Những ngày tháng xa nhà

07:40 - 17/08/2023

Tâm trạng của những người con vì mưu sinh, phải xa quê nhưng vẫn đau đáu một lòng hướng về nguồn cội. Đi để trưởng thành, đi để trở về

Những ngày tháng xa nhà

 
Tuổi trẻ là một quá trình khám phá và trải nghiệm, song song với đó là những thất bại, những lần vấp ngã để rồi khiến ta tưởng không thể nào đứng dậy nổi nữa. Khi con người ta trẻ, ta có một phần bồng bột, một phần ngông cuồng, để rồi mắc những lỗi lầm. Ta thường yêu cầu bản thân hay những người xung quanh phải thật hoàn hảo chỉnh chu, nhưng rồi sẽ nhận ra không thứ gì là hoàn hảo cả, chỉ có là chúng ta có chấp nhận mà thay đổi mà cố gắng không thôi. Sẽ đến một thời điểm nào đó, khi ta lớn hơn và nhìn lại chặng đường đã qua, tự cười rằng sao bản thân có thể làm những chuyện như vậy chứ. Càng lớn lên, càng trưởng thành thì chúng ta lại nhận ra bản thân càng cô đơn và trầm lặng hơn. Có những thời điểm, có những tháng ngày bất chợt bản thân cảm thấy mệt mỏi vì cuộc sống xô bồ.
Những ngày tháng xa nhà, xa tất cả mọi thứ quen thuộc khiến ta cảm thấy hụt hẫng, chới với. Có nhiều người nói rằng cô đơn hay mà, làm gì cũng tùy theo ý mình, ăn gì cũng được, đi đâu cũng được, miễn sao bản thân cảm thấy vui vẻ, không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào ai khác. Nhưng thật ra cái cảm giác cô độc nơi đất khách quê người ấy chẳng tốt tí nào, giữa thành phố lạ lẫm náo nhiệt như thế, chính bản thân lại cảm thấy lạc lõng giữa dòng người qua lại, hầu như làm gì cũng chỉ có một mình. Cũng không phải không có một ai, chỉ là bản thân cự tuyệt sự có mặt của họ trong những lúc khó khăn ấy, tự nhủ rằng mình không được phụ thuộc vào một ai. Nếu như hôm qua không ổn, hôm nay cũng không, thì ngày mai, ngày kia hay một ngày nào đó, mọi chuyện rồi sẽ qua, mọi chuyện rồi sẽ ổn, rồi sẽ lại cười, rồi sẽ lại vui và hạnh phúc.
Dẫu biết mọi thứ chỉ là tạm thời, điều gì rồi cũng sẽ có hồi kết của nó, khó khăn, nỗi buồn rồi sẽ qua đi thế mà đã không biết bao nhiêu lần tự hỏi bản thân: “Liệu quyết định đi lao động là có đúng đắn?”, “Bản thân đang đánh đổi vì cái gì?”. Cứ tự đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời, tự an ủi bản thân, tự nói với mình rằng những điều đang trải qua chỉ là để có một tương lai tốt đẹp phía trước. Có khó khăn thì mới có thành công, không ai đặt thành công vào tay mình cả.
Nhưng rồi, có những khoảnh khắc cảm thấy bản thân như muốn gục ngã trước sự khắc nghiệt nơi đất khách quê người, cảm thấy rằng hòa nhập với một nền văn hóa, nhịp sống mới sao mà khó khăn thế, cảm thấy mệt mỏi chỉ muốn buông bỏ hết tất cả mọi thứ, ước mong sống như một đứa trẻ để có thể sống một cuộc sống vô tư. Khi còn nhỏ, chúng ta mong muốn có thể lớn nhanh, nhưng càng lớn, ta lại ước được trở lại thời thơ ấu, để quên đi hết nỗi âu lo, quên đi hết những phiền muộn trong cuộc sống. Những buổi chiều tối, cái cảm giác cô đơn lạc lõng lại trỗi lên, cái sự hà khắc ngoài kia khiến con người ta cảm thấy cả thế giới như đang quay lưng với mình. Đi làm về lúc những con phố đã lên đèn, dẫu cho vẫn đó là tiếng xe cộ chạy, tiếng phát ra từ dòng người qua lại, nhưng lại cảm thấy có một sự im lặng đáng sợ nào đó, phải chăng đó là sự im lặng từ sâu trong chính tâm hồn. Cái cảm giác cô đơn lại càng trỗi lên khi mà những ngày lễ ở Việt Nam tới, nhìn bạn bè, mọi người tụ tập ăn uống, đi chơi vui vẻ mà trong khi những đứa lao động như mình lại phải đang gồng mình ra đi làm, đi học, một cảm giác gì đó thật khó tả, một nỗi niềm khó mà nói thành lời. Trải qua một khoảng thời gian dài cô đơn, làm gì cũng chỉ có một mình, thấy bơ vơ, lạc lõng nhưng rồi riết cũng quen. Chả muốn có cái gì đó tới để mà xáo trộn đi cái cảm giác một mình đó.
Nhưng mà nỗi sợ lớn nhất chính là sự trầm cảm, là sự đấu tranh, giằng xé nội tâm. Bản thân đã từng bị trầm cảm, đã từng có ý định muốn chấm dứt cuộc sống và đã phải cố mà vượt qua, nhưng chính bản thân lại không biết lúc nào thì điều đó sẽ quay trở lại. Nhiều khi thấy mình như là một người mang hai tính cách, hoàn toàn đối lập nhau, buổi sáng thì như một con người ngập tràn ánh sáng, sự tươi vui, nhưng khi màn đêm ập tới, lại như một thứ gì đó u sầu chìm trong bóng tối.
Đôi khi những thứ chúng ta thấy, chúng ta chứng kiến chỉ là một lát cắt của một con người, bản thân chọn cho mọi người nhìn thấy mặt tươi vui, mặt tích cực, nhưng đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn, đó là một sự chống chọi, một sự ẩn ức mà ngay cả chính bản thân cũng không thể giải thích được. Chọn cách vùi đầu vào làm việc, rảnh rỗi ngồi học thêm tí chữ, làm tất cả mọi thứ để giết thời gian, giết đi cái suy nghĩ cô đơn, nhưng rồi lại quên mất chăm sóc chính bản thân của mình, để rồi mỗi ngày khi trở về với bốn bức tường xung quanh, lại cảm thấy mệt mỏi với chính mình. Mỗi tối trước khi ngủ và sáng khi thức dậy, cái cảm giác chênh vênh, lạc lõng ấy lại xuất hiện. Lại là một ngày dài chiến đấu, nhưng mà phải cố lên thôi, mình không cố thì không ai cố giúp mình cả. Đôi lúc lại tự hỏi bản thân “Mình có đang ổn không, thực sự là có đang ổn không?” rồi cuối cùng cũng chẳng tìm được đáp án cho câu hỏi đó. Đi xa là thế, dù cho có quen những người bạn mới, nhưng đa phần là trải qua cảm giác một mình, làm quen với cái lạnh của mùa đông cùng với sự cô đơn nơi xứ người. Có thể buông bỏ hết, có thể chấm dứt hết, nhưng dặn lòng phải nghĩ tới lí do bắt đầu, tới tương lai sau này để rồi tiếp tục, phấn đấu, cố gắng từng ngày.
Bất chợt nhìn lại, thấy được bản thân đã đi được một chặng đường khá xa, quãng đường phía trước vẫn còn dài, vẫn còn đó là những sự khó khăn, những tổn thương nhưng rồi một cái kết tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Đi là để trưởng thành và đi là để trở về.

 

 Anh Lê Quang Tiến (ảnh Facebook cá nhân)

 

 

 

 

Tác giả : Lê Quang Tiến

Bình luận

Bài viết liên quan

“Chuyện làng buông” và “Én ca”
Miền cao su thương nhớ...
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip