Nguyễn Văn Tuấn

16:09 - 15/11/2010

Ông Nguyễn Văn Tuấn là người hiền lành, đức độ, say lao động và luôn vì mọi người, vì quê hương. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để những người xa quê cũng như thế hệ trẻ học tập.

 

Chúng tôi thường kháo nhau: Tuổi cao như ông Tuấn mà vẫn say lao động, ham thương trường lắm. Nhiều lần khuyên bảo, ông chỉ cười và nói: “Nếu tui không lao động, không làm việc nữa e đau mất”. Và cứ thế, ông lao vào công việc một cách say sưa mà quên nghĩ rằng mình đã tuổi 75.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Những năm đầu chiến tranh phá hoại ác liệt thập kỷ 60, ông Nguyễn Văn Tuấn là một trong những thanh niên đầu tiên được tuyển chọn vào xây dựng Nông trường Việt Trung, tham gia thanh niên xung phong, vận tải hỏa tuyến... Sau ông Tuấn chuyển về làm việc việc tại Nhà máy cơ khí 3-2 rồi nhà máy Bia rượi Quảng Bình. Trước khi Nhà máy sát nhập thành Công ty cổ phần Bia Hà Nội- Quảng Bình ông được nghỉ hưu tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới. Với đồng lương ít ỏi, trong khi toàn bộ gánh nặng gia đình đặt nặng lên vai ông. Đứng trước khó khăn đó, ông tìm cho mình một con đường mưu sinh đó là “chơi” sắt vụn, một nghề nặng nhọc, vất vả của những năm cuối thập kỷ80. Cũng nhờ có chút kinh nghiệm cơ khí thời kỳ ông làm việc tại cơ khí 3-2 mà đi đâu, làm gì cái nghề “nặng nợ” ấy luôn đeo bám, theo sát ông như một định mệnh cuộc đời. Và từ một quày nhỏ dần dần phát triển... và không lâu cái tên quen thuộc “Tuấn sắt” đã trở thành “thương hiệu” mà chỉ cần nhắc đến ai cũng biết.

 

Với kinh nghiệm và trang thiết bị sẵn có, ông Tuấn đã tham gia đấu thầu giải tỏa nhiều công trình quan trọng như: Trụ sở văn phòng Công ty ngoại thương, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình trước đây giao cho Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Công thương Quảng Bình để xây dựng mới. Nhiều công trình khó khăn như: Cầu Mỹ Đức, cụm Cảng Nhật Lệ, chợ Đồng Lê…ông Tuấn triển khai tháo dỡ nhanh, gọn, an toàn theo yêu cầu nghiêm ngặt của chủ đầu tư. Với một con người hiền lành, chất phác nhưng rất hóm hĩnh mỗi khi được hỏi về doanh thu hàng năm. Ông Tuấn vui vẻ nói: “Có chi mô chú, chịu khó một chút, say sưa một tý là được. Ai cần tháo dỡ là mình đến, ai cần sắt thép cũ, mới là mình đáp ứng thế là có thu nhập. Ông đưa 10 ngón tay nhẩm tính: Thu từ thu mua, cung cấp sắt thép phế liệu hàng năm khoảng vài trăm triệu đồng, thu từ trang trại tổng hợp cũng cở chừng ấy, vỉ chi gần nữa tỷ rồi còn gì”. Đó là ông khiêm tốn thế thôi, chứ với cơ ngơi làm ăn và trí thông minh sẳn có chắc hàng năm thu nhập của ông Tuấn còn khá hơn nhiều. Nhờ chịu khó lao động và kinh doanh sắt phế liệu mà ông đã đầu tư được một cơ sở trang trại tổng hợp bao gồm 5 ha cao su đã và đang khai thác, 1 ha ao hồ nuôi cá, chăn nuôi tại khu vực thị trấn Việt Trung, tạo việc làm thường xuyên cho 5- 7 lao động với mức lương ổn định 3 -3,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại tài sản từ công sức lao động của ông Nguyễn Văn Tuấn chưa phải là lớn nhưng những gì ông đã làm được ở tuổi 75 quả là đáng trân trọng. Ông Nguyển Văn Báu, cán bộ hưu trí phường Nam Lý nói vui: “Ông bà mình thường nói, tuổi cao thì sức yếu nhưng đối với ông Tuấn thì ngược lại. Ông luôn say sưa với công việc, không kể thời tiết, bất luận ngày đêm, chỉ cần nghe thông tin đâu đó có nhu cầu tháo dở công trình cũ là ông có mặt ngay. Có lẽ vì thế mà ông càng khỏe mạnh hơn nhiều so với những người cùng trang lứa. Ông Tuấn là hội viên Hội người cao tuổi, cán bộ hưu trí mẫu mực của phường Nam Lý. Với đức tính khiêm tốn, thẳng thắn và ít nói về mình ông còn là một tấm lòng nhân ái, bao dung, hay giúp đỡ người nghèo”. Được biết, hàng năm ông Tuấn đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng vào quỹ người cao tuổi, hội khuyến học, từ thiện, người nghèo...

 

Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng hương Hạ Trạch tại thành phố Đồng Hới, ông Tuấn luôn vận động bà con đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Người Hạ Trạch tại Đồng Hới rất đông, có tới trên 450 hộ gia đình. Phần lớn là bà con làm công ăn lương, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tôi hay nói vui: “Người Cao Lao Hạ tại Đồng Hới đông nhưng chủ yếu “họ” bố trí mình làm việc chứ ít người được bố trí “họ” làm việc”... Tuy nhiên, bà con mình nghèo nhưng trọng nghĩa. Cứ nói đến quê hương, làng xóm là hăng hái tham gia, kẻ ít người nhiều ai cũng có “phần bồi” trong đó.

 

Dưới sự chủ trì của ông Tuấn, hàng năm bà con đồng hương cũng như các họ tộc Hạ Trạch tại thành phố tổ chức gặp mặt đầu xuân. Đặc biệt thực hiện cuộc vận động đóng góp kinh phí xây dựng Đình Làng đã được bà con hưởng ứng cao. Ai cũng muốn tự mình góp “một viên gạch hồng” trong Đình để mỗi lần về quê “có quyền” ngẫng cao đầu vào sân và cúi đầu trước khi vào Đình thắp nén hương vái Thần. Các anh Văn Định, Lưu Thông, Lưu Ngọc, Chiêu Lĩnh, Văn Dũng, Minh Tường, Văn Huấn, Đức Vinh và rất nhiều, rất nhiều bà con đã không ngần ngại trích một phần lương ít ỏi của mình đóng góp xây dựng Đình làng. Để đạt được kết quả như vậy bà con đánh giá rất cao công lao của ông Tuấn. Ông là người dẫn đầu bà con tại Đồng Hới về số tiền đóng góp xây dựng Đình làng cũng như ủng hộ, cứu trợ lũ lụt tại quê nhà vừa qua. So với các hội khác thì chưa được nhiều nhưng những gì mà bà con, anh, chị, em ở Đồng Hới đã làm vì quê hương thật đáng được ghi nhận....

 

Nhìn đầu tóc bạc phơ, nước da rám nắng, thân hình rắn rỏi và đầy nghị lực của ông, chúng tôi càng kính phục. Bởi ông là người cao tuổi, hiền lành, đức độ, say lao động và luôn vì mọi người vì quê hương. Ông Nguyễn Văn Tuấn thật xứng đáng là tấm gương sáng để những người xa quê cũng như thế hệ trẻ học tập. 

 

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip