Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa

08:10 - 21/01/2024

Tản văn của anh Lưu Minh Hải, hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản

Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa

Cái lạnh se se còn vương trên những cành cây trụi lá độ cuối đông. Trên mấy đầu cành vài vết nhú đã bắt đầu cựa quậy. Phố xá dường như tấp nập hơn, chạy nước rút cho nửa tháng cuối năm. Chợ quê cũng nhộn nhịp hẳn. Bao nhiêu hàng hóa thiết yếu đổ về tụ tập. Người quê bao đời vốn vẫn vậy, quần quật làm ăn quanh năm hồ như cũng chỉ lo cho ba ngày Tết. Những người tha hương, ngược xuôi muôn phương kiếm sống, lòng trỗi dậy niềm rạo rực hướng về quê nhà. Người có kế hoạch sắp được về quê, về đoàn tụ bên gia đình thì háo hức, chộn rộn. Kẻ năm nay không thể về được thì bồn chồn, đau đáu nỗi niềm nhớ thương. Tình cố hương là thứ gì đó thẳm sâu, luôn canh cánh trong nỗi lòng những kẻ muôn phương bôn ba xuôi ngược, để rồi mỗi khi Tết đến xuân về lại trỗi dậy tìm về.

Mấy ngày qua, trời còn mưa phùn, giá rét. Cái thời tiết đúng chất và đậm mùi giáp Tết chốn quê nhà Bắc bộ. Hôm nay, bầu trời đã có chút quang đãng và hửng nắng. Vén mở màn mây màu xám cũ kĩ của mùa đông; ánh nắng mai cuối đông nhẹ nhàng, êm dịu mà có phần ẻo lả và đỏng đảnh, như thiếu nữ tuổi dậy thì. Vài vệt nắng tinh nghịch như lũ trẻ đang nhảy nhót, nô đùa ngoài bờ giậu, bên hồi nhà, nơi mấy luống rau non tơ ngoài vườn đang chờ góp hương vị Tết. Những cành cây trụi lá cũng như chợt bừng tỉnh giấc, dụi dụi mắt và đang vươn vai, khuơ khuơ vào trong gió. Vài động tác vận động đón chờ khí xuân.

Những ngày giáp Tết, kẻ tha phương năm nữa không về lại ngồi nhớ Tết. Tha thẩn mà nhớ những kỉ niệm của Tết xưa. Hầu như trong kí ức, trong miền hoài nhớ và kỉ niệm của mỗi người thì Tết xưa tuy nhiều thiếu thốn, không đủ đầy nhưng đầm ấm và vui hơn Tết bây giờ. Bây giờ, đời sống nhìn chung khá đầy đủ nên Tết gần như chẳng thiếu thốn gì. Cờ treo rợp đường, rợp ngõ; điện nháy chăng khắp cửa, khắp nhà; đài điện loa máy xập xình không kể ngày đêm; rượu bia và đồ nhắm không thiếu; kẹo bánh trẻ con không màng;…Nhưng có lẽ duy chỉ một điều cảm thấy thiếu, đó chính là cái không khí Tết mang điệu hồn xưa cũ từ thẳm sâu trong cõi hồn. Dường như cái đủ đầy của vật chất đang dần lấn át, lấp đi những chiều sâu của tâm hồn; phô ra những thứ bề nổi mang vẻ hào nhoáng nhưng hời hợt và nhạt nhẽo. Trong guồng quay biến động của thời thế, những người của xưa cũ, những người mang nỗi lòng hoài cổ lại tha thẩn nỗi niềm nhớ về Tết xưa. Tết xưa sao mà ấm áp, mà vui quá đỗi! Tết nơi làng quê lại càng vui hơn. Khoảng độ qua ngày hai mươi tháng Chạp thì cái không khí Tết đã về nơi làng quê, thôn xóm. Gia đình, xóm thôn hứng khởi dang tay đón chào những đứa con làm ăn tha hương rục rịch trở về. Ngày ấy, những người bôn ba làm ăn xa quê trừ vài lí do bất khả dĩ không thể về được còn gần như ai cũng trở về đón Tết bên gia đình. Bây giờ, rất nhiều người có xu hướng không mặn mà với việc về quê nhà đón Tết cổ truyền mà ở lại thành phố hoặc đi du lịch, tụ tập bạn bè,…Có lẽ cái không khí Tết quê nhà bây giờ không còn nặng sức níu kéo hồn kẻ đi xa nữa.

Tết quê xưa, khoảng từ ngày hai mươi lăm tháng Chạp, khi con cháu ở xa đã dần về quê đông đủ, cho đến tận chiều ba mươi thì nhà nhà nô nức đi tảo mộ, sửa sang mồ mả, thắp hương cho tổ tiên ông bà. Những ngày này khắp nghĩa địa, mộ phần luôn nghi ngút khói hương. Trong tiết trời se se, khói hương trầm nghi ngút như làm ấm lại cõi hồn, lòng biết ơn, nhớ về cha mẹ, ông bà, tổ tiên nguồn cội,…những người đã khuất. Hai ba tháng Chạp, mọi nhà đều làm mâm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Từ hôm này chính thức bước vào những ngày tất bật, lo toan chuẩn bị mọi thứ cho một cái Tết. Dọn dẹp, sửa sang nhà cửa; phát quang, quét dọn vườn tược, ngõ xóm, đường làng; ngược xuôi chợ búa mua sắm, từ chợ gần đến chợ xa, từ chợ làng đến chợ huyện; vớt cá ở ao lên; gọi người chung mổ lợn;…Một công việc quan trọng bậc nhất không thể thiếu của Tết cổ truyền đó là gói bánh chưng, bánh tét. Lá dong được lựa kĩ, mua về từ vài ngày trước Tết. Sau khi mua về liền rửa sạch, phơi ráo nước và buộc lên cột nhà ngay, để có thời gian cho lá hơi héo lại, khi gói bánh dễ hơn vì lá không bị rách. Ống dang để chẻ làm lạt buộc cũng luôn được mua về kèm với lá dong. Bánh chưng được gói bằng lá dong còn bánh tét thì được gói bằng lá chuối. Phải tới ngày hai mươi chín hoặc ba mươi Tết thì công việc lau chùi, rửa ráy, sắp xếp ban thờ; mổ heo và gói bánh chưng mới được thực hiện. Tết ngày xưa, hầu như nhà nào cũng nấu bánh chưng vào đêm ba mươi. Cái không khí ấm áp của gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, canh nồi bánh chưng và đợi đón thời khắc giao thừa hẳn đã in sâu vào nỗi nhớ và vùng hoài niệm của biết bao nhiêu người…

Tết bây giờ, vì nhiều lí do từ nhà cửa hiện đại, bếp núc, củi lửa,…và đặc biệt hơn cả là lí do kiểu tiện lợi thực dụng mà rất nhiều gia đình đã bỏ qua việc gói bánh chưng, bánh tét để đặt mua bánh hàng chợ. Những gia đình vẫn duy trì phong tục truyền thống gói bánh chưng, bánh tét của Tết cổ truyền thì gần như người ta cũng chỉ muốn có thời gian rảnh rang hơn nên gói và nấu bánh trước, không đợi đến ngày ba mươi Tết như xưa nữa. Tết bây giờ còn mấy nơi người ta xem trọng việc đi chúc Tết bà con họ hàng và từng nhà quanh thôn xóm là trách nhiệm, là điều cần phải làm như Tết xưa? Mối quan hệ bà con, làng xóm, bạn bè,…bây giờ kiểu như buông tuồng hơn, suồng sã hơn, bổ bã hơn,…thiếu đi chiều sâu vậy. Sự đủ đầy và thực dụng đang dần len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người và xã hội theo thời gian. Dường như bên cạnh đó nó cũng đang dần lấn chiếm, xóa mờ đi bao giá trị hữu hình và vô hình; đẩy những miền nhớ thương dần lùi vào quá vãng…

LMH

 

Tác giả : Lưu Minh Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip