Thấy giáo Lưu Văn Quỳnh

09:10 - 04/07/2014

Những điều ít biết về thấy giáo Lưu Văn Quỳnh của tác giả Lê Chiêu Phùng

 

Tôi không có ý định, đúng hơn là không dại gì lại đi viết về một thầy giáo dạy văn có thâm niên 40 năm đứng trên bục giảng với một vốn kiến thức văn chương, kiến thức và kinh nghiệm sống đầy mình…

 

Thế nhưng nhân được đọc hai tập thơ, những bài viết về cậu học trò đặc biệt mà anh vừa tặng. Tôi đành liều phản ánh đôi nét về anh, về người thầy giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người cao cả. Một người con của quê hương dù ở xa quê nhưng lòng vẫn luôn hướng về đất mẹ, yêu thương gắn bó chan hòa với anh em, bè bạn. Vẫn biết rằng đây chỉ là đôi nét chấm phá có thể làm anh không hài lòng, bạn bè những người yêu mến anh chưa thỏa mãn. Dù vậy đó là tấm lòng của tôi, tấm lòng của người cầm bút đối với anh.

 

Hai gia đình chúng tôi vốn làng trên xóm dưới. Các cụ, các anh chị em vốn gần gũi thân quen. Riêng tôi và anh mãi gần đây mới gặp gỡ quen biết bởi anh xa nhà từ rất sớm. Ngoài những tình cảm quê hương, văn thơ là cây cầu nối. Đặc biệt từ khi có trang web làng ra đời, tình cảm của tôi với anh càng thêm gắn bó. Và từ đó tôi càng hiểu hơn về anh. Cả những điều ít ai biết đến.

         

Trong phần mở đầu thay lời giới thiệu tập sách “Quà Quê” anh viết:

 

Xuất thân trong một gia đình nông dân đông con ở một làng quê nghèo khó (10/2/1950), Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Như bao đứa trẻ thơ nông thôn thời đó: Chăn trâu, cắt cỏ, bắt cá, mò cua. Vừa là cuộc sống, vừa là niềm vui ngoài những giờ đến trường, đến lớp. Có điều vì sức vóc ốm yếu, phần nhờ sáng dạ trong chuyện học hành nên được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Mười mấy năm cắp sách đến trường: Tám năm học cấp 1, cấp 2 trường làng, ba năm cấp 3 trường huyện, bốn năm khoa Văn đại học Sư Phạm Hà Nội. Hết thảy đều được nhận xét: Chăm ngoan, học khá, bạn bè thầy cô ai cũng mến, cũng yêu.

 

 Tháng 9 năm 1972, tốt nghiệp đại học Sư Phạm, tôi về công tác ở trường cấp 3 Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đất lành chim đậu, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, cửa nhà vườn tược ngày càng rễ bén, gốc bền… Thấm thoát ngoảnh lại đã gần bốn chục năm trời. Bốn chục năm đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, ngàn vạn trang giáo án, tôi đã hết mình cho sự nghiệp giáo dục với một bầu nhiệt huyết lớn lao. Nay giã từ mái trường thân yêu để về vui chốn điền viên, góp nhặt những bài viết của mình, của trò làm cuốn sách nhỏ. Là kỉ niệm của một đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục và cũng là chút quà quê dành cho những người tôi yêu quý nhất”.

 

 Lời tự bạch của anh thật mộc mạc, chân tình, khiêm tốn. Bốn chục năm đứng trên bục giảng không quyền cao, chức trọng, không bổng lộc cao sang. Nhưng đọc tập sách “Quà Quê” của anh tôi càng yêu mến và tự hào về một người thầy giáo, về người con của quê hương Cao Lao Hạ chúng ta đã “đem chuông đi đánh đất người”, nay đã thành danh trên nhiều mặt.

 

Đúng như anh đã viết, “Quà Quê” là một chút kỉ niệm, là món quà dành cho những người yêu quý. Tập sách gồm hai phần:

  

Thầy Lưu Văn Quỳnh tại phòng làm việc

Phần một có tiêu đề “Tiếng lòng”: Đó là những bài văn thơ, truyện ngắn, phê bình văn học do anh sáng tác. Đúng như tên gọi của nó, “Tiếng lòng” là kí ức tuổi thơ, là quãng thời gian được sống, được lớn lên nơi Đất Mẹ, với bao gian lao vất vả của thời bắt ốc, mò cua. Nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào thương mến. Để rồi được lớn lên. Để rồi được đi xa. Để rồi mỗi bận trở về lại vỡ ào ra bao niềm vui nỗi buồn lẫn lộn:

 

                   Tuổi thơ đi hái sim rừng

                   Buộc vào tay áo vắt lưng băng đồi

                   Bây giờ tóc bạc, da mồi

                   Ngước lên Thầy Bói… xa rồi tuổi thơ.

          hay

                   Tôi đi giữa rừng thông quê mẹ

                   Cứ ngỡ rừng Đà Lạt mộng mơ

                   Tuổi thơ đã bao lần qua đó

                   Sao hôm nay đẹp thế không ngờ

 

Tiếng lòng cũng là tình cảm nhớ thương da diết với cha, với mẹ, là những lời an ủi bảo ban với con, với trò… Tất thảy đều chân tình, sâu lắng, thiết tha.

 

Phần 2 của tập sách có tiêu đề “Viết về Thầy”. Đó là những trang nhật ký, bức thư, bài văn, bài thơ của học trò, đồng nghiệp dành cho anh với bao tình cảm yêu thương, quý trọng.

 

Là người khiêm tốn, ít nói về mình nhưng đọc những bài viết trong phần này, hình ảnh người thầy hiện lên thật đẹp. Một người thầy có phương pháp truyền thụ văn chương “đơn giản, dễ hiểu, lớp mình mê say”. Một người thầy không chỉ biết dạy kiến thức văn chương mà còn truyền thụ cho học sinh những bài học làm người bổ ích để giúp các em có hành trang chuẩn bị bước vào đời.

  

Đường lên Yên Tử

Biết bao mùa phượng đỏ. Bao lần đón nhận học trò rồi lại bịn rịn phút chia tay. Các em đã nhờ những trang viết để bày tỏ tình cảm yêu thương kính trọng với thầy: “Thế rồi buổi học cuối cùng của chúng em đã hết. Kết thúc 12 năm học và chấm dứt một thời đèn sách với bao kỉ niệm buồn vui của một thời…khờ khạo. Thầy sẽ chia tay chúng em và đón nhận những lứa học sinh mới. Liệu thầy có còn thương nhớ chúng em nhiều nữa không. Em muốn như các bạn được xưng con với thầy.” (Nguyễn Thị Thụy - Lớp chuyên Văn năm 2003). Kính thưa thầy, chắc em sợ không bao giờ được nghe thầy giảng Văn nữa. Em biết thầy rất quan tâm tới em. Những lúc buồn thầy luôn ở bên động viên. Những lúc đó em thấy mình được quan tâm an ủi, muốn được ngã vào lòng thầy khóc thật nhiều. Nhưng thầy ơi! Em mong thầy thứ lỗi vì em không thể thực hiện được những điều tốt đẹp mà thầy đem đến cho em. Xin thầy mãi mãi cho em được làm một người học sinh thân yêu của thầy” (Trần Thị Chuyên).

 

Trong rất nhiều bức thư, trang nhật ký viết về thầy có hai bài để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm nhất.

 

Thầy ơi” là bài viết cuối cùng của học trò trước khi thầy nghỉ hưu. Trong thư em Phan Thị Thu Hà đã viết: “Đặc biệt tôi rất khâm phục và ấn tượng những hành động vô cùng dũng cảm của thầy: Một mình đương đầu với khó khăn, vượt qua những cám dỗ về vật chất, thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai trái để đòi lại công bằng, bảo vệ quyền lợi của người dân. Thử hỏi có mấy ai làm được như thầy.

 

Thầy già thật rồi! Sáu mươi năm sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục với một tấm lòng cao cả, một bầu nhiệt huyết lớn lao. Giờ đây thầy sắp phải rời xa bục giảng nơi thầy gắn bó suốt bốn mươi năm qua. Chúng em hiểu thầy nghỉ hưu sẽ là một điều mất mát thiệt thòi lớn đối với chúng em, với nhà trường, với ngành giáo dục…

 

Đọc lời văn của cô học trò rồi nghe anh tâm sự về cái “hành động dũng cảm có mấy ai làm được như thầy” tôi mới biết thêm: Vốn bản tính hiền lành, vóc dáng mảnh khảnh, cái sức trói gà không chặt, cứ tưởng rằng anh chỉ quen sống yên lành, an phận. Nào ngờ khi cần quyết liệt anh cũng khẳng khái, kiên cường, thậm chí dám chấp nhận thách thức hiểm nguy đe dọa đến cả tính mạng để đấu tranh cho lẽ phải, cho cuộc sống bình an của mọi người… Ấy là khi anh viết đơn xin chữ ký rồi mang đến khắp chốn công đường từ thôn xóm, làng xã, huyện tỉnh rồi đến phòng họp Quốc hội trực sẵn để đưa thư, đơn đề nghị rời bỏ một nhà máy sản xuất tấm lợp có chất độc hại đặt ngay cạnh trường học, bệnh viện, khu đông dân trước sự bảo kê của một nhóm lợi ích có chức, có quyền điều mà trước đó nhiều người đã bất lực trước sự lộng hành, ngang ngược của nhóm người trên.

Vợ chồng thầy Lưu Văn Quỳnh bên tháp chuông tại Chùa Đồng- Yên Tử.

Cuộc đấu tranh thắng lợi. Làng quê, phố phường, trường học được trở lại với bầu không khí trong lành. Người dân vui mừng phấn khởi cũng là lúc nhóm lợi ích lồng lộn, tức tối đến mức bà chủ doanh nghiệp phải thốt lên: “Mẹ nó chứ, tôi đã mất không biết bao nhiêu là tiền để bôi trơn lót đường để dựng nhà máy… Thế mà …” chưa nói hết lời mụ ta đã bị tăng xông, đột quỵ, nằm bất động từ đó (2005) đến nay. Nghe anh kể lại câu chuyện với một tinh thần khẳng khái, tự tin, tự nhiên tôi thấy mình như có thêm một bạn đồng minh cùng chí hướng. Càng thêm vững vàng, tự tin để dấn thân vào cái nghiệp làm báo. Một nghề nguy hiểm nhưng cũng rất đỗi vinh quang, cao cả. Ấy là tôi đang nói đến niềm vui khi biết anh không là nhà văn nhà báo nhưng từ những bài viết của mình anh đã làm được một điều to lớn ngoài mong đợi.

 

 Đó là câu chuyện về bức thư thứ hai của người học trò đặc biệt – em Nguyễn Hữu Thịnh, một nạn nhân chất độc da cam. Trong thư gửi thầy nhân ngày 20/11/2008, em đã viết: “Thầy kính mến! Tuy không được đến trường và chưa bao giờ được nghe thầy giảng một lời văn nào trên lớp nhưng qua các bạn học sinh em được biết nhiều về thầy – người thầy giáo dạy văn rất hay, lại yêu thơ con cóc học trò. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam em kính chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Em gửi đến thầy hai tập thơ. Nhờ thầy đọc, sửa chữa, tuyển chọn. Nếu có điều kiện thầy giới thiệu thơ em đến một câu lạc bộ thơ hay hội văn học nào đó để em được giao lưu học hỏi. Em cám ơn thầy. Học trò không chính thức – Nguyễn Hữu Thịnh.” Bức thư không những ghi rõ họ tên mà cả địa chỉ hẳn hoi. Tiếp phần mở đầu tập thơ anh Quỳnh viết: “Đọc hơn 200 bài thơ của em, tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Đó là nghị lực phi thường, là tiếng lòng quằn quại đau thương của một tâm hồn khao khát được sống, được yêu, được làm người bình thường như bao nhiêu người khác mà chiến tranh - chất độc da cam đã bắt em phải chịu cảnh thiệt thòi, thân tàn liệt từ khi lên 8 tuổi. Hơn hai mươi năm qua từ trên giường bệnh, trên chiếc xe lăn em đã tập nói, tập viết, tự học, tập làm thơ để đến hôm nay có mấy tập thơ này đầy đặn. Được giới thiệu thơ Nguyễn Hữu Thịnh đến bạn đọc âu cũng là được chia sẻ, cảm thông với bao cảnh đời bất hạnh. Đọc lá thư em Thịnh gửi thầy cùng hai tập thơ của em mà anh đã tuyển chọn in thành sách để gửi đến Hội văn học nghệ thuật Hải Dương tôi rất mừng. Mừng vì ở đất Hải Dương này không thiếu những thầy cô giáo, những nhà văn nhà thơ tài giỏi nhưng người học trò chưa bao giờ đến trường, chưa được nghe thầy giảng một giờ văn nào trên lớp. Chỉ nghe qua các bạn học sinh “em biết nhiều về thầy, một thầy giáo dạy văn hay, lại yêu thơ con cóc học trò” đã cùng gia đình chọn mặt gửi vàng, đã gửi gắm, đặt niềm tin ở thầy về một điều lớn lao, cao cả.

 

  

Ngôi nhà thầy Quỳnh ở

  Thấy tôi cứ cầm tờ báo có bức hình của Thịnh đang nở nụ cười, say sưa mải mê bên chồng sách, anh Quỳnh bảo: “Đấy là hiện nay thôi chứ thực tình lúc đầu đến thăm em tôi thấy ái ngại nếu không nói là rờn rợn. Em Thịnh đó. Một hình hài chân tay co quắp, thân hình rúm ró, cái đầu to, duy chỉ đôi mắt sáng rực. Em ngồi đó. Đúng hơn là em đang bò lê trên chiếc sạp giường đặt trực tiếp trên nền đất của căn nhà cấp 4. Tôi ngồi xuống bên em. Em cố rướn lên, vươn cánh tay khòng khoèo khó nhọc quàng lên cổ tôi, miệng ú ớ thều thào muốn nói điều gì mà không sao nói được. Cả nhà đang ăn cơm. Bố Thịnh đứng lên đến cạnh tôi: “Em không dám vô phép để mời thầy nhưng hôm nay thầy đã đến đây thăm cháu. Thế là đủ biết để em hiểu tấm lòng thầy. Em mời thầy cùng ăn cơm với gia đình chúng em”. Cầm bát cơm trên tay – chính xác là ít bún riêu cua tôi cố nuốt vào hòa trong nước mắt.”.

 

 Cơm nước xong bên bàn trà, bố Thịnh nói: “Thưa thầy, chắc thầy không biết em. Em là Luật, cũng là học sinh Cẩm Giàng. Năm 1972 khi thầy mới về trường mấy tháng, đang học lớp 9 thì em đi bộ đội. Cháu bị nhiễm chất độc da cam từ em. Hôm nay thầy đã đến đây thăm cháu, em cũng chẳng giấu diếm gì thầy, cũng không có tham vọng gì lớn lao, chỉ mong thầy: “Nếu thơ cháu viết được, nhờ thầy giới thiệu cháu đến một câu lạc bộ thơ hay một hội văn nghệ nào đó cho cháu có một chỗ dựa tinh thần, một nơi để bấu víu vào cuộc đời mà sống. Nay cháu đã gần ba mươi rồi thầy ạ.”.

 

  Chỉ nghe đến đó, nước mắt tôi đã chực trào ra. Tôi tự hứa với mình sẽ làm tất cả hết sức với những gì có thể để giúp em.

 

Thế rồi tôi được biết anh đã in pho to hai tập thơ sửa bằng mực đỏ từng chữ từng câu, gửi lại cho em để em so sánh đối chiếu mà rút kinh nghiệm. Rồi cũng từ hai tập thơ đó, anh đã đọc, sửa chữa, tuyển chọn, in thành sách để gửi đến Hội văn nghệ Hải Dương. Từ những bài viết của anh, các nhà báo nhà văn, nhà thơ, nhà đài, nhà làm phim đã tìm đến em nơi xóm nghèo heo hút để viết về em, một nạn nhân của chất độc da cam, một tấm gương giàu nghị lực, một hồn thơ giàu cảm xúc mà chỉ đọc qua cũng rất xúc động đến trào nước mắt:

 

                   Đêm thu nghe tiếng cười vui

                   Trời ơi! Thèm được cho tôi một lần

                   Ánh đèn đường hắt đầy sân

                   Tôi nằm thao thức bước chân đi về

 

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, phóng viên Việt Nam thông tấn xã trong tờ tin tức đã viết về em trong bài “Một sức sống tràn đầy” có đoạn: “Hơn 20 năm vừa chống chọi với bệnh tật vừa viết, Thịnh đã sáng tác đã hơn 700 bài thơ. Thơ em hay và phong phú về các mảng đề tài. Trong đó nổi lên là chủ đề suy tư về cuộc sống, tình yêu và mong muốn được hòa nhập với cộng đồng, được cống hiến và viết:

                   Có một ngày nào đó

Tôi hòa vào dòng đời

                   Một người như mọi người

Giữa cuộc đời bình dị.

 

 Nhiều độc giả, nhà thơ, nhà báo đã mang thơ em đến nhiều nhà xuất bản để mong những trang thơ của kẻ tật nguyền có cơ hội đến nhiều hơn với bạn đọc. Một trong những người đầu tiên chắp cánh cho Nguyễn Hữu Thịnh là thầy Lưu Văn Quỳnh, giáo viên trường THPT Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

 

Thật hạnh phúc cho anh và cũng may mắn cho em, cậu học trò Nguyễn Hữu Thịnh đã không phụ công thầy, đã vượt lên số phận tật nguyền của mình để làm được những điều kì diệu mà trước đó em chỉ mới dám nghĩ đến trong mơ:

 

                   Nếu có kiếp sau xin được hay

                   Làm Người tôi se luôn cao bay

                   Em ơi tôi sẽ sống cho tất cả

                   Thật sự Con Người từng phút giây

 

 Em không có được cái may mắn làm người lành lặn như bao nhiêu người khác. Nhưng từ bên chiếc xe lăn, thầy Quỳnh đã giúp em chắp cánh để bay cao, bay xa, bay lên những bục cao danh dự để nhận các phần thưởng cao quý trong các chương trình lớn từ thủ đô Hà Nội đến tận Quy Nhơn xa xôi. Từ chỗ chỉ ao ước có một chỗ dựa tinh thần để được giao lưu học hỏi, một nơi để bấu víu vào cuộc đời mà sống… Giờ đây em đã là một nhà thơ thành danh, đã có nhiều tác phẩm được xuất bản, in riêng và chung cùng nhiều tác giả: Phát lộc Canh Dần, Sáu và tám, Cây vẫn trổ hoa, Tam thi tương mệnh, Thương lắm mai sau… Thân hình của em giờ cũng đã có da có thịt, khuôn mặt của em vốn thông minh, giờ càng thêm lanh lợi.

 

 Được gặp anh ở quê nhà, giao lưu cùng anh ở cầu Nhật Lệ, hôm nay lại được tận mắt chứng kiến cuộc sống của gia đình anh chị ở khu đô thị mới Đông Nam Cường, thành phố Hải Dương. Được cùng anh dạo bước trên bờ hè con sông Sặt bên đường phố Bùi Thị Xuân và nghe anh giới thiệu: Đây là một trong những khu biệt thự đẹp nhất nhì thành phố Hải Dương chỉ có gia đình tôi là giáo chức thường dân còn là các quan đầu tỉnh, các nhà doanh nghiệp làm ăn phát đạt của tỉnh Đông. Điều ngạc nhiên là làm sao một thường dân như anh lại được các quan (nghỉ hưu) yêu mến đến thế. Chỉ mới vắng anh mấy ngày gặp lại, họ đã mừng rỡ reo lên: “A! Anh Quỳnh. Đi đâu lâu thê? Vắng anh chúng tôi buồn lắm đấy”. Biết chúng tôi là bạn bè từ Quảng Bình ra, các anh khoe chúng tôi cũng mới vào trong đó viếng thăm bác Giáp, thăm động Phong Nha, động Thiên Đường, tắm biển Nhật Lệ, Bão Ninh… Với một giọng náo nức, phấn chấn. Thấy họ quý mến vợ chồng anh, chúng tôi cũng vui lây.

 

Mải mê vui chuyện rồi chị Hằng vợ anh ôn nghèo kể khổ nhắc lại chuyện ngày xưa. Ngồi trong ngôi biệt thự khang trang, đẹp đẽ tọa lạc trên đường phố lớn, hình dung lại dáng vẻ thoăn thoắt như đôi sóc già của vợ chồng anh khi leo lên đỉnh cao hơn nghìn mét nơi chùa Đồng, Yên Tử rồi những chuyến ngược xuôi vào Nam ra Bắc, năm ít cũng ba bốn lần, những bài viết trên trang báo làng sung mãn bút lực… Ít ai biết được có một Lưu Văn Quỳnh vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước một thời ốm yếu tưởng chỉ còn biết suốt đời gắn liền với bệnh tật, với giường bệnh từ địa phương đến trung ương.

 

 Vốn người có bệnh tim bẩm sinh, nay trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước lại thêm những cú sốc nặng nề khi cả gia đình hai bên nội ngoại lại gặp khó khăn, hoạn nạn: Em trai chồng đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Em trai, bố vợ ốm đau lâu ngày rồi ra đi cùng một lúc. Trái tim ốm o đó nay không còn đủ sức để mang nổi tấm thân chỉ nặng hơn 40 kí leo lên được mấy bậc thang đến lớp. Kinh tế khó khăn, thiếu thốn, phải đắn đo cân nhắc để rồi bán nốt miếng vải, đôi dép để dành chuẩn bị cho ngày khai giảng. Kinh tế đã hết mà bệnh tình của chồng ngày càng nặng. Tưởng chừng như vô vọng, vợ anh chỉ biết chăm chút nhẫn nại nhọc nhằn cày cuốc làm thêm để chăm chồng nuôi con và đắp đổi cho cả hai gia đình trong cơn hoạn nạn với một điều mong mỏi nhỏ nhoi: Biết đến bao giờ làm được một mái nhà riêng có cái cửa rộng đủ bê lọt mâm cơm vào. Biết bao giờ được ngồi sau lưng chồng trên chiếc xe đạp, được dựa vào lưng chồng mà đi trên đường làng như bao nhiêu người khác. Nghe chị kể lại chuyện xưa mà chúng tôi ai nấy đều xúc động…

         

Thế mà có ai ngờ sau mấy chục năm anh đã tìm tòi sách vở, đọc rồi tập luyện, bấm huyệt dưỡng sinh để tự chữa bệnh cho mình, nâng dần sức khỏe để phấn đấu vươn lên, để thành đạt như ngày hôm nay.

         

Chứng kiến cảnh sinh hoạt và cơ ngơi của gia đình anh, rồi tôi cứ suy nghĩ miên man: Phải chăng đây là điều may mắn mà số phận đã dành cho anh? Không. Đây chính là kết quả của cả một đời lao động miệt mài, chịu thương chịu khó vượt lên chính mình. Là sự đầu tư công sức. Là thành quả của việc nuôi dạy con cái… Và đằng sau sự thành công đó của người chồng còn có hình bóng của người vợ đối với anh quả thật là một điều chí lí. Và sâu xa hơn trong đời sống tâm linh, phải chăng đó cũng là cái nhân, cái quả mà cuộc đời anh đã tích thiện để được dư khương (chăm lo làm việc thiện để được phúc lộc dồi dào) và kể cả sự khước từ những cơ hội để tiến thân điều mà anh Phạm Nguyên Hùng đã viết trong bài “Người tôi yêu mến”: “Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu anh phấn đấu bằng con đường chính trị, liệu rằng anh có còn là anh Quỳnh bây giờ nữa không? Có còn là người thầy giáo trong sáng mẫu mực của bao nhiêu thế hệ học trò nữa không? Có còn những tiết giảng văn trên lớp như đốt cháy hết mình mà không thấy áy náy, xấu hổ với lương tâm của người thầy nữa hay không. Và có còn được học trò, đồng nghiệp thực sự tin yêu, kính trọng nữa hay không? Chỉ cần nghĩ như vậy thôi thì đã thấy anh là người thầy giáo hạnh phúc nhất đời. Khó mà có một thứ bằng cấp, học vị, chức tước gì sánh được”.

 

Đọc những câu văn tâm huyết với một lòng yêu mến tự hào của đồng nghiệp viết về anh, tôi lại hình dung thấy ánh mắt rực sáng và niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của cậu học trò tật nguyền mà nhà báo Trần Tiến Duẩn đã chụp đăng trong bài “Một sức sống tràn đầy”… Tôi chỉ biết nói rằng trên đây chỉ là những điều ít biết về thầy giáo Lưu Văn Quỳnh, một người con của làng Cao Lao Hạ chúng ta mà tôi cũng vừa mới biết.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip