Nguyễn Thị Luyến

07:20 - 06/12/2010

Phu nhân của tướng quân Lê Mô Khải

 

Phu nhân tướng quân Lê Mô Khải là bà Nguyễn Thị Luyến. Bà sinh năm 1857, tại làng Cao Lao Hạ, nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Xuất thân từ một gia đình nho học, bà theo đòi nghiên bút, học tập như mọi người trong gia đình. Bà tỏ rõ là một nữ sinh thông minh, lớn lên nổi tiếng là công - dung - ngôn - hạnh; hiếu đễ, trung tín. Việc một người con gái nông thôn được theo đòi nghiên bút ở thời đại phong kiên lúc bấy giờ là một sự hiếm quý đặc biệt với một làng quê xa xôi hẻo lánh như làng Cao Lao Hạ. Bà vừa là bạn đời của ông Lê Mô Khải vừa là người chuyên lo hậu cần của quân khởi nghĩa Trại Nái, thời ông Lê Mô Khải hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp (1885 - 1888).

 

Người làng Cao Lao Hạ và con cháu dòng tộc họ Lê ở đây thường kể về bà rằng: Năm 1884 ông Lê Mô Khải đang làm bố chính ở Hải Dương, vì không đồng tình với sự đầu hàng thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn đã "treo ấn từ quan" trở về quê cũ. Tại quê nhà, ông bà đã cùng nhau mở trường dạy học, xây dựng thuần phong mỹ tục, khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, cải cách công việc làm ăn nhằm mục đích làm cho người dân cơm no, áo ấm để đạt được điều mong ước: Dân giàu, nước mạnh. Những lúc ông buồn về nỗi niềm mất nước mà mình thì "lực bất tòng tâm" nên cứ mỗi buổi chiều ông thả chiếc thuyền ngồi câu cá trên vực Cây Sanh, bà cũng luôn theo hầu bên cạnh, kiếm lời an ủi, tỏ bày niềm tin cũng làm cho ông bớt nỗi lòng bi quan mà kiên trì đợi chờ cơ hội. Người làng Cao Lao  Hạ hiện còn nhớ một đoạn thơ của  bà Nguyễn Thị Luyến trong hoàn cảnh này:

 

Chiều chiều bên bến vực sanh

Ai ngồi câu cá mà trông thảm sầu

Người thương người nhớ đâu đâu

Thuyền người câu đó lòng sầu ngổn ngang

Đưa câu mái đẩy nhịp nhàng

Âm vang tiếng hát chạnh lòng nước non.

 

Rồi cơ hội mà ông chờ đợi cũng đã đến, nhưng đến với hoàn cảnh vô cũng phức tạp. Thực dân Pháp đã chiếm kinh đô Huế, vua Hàm Nghi phải xuất bôn đi kháng chiến. Sau vụ biến kinh thành, kinh đô Huế thất thủ. Ngày 23/5 năm Ất  Dậu (1885) vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược, cứu nước.

 

Tháng 8 năm 1885, ông Lê Mô Khải dựng cờ khởi nghĩa hướng ứng lời kêu gọi cứu nước của chiếu Cần Vương. Nhân dân, binh lính cũ của triều đình và các sĩ phu yêu nước nhiều nơi tụ lại, lấy làng Cao Lao Hạ làm cơ sở ban đầu và lấy đình Cao Lao Hạ làm nơi huấn luyện, hội quân. Bà Nguyễn Thị Luyến, phu nhân của ông Lê Mô Khải tự nguyện đảm đang các việc hậu cần cho quân khởi nghĩa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng với một đội quân lớn lên từ hai bàn tay trắng. Bà thường đi vận động nhân dân cung cấp lương thực nuôi quân, hiến tặng tiền bạc, mua sắm khí giới, rèn đúc vũ khí cho quân khởi nghĩa. Với tinh thần yêu nước và lòng nhiệt tình hăng say công tác, bà đã được mọi người mến phục nên nhiều người dân quanh vùng nhất là giới phụ nữ hưởng ứng, tham gia cùng bà hoạt động.

 

Tháng 10 năm 1885, nghĩa quân Lê Mô Khải dời về Trại Nái lập căn cứ để có điều kiện chống Pháp lâu dài, bà cũng theo ông tiếp tục nhiệm vụ. Việc đi lại từ các nơi về Trại Nái luôn bị địch ngăn chặn, bao vây. Các đoàn quân tải lương của bà phải luồn lách trong rừng rậm, mỗi lần đi đến đâu đều phải xóa dấu vết đến đó, thầm lặng, bí mật, đầy nguy hiểm không kém sự chiến đấu trực diện bằng súng đạn với quân thù. Nhờ tinh thần quả cảm, mưu trí, thông thạo địa hình của bà mà sự tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân Trại Nái được kịp thời, không mấy khi bị nghẽn tắc, giúp sức cho tướng quân Lê Mô Khải rất lớn. Bà còn là một trong nhiều người giữ việc vận động ngụy quân, ngụy tề ủng hộ  nghĩa quân. Nhờ sự gần gũi bám sát quần chúng nên bà biết rõ nơi nào, bộ phận ngụy quân, ngụy tề nào có lòng yêu nước hay đang tâm theo giặc để lảng tránh, hoặc lôi kéo họ, cho nên tuy ở Trái Nái mà ông Lê Mô Khải vẫn am hiểu, nắm bắt được tình hình của địch cũng là  nhờ có phần đóng góp của bà.

 

Ở Trái Nái, ông Lê Mô Khải còn chủ trương vận động một số nhân dân lên cứ trú hẳn để khai hoang ruộng đất, tự sản xuất lấy lương thực như khoai, sắn, bắp, đậu, mè để cung cấp tại chỗ cho quân khởi nghĩa, đỡ phần cung cấp của nhân dân thì bà Nguyễn Thị Luyến lại là một cánh  tay đắc lực của ông trong việc thực hiện thành công chủ trương đó.

 

Đến khi căn cứ Trại Nái thất thủ (1887), ông Lê Mô Khải đưa quân lên Tuyên  Hóa tìm vua Hàm Nghi. Còn bà và các con bị thực dân Pháp bắt đem vào giam ở nhà lao phủ Thừa Thiên Huế. Dù bị giặc Pháp tra tấn, đày ải đến đâu bà và các con cũng cắn răng chịu đựng, không hề khai báo, không thay lòng đổi dạ. Tháng 11 năm 1888 vua Hàm Nghi bị bắt, cơ sở kháng chiến ở Tuyên Hóa tan rã, mọi nơi bãi binh nhưng ông Lê Mô Khải không tự giải tán hoặc đầu hàng mà cùng một số quân còn  lại rút vào rừng sâu tiếp tục hoạt động. Sau hơn hai năm tù đày, thực dân Pháp vẫn không lung lạc được tinh thần và khuất phục được bà nên chúng đành phải thả về (1889). Bà lại lên đường theo chồng, trọn niềm trung thủy, trọn đạo trung trinh với nước và cùng chồng tham gia kháng chiến.

 

Với tấm lòng yêu nước, với khát vọng thiết tha được sống trong độc lập, tự do, bà sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh cũng chồng chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo về quê hương. Trong mọi công tác bà tỏ ra là một người cứng rắn, có nghị lực, đã trở thành một người tham mưu sáng suốt và cũng là một người trợ thủ đắc lực của ông. Cuối năm 1892, ông Lê Mô Khải lúc này tuổi đã cao, lại bị bệnh sốt rét rừng lâu năm, sức khỏe yếu không còn hoạt động được nữa, bà tìm cách đưa ông về làng mong tìm cách cứu chữa. Nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng, ông phải ra đi.

 

            Khóc ông, nhân dân có một lời:

 

“Mở mang phong hóa nhờ ơn cụ

Chống giặc xâm lăng chí vững bền”

 

Khóc ông, bà có bài thơ:

 

“Thù Tây chẳng đội một trời chung

Vì nước quên thân chí vẫy vùng

Lập trận binh cơ lên Trại Nái

Đánh tan tàu giặc tới Linh Giang

Mài gươm phát đạn phanh thây giặc

Cứu nước lâm nguy quyết một lòng

Dẫu chẳng nên công trong sự nghiệp

Ai suy thành bại với anh hùng”

         

Suốt cuộc đời bà chỉ một lòng trung trinh với đất nước, ân nghĩa với đồng bào, với bà con, họ hàng, làng xóm, thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau để xây dựng cuộc sống ấm no, thanh bình. Bà chỉ tâm niệm một lòng thờ chồng, nuôi dạy con khôn lớn, nên người. Sau khi thực dân Pháp đặt được ách đô hộ, gia đình bà bị coi là gia đình phản nghịch. Thực dân Pháp cũng như triều đình nhà Nguyễn đã bao vây chính trị lẫn kinh tế gia đình bà. Chúng không cho con cháu bà thi vào các trường. Gia đình bà phải sống trong cảnh đời khổ hạnh túng quẫn. Tuy thế, con cháu bà đều sống ẩn dật, mưu sinh bằng những nghề lương thiện, quyết không hợp tác với Pháp để giữ trọn đạo  đức và thanh danh của gia đình.

 

Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, gia đình bà vô cùng sung sướng, vui mừng được hưởng quyền sống của người dân một nước độc lập tự do. Nhưng chưa được bao lâu thì đầu năm 1947, thực dân Pháp lại đánh chiếm vùng đất Quảng Bình. Chúng đến càn quét, đánh phá làng Cao Lao Hạ không biết bao lần, có lần chỉ trong một buổi sáng chúng đã giết trên 57 người dân vô tội trong đó có ông Lê Văn Tiệp là con thứ ba của ông bà Lê Mô Khải. Để trốn tránh, gia đình bà phải tản cư vào Trại Nái lần nữa. Bà cũng bị nhiễm bệnh sốt rét rừng, bệnh tình nguy kịch và đã tạ thế ngày 13-6 năm Đinh Hợi (1947), hưởng thọ 90 tuổi.

         

Bà Nguyễn Thị Luyến đã để lại cho đời một tấm gương sáng, đáng được trân trọng.

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Trung tướng Lê Văn Tri
Huyền thoại Thiếu tướng Lưu Bá Xảo
Gặp lại ân nhân
Ba ngày cho một trận đánh lịch sử
Liệt sỹ Lê Hải Đức

Video clip