Nhật ký đường về

20:22 - 15/11/2015

Kính tặng thầy Lưu Đức Trung và bà con quê hương nhân ngày 20 tháng 11

 

Thực tình, lúc dầu tôi không giám có ý định viết nhật kí chuyến về quê lần này, Bởi ngoài những bạn bè trang lứa còn có cả thầy Lưu Đức Trung và hai người khách cùng về.

 

Học thầy từ những năm 69, 70 của thế kỉ trước. Vừa là thầy giáo, lại người đồng hương, nhưng với cậu học trò nhà quê, lại ốm yếu đầy tự ti, mặc cảm, tôi không dám gần gũi, thân quen thầy như những sinh viên khác.

       

Bốn lăm năm sau gặp lại thầy - từ ba cuốn sách thầy tặng. Trong tôi hình ảnh thầy hiện lên thật cao sang, đẹp đẽ. Thầy là vị GS.TS Văn học đầu ngành. Vừa là “nhà giáo, nhà thơ,nhà khoa học, thiền sư” như bao thế hệ học trò (cũng là GS-TS) đã viết. Vậy nên anh giáo làng như tôi, tốt nhất là “kính nhi viễn chi”- đứng xa để ngưỡng mộ. kính yêu.

      

Thế nhưng từ hơn tháng nay, được theo thầy đi Nam định, Thái bình. Xuôi Quảng ninh ngắm phong cảnh Hạ long - di sản thiên nhiên thế giới. Ngược Sơn tây, tọa lạc bên hồ Đồng mô chờ giây phút hoàng hôn khi mặt trời khuất sau dãy Ba vì. Cả những lúc cùng cha con anh Lê Chiêu Phùng lo lắng, hốt hoảng khi thầy lâm bệnh,… khiến thầy cứ băn khoăn – vì mình mà cả đoàn phải bỏ lỡ kể hoach chuyến đi…btôi càng ngộ ra và thấm thía điều TS. Hồ Sĩ Hiệp viết “Thầy là MỘT CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC”. Thầy thực sự là con người của mọi thế hệ. con người của mọi giai tầng:

 

Trí tuệ uyên bác,

Mực thước, bao dung

Hồn nhiên, tếu táo, dễ gần.

 

Bởi vậy tôi mạnh dạn ghi lại mấy dòng nhật ký. Chỉ bốn ngày thôi. Bốn ngày về quê kỷ niệm 5 năm trang caolaoha.com ra đời. Xin được như bó hoa đồng nội của chạc chìu, mù tru, hoa bèo, hoa muống làng Hạ quê ta, kinh dâng lên thầy nhân ngày nhà giáo Việt nam 20-11- 2015.

 

Ngày 29-11-2015

 

     5 giờ, xe đỗ trước cổng. Bắt đầu khởi hành. Đúng hẹn 7 giờ, đến 21 Hàng bài. Thầy Trung, chú Thành cùng hai người khách chờ sẵn. Tưởng ai xa lạ, hai khách mời của thầy hoá ra là chàng Thanh Tùng và mèo con Thùy Linh tôi đã gặp hôm cùng Lưu Đức Hải đón thầy ở sân bay Nội bài.

    

Lên xe, thầy nhìn khắp lượt: Ô…Lưu Đức Hải và Lê Quang Quý cùng mọi người đâu cả.

 

- Dạ họ chờ ở Ngã Tư Vọng thầy ạ!

 

Buồn cười nhất là chàng Tổng biên tập Lưu Đức Hải hôm đó. Thường ngày oai phong, đường bệ là thế, mà sao sáng đó xe đỗ bên ni, lại chờ bên tê. Lại lúng ta lúng túng thấy xe nào nhang nhác chạy qua cũng chạy theo, giơ tay vẫy gọi. Hốt  quá tôi liều mạng rẽ dám đông xe cộ chạy đến cố gào thật to: “ Hải ơi, xe miềng đay nì…”

     

Đợi  đại tá và tiến sĩ yên vị trên xe, thương quá tôi an ủi: Chú Hải bụng to như rứa, chạy e mệt lắm hè.

 

- À khô ông. Iêm  phi..nh phình ..phường…

- Ừ phình… phường được như rứa là tốt. Mọi người cười vui vẻ.

 

Xe cố  lách lên trên đường Giải phóng đúng giờ cao điểm.

 

Quốc lộ một vừa mở rộng thênh thang, xe lướt êm ru. Chỉ tiếc toàn tránh nội đô nên đã gần chín giờ mà vẫn chưa được điểm tâm. Thầy đề xuất sáng kiến rất hay: bình luận và sáng tác thơ Hai ku chống đói. Moi người đồng thanh hưởng ứng.

    

Trong bao sự ồn ào, hỗn tạp của âm thanh, lớp học trò làng Hạ được lắng nghe như nuốt lấy từng lời thầy - vị GS-TS Văn học đáng kính của quê hương truyền dạy những kiến thức sơ đẳng nhưng vô cùng mới mẻ cho con cháu. Thú vị nhất khi thầy lấy luôn bài thơ mấy thầy trò, cùng sáng tác hôm xuống Hạ long tuần trước để giảng giải cho chúng tôi :

 

Chiều

Hạ long

Đá đôi âu yếm.

 

“Đấy, Thơ Hai ku là thế. Đây là thể thơ độc đáo của Nhật bản. Là thể thơ có dung lượng nhỏ nhất của thơ ca thế giới, đúng như anh Quỳnh đã viết trong bài thơ “Thầy tôi”:

 

Những bài thơ Hai ku xinh như cánh bướm

Ấp ủ ý vị Thiền, xứ sở hoa anh đào của đất nước Phù tang.

 

Cái chất Thiền trong thơ Hai ku chính là cái an nhiên tự tại, quay lưng lại với bao cám giỗ của cuộc đời trần thế.  Nó cô động, sâu lắng, gợi mở, tưởng tưởng đến vô cùng. Người làm thơ và bình thơ Hai ku phải lắng tai mà nghe, mở mắt mà nhìn, trải lòng ra mà cảm nhận”

    

Chao ôi! chỉ được nghe thầy nói qua thế thôi mà lũ học trò chúng tôi sáng  ra biết bao điều

     

Đến nhà hàng Minh Hồng – Nhà hàng sang nhất thành phố Vinh, cơm nước xong đã hơn hai giờ chiều. Đường xa, trời nắng, thấm mệt. thầy ngả lưng trên chiếc ghế dựa thiu thiu theo nhịp xe lắc lư. Thương ông, mèo con Thùy Linh nhẹ nhàng xếp lại những nếp tóc lòa xòa trên mặt. Kéo kéo vạt áo che nắng chiếu vào. Dấp ướt khăn lau tay cho ông được mát. Thật trìu mến,yêu thương. Tôi cao hứng ứng tác bài thơ Hai ku đầu tiên trong đời :

                      

Ông già Hai ku

Đường xa trời nắng

Mèo con rỉa lông.

 

Đợi thầy thức, xin phép đọc tặng thầy. Thầy cười độ lượng, khen : Được, nhưng cần kiệm lời và viết sao cho có hình ảnh, nhiều tầng ý nghĩa…

 

 Gần năm giờ chiều, qua hầm Đèo Ngang, vào viếng Đại tướng. Ôi Vũng chùa, Đảo Yến thân yêu. Một vùng non nước hùng vĩ nên thơ có tự bao đời. Mãi mãi chỉ là vùng khuất lấp. nơi heo hút của núi cao, vực thẳm nếu khong có Đại tướng về đây. Từ ngày có Đại tướng yên nghỉ nơi này, Vũng Chùa, Đảo Yến thành miền Đất Thiêng, trở thành điểm hẹn dừng chân hết thẩy khách bộ hành vào Nam, ra Bắc.

        

Bác về Quê hương yên nghỉ sau mấy chục năm chinh chiến, trận mạc xông pha. Nhưng lại “Mở ra một triển vọng lớn lao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế cả một vùng  quê vốn chỉ biết “đủ no thỉnh thoảng, đói nghèo thường xuyên”. Quả là tầm nhìn của bậc Vĩ nhân.

        

Cả đoàn thành kính dâng hương tưởng niệm vị Anh hùng Dân tộc - ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, người con thân yêu của Quê hương Quảng bình. GS. Lưu Đức Trung xúc động sáng tác bài Hai ku thứ nhất trong chuyến về quê:

 

Viếng mộ Đại tướng

Nợ một bài thơ

Nghẹn ngào không nói.

 

Tạm biệt Vũng Chùa, Đảo Yến thân thương. Chỉ còn vài chục km nữa là đến quê nhà, mà sao ai cũng nóng lòng, mong mỏi. Thầy Trung tinh nhạy chộp đúng lúc, ứng tác bài Hai ku thứ hai, thật tuyệt:

 

Đường về quê ta

Bóng chiều tà

Từ xa ngóng đợi.

 

Bảy giờ tối xe về đến quê, chúng tôi bàn nhau thống nhất: Để giữ sức khỏe cho thầy, sau khi thưởng thức cháo cá ở nhà hàng Thanh bắc, thầy được ưu tiên nghỉ lại nhà khách, còn chúng tôi chia tay ai về nhà bà con người nấy.

 

Ngày 30-10-2015

      

Sáng nay mọi người được nghỉ tự do để thăm  hỏi bà con, bạn bè. Thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên.

       

Thật là buồn, mới hơn tháng trời, mà hôm nay không sao nhận ra phần mộ của cha mẹ mình ở đâu. Đường vào thì núi đồi bị đào bới sạt lở. Đến nơi cha mẹ yên nghỉ thì thật khủng khiếp. Cả một vùng đồi núi xanh tươi cây lá bị đốt sạch.  Hàng  chục ngôi mộ chìm lấp dưới lớp tro tàn. Tôi đứng lặng giờ lâu ngậm ngùi thương xót. Thương cha, nhớ mẹ.  Hay Xót xa, thương cảm đồng đất quê ta đâu rồi Cửu khúc, Long khê? Đâu rồi núi đồi của những Long chầu, Hổ phục!

       

Thầy Trung thì lại có niềm vui và nỗi buồn riêng khi đánh rơi điện thoại ở nơi nào không biết. Với thầy mất điện thoại là mất nhiều thứ còn quý giá hơn chiếc điện thoại kia.

       

May mắn thay, chiều hôm đó khi thầy trò chúng tôi cùng lãnh đạo xã đến thăm, tặng sách Trường THCS Lưu Trọng Lư thì Thanh Tùng (đệ của thầy) vào thắp hương lần nữa ở nghĩa trang gia tộc của thầy rồi thấy ngay điện thoại rơi ở đó. Mừng vui khôn xiết, bé Thùy Linh ghé vào tai vợ chồng tôi thì thầm: “hai bác có tin không? Không phải tự thầy đánh rơi đâu. Đó là điềm mà ông bà, Tổ tiên muốn gửi gắm, nhắc nhở với thầy điều gì thật thiêng liêng, hệ trọng!”.

      

Ôi! cháu Thùy Linh…! Thương thầy, hiểu thầy đến thế! Hèn chi mà không chỉ Thùy Linh nhận làm cháu của thầy, cả cha mẹ, ông nội Thùy Linh cũng gắn bó với thầy như tình ruột thịt.

 

Ngày 1-11-2015

 

Đây là ngày đặc biệt. Thật không ngờ, KỈ NIỆM 5 NĂM TRANG CAOLAOHA.COM ra đời lại được tổ chức tưng bừng, khang trang đến thế.

      

Băng rôn, khẩu hiệu, cờ, hoa …đỏ rợp.

        

Khách mời có cả Phó chủ tịch huyện, đại diện phòng Văn hóa thông tin. Đầy đủ các ban ngành, đoàn thể của xã. Các bậc cao niên, trưởng tộc…đều tề tựu đông vui. Ấm áp tình làng, nghĩa xóm.

 

Ông Lưu Văn Tác, chủ tịch xã trong trang phục lễ hội trịnh trọng khai mạc buổi lễ bằng hồi trống dài. Tiếng trống ngân vang như tiếng của nghìn năm cha ông vọng về, là tiếng gọi thiết tha của quê hương hãy nhớ về Nơi Cội nguồn Tiên tổ.

      

Điều ấn tường và bức ảnh đẹp nhất của buổi lễ sáng nay có lẽ là hình ảnh GS- TS Văn học Lưu Đức Trung phát biểu và tặng hai bức thư pháp:

 

- 1 bức tặng UBND Xã Hạ trạch.

- 1 bức tặng trang wet caolaoha.com

 

Sau những bài tổng kết, lời phát biểu là những điệu sáo, khúc hát ,lời thơ của bài Thầy tôi thật nghẹn ngào, xúc động.

      

Kết thúc buổi lễ là cuộc liên hoan, tiệc tùng với mâm cỗ thật thịnh soạn. Cùng với xôi, bãnh giầy, thủ lợn, thịt gà còn có cả đĩa sắn trắng thơm lừng, củ khoai tía ngon, bùi, tím lịm.

 

Cuộc vui nào rồi cũng phải đến lúc chia tay. Buổi lễ kết thúc mà ai cũng không muốn ra về. Thật đúng là: Tình Quê lắng đọng nhờ sự kết nối của trang báo làng ta. Chỉ mới hôm nào quen biết qua vài lần commentgõ phím mà giờ đây đã trở nên thắm thiết như tình cảm ruột rà. Thật đúng như lời thơ trong bức thư pháp thầy Trung đã tặng:

   

Tay gõ

Caolaoha.com

Tình quê lắng đọng.

 

 Đáng quý biết bao!

 

 Ngày 2-11-2015

 

Sáng nay sau buổi gặp gỡ với anh em ở Đồng hới, mấy thầy trò đến thăm gia đình hai bác Lưu Quý Dịch và Lê Văn Sơn, những bậc cao niên của bà con quê hương. Tuổi cao sức yếu nhưng biết thầy Trung và bà con xa quê đến thăm các bác rất xúc động.

    

Không còn được như bác Lưu Quý Dịch ra ngoài chụp ảnh lưu niệm, bác Lê Văn Sơn chỉ khó nhọc ngước  nhìn với sự bỉn rịn, thân thương.

 

Trưa, rời Đồng hới xe lại quay về làng chuẩn bị tạm biệt quê hương sau bốn ngày với biết bao kỉ niệm không dễ gì có được. Trên xe trở ra Hà Nội có them đại tá Sơn nên càng vui.

    

Quê hương ơi, chúng con lại phải xa rồi. Lên giữa cầu Gianh trời đổ mưa. Phải chăng lòng người cũng đang bùi ngùi rưng rưng nước mắt.

Xin mạn phép thầy được mượn bài thơ mới nhất (đến lúc này) của thầy để kết thúc NHẬT KÍ ĐƯỜNG VỀ, chỉ bốn ngày thôi. Nhưng chắc chắn cũng như chúng con thầy chẳng bao  giờ quên được :

 

Tạm biệt quê nhà

Trời đổ mưa

Nước mắt ai tiễn đưa.

 

Khúc vĩ thanh

 

Tôi quyết định kết thúc bài như trên. Vì xe về đến Hải dương đã gần một giờ sáng ngày thứ  5. Thế nhưng mới hơn sáu giờ, chuông reo, cấm máy.  Tiếng thầy Trung khỏe khoắn, phấn chấn gọi đến :

 

Chào buổi sáng ! Vợ chồng có khỏe không?

 

Mình rất mừng đã có được chuyến về quê kết thúc tuyệt đẹp. Đặc biệt lần về này  viết được hai bài thơ có thể nói XUẤT THẦN.

 

Khi nào Thanh Tùng viết xong, bố trí được thời gian sẽ xuống Hải dương tặng vợ chồng Quỳnh và cháu Thành làm kỉ niệm. Nói rồi thầy đọc luôn:

 

Bài 1:  

 

Bóng nguyệt đung đưa

Cây quỳnh quấn quýt

Hoa nở trắng đêm.

 

Bài 2:

 

Tay cầm vô lăng

Xoay vòng cuộc đời.

Sinh tử.

 

Thật hạnh phúc và tự hào biết bao khi quê hương ta có người thầy trí tuệ uyên thâm và bao dung nhân hậu như thế ./.

 

Hải dương, ngày 15/ 11/ 2015

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip