Nhà thơ của thanh niên xung phong

17:02 - 06/08/2013

Cảnh Giang tên thật là Nguyễn Tiến Chung. Anh sinh ra bên dòng sông Gianh lịch sử, nơi địch đã trút hàng ngàn tấn bom đạn xuống bến phà Gianh (Quảng Bình) hòng cắt đứt huyết mạch tiếp sức cho chiến trường miền Nam.

Nhà thơ Cảnh Giang

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

 

Mùa hè năm 1966, đang học lớp 8, anh cùng người chị gái là Nguyễn Thị Minh Hoa tham gia chiến dịch “Tên lửa vượt sông Gianh”. Suốt ba đêm từ 23 đến 25-8-1966, lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến, tập trung về địa bàn xã Hạ Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) để thông đường. Ban ngày họ vào rừng Ba Trại chặt cây, bó lá, đào đất đá sẵn, đêm đêm tất cả lên mặt đường từ bến phà 2 vào dốc Ba Trại, lấp ngầm, san lấp hố bom cho những quả tên lửa lần đầu tiên vượt sông Gianh. Không khí hối hả đó bị máy bay trinh sát ban đêm của địch chụp ảnh được.

 

Đêm 25-8-1966, các loại máy bay địch đã có mặt, chúng gầm rú, lồng lộn suốt đêm, hết bắn rốc-kết, đạn 20 ly lại rải bom bi xuống toàn bộ tuyến đường. Lợi dụng pháo sáng, các công nhân kéo phà từ nơi trú ẩn về bến ghép ba chiếc lại làm thành cầu phao để chở những quả tên lửa nặng hơn 18 tấn qua sông. Hơn 22 giờ đêm, những chiến sĩ lái phà cảm tử đã đưa được quả tên lửa đầu tiên cập bến giữa tiếng hò reo náo động cả một vùng.

 

Dưới ánh trăng đêm 11-7 âm lịch, cùng với từng chùm pháo sáng của địch rọi đường, đoàn tên lửa vượt sông Gianh đầu tiên lầm lũi đi về phía rừng Ba Trại. Đoàn xe vừa qua ngầm Ba Trại thì máy bay địch ập tới. Tất cả TNXP, dân công hỏa tuyến phân tán xuống các bờ ruộng trú ẩn. Hai loạt bom sát thương nổ lộng óc, tiếp đến hàng loạt bom bi nhập nhoàng chớp sáng với tiếng nổ chát chúa đinh tai, đã sát thương hàng trăm người. Trong số những người hy sinh có người chị gái của Nguyễn Tiến Chung. Trước nỗi đau thương mất mát, anh ôm lấy xác người chị thân yêu, tìm lại hành trang của chị, đọc bức thư tình chị viết cho người yêu đang chiến đấu ngoài mặt trận chưa kịp gửi. Bài thơ đầu đời đã được anh viết lúc đó:

 

“Em đọc thư trong dòng nước mắt
Phải chăng đây lời cuối yêu thương
Mười chín tuổi chị nhận lời hò hẹn
Vĩnh viễn chị đi... Nằm lại với con đường”
(Khóc chị)

 

Bút danh Cảnh Giang (nói lái của từ Cảng Gianh) cũng đã theo anh từ lúc đó.

 

Năm 1968, tốt nghiệp cấp 3, anh làm đơn xin vào bộ đội. Nhưng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bố Trạch thấy em trai anh mới lên đường nhập ngũ, chị gái mới hy sinh hai năm nên không cho toại nguyện. Sục sôi khói lửa chiến tranh, giáo viên nam trong độ tuổi hầu hết tòng quân ra mặt trận. Đội ngũ giáo viên của tỉnh Quảng Bình thiếu hết sức trầm trọng. Cảnh Giang có mặt trong số 114 giáo sinh toàn tỉnh lên núi rừng Cao Mại (Tuyên Hóa - Quảng Bình) để học nghiệp vụ sư phạm. Ngày 20-11-1968 anh xin về dạy ở Bắc Trạch bên đồi Ba Trại sát với phà Gianh.

 

Tháng 2-1986, Phòng Giáo dục Bố Trạch giao cho các trường đi lấy đót xuất khẩu. Khi đi qua “Hang tám cô” trên “Đường 20 Quyết thắng”, anh nhìn thấy tấm bia ghi tên các anh chị TNXP tỉnh Thanh Hóa dựng trước cửa hang. Chiến tranh đã lùi xa hơn 11 năm rồi mà các anh, các chị vẫn phải nằm lại trong hang chưa về được với gia đình. Anh nghẹn ngào, quặn thắt, những dòng thơ tràn lên trang giấy:

 

“Giữa Trường Sơn rừng núi điệp trùng
Không thấy mộ đâu
Chỉ có tấm bia chung ghi tên từng liệt sĩ
Những chàng trai Huê, Phương, Kì, Vũ
Lương, Toan, Tơ, Mai - những cô gái   
                                                      mở đường”
(Tiểu đội giữ đường)

 

Năm 2009, anh được Đảng ủy Thanh Trạch mời viết lịch sử Đảng bộ. Anh tìm hiểu trận bom ngày 13-1-1973 giặc Mỹ ném vào bếp ăn tập đoàn và bệnh xá dã chiến của thanh niên xung phong giết hại 156 người. Thân thể họ không còn nguyên vẹn, chân tay trộn lẫn các núm ruột, tóc tai cháy sém, mặt mày bị biến dạng. Xương thịt họ đã trộn lẫn vào nhau. Huyện Bố Trạch đã điều động dân quân xã bạn đến giúp mai táng liệt sĩ, tải thương binh đến bệnh viện. Anh  tìm hiểu xem có ngôi mộ nào có danh tính nhưng vô vọng.

 

Trong một đám cưới, Cảnh Giang ngồi gần anh Nguyễn Văn Chương người cùng xã. Anh Chương cho biết có một ngôi mộ có danh tính là cô Đặng Thị Chốc bí thư chi bộ, chính trị viên đại đội thanh niên xung phong Tỉnh Đoàn Hải Hưng. Khi chôn cất liệt sĩ, chị Xuân vợ anh Chương đã nhận ra cô Đặng Thị Chốc đã bị cụt một chân, một mảng tóc treo trên ngọn tre cháy rụi. Cả ba cha con chôn cô ở một ngôi mộ riêng. Nghe anh Chương kể lại, cô Chốc có tâm sự chỉ còn một người mẹ già ở nhà. Nghĩ rằng nhà cô chắc chẳng còn ai, nên Cảnh Giang xin được làm người anh kết nghĩa với người nằm dưới mộ. Anh tự nhủ trong phần đời còn lại của mình, anh sẽ có trách nhiệm đối với cô Đặng Thị Chốc cũng như chị gái Nguyễn Thị Minh Hoa. Trước mộ Đặng Thị Chốc, những câu thơ anh lại giản dị, ân tình:

 

“Em bây giờ là em gái của anh
Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại
Một chút sẻ chia những gì mãi mãi
Chút ân tình đỡ lạnh chốn âm cung...
Không còn người thân em đã có anh
Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ
Anh thay mẹ lo em ngày giỗ
Có hương hoa và nỗi nhớ vô cùng”
(Kết nghĩa với người dưới mộ)

 

Không đầy một tuần sau, bài thơ được đăng trên báo Quảng Bình. Một lần, anh tìm được cuốn sách “Huyền thoại thanh niên xung phong” có tên cô Đặng Thị Chốc  thôn Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Hưng. Ngay sau đó, anh đã liên hệ với địa phương và gia đình, để có được cái ngày 29-10-2009, cô Chốc được người thân từ quê hương vào bốc mộ. Trong lễ truy điệu, anh đã tiễn người em gái trở về cùng tiên tổ:

 

Về với quê hương ấm áp gia đình
Dẫu cách xa nhưng lời hẹn đinh ninh
Em vẫn ấm trong tình anh mãi mãi
(Đưa em về quê)

 

Trong buổi giao lưu nghệ thuật của Trung ương Hội TNXP Việt Nam, với Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, Báo Tiền Phong và Học viện Báo chí tuyên truyền, nhân ngày 30-4-2013, Cảnh Giang được mời lên sân khấu tại thủ đô Hà Nội phát biểu cảm tưởng của mình khi viết về TNXP. Hai bài thơ “Trinh nữ Trường Sơn” và “Huyền thoại Truông Bồn” được hai nhạc sĩ Minh Vĩ và Quốc Nam phổ nhạc. Bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ” và bài thơ “Khóc chị” được làm nền cho một số hoạt cảnh. Trên dưới 50 tờ báo trong nước đã đăng bài “Kết nghĩa với người dưới mộ”. Phim “Quảng Bình bốn mươi năm” cũng trích đọc bài thơ này. Cảnh Giang xứng đáng với cái tên “Nhà thơ của thanh niên xung phong” mà độc giả ban tặng.

Tác giả : Hoàng Minh Đức

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip