Những người lính dân sự

06:27 - 20/12/2014

Truyện ngắn của Lưu Trọng Hồng in trong tập "Người đàn ông lạng lẽ" do NXB Văn Học ấn hành năm 2009

 

Tám giờ sáng mồng Một tết, Thân gõ cửa nhà Tổng Giám đốc. Bà Nhài, vợ Tổng Giám đốc tiếp anh với thái độ không vồn vã nhưng cũng không lạnh nhạt. Bà liếc nhìn cái túi ni-lông căng phồng Thân đặt bên cạnh ghế ngồi, rồi rót nước mời anh uống. Sau khi nhấp một ngụm nước, Thân sửa lại tư thế ngồi nghiêm chỉnh và cất tiếng nói với giọng ồm ồm:

- Hy vọng năm nay tôi vẫn là người “xông nhà” anh chị. Xin chúc anh chị và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, công tác kết quả nhiều hơn năm ngoái! Rất tiếc không gặp được anh vì anh phải đi cùng Bộ trưởng đến chúc tế các đơn vị – Thân vừa nói vừa lôi từ túi ni-lông ra một tập tài liệu dày cộp đặt lên bàn và nói tiếp: - Nhờ chị chuyển lại cho anh hộ tôi bản “Phương án đổi mới Công ty Cơ khí” để anh tranh thủ xem trong mấy ngày nghỉ Tết.

Không để ý đến bà Nhài còn đang tròn mắt nhìn vào đống tài liệu với vẻ mặt khó tả, vừa như muốn cười, vừa như muốn mếu, Thân vẫn hồn nhiên tiếp tục:

- Tôi hy vọng đây sẽ là món quà đầu năm kính tặng Tổng Giám đốc như cách anh ấy nói với tôi tuần trước – Thân ngừng lại ngắm nghía công trình “ruột” của mình.

Bà Nhài chưa kịp thốt ra lời nào thì đã lại nghe cái giọng ồm ồm của Thân:

- Chị cho tôi xin một ít báo cũ.

Lần này bà Tổng Giám đốc không chỉ tròn xoe đôi mắt, mà còn há to miệng nhìn anh. Thân vội nói thêm:

- Tôi chỉ xin báo cũ thôi, báo nào cũng được.

- Anh cần để gói gì à? – Mãi bà Nhài mới hỏi lại

- Không ạ, tôi xin để mang về.

Bà Nhài không giấu được vẻ mặt nghi ngờ, bà đứng lên đi nhanh vào buồng và ôm ra một tập báo cũ đưa cho Thân, Thân cảm ơn và nhét tất cả báo vào cái túi ni-lông của mình.

Anh vui vẻ đứng dậy và theo thói quen kéo thẳng hai vạt áo phía trước xuống, rồi dập gót chân, nói:

- Một lần nữa kính chúc anh chị và gia đình năm mới mọi điều tốt lành! Xin phép chị tôi về.

- Tôi cũng thay mặt nhà tôi chúc anh chị và các cháu vạn sự như ý trong năm mới!

Bà Nhài chúc lại Thân rồi đứng trước cửa nhìn theo anh và lắc đầu lẩm bẩm:

- Đầu năm đi xin báo cũ! Chẳng lẽ vợ anh ta đã bỏ nghề dệt vải để đi bán xôi?.

*       *

*

 Vợ Thân đón chồng ở cửa, chị cấm cẳn:

- Mới sáng sớm mùng Một anh đã đi đầu về?

Thân cười nói:

- Thì cũng như mọi năm, tôi đến xông nhà Tổng Giám đốc.

- Người ta có muốn không mà anh cứ nhắm mắt làm? – Chị vợ không giấu được vẻ khó chịu trong giọng nói, chị nhìn xuống túi xách của chồng – anh mang cái gì về thế?

- Báo cũ, tôi xin chị Nhài – Thân vừa rút tập báo ra khỏi túi vừa trả lời vợ.

- Trời đất! Sáng mồng Một tết anh đi xin mấy tờ báo cũ về làm gì? Nhà ta cũng có thiếu báo cũ đâu!

Biết vợ đang cáu, nhưng Thân vẫn nhẹ nhàng:

- Tôi mang tài liệu đến nộp cho anh Bân thấy mấy người ở khu tập thể nhà anh Bân cứ nhìn nhìn, ngó ngó vào cái túi của tôi, thành ra lúc về tôi phải xin mấy tờ báo nhét vào cho cái túi căng lên như cũ để họ nhìn thấy khi đến thế nào thì khi về cái túi của tôi cũng vẫn như thế, không phải tôi mang quà đến biếu Tổng Giám đốc.

Chị Vợ không nhịn được, kêu lên:

- Anh thật là trẻ con! Bây giờ người ta đi biếu cấp trên đâu cứ phải mang mấy gói quà lộ liễu. Họ chỉ cần nhét phong bì vào túi áo, đi tay không đến nhà thủ trưởng, ai mà biết được!

- Vì thế tôi mới làm vậy! – Thân ngắt lời vợ – phong bì không nhìn thấy được, người ta chỉ có thể nghi ngờ còn quà cáp thì sờ sờ ra đấy, đi có về không, đi dày về mỏng, ắt là có biếu tặng. Tôi không muốn có cớ để những người tò mò hiểu sai về Tổng Giám đốc.

- Sao anh không đợi đến sau Tết rồi đưa nộp cho anh ấy ở cơ quan? – Chị vợ đã nói nhẹ nhàng hơn.

Thân nhìn vợ, cười rất tươi. Anh nói:

- Hôm tổng kết cuối năm, Tổng Giám đốc Bân gặp tôi hỏi: “Bao giờ cậu làm xong phương án cải tiến Nhà máy của cậu?” Tôi thật thà: “Có lẽ phải hết ba mươi tết mới xong ạ” Anh ấy nói ngay: “Vậy thì mồng Một tết đến xông nhà tớ, cậu nhớ mang theo luôn, tớ đang rất cần nó” Anh ấy còn cười và vỗ vào vai tôi nói: “Hai năm nay Tổng công ty làm ăn khấm khá có khi một phần là nhờ cậu xông nhà tớ đấy!” Mình thấy chưa? – Thân hể hả ngước nhìn vợ.

Chị vợ nguýt chồng một cái rõ dài:

- Anh chỉ được cái vô tư! – Rồi như sực nhớ điều gì chị thầm thì với chồng. – Em nghe người ta đồn ầm lên là kỳ này ông Bân sẽ lên Bộ, ông Trà Phó Tổng sẽ được bổ nhiệm thay ông Bân. Người thay ông Trà là ông Tiến – Giám đốc Nhà máy Dệt. Bên Tổ chức Tổng công ty giới thiệu anh với ông Bân, vì họ cho rằng anh hơn “đứt” ông Tiến, nhưng ông Bật gạt đi.

- Cô lại nghe tin đồn nhảm rồi! – Thân ngắt lời vợ.

- Anh không thấy mấy ngày trước tết người ta nườm nượp kéo đến nhà ông Trà và ông Tiến đấy thôi, còn anh thì có ai thèm đến đâu – chị Vợ bướng bỉnh cãi lại chồng.

Thân vẫn nhỏ nhẹ với vợ:

- Tôi bảo với mọi người hôm Tổng kết cơ quan là đã chúc tết nhau ở đây rồi thì mấy ngày Tết không nhất thiết đến thăm nhà nhau nữa, đặc biệt là đến thăm các đồng chí lãnh đạo công ty. Hãy giành thời gian một năm mới có một lần này cho gia đình và bà con họ hàng. Mồng Bốn tết mọi người sẽ lại gặp nhau ở cơ quan và sẽ uống với nhau ly rượu vang Thăng Long để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm. Tôi còn để nghị Công Đoàn nhắc nhở và kiểm tra để mọi người thực hiện tốt việc này.

Chị vợ gần như hét lên:

- Ôi, sao anh “hâm” thế, ông Bân cấp trên bề ngoài nói nói cười cười với anh, nhưng nghe người ta bảo trong lòng ông ấy thì vẫn hận anh, vì anh hay bốp chát với ông ấy. Bây giờ anh chị em cấp dưới đang yên đang lành với anh thì anh lại ngăn họ lại, không cho họ đến với anh, Anh định “sống và chiến đấu” một mình chắc?! – Chị vợ quắc mắt lên nhìn chồng.

Thân tiếp tục giải thích cho vợ:

- Tôi đã nói với họ là hiện nay trong xã hội không ít người lợi dụng những ngày lễ tết, nấp dưới danh nghĩa quan hệ tình cảm tìm cách thăm viếng biếu xén cấp trên để mưu cầu lợi ích riêng. Nhiều người tốt vì thế có muốn đến chúc tết cấp trên cũng ngại bị hiểu nhầm. Thôi thì, trong tình hình không bình thường nhà máy ta hãy đồng lòng làm thử một việc không bình thường xem sao. Đấy, tôi nói với họ như vậy xem ra rất nhiều người đồng ý với tôi. Bác Lợi – Bí thư còn bảo: “Đây chỉ là biện pháp tình thế, khi nào tình hình khá hơn ta lại đến thăm nhau bình thường”.

Chị vợ vẫn chưa tán thành với chồng, chị nói:

- Những người muốn biếu xén cấp trên không đến được vào dịp lễ tết thì họ đến vào ngày thường. Anh cứ ngồi đấy mà “tưởng bở”!

Thân cười, véo nhẹ vào cái mũi xinh xinh của vợ và nói:

- Nhưng dịp lễ tết vẫn là thời cơ thuận tiện hơn nhiều cho bọn họ – Thân âu yếm nhìn vợ, nói thêm: - Tôi không biết cụ thể dư luận về việc cất nhắc bổ nhiệm, vì chuyện đó như mình biết, tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ mong sao nhà máy tôi ngày một ăn nên làm ra, đời sống anh chị em, trong đó có cả tôi, ngày một được cải thiện, mọi người trong nhà máy hiểu tôi và ủng hộ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Thế là hạnh phúc lắm rồi!

Nghe Thân nói thế, chị vợ lặng im rồi lửng thửng đi xuống bếp lo bữa trưa cho chồng.

Còn lại một mình, Thân rót nước từ ấm trà vợ mới pha ra uống, mắt anh lơ đãng nhìn đống báo cũ nằm trên bàn, anh sực nhớ đến lời vợ nói: … ông Bân bề ngoài nói nói cười cười với anh, nhưng trong lòng thì vẫn hận anh, vì anh hay bốp chát với ông ấy…”.

Thực ra điều này đã có lần người khác nói đến tai Thân, nhưng phần vì anh không bận tâm, phần vì công việc cuốn hút anh, nên nó chẳng để lại điều gì trong anh. Mà đúng là đã có chuyển xẩy ra giữa Thân và ông Bân thật.

Lần thứ nhất cách đây ba năm, trong Đại hội Đảng bộ của Công ty, khi người điều khiển chương trình tuyên tố kết thúc phần đề cử đại biểu vào ban chấp hành Đảng ủy thì ông Bân từ trên ghế của đoàn chủ tịch đại hội giơ tay phát biểu. Ông nói:

- Để góp phần trẻ hóa ban chấp hành Đảng ủy, tôi xin đề cử thêm đồng chí Lê Thân – Giám đốc nhà máy Cơ khí. 

Mọi người đang hết sức ngạc nhiên, vì từ trước đến nay chưa thấy ông Bân làm việc này bao giờ trong các kỳ đại hội Đảng bộ thì Thân đã đứng lên xin nói:

- Tôi rất cảm ơn đồng chí Bí thư Đảng ủy, nhưng nhà máy tôi đã có tên đồng chí Nguyễn Đắc Lợi trong danh sách đề cử, đồng chí Lợi đã qua nhiều năm công tác Đảng, kinh nghiệm dồi dào, đồng chí ấy cần cho Đảng ủy hơn tôi. Đề nghị đại hội cho tôi được rút lui.

Nhiều người trông thấy mặt ông Bân tái đi. Sau đại hội ông Lợi còn gặp Thân trách anh:

- Cậu phát biểu như vậy là thiếu tế nhị, làm cho ông Bân bẽ mặt trước mọi người, mặc dù ông ấy rất có thiện chí với cậu. Cậu nên xin lỗi ông ấy.

Thân thanh minh:

- Nhưng tôi phát biểu thật lòng mình, tôi cũng đã chân thành cảm ơn anh ấy và Đại hội cũng đã tín nhiệm bầu bác đấy thôi!

Ông Lợi vẻ không hài lòng, lắc đầu nói:

- Tùy cậu vậy!

Lần thứ hai xẩy ra gần đây, trong cuộc họp kiểm điểm thường kỳ các đồng chí lãnh đạo Công ty. Đến lượt góp ý kiến vào bản kiểm điểm của tổng Giám đốc, mọi người phát biểu khá dè dặt, chủ yếu là nêu ưu điểm. Phó Tổng Giám đốc Trà, sau khi hết lời ca ngợi Tổng Giám đốc đã lưu ý ông Bân một điều coi như là thiếu sót của ông ấy.

- … Đồng chí say sưa với công việc là đúng, nhưng đồng chí đã không quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mình và ông lớn tiếng: - Đề nghị đồng chí Tổng Giám đốc cần phải rút kinh nghiệm về việc này!

Nghe thấy ông Trà nói như vậy, tự nhiên mặt Thân nóng ran, anh vung tay giơ lên cao xin phát biểu, xuýt nữa hất tung cái kính cận của người ngồi bên cạnh.

Vẫn với cái giọng ồm ồm, nhưng Thân cố nói chậm rãi:

- Ưu điểm của đồng chí Bân thì có rất nhiều, các đồng chí phát biểu trước tôi đã nêu đầy đủ. Các bậc tiền bối dạy chúng ta là “nhân vô thập toàn”. Hầu như các đồng chí ngồi đây không ai không biết, thậm chí có người còn đem ra bàn tán về mấy nhược điểm của đồng chí Bân quanh bàn trà hoặc nơi quán rượu. Tôi cảm thấy mình thật có lỗi với đồng chí Bân nếu như những lúc như thế này mình không nói ra những nhược điểm của đồng chí ấy. – Sau một giây ngừng lại như để mọi người chú ý đến mình hơn, Thân tiếp tục:

- Ai cũng biết đồng chí Bân thích gặp gỡ cấp dưới, điều này rất tốt, nhưng đồng chí nói nhiều mà ít nghe họ. Một điểm nữa là họp quá nhiều, bởi thủ trưởng thiếu quyết đoán, nên một số việc bị tồn đọng, giải quyết không kịp thời – Thân nói một hơi rồi ngồi xuống ngay.

Không khí cuộc họp trầm hẳn xuống, người ta thấy mắt ông Bân đỏ hoe. Sau này có người bảo đó là do ông ấy quá xúc động, vì lần đầu tiên ông được nghe một ý kiến thẳng thắn và chân thành với ông như vậy, nhưng cũng có người cho rằng mắt ông long lên sòng sọc vì tức giận.

Thân nghe thấy hết, nhưng anh chẳng nghĩ ngợi gì cả.

Còn hôm nay, sau khi nghe thấy chuyện cất nhắc đề bạt, lại từ chính vợ mình nói ra, Thân không khỏi suy nghĩ. Anh băn khoăn không phải vì mình không được làm chức này chức nọ, mà vì cảm thấy mình có điều gì không ổn trong cách quan hệ với mọi người, anh nhớ đến câu ông Lợi nhận xét về anh “Cái tâm của cậu thì trong sáng, nhưng cái miệng của cậu có vấn đề!”…

*       *

*

Buổi chiều mồng Một tết, Thân vừa về đến nhà chưa kịp thay áo ngoài thì nghe tiếng lao xao chúc tết nhau ở trước cửa, Thân vội nhìn ra thì thấy vợ mình đang đon đả đón chào khách. Đi đầu là ông Lợi – Bí thư rồi cả bà Toàn – chủ tịch Công đoàn và mấy người nữa trong ban chấp hành công đoàn nhà máy. Chị vợ thấy chồng tròn xoe mắt ngạc nhiên đứng nhìn mọi người, chị giục anh mời khách ngồi, rồi vội vàng đi xuống bếp để pha nước. Vừa đi chị vừa cười mủm mỉm và thích thú nghĩ bụng: “Mình đã bảo mà, chả ai người ta nghe cái quyết định dở hơi của anh ấy”. Mấy người khách – trừ ông Lợi – ngồi túm tụm vào nhau, thỉnh thoảng liếc trộm Thân đang rót nước vào mấy cái chén hạt mít đặt trên bàn.

Bà Toàn nhăn nhó ra hiệu cho ông Lợi, nhưng ông chỉ cười rồi giục bà:

- Chị Toàn nói gì đi chứ!

Bà Toàn chưa kịp nhấp ngụm nước đã vội vàng thả chén trà xuống bàn làm nước bắn tung tóe ra chung quanh. Bà cuống quýt lấy tay vuốt chỗ nước bắn ra rồi chậm chạp đứng lên nói:

- Nhân ngày tết, thay mặt Công đoàn nhà máy xin chúc Giám đốc và gia đình mạnh khỏe, năm mới lãnh đạo nhà máy ăn nên làm ra, đời sống cán bộ nhân viên được cải thiện hơn năm ngoái.

Mọi người vỗ tay. Thân cũng vỗ tay theo cái kiểu của anh là đập bàn tay phải lên mặt ngoài của bàn tay trái, nhưng nhìn nét mặt của anh có thể nhận ra ngay là đang nghĩ ngợi điều gì đó.

Thấy bà Toàn định nói tiếp nhưng cứ ấp úng mãi, ông Lợi vội ra hiệu cho bà ngồi xuống và ông nói như để đỡ lời cho bà Toàn:

- Trước hết tôi cũng xin chúc anh chị và các cháu năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc! Chúc nhà máy ta hoàn thành vượt mức và toàn diện kế hoạch cả năm! - Ông Lợi với tay sang phía Thân và hai người xiết chặt tay nhau, ông nói tiếp:

- Về cái quyết định thăm viếng trong mấy ngày tết của chúng ta, nhìn chung, được anh chị em ủng hộ. Riêng ban chấp hành Công đoàn thì còn phân vân một điều, nên hôm qua họ đã tranh thủ bàn với nhau và thống nhất sẽ cùng nhau đi chúc tết lãnh đạo nhà máy và gia đình anh Cảnh – thương binh, vì chị vợ vẫn còn đang ốm nặng. Các chị trong ban chấp hành Công đoàn sợ anh phê bình nên đã đến chúc tết gia đình tôi trước và “lôi” tôi đi theo sang đây để “làm bia đỡ đạn” cho họ.

Cả ông Lợi và Thân đều phì cười, bà Toàn và mấy chị cũng cười theo nhưng mặt đỏ bừng có lẽ vì ngượng.

Thân vui vẻ nói:

- Tôi thay mặt gia đình cảm ơn bác Lợi và các chị trong ban chấp hành Công đoàn, cũng xin chúc các đồng chí và gia đình năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi!

Đợi mọi người vỗ tay xong, Thân nói tiếp:

- Lúc nãy trên đường về nhà, tôi cũng đã nghĩ quyết định của Ban Giám đốc nhà máy vừa rồi là kịp thời nhưng còn chưa cụ thể. Tôi định ra giêng ngày rộng tháng dài giao cho Công đoàn bàn bạc và đề xuất một cách toàn diện về hình thức tổ chức vui chơi lễ tết của nhà máy sao cho vừa ngăn ngừa tiêu cực, vừa phát huy được truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta.

Nghe Thân nói thế, mọi người rất hể hả, kể cả vợ Thân, ông Lợi đứng lên và nói:

- Đầu năm “tư tưởng lớn” gặp nhau. Vậy là, “điềm” tốt! Bây giờ mời anh Thân cùng chúng tôi đến thăm gia đình anh Cảnh.

Thân mỉm cười, nói với mọi người:

- Tôi vừa ở chỗ anh Cảnh về xong

- Đấy, em đã nói với bác, bao giờ Giám đốc cũng đi trước chúng ta – bà Toàn đắc ý nói với ông Lợi.

Chị vợ của Thân góp chuyện:

- Nhà em mồng một tết năm nào cũng đến thăm anh Cảnh.

Thân quay sang vợ:

- Bây giờ “bà” đã yên tâm chưa? Liệu tôi đã hết “hâm” chưa? – Thân cười ha hả, chị vợ nguýt chồng và đấm vào vai anh. Mọi người không hiểu chuyện gì nhưng họ cũng cười theo và vui vẻ chào chủ nhà ra về.

*      *

*

Mấy ngày tết qua nhanh. Đầu năm Thân bận túi bụi, anh đang đọc mấy công văn vừa mới nhận được thì có tiếng chuông điện thoại, anh nhấc máy:

- Vâng, tôi là Thân đây ạ…, kính chào Bộ trưởng…vâng, tôi sẽ có mặt đúng giờ.

Thân dập máy rồi vội vàng quàng cái túi chéo qua ngực và đi ra khỏi cửa.

Chỉ sau mười lăm phút, anh đã có mặt trong phòng của Bộ trưởng. Ông rót nước mời anh uống và nói ngay vào công việc:

- Như đồng chí đã biết, Bộ sắp điều đồng chí Bân lên trên này để nhận nhiệm vụ mới, nên vừa qua đã tổ chức hai vòng thăm dò tín nhiệm để tìm người thay thế đồng chí Bân, làm Tổng Giám đốc công ty nhưng cả hai lần phiếu thăm dò đều không tập trung và lần nào cũng có những biểu hiện thiếu lành mạnh, như vận động mang tính bè phái, khích bác nói xấu nhau v.v…Đặc biệt ở vòng hai có một số phiếu trắng và một số phiếu giới thiệu đồng chí, mặc dù đồng chí không thuộc diện thăm dò lần này.

- Nhưng, thưa Bộ trưởng tôi không hề vận động ai cả! – Thân không kìm được, anh vội ngắt lời Bộ trưởng.

Ông Bộ trưởng nhìn sâu vào đôi mắt mở to của Thân và nói tiếp:

- Vấn đề là ở chỗ đó. Chúng tôi tin đồng chí. Vì thế ban Cán sự Đảng của Bộ đã cân nhắc kỹ và nhất trí bổ nhiệm đồng chí thay đồng chí Bân theo như đề xuất của đồng chí ấy.

- Đồng chí Bân đề cử tôi? – Thân kinh ngạc ngắt lời Bộ trưởng một lần nữa. Anh ngơ ngác như người bị mất phương hướng. Ông Bộ trưởng thấy thế mỉm cười nói thêm:

- Đồng chí sẽ còn ngạc nhiên hơn, nếu biết đồng chí Bân ngay trước khi tổ chức thăm dò đã phát hiện những biểu hiện tiêu cực và đề nghị Bộ không nên tổ chức thăm dò. Đồng thời, đồng chí ấy đã đề xuất với lãnh đạo Bộ xem xét bổ nhiệm đồng chí vượt cấp. Nhưng để đảm bảo dân chủ, một mặt Bộ vẫn tổ chức thăm dò, mặt khác chúng tôi cử người xác minh những phát hiện của đồng chí Bân. Kết quả là đồng chí Bân đã đúng và đề xuất của đồng chí ấy cũng khớp với ý kiến của các cơ quan theo dõi cán bộ của Bộ.

- Nhưng thưa Bộ trưởng tôi không thể làm được ạ! Tôi chỉ là Giám đốc một nhà máy, chưa đủ trình độ và kinh nghiệm để làm Tổng Giám đốc – Thân nói với giọng khẩn khoản.

Ông Bộ trưởng vẫn bình thản:

- Những điều đồng chí vừa nói, chúng tôi đều đã xem xét và thấy rằng với phẩm chất và năng lực hiện có, đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mới của mình.

- Xin Bộ trưởng cho tôi ở lại nhà máy, vì tôi chỉ thích hợp với nghề cơ khí! – Thân vẫn tìm cách thoái thác. Ông Bộ trưởng nghiêm nghị nhìn Thân, nói rành rọt:

- Tôi được biết đồng chí đã từng là một người lính, phải không nào? Vậy đồng chí hãy chấp hành mệnh lệnh!.

Thân lưỡng lự rồi từ từ đứng lên, bất ngờ dật mạnh hai tà áo phía trước và dập gót chân đứng nghiêm:

- Báo cáo Bộ trưởng, tôi xin chấp hành!

Bộ trưởng tiến đến bên Thân, xiết chặt tay anh và cười mỉm.

*        *

*

Trên đường về nhà Thân không sao xua đuổi được những ý nghĩ về ông Bân – một cựu Chính ủy của Trung đoàn anh thời chống Mỹ. Anh nhớ lại cách đây hai năm, khi nhà máy của anh gặp khó khăn tưởng chừng không trụ nổi, ông Bân đã vỗ vai anh và động viên anh chỉ bằng một câu ngắn gọn:

- Chúng ta hãy làm những người lính dân sự!

Bây giờ nghĩ lại càng hiểu hơn ý tứ của ông Bân. Thân cảm thấy xấu hổ vì đã có những phút giây nghĩ không đúng về ông. Không hiểu vợ anh sẽ phản ứng như thế nào khi nghe anh thuật lại cuộc gặp gỡ vừa rồi với Bộ trưởng. Thân đột ngột tăng ga và phóng nhanh về phía trước với tâm trạng khó tả, mừng vui có, mà lo cũng nhiều./.

Tác giả : Lưu Trọng Hồng

Bình luận

Bài viết liên quan

Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip