thúy bị bất ngờ, cô phản đối ngay:

- Em còn phải học một năm nữa, lại là năm quan trọng nhất. Chúng mình hẵng đợi đến khi em tốt nghiệp, anh nhé! – Thúy dừng lại nhìn Bình tha thiết, rồi nói thêm: - mà em có đồng ý thì bố mẹ em cũng phản đối. Anh biết tính bố mẹ em rồi! Sao anh vội vàng thế!?

Bình lúng túng:

- Anh không còn mẹ, bố anh đã già. Cụ rất nóng lòng muốn có đứa cháu nội, anh không nỡ làm khác ý cụ – Em nghĩ kỹ đi, vài hôm nữa trả lời cho anh biết.

Bình nói là nói vậy thôi chứ anh đã có chủ định. Anh thừa biết, đòi hỏi của mình chẳng bao giờ được chấp thuận. Vả lại Bình cũng khó chấp nhận cung cách của bố mẹ Thúy đối xử với mình.

Những buổi Bình đến với Thúy thưa dần.

Rồi một hôm tình cờ Thúy trông thấy Bình ôm eo một cô gái khác trên đường Thanh Niên. Thế là hết! Cái gì đến, phải đến! Cuộc chia tay giữa Thúy và Bình thật là lặng lẽ, nhưng nó đã xói vào lòng Thúy như một lưỡi dao sắc nhọn, đúng vào dịp Thúy đang phải làm luận văn tốt nghiệp.

Hàng ngày Thúy cố gạt nỗi đau sang một bên để chuyên chú vào công việc. Nhưng trên khuôn mặt đẹp của Thúy vẫn thấp thoáng nét u buồn.

Một buổi tối, sau khi vừa viết xong chương hai của bản luận văn, Thúy khoan khoái bước ra hành lang đứng vươn vai và hít thở không khí trong lành. Tình cờ đúng lúc đó Huy cũng ra đứng trước buồng của mình. Thúy vờ như không trông thấy Huy, cô chăm chú nhìn xuống khoảng sân trống. Bỗng Thúy giật mình khi nghe thấy giọng Huy ngay sau lưng mình:

- Bạn đang làm luận văn tốt nghiệp phải không?

Thúy quay lại hỏi khẽ:

- Sao anh biết?

Huy cười:

Chuyện đó giải thích sau. Bây giờ tôi có một lời khuyên: bạn nên dành thời gian về nông thôn chơi, vừa thư giãn, vừa tìm hiểu thực tế, không giúp ích cho luận văn tốt nghiệp thì cũng tích lũy cho cuộc sống sau này.

Thúy nói luôn:

- Nhưng em không quen ai ở nông thôn cả.

- Tôi sẽ dẫn bạn đi bằng xe máy của bạn. Đi ngay ngày mai, chủ nhật, nếu bạn không phản đối.

Với vẻ không tin tưởng, Thúy nói;

- Chắc bố mẹ em không đồng ý.

Huy lại cười:

- Bạn thử xem! Cứ nói rõ mục đích như tôi vừa nói với bạn. Có thể bố mẹ bạn đồng ý đấy. Bạn vào nhà đi! Tôi đợi ở đây.

Thúy vẫn còn phân vân, nhưng nghe lời Huy cô đi vào nhà. Chỉ một thoáng đã thấy Thúy trở ra với vẻ mặt rất tươi tỉnh. Cô nói ngay với Huy:

- Bố mẹ em đồng ý. Sáng mai mấy giờ ta đi?

Huy cũng thấy vui vui, anh nói bóng bẩy:

- Nếu bạn không ngại dậy sớm thì sáu giờ chúng mình khởi hành cho mát mẻ.

Thấy Thúy cười và gật đầu, Huy dơ tay chào rồi trở về phòng mình.

Đúng sáu giờ sáng hôm sau Huy đã đến gõ cửa nhà Thúy. Như mọi lần, bố Thúy giúp Thúy dắt xe ra khỏi cửa. Huy chưa kịp chào ông, đã nghe ông nói vui vẻ:

- Chúc hai anh em thượng lộ bình an! Nhớ là lính đặc công luôn luôn đúng điểm hẹn, có mặt ở nhà trước sáu giờ chiều nay!

Theo phản xạ tự nhiên, Huy dập gót chân đứng nghiêm:

- Báo cáo, rõ!

Bố Thúy khoái chí, cười to và vỗ vào vai Huy, khen:

- Cậu khá lắm! Thôi, hai anh em tranh thủ lên đường kẻo muộn.

Huy dắt xe đi trước, Thúy đi sau tủm tỉm cười.

Hành trình của họ là đi năm mươi cây số đường nhựa, rồi rẽ vào đường đất đi thêm mười cây số nữa thì đến nhà Thụ, bạn của Huy.

Gần đến nhà Thụ, Huy dừng xe dưới một bóng cây cổ thụ. Thúy ngắm nhìn xung quanh rồi hoan hỉ reo lên:

- Phong cảnh ở đây đẹp quá!

Huy mỉm cười chỉ một đám ruộng khoai tây ở gần đó, hỏi Thúy:

- Đố bạn cây gì?

Thúy nhìn thoáng qua và trả lời không chút ngập ngừng:

- Cây cà chua!

Huy cố giữ ý, nhưng cũng không nhịn được cười. Thúy không hiểu gì, trố mắt nhìn Huy rồi cô mất hết tự tin, hỏi anh:

- Chẳng lẽ không phải cây cà chua?

Huy thôi cười, nói:

- Lần đầu tiên trông thấy cây khoai tây, hầu như ai cũng tưởng là cây cà chua. Xin lỗi bạn, tôi buồn cười vì thấy bạn trả lời quá tự tin!

Nghe Huy nói. Thúy xấu hổ kéo mũ che lấp cả mặt.

Họ lại tiếp tục lên đường và chỉ mười lăm phút sau Huy cho xe rẽ vào một ngôi nhà nhỏ nhắn. Từ ngoài sân, Thúy đã trông thấy một thanh niên trạc tuổi Huy đang cho một cháu bé khoảng ba tuổi ăn cháo. Đó là Thụ và đứa con trai của anh.

Thụ đón khách rất niềm nở. Huy giới thiệu:

- Đây là Thúy, người bạn láng giềng, cũng thuộc gia đình bộ đội, còn đây là Thụ, bạn đồng ngũ một thời với tôi.

Thúy bắt tay Thụ rồi sà đến chỗ thằng bé. Trông nó hơi gầy nhưng rất kháu khỉnh. Nó ngoan ngoãn để cho Thúy bế. Thụ và Huy thấy vậy ra hiệu với nhau đi xuống bếp. Hai người vừa chuyện trò vừa lúi húi nấu ăn.

Còn Thúy ngắm đứa bé đang ngủ trên tay mình. Cô nhìn chăm chăm vào chiếc áo nó đang mặc và cô đã nhận ra nguồn gốc của nó, chính là giẻ lau nhà của cô cách đây gần hai năm. Vậy mà cô đã tưởng Huy mang về cho con anh ấy. Ờ mà anh Huy đã có gia đình chưa nhỉ? Quê anh ấy ở đâu? Có thật anh Huy làm công nhân bốc vác ở bến phà đen không? … Có bao nhiêu điều Thúy muốn hỏi về Huy, nhưng cô đành phải bỏ cuộc. Thúy nhớ lại lúc sáng, khi hai người vừa ra khỏi khu tập thể, Thúy đã hỏi ngay:

- Có lần anh đi xe máy gắn biển cơ quan phải không?

Sau một thoáng im lặng, Huy nói:

- Tôi tưởng làm nghề nhà báo như bạn, muốn biết điều gì về người nào đó, để cho khách quan, thì không nên hỏi trực tiếp người đó, mà nên tìm hiểu qua người khác?

Bị chạm tự ái, Thúy im lặng suốt dọc đường cho đến lúc họ dừng lại ngắm cảnh. Còn Huy vì đi ngược chiều gió, tiếng máy nổ lại rất to, nói gì cũng phải hét lên mấy lần Thúy mới nghe thủng, nên có lẽ vì thế mà anh cũng im lặng.

Thúy đang mải mê suy nghĩ thì Huy và Thụ đã bê mâm và nồi cơm lên nhà. Bữa ăn chỉ có rau muống luộc, cá giếc kho tương và bát nước rau vắt chanh trong suốt, nhưng Thúy đã ăn ngon lành.

Họ vừa ăn vừa chuyện trò với nhau rất rôm rả. Duy có một chi tiết làm cô chú ý, đó là câu Thụ nói với Huy:

- Từ nay cậu không phải tranh thủ đi sớm về muộn để làm cửu vạn nữa. Cậu thấy đấy, cuộc sống của tớ đã khá hơn trước rồi.

Do ngại hỏi, nên Thúy cứ phải suy nghĩ mãi ý tứ của câu nói này.

Buổi chiều trên đường về, vì còn nhiều thời gian, Huy cho xe chạy chậm chậm để nói chuyện với nhau nghe cho rõ mà không phải hét to. Thúy đang định đánh bạo hỏi về chuyện làm cửu vạn thì anh đã chủ động kể về mối quan hệ của anh với Thụ:

- Bạn không tưởng tượng nổi cách đây ba năm cậu Thụ khốn đốn như thế nào! Vợ mới sinh con chưa được nửa tháng thì chết vì hậu sản. Một mình Thụ nuôi bộ thằng bé. Tiền của chẳng có gì, bố mẹ mất sớm, gia đình anh trai thì ở mãi tận Nha Trang. Tôi và mấy đứa cùng đơn vị trước đây xúm lại giúp nó, nhưng cũng chẳng được là bao. Cuộc sống của Thụ gần đây có khá hơn chủ yếu là nhờ nó có bản lĩnh và chí thú làm ăn, lại được địa phương quan tâm giúp đỡ.

- Và nhờ có anh tranh thủ làm cửu vạn trước và sau giờ làm việc cũng như nhịn ăn ngon để có tiền giúp anh ấy? – Thúy ngắt lời của Huy.

- Như tôi đã nói, sự giúp đỡ của chúng tôi chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần – Huy vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi của Thúy, nhưng Thúy đã hiểu hết. Sẵn đà cô hỏi anh:

- Anh Huy làm ở cơ quan nào? – Thúy hỏi xong thì chột dạ, nghĩ là sẽ được nghe lại “bài học” sáng nay, nhưng Huy chỉ nói nhẹ nhàng:

- Bạn sẽ biết ngay thôi mà!

Sau đó Huy đã chuyển sang đề tài về nông thôn. Anh nói đến cái được, cái mất của người nông dân khi đất nước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghe Huy nói, Thúy hiểu thêm được ít nhiều cuộc sống nông thôn hiện nay.

Mải mê chuyện trò, họ về đến nhà lúc nào không hay.

Sáng hôm sau có người đến gõ cửa nhà Thúy. Một người đàn ông trạc tuổi năm mươi, trang phục sang trọng, hỏi Thúy, bằng giọng miềm Nam:

- Cô chỉ giùm nhà của nhà báo Quỳ Hương?

Thúy ngạc nhiên:

- Chị Quỳ Hương có ở đây đâu ạ?

Người đàn ông còn ngạc nhiên hơn:

- Tôi hỏi nhà báo Quỳ Hương anh Quỳ Hương - ông vỗ vỗ vào trán – ở tòa báo người ta cho tôi biết anh này còn có tên là Huy, đúng rồi Nguyễn Cường Huy.

Thúy phải để tay lên ngực, tim cô đánh thình thịch, cô nói:

- Nếu là anh Huy thì chú đi tiếp đến phòng cuối cùng .

- Vậy hả, cảm ơn cô! - Ông nói rồi vừa đi vừa lắc đầu, miệng mỉm cười.

Còn Thúy vội đóng sập cửa lại chạy vào phòng trong, ngồi lên giường, miệng hổn hển lẩm bẩm:

- Anh Huy ghê thật! Cường Huy – Quỳ Hương, chỉ là hai từ nói ngược nhau mà mình không nghĩ ra. Ôi, ngốc ơi, là ngốc!

Ngay buổi chiều hôm đó Huy khoác ba lô đến chào bố mẹ Thúy và Thúy, nói là đi vắng vài ba tuần. Thúy giả bộ làm mặt giận, nói mát:

- Nhà báo Quỳ Hương kín đáo thật! Chắc là sợ kẻ đáng thương này học lỏm mất nghề!

Huy cười:

- Nếu bạn đã nói vậy thì tôi đề nghị thế này: khi tôi đi miền Nam về bạn cho tôi xem bản luận văn của bạn trước khi nộp cho nhà trường, được không?

Thúy dơ cả hai tay lên trời, reo to:

- Hoan hô anh Huy! Nhà báo Quỳ Hương muôn năm!

Huy vội xua tay:

- Chớ, chớ! Bạn chớ đặt hy vọng quá nhiều!

Bố mẹ Thúy không hiểu hai người nói gì, nhưng cũng vui lây, bố Thúy nắm chặt tay Huy, nói:

- Chúc anh lên đường may mắn!

… Thời gian trôi qua chậm chạp. Ba tuần, bốn tuần, rồi năm tuần…Thúy sốt ruột chờ Huy về và trách thầm anh đã không giữ đúng lời hẹn. Cô đã phải nộp luận văn mà không đợi được Huy góp ý kiến trước. Chỉ còn nửa tháng nữa là Thúy phải bảo vệ luận văn của mình. Trong khi chờ ngày bảo vệ, Thúy đã một mình về thăm bố con Thụ. Qua Thụ, Thúy đã biết thêm được nhiều về Huy … Cô mang theo cả một đống áo quần của đứa cháu con bà chị đã lớn không dùng được nữa.

Huy trở về nhà đúng nửa đêm trước ngày Thúy bảo vệ.

Buổi sáng, khi dắt xe ra khỏi cửa cho Thúy, ông bố của Thúy nói với con gái:

- Anh Huy vừa về đêm hôm qua. Sáng nay anh ấy có việc phải đi sớm, bố định đánh thức con dậy, nhưng anh ấy ngăn lại, bảo ngủ được trước khi thi là rất tốt. Anh Huy nhắn con không phải lo lắng gì cả, mọi việc sẽ tốt đẹp.

- Hừ, tốt đẹp! – Thúy đai lại hai từ “tốt đẹp” rồi chào bố dắt xe đi.

Dọc đường Thúy chẳng còn lòng dạ nào để suy nghĩ đến Huy và những lời động viên của anh. Cô tập trung nhẩm lại nội dung chính của bản luận văn.

Đúng mười giờ, Thúy bước vào phòng thi. Cô dật mình trông thấy Huy ngồi cùng với hai thầy giáo ở dãy bàn của Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp.

Huy nhìn Thúy gật đầu chào và mỉm cười với cô. Thấy Thúy có vẻ căng thẳng, Huy vội lên tiếng với giọng pha trò:

- Bạn ngồi xuống ghế và hít thở sâu vào!

Cả hội đồng bật cười vui vẻ. Mặt Thúy ửng hồng và miệng cũng cười mỉm theo.

Buổi bảo vệ kết thúc nhanh chóng. Đã ra khỏi phòng thi mà Thúy vẫn chưa hết hồi hộp!

Suốt buổi chiều, rồi đến buổi tối, Thúy nóng lòng đợi Huy về. Thấy Thúy cứ đi ra đi vào, bố mẹ Thúy cũng căng thẳng theo. Khác với mọi ngày, hai cụ ngồi ngay ngắn trước màn hình ti vi, nhưng mắt hai cụ vẫn thường xuyên nhìn ra cửa.

Khoảng tám giờ tối Huy mới trở về, trên tay cầm một bó hoa rất đẹp. Anh đi thẳng vào nhà Thúy và vui vẻ nói:

Cháu xin phép hai bác tặng Thúy bó hoa để mừng Thúy đã bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp!

Thúy rú lên sung sướng và nhận bó hoa Huy tặng. Bố mẹ Thúy cũng mừng không khác gì Thúy. Bà cụ xúc động quá chảy cả nước mắt. Trông Thúy lúc này rực rỡ hơn cả bó hoa trên tay.

Bố Thúy nói với Huy:

- Thay mặt gia đình, tôi cảm ơn cậu! Cậu khá lắm! Lúc nào cậu cũng làm cho người khác bị bất ngờ.

Huy vội thanh minh:

- Không phải cháu muốn thế đâu ạ! Để đảm bảo tính khách quan, nhà trường yêu cầu không được cho thí sinh biết ai chấm luận văn của mình. Vì công việc ở trong ấy nhiều quá nên cháu không ra đúng hẹn được. Nhưng khi đọc bản luận văn của Thúy do nhà trường gửi vào cho cháu qua cơ quan đại diện của báo ở phía Nam, cháu thấy rất yên tâm.

- Trời, thế mà con Thúy nhà tôi lo lắng suốt mấy tháng nay! – Mẹ Thúy xuýt xoa.

Thúy hỏi khẽ:

- Anh ăn uống gì chưa?

Huy vỗ vào bụng, nói:

- Mấy ông thầy ở trường, trong đó có một ông trước cùng học văn ở Trường Đại học Tổng hợp với tôi cứ kiên quyết giữ tôi lại để liên hoan với họ. Ăn uống lu bù nên mãi bây giờ mới về.

Mẹ Thúy than thở:

- Cả nhà có ý mời cơm anh tối nay, nhưng không được. Con Thúy để phần chè cho anh, vậy là cũng ế nốt!

Huy nói ngay:

- Chè thì cháu vẫn ăn được ạ!

Bà mẹ phấn khởi quá nói với Thúy:

- Đưa hoa đây để mẹ cắm, còn con dẫn anh Huy vào phòng ăn!

- Cháu xin phép hai bác – Huy vui vẻ nói rồi cùng theo Thúy vào trong nhà.

Thúy bê một bát chè đỗ đen to tướng đặt trước mặt Huy và ngồi đối diện nhìn anh ăn.

Huy ăn một lèo hết nửa bát, rồi ngừng lại hỏi Thúy:

- Bạn hay mẹ bạn nấu mà ngon thế?

Thúy cố tình im lặng - Đợi mãi không thấy Thúy trả lời, Huy ngước nhìn Thúy, tủm tỉm cười:

- Khó trả lời hả, mẹ bạn nấu chứ gì?

Thúy không nhìn Huy, nói với giọng buồn buồn:

- Anh có thể quên chữ “bạn” đi một lúc, được không?

Huy cười cả miệng:

- Tôi sẵn sàng quên suốt đời!

Thúy lườm Huy:

- Lại còn tôi nữa! – Thúy kéo dài từ “tôi”

Huy làm bộ than vãn:

- Ôi, khó quá! quên chữ “tôi” thì còn gì là mình nữa hả em!

Thúy cười sung sướng:

- Thế cũng tạm được rồi!

Và hai người nhìn sâu vào mắt nhau…

 

Hà Nội, tháng 5/2004

Tác giả: Lưu Trọng Hồng

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2616

    Trong tuần: 11473

    Trong tháng: 84642

    Tổng số: 11725019

    Đang online: 47