Nhị quốc diễn nghĩa

16:09 - 20/07/2015

Suy ngẫm của anh Lê Chiêu Chung về triết lý "Tôi thà bị lừa còn hơn không tin vào con người" của nhà thơ Lưu Trọng Lư

 

Nhị Quốc Diễn Nghĩa

 

HỒI THỨ BỐN RƯỞI

 

Ý gian hùng Tào Mạnh Đức chém người tốt
Lòng hướng thiện Lưu Trọng Lư phò chữ Nhân

 

 

Lại nói chuyện Đổng Trác, tự (tên chữ) là Trọng Dĩnh theo lời gọi cứu giá, Đổng Trác từ Tây Lương kéo quân vào kinh thành Lạc Dương và ở lại luôn không về, càng ngày càng lộng quyền, hiếp vua nên các quan trong triều đều muốn trừ khử hắn. Quan Tư đồ Vương Doãn (tự là Tử Sư) mời các quan đến nhà mừng sinh nhật nhưng thực tế là khóc lóc cho vận tàn của Nhà Hán, Tào Tháo (tự là Mạnh Đức) đứng dậy mà rằng: “Khóc như vậy đến mai có làm Đổng Trác chết không, nghe nói ngài có thanh đao thất bảo đưa tôi mượn để tôi giết hắn”.

 

Ngày hôm sau Tháo cầm thanh đao thất bảo của Vương Doãn vào gặp Đổng Trác để hành thích, gặp lúc Đổng Trác nằm nghỉ, Tháo rút đao đi vào, lúc đó Trác chưa ngủ, cạnh giường lại có tấm gương nên thấy Tào Tháo, Đổng Trác hỏi Tào tháo đi đâu, thấy âm mưu bất thành và có nguy cơ bị lộ, Tào Tháo nhanh ý trả lời đến để tặng Đổng Trác đao quý rồi chạy khỏi kinh thành.

 

Lã Bố nghi nghờ tâu với Đổng Trác, Đổng Trác cho quân truy bắt, Tháo chạy đến Tiêu Quận, đi qua huyện Trung Mâu, bị quân canh cửa thành bắt được,đem nộp quan huyện. Quan huyện là Trần Cung (tự là Công Ðài) cảm bụng trung nghĩa bỏ chức quan theo Tháo dựng cờ tụ nghĩa.

 

Ngay đêm ấy, Trần Cung thu xếp hành trang và lộ phí cưỡi ngựa, đi về quê Tào Tháo. Ði được ba hôm đến Thành Cao, trời đã xâm xẩm tối. Tháo bảo Cung ghé vào nhà Lã Bá Sa là bạn kết nghĩa với cha hỏi thăm tin nhà và xin ngủ đấy một đêm. Hai người được Lã Bá Sa bố trí chỗ nghỉ và đích thân cưỡi lừa đi mua rượu về thết đãi. Ở nhà Tháo nghe tiếng mài dao và nghe nói “Trói lại mà giết!”. Tháo và Cung hai người cùng rút kiếm đi thẳng vào, gặp người nào trong nhà giết người ấy; giết một lúc tám người. Khi vào đến bếp, chỉ thấy một con lợn trói bốn vó, sắp đem chọc tiết. Cung giật mình nói: “Mạnh Ðức ơi! Ta đa nghi quá, giết nhầm phải người tử tế rồi”.

 

Hai người vội vàng trở ra lên ngựa đi, đi được độ hai mươi dặm gặp Lã Bá Sa mua rượi về. Lã Bá Sa hỏi hai người sao lại đi ? Tháo nói "có ai đi sau ông vậy ?" để lừa cho Sa quay đầu lại phía sau rồi chém chết luôn. Cung cả sợ hỏi Tháo: “Lúc nãy lầm đã đành, bây giờ sao lại còn đang tay như thế?”. Tháo nói: ”Bá Sa về nhà, thấy nhiều người chết, tất nhiên không để im, nếu đem người đi đuổi thì ta bị vạ ngay”. Cung nói: “Biết rằng mình lầm rồi, lại còn cố Ý giết người nữa thực là đại bất nghĩa!”. Tháo nói: “THÀ TA PHỤ NGƯỜI, KHÔNG ĐỂ NGƯỜI PHỤ TA!”.

 

 

Người đời sau ngoài công nhận Tào Tháo là một nhà chính trị - quân sự kiệt xuất, đánh giá ông là một nhà thơ xuất sắc, cùng hai con trai Tào PhiTào Thực gọi là Tam Tào, cùng với nhóm “Kiến An thất tử” và “nữ sĩ Thái Diễm” hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là “Kiến An phong cốt”; còn gọi Tào Tháo là kẻ gian hùng (từ gian hùng được ghép từ “gian xảo” và “anh hùng”).

 

 

  

 

Lại nói về làng Cao Lao Hạ, có một người tên Lư, họ Lưu Quan, tên đầy đủ là Lưu Trọng Lư, ông sinh ngày 19/6/1911, mất ngày 10/8/1991 là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch, nhà văn hóa lớn của nước Việt (ở phương nam nên gọi là Việt Nam). Ông là một trong những người khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào thơ mới, thơ của ông theo Hoài Thanh – Nhà phê bình văn học đánh giá trong tác phẩm nổi tiếng “Thi nhân Việt Nam” : "Nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta". Cuộc đời ông có tư tưởng luôn: “Xin quỳ trước một chữ NHÂN”, ông để lại câu nói nổi tiếng “TÔI THÀ BỊ LỪA, CÒN HƠN KHÔNG TIN VÀO CON NGƯỜI”. Khi mất dòng chữ này được viết lên mảnh vải trắng phủ lên quan tài của ông, hiện nay mảnh vải này đang treo tại Nhà lưu niệm Lưu Trong Lư tại thành phố Hồ Chí Minh. Dòng chữ ấy cũng được khắc đậm nổi bật trên vòm mái hình chữ Nhân do con ông là Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải thiết kế.

 

Câu nói của một nhà thơ làng Cao Lao Hạ, nước Việt thật đối lập với câu nói của một nhà thơ huyện Tiêu, nước Bái

 

 

Tên ông được đặt tên cho giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, 5 năm trao giải một lần

 

 

Làng Cao Lao Hạ bây giờ có một ngôi trường Trung học PTCS mang tên Lưu Trọng Lư,  trên khuôn viên nhà cũ của quan tri huyện Lưu Trọng Kiến còn có một ngôi nhà thờ nhỏ bên trong có di ảnh của ông.

 

Nhà thơ Tố Hữu đã viếng Lưu Trọng Lư bài thơ tâm niệm có tên những tác phẩm của ông để lại:

 

Lưu Trọng Lư ơi biệt cõi trần
“Tiếng thu” man mác nhạc trong ngần
“Nửa đêm sực tỉnh” đời pha mộng
Da diết lòng anh một chữ Nhân.

 

Không biết Kẻ gian hùng, Người nhân nghĩa ai giành được lòng thiên hạ ?  Hồi sau sẽ rõ./.

Tác giả : Lê Chiêu Chung

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip