Nguyễn Trọng Khánh

20:35 - 09/06/2012

Nguyễn Trọng Khánh chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Đồng Hới nhưng có tấm lòng lớn với quê hương Hạ Trạch

 

Anh Nguyễn Trọng Khánh sinh ra và lớn lên tại xóm 13, xã  Hạ Trạch, trước đây anh là cán bộ công nhân viên nhà nước, song do chuyển đổi cơ chế, cơ quan gặp khó khăn về việc làm nên anh cùng nhiều cán bộ công nhân bị giảm biên chế, nghỉ chế độ 176. Không cam chịu đói nghèo, với bản tính năng động sáng tạo, năm 2008 anh vay mượn anh em, bạn bè cùng với vợ là chị Nguyễn Thị Huề (quê xã Thạch hóa, Tuyên hóa).đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân KHÁNH HUY với số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng; nghành nghề sản xuất kinh doanh là xây dựng dân dụng, san lấp mặt bằng, sản xuất cung ứng các loại ống bi, ống cống.v.v. .Doanh nghiệp của anh chi nằm ở tiểu khu 6 phường Nam lý, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng bình là một trong số nhiều doanh nghiệp của con em Hạ trạch tại Đồng hới. 

 

Với bản chất siêng năng, ham lao động, nhanh nhạy tiếp cận các dự án công trình, dù to hay nhỏ, khó hay dễ anh đều tính toán cẩn thận, xác định tính khả thi sau đó mới quyết định tham gia. Hiện nay doanh nghiệp của anh phát triển khá vững chắc, tạo được nhiều công việc làm cho người lao động, đời sống công nhân được chăm lo, quan tâm chu đáo nên công nhân rất gắn bó với doanh nghiệp. Sản phẩm ống bi, ống cống, tấm đoanh… của anh giá thành rẻ, chất lượng tốt, có uy tín trên địa bàn tỉnh ta và các tỉnh lân cận nên được nhiều doanh nghiệp xây dựng khác tin dùng. Anh tâm sự: Mình xuất thân từ nông dân,  đi làm công nhân và rồi thất nghiệp, có những lúc hết sức bi đát, đi làm thuê, làm mướn mà cũng không đủ sống, nên hiểu rất rõ nỗi niềm của người lao động khi thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp. Do đó, dẫu cho lợi nhuận doanh nghiệp có thể thấp đi một ít nhưng tiền công của người lao động phải được đảm bảo. Và trên thực tế, cơ ngơi nhà cửa, trụ sở của doanh nghiệp chưa đâu vào đâu, đang rất sơ sài nhỏ bé, nhưng mục tiêu sản xuất, kinh doanh và đời sống công nhân vẫn là mối quan tâm hàng đầu của anh.

 

Điều đặc biệt là tấm lòng của vợ chồng anh là luôn hướng về quê hương, dành cho quê hương những món quà, những khoản tiền mang tính hỗ trợ hết sức ý nghĩa, quan tâm đến những hoạt động của xóm làng, các hội đoàn thể, trường lớp các cháu học sinh…

 

Trong những năm qua, vợ chồng anh đã giành những món tiền để tài trợ, để mua quà thăm, tặng, động viên các hoạt động ở xã. Theo bà con cho biết: Doanh nghiệp của anh đã tài trợ xây dựng 20 mét đường bê tông và 5 triệu đồng cùng với bà con xóm 13 để hoàn thành toàn bộ con đường của xóm. Tài trợ 3 triệu cho cuộc thi “Rung chuông vàng” và 1 triệu đồng xây dựng hòn non bộ cho trường trung học cơ sở Lưu Trọng Lư. Tài trợ 5 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất 500.000 ngàn đồng, 2 chiếc xe đạp cho 2 em học sinh nghèo học giỏi. Tặng trường THCS xã Thạch hóa (quê vợ anh) một bộ trống đội thiếu niên tiền phong trị giá 3,5 triệu đồng.

 

Ngoài ra anh còn tặng hội người cao tuổi của xã 1 triệu và của thôn 1 triệu đồng. Các hoạt động của thôn như đón làng văn hóa, tổ chức ngày hội đại đoàn kết, mừng thọ các cụ… của chi hội phụ nữ xóm, lúc ít lúc nhiều anh đều thường xuyên ủng hộ. Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 năm nào vợ chồng anh cũng giành thời gian, chuẩn bị mâm lễ và trực tiếp thắp hương các Liệt sĩ ở đài tưởng niệm của xã.

 

Mới đây, ngày 26 tháng 5 năm 2012 nhân dịp trường Mầm non của xã tổng kết năm học, doanh nghiệp của anh đã tặng trường 1 chiếc ti vi trị giá 6 triệu đồng. Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên của trường rất cảm động. Anh cũng vừa đóng góp cho quỹ caolaoha.com 1 triệu đồng.

 

Đến thăm anh, tôi chứng kiến cảnh giám đốc quần vo áo xắn, làm việc cùng công nhân, mồ hôi nhễ nhại. Anh tâm sự: Có như vậy mình mới sát với công nhân, chia sẻ với họ những mệt nhọc, khó khăn, đồng thời để kiểm tra công việc. Bất cứ công trình nào, to hay nhỏ, gần hay xa, khó hay dễ, thậm chí xây bệ phốt hầm cầu, xây một đường cống thoát nước, đào một cái giếng…tất tần tật, anh đều nhận làm miễn là có việc làm, có thu nhập. Có người còn trêu anh là giám đốc “hầm cầu” anh vẫn cười rất tươi.

 

Khi được hỏi anh về những lần giúp đỡ, tài trợ cho xã, anh nói : Có nhiều nhặn gì đâu, mang tính động viên là chính mà, mình sinh ra và lớn lên ở quê hương, sau đó lập nghiệp ở quê người, ở quê người mình cũng đóng góp huống chi quê mình. Thấy quê mình bà con còn nhiều vất vả, khó khăn, bớt ra một ít tiền hỗ trợ cho các cháu, cho bà con thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng làm sao, và đó cũng là sợi dây neo giữ tình cảm  của mình với quê hương.

 

Bất chợt, tôi nhận ra một điều, những đồng tiền anh có được, đều từ công sức mồ hôi, nước mắt, trí tuệ của anh, là những đồng tiền đẹp, chính đáng, trân trọng, và càng đẹp hơn khi những đồng tiền đó được anh dùng làm việc nghĩa tình. Anh thực sự chưa giàu so với các doanh nghiệp khác trong làng doanh nghiệp của con em Hạ trạch, nhưng tấm lòng của anh giành cho quê hương thì vô cùng to lớn, rất đáng trân trọng.

 

Thật đúng là doanh nghiệp nhỏ nhưng tấm lòng lớn. Xin chúc anh chân cứng đá mềm, vững bước tiến lên, có thêm được nhiều công trình mới, để có thêm nhiều dịp trải lòng vì quê hương ta Hạ trạch thân yêu, bởi nơi đó đang cần lắm sự sẻ chia đùm bọc

 

Xin giới thiệu một số hình ảnh về doanh nghiệp Khánh Huy

 

Tác giả : Đặng Văn Quang

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip