Người ta lớn không phải vì chiến thắng

21:51 - 29/01/2012

Tấm gương khởi nghiệp của Lưu Anh Tiến, đội trưởng đội tuyển Robocon Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2006

 

 

 

Lưu Anh Tiến (trái) trao đổi cùng đồng nghiệp về hệ thống soát vé bằng thẻ từ thiết kế riêng cho các khu vui chơi giải trí - Ảnh: Mai Vinh

 

Bước ra từ một chiến thắng trải đầy hoa hồng, chàng trai trẻ cảm thấy đó là một giấc mơ thật đẹp nhưng cũng khiến anh trở nên hụt hẫng khi tỉnh giấc. Thực tế không như mơ nhưng anh quyết tâm bắt đầu một giấc mơ mới.

 

Bỏ lối quen, tìm nơi khó

 

"Khó khăn lớn nhất của tôi khi ra trường là cảm thấy chới với sau vòng hào quang chiến thắng. Tôi nhận ra mình sẽ chẳng là ai nếu như tiếp tục sống bám vào một giấc mơ đẹp. Những bạn bè trong nhóm Bkpro bây giờ đều tiếp tục công việc ở các công ty thuộc lĩnh vực tự động hóa. Đó là một kết thúc đẹp khi chúng tôi bước ra từ sân chơi Robocon..."

LƯU ANH TIẾN

Lưu Anh Tiến có thể là một cái tên khá quen với những bạn trẻ yêu thích cuộc thi Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời điểm năm 2006, lúc đội tuyển Robocon Việt Nam đoạt giải quán quân. Lưu Anh Tiến thời điểm đó là đội trưởng nhóm Robocon mang tên “Bkpro” của Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Tiến nói: “Với tôi, Robocon là một kỷ niệm rất đẹp. Nhưng xin đừng nhắc tới vòng nguyệt quế ngày xưa vì người ta lớn không phải vì chiến thắng!”.

 

Hiện nay Lưu Anh Tiến 29 tuổi, đang là giám đốc điều hành của Công ty cổ phần đầu tư Kiến Lửa - chuyên về lĩnh vực điện tử và hệ thống bán lẻ với khách hàng là Thế Giới Di Động, kem Bud, thời trang Foci và một số công ty chuyên về giải trí tại TP.HCM.

 

Bạn bè thân đều biết Tiến vốn xuất thân từ một chàng trai quê gốc Quảng Bình với tính cách khá... ngang ngạnh. Câu chuyện khá tế nhị mà Lưu Anh Tiến ít khi kể với bạn bè nếu không phải bạn thân: Tiến đã có một công việc rất ổn định mà nhiều người mơ ước ở một tập đoàn lớn sau khi ra trường, nhờ vào mối quan hệ quen biết của gia đình. “Nhưng chỗ quen biết thì vốn nhàm chán, tôi không chịu nổi cảnh đi làm rồi báo cáo công việc mình chẳng quan tâm hằng ngày và nhận lương hằng tháng. Nó không đủ hồi hộp, không đủ tò mò cho bản thân tôi bằng những “món quà” đắt giá từ thương trường mà tôi được chạm tới” - Tiến thổ lộ.

 

Đó chính là những viên gạch đầu tiên để Tiến khởi đầu cho một hoạch định dài hơi.

 

Năm 2006, Tiến ra trường và từ bỏ công việc được gia đình sắp đặt sẵn để làm vị trí kỹ thuật cho một công ty chuyên về ngành tự động hóa. Năm 2008, có số vốn nhỏ, Tiến và nhóm bạn cùng trường lập công ty riêng cũng chuyên về điện tử. Sau một năm, Tiến được mời làm giám đốc điều hành cho Công ty cổ phần đầu tư Kiến Lửa - chuyên về hệ thống bán lẻ và cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp, các thiết bị điện tử.

 

Đơn đặt hàng từ thực tế

 

Suốt ba năm điều hành Công ty cổ phần Kiến Lửa, Tiến đã có được một hợp đồng lớn từ hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động. Đó là hệ thống trưng bày sản phẩm hiển thị tên và giá thành sản phẩm, điểm thưởng nhân viên cho mỗi loại sản phẩm điện tử. Đặc biệt là bảng điện tử này có thể thay đổi liên tục tùy theo sự điều chỉnh của trung tâm quản lý. Tiếp đó là những đơn đặt hàng từ thực tế mang đậm tính chất bản địa mà các công ty điện tử nước ngoài ít để tâm do không thể nắm bắt nhu cầu từ thị trường tại Việt Nam một cách sâu sát. Hai sản phẩm mà công ty được đặt hàng mới nhất hiện nay là mô hình máy bay cho một công ty giải trí tại TP.HCM, bảng menu điện tử cho một thương hiệu kem tại TP.HCM. Đây là hai sản phẩm độc quyền và có thể lần đầu có mặt tại Việt Nam trong năm 2012.

 

Chỉ tính riêng hệ thống điện tử trưng bày sản phẩm điện thoại di động đã mang lại nguồn thu cho công ty hàng chục tỉ đồng/năm. Với khoảng 200 siêu thị trên toàn quốc, Thế Giới Di Động đặt hàng Hugate - công ty chi nhánh của Kiến Lửa - số sản phẩm là 5.000 bộ đèn Led có thể báo giá bán, điểm thưởng, mã số mặt hàng điện thoại tự động/năm.

 

Tiến chia sẻ: “Sản phẩm dịch vụ phải chuyên biệt, có chất lượng mới thuyết phục được khách hàng. Lúc còn chơi Robocon, chiến thắng là do đề tài có sẵn, do may mắn cộng với đam mê và phần nhiều là sân chơi ngang sức với mình. Còn giờ đây trên thương trường, chính mình phải tạo ra đề tài độc đáo cho riêng mình để thuyết phục khách hàng tìm đến”.

 

“Có một lần tôi có dịp gặp giáo sư sử học Lê Văn Lan, ông nói với tôi: Anh là một người may mắn, tin tôi đi, cứ làm những gì anh muốn. Cho đến giờ, sau thành công ở cuộc thi Robocon, tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn. Nhưng may mắn không tự tìm đến tôi mà có lẽ bởi tôi đã tìm thấy may mắn bằng sự tự tin và phương châm: làm mới biết, sai thì sửa”, Tiến bộc bạch.

 

Lối đi khác biệt từ thời sinh viên

 

Trước khi đến với sân chơi Robocon, Tiến và bạn bè cùng khoa điện - điện tử (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã lập một nhóm chuyên sáng chế các thiết bị điện tử theo đơn đặt hàng với khẩu hiệu: “Những gì người khác không làm thì mình làm!”. Những sản phẩm thời sinh viên như bộ thiết bị quản lý hệ thống bán lẻ xăng dầu hiển thị từ chỗ chỉ có 4 số thành 5 số, phần mềm thẻ rút tiền điện tử...

Tác giả : Lê Vân

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip