Nỗi niềm người con gái lấy chồng gần

21:17 - 15/01/2018

Bút ký của Nguyễn Thị Hồng Tư

    Ngày đi lấy chồng tôi không hề rơi một giọt nước mắt, đó là điều ngỡ ngàng nhất đối với tất cả bà con anh em bạn bè tôi trong hôm đưa dâu, bởi bình thường tôi là đứa đa sầu đa cảm, có thể khóc bất cứ lúc nào. Trong tôi lúc ấy chỉ nghĩ một điều đơn giản: nhà chồng chỉ cách nhà mình chưa đến hai chục cây số, cưới xong chồng đi làm xa, tôi ở nội trú đi dạy, nghĩa là cũng giống như chưa có chồng, chẳng có gì mà lo lắng sợ hãi, lúc rảnh rỗi có thể về với ba mẹ, như bình thường tôi vẫn một tuần về nhà một lần. Nhưng một điều mà hôm đưa dâu tôi không hề biết, là tôi thì không khóc, nhưng sau lưng tôi lại có nhiều người lặng lẽ lau nước mắt. Đến Tết 2018 này là tròn mười năm. Mười năm trôi qua rồi, mỗi lần nghĩ lại điều này tôi mới thật sự nhận ra được một điều như là chân lý, rằng khi lấy chồng rồi, bạn đâu còn được là bạn được nữa !

    Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố mẹ tôi thuộc lớp người đi xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm sáu mươi bảy mươi. Mỗi người một nơi, gặp nhau và xây dựng gia đình khi cả bố và mẹ đều là công nhân của một nông trường. Tôi lớn lên trong môi trường của những con người đều có chung một hoàn cảnh: xa quê. Những người xung quanh tôi, Quảng Bình có , Hà Tĩnh có, rồi Thanh Hoá, Hải Dương, Thái Bình và cả nhiều người từ miền Nam ra tập kết và neo lại trên vùng đất mới này. Nhà nào gần vài chục cây số thì mỗi năm đến Tết về quê một lần, nhà nào trên trăm cây thì có khi mấy năm mới về, thời ấy đi lại khó khăn lắm. Nhà tôi ngoại cách mười lăm cây, một năm về vài lần; nội thì đến tám chục cây, có khi cả mấy năm không về cho dù ba tôi là con trai duy nhất. Bao nhiêu năm sống cùng ba mẹ tôi nhận ra một điều nhà tôi ít khi được đón một cái Tết vui, vì năm nào cứ đến dịp Tết ba tôi cũng đều bị ốm. Ai mê tín sẽ nghĩ nhà tôi có ma, chỉ có mẹ tôi hiểu, và dần dần lớn lên tôi mới thấm. Ba thoát ly gia đình sớm, anh em ly tán, ông bà nội tôi cứ thui thủi một mình cho đến khi mất. Ba luôn sống trong niềm u uất của một người nặng lòng với quê hương và gia đình nhưng vì điều kiện mà không thể làm gì hơn ngoài việc một năm, có khi vài năm mới về quê được một lần. Tết đến ba cứ lăn ra ốm, tôi hiểu đó là tâm bệnh. Hồi đó cứ Tết đến là pháo vang đầy trời, nhà tôi lại không hề đốt pháo, không phải vì nhà chỉ có hai đứa con gái. Ba tôi bảo “Đốt pháo chẳng qua là đốt tiền. Tiếng pháo là thay cho tràng vỗ tay khi gia đình sum vầy vui vẻ, nhà mình có vui đâu mà vỗ tay”.

    Con người ta mỗi ngày qua đi là một ngày được lớn lên. Bao nhiêu cái Tết qua đi trong đời, tôi mới thấm thía giá trị của chữ sum vầy, đặc biệt là trong thời đại con người cứ bị cuốn vào với cuộc mưu sinh. Chị em tôi lần lượt lấy chồng, ba mẹ thì ngày qua tháng lại già đi. Ông trời run rẩy thế nào rồi ba mẹ tôi cũng đến lúc từ giã mảnh đất gắn bó mấy chục năm để về quê, ở trên mảnh đất ông bà ngoại tôi. Tôi cũng mua nhà riêng cách ba mẹ chỉ một cây số. Một sự thuận lợi trời sắp, ai cũng nghĩ vậy. Em gái công tác và lấy chồng xa, tôi là người hưởng may mắn được nhờ ba mẹ và cũng gánh luôn trách nhiệm nặng nề như một đứa con trai. Cho đến ngày đọc được câu chuyện của bao nhiêu người về cái gọi là “Tết nhà ngoại”, tôi mới chột dạ nhận ra rằng, từ ngày lấy chồng cho đến hôm nay, tôi chưa hề đón giao thừa cùng ba mẹ. Bốn năm trước ba tôi mất, mẹ sống thui thủi một mình. Âu đó là một điều vô thường, ai cũng thản nhiên lướt qua. Tôi bận bịu con cái, việc nhà, việc cơ quan, ngày cuối năm cứ bắt mẹ chấp hành lịch của mình vì tôi còn phải lo tất niên nhà mình, tham gia tất niên nhà chồng và nhà anh chị em chồng. Thế là mẹ cứ phải chọn ngày vợ chồng tôi rảnh mới làm tất niên. Cũng chỉ có ba người lớn với hai đứa nhỏ. Có năm mẹ tự cúng rồi tự dọn ăn một mình. Vợ chồng em gái tôi đều xa quê nên cũng lên lịch mỗi năm ăn Tết một nhà. Năm đầu ba mất là đến phiên nhà nội, mẹ chồng nó bảo năm nay cho hai đứa về ăn Tết với mẹ kẻo mẹ buồn. Thế là để công bằng, hai vợ chồng chia nhau ăn Tết hai nơi. Vậy là cách nhà ba trăm cây số, em gái tôi một hai năm lại được đón giao thừa với nhà ngoại một lần. Còn tôi, chỉ một cây số, chưa bao giờ giao thừa tôi có mặt nhà ngoại, thậm chí có năm bận rộn quá cũng quên luôn việc gọi điện xem giao thừa mẹ cúng gì. Cuộc đời con người đôi lúc lại trái khoáy trở trêu thế đấy. Ừ thì ai cũng nghĩ ở gần có một cây số, nhà mẹ cũng giống nhà mình, ngày nào mà chả có mặt. Thế nhưng không mấy ai nghĩ đến một điều rằng giao thừa là giây phút thiêng liêng lắm. Tại sao bình thường đó là giờ ngủ mà không ai buồn ngủ, kể cả những đứa trẻ con. Chồng tôi, khi con trai đầu mới ba tuổi, giờ giao thừa cũng xốc nó dậy cho dù nó khóc ré lên giận dỗi. Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày con người phải lăn lộn với mưu sinh, giao thừa là lúc để mỗi người bình tâm nghĩ lại mình đã làm gì trong năm vừa qua và cầu mong cho một năm mới tốt đẹp; là lúc cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm áp chia nhau chuyện vui, bỏ qua chuyện buồn ; thậm chí là bạn bè, hay những cặp đôi đang yêu, giao thừa có khi là giây phút hoá giải giận hờn để khăng khít hơn. Một phút thôi, nó có giá trị hơn bao nhiêu ngày đã trôi trong một năm dài. Giao thừa được gọi là thiêng liêng là vì thế. Những người con gái lấy chồng xa, chắc chắn ai cũng mong một lần được đón giao thừa nhà ngoại để được sống lại những ngày mình còn bên mẹ bên cha, sống lại những đêm giao thừa được mẹ bồng dậy mặc cho quần áo mới. Còn những người chỉ cách mẹ một cây số như tôi, có ai nghĩ rằng mới năm giờ chiều gặp mẹ đấy thôi, đến sáng mai mồng một lại có mặt ở nhà mẹ rồi, thì mười hai giờ đêm nó cũng chỉ là một khoảnh khắc. Đơn giản chỉ là một sự vô tình, hay đó là nếp nghĩ ngàn năm ăn sâu bám rễ trong tư tưởng con người Việt Nam rằng con gái lấy chồng rồi là hết. Hoặc trong tôi và những người phụ nữ ấy, có khi vẫn có mong muốn rằng giờ giao thừa cả nhà quây quần cùng mẹ rồi sau đó về nhà mình nhưng lại không thể nói ra? Sâu lắm, xa lắm chỉ có những người đã từng đi lấy chồng mới có thể hiểu được. Đêm giao thừa, mẹ sẽ một mình thắp nhang lên bàn thờ ông bà, rồi một mình lắng nghe năm nay con gì kêu để nghĩ đến một năm được mùa hay mất mùa; rồi cũng một mình nghe trước mặt, sau lưng mình hàng xóm con cháu rộn ràng bên mâm cỗ giao thừa. Mẹ đã bao đêm một mình như thế, cái lẽ đời vô thường có gì đâu, nhưng đêm giao thừa sao mẹ vẫn cứ một mình như trên đời chưa hề có con vậy?

    Tôi cực lực phản đối ý kiến ai đó đề nghị bỏ Tết cổ truyền Việt Nam (tất nhiên cũng thông cảm với cái lý của họ rằng Tết ngày nay quá lãng phí, nó không còn cổ truyền nữa.). Thử hỏi nếu không có Tết, khi nào con cái nghĩ đến việc quây quần bên cha mẹ, đặc biệt là những người làm việc và sinh sống  xa quê; bạn bè lâu ngày không gặp khi nào nghĩ đến việc đi thăm hỏi nhau?  Người Việt bao đời cái gì cũng đợi đến Tết. Tân trang nhà cửa, mua sắm quần áo mới đợi đến Tết. Có con gà con vịt nuôi cũng dành đến Tết. Thậm chí những người chưa vợ chưa chồng mỗi lúc có ai hỏi chuyện trăm năm thấy khó nói cũng bảo đợi đến Tết. Tết trong sâu thẳm tâm hồn người Việt luôn được chờ đợi, Tết là biểu hiện của văn hoá. Chỉ bởi một điều, thời hiện đại con người quá bận bịu, rồi nhiều người làm ra được nhiều tiền, Tết Việt bỗng nhiên bị Tây hoá đi. Nhiều người lo quần quật không xong cho ba ngày Tết. Nhiều người chọn Tết là dịp để bàn thờ ông bà nguội lạnh để đi du lịch, để thăm bạn bè xa. Ba ngày là xong Tết, lại quay cuồng với cơm áo cho đến một năm sau. Thế nên, điều được chờ đợi như Tết đáng lẽ rất thiêng liêng lại trở nên bình thường. Phụ nữ thì tất bật với mua sắm, nấu nướng; đàn ông thì ngập trong bia rượu. Sau ba ngày Tết có khi cả tuần mới được hoàn hồn.

    Làm sao để Tết vẫn là niềm chờ đợi, Tết vẫn là cổ truyền? Tôi chợn nghĩ có lẽ mỗi người ta bớt chăm lo cho cái bề ngoài phù phiếm đi, hãy đơn giản đi chuyện ăn Tết chơi Tết để nghĩ đến một điều rằng Tết là để sum vầy. Không cần thịt cá đầy tủ lạnh, không cần bia chất đầy nhà, mà chỉ là được cười thoải mái sau một năm bận rộn. Đời người suy cho cùng rồi cũng là cát bụi, cái quý giá còn lại trong mỗi người vẫn cứ là sức khoẻ và tình thân. Con người ta sinh ra đã có một gia đình, khi đi lấy vợ lấy chồng thì có thêm một gia đình nữa. Đáng lẽ đó phải là điều hạnh phúc nhất. Thế nhưng, cái khái niệm nội-ngoại vẫn còn có một khoảng cách xa lắm trong tư tưởng nhiều người. Người con gái đi lấy chồng vẫn phải gánh trên vai cái “giang sơn nhà chồng” đôi khi rất  khủng khiếp. Do đâu mà ra? Tất cả là từ tư tưởng. Vẫn còn nhiều người mang cái tư tưởng lạc hậu của “tam tòng tứ đức“ vào xã hội hiện đại. Đặc biệt không ít đàn ông Việt Nam vẫn mang trong mình tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, nam quyền. Trong khi xã hội kêu gọi bình đẳng nam nữ, phụ nữ đa số đã không còn cam chịu nhẫn nhục nữa thì điều này đã tạo nên một sự “lệch pha” trong quan hệ gia đình và xã hội. Hệ quả của sự “lệch pha” ấy là những câu hỏi mà nhiều người đã từng nghe: Tại sao nguyên đơn các vụ ly hôn thường là phụ nữ?  Tại sao càng ngày càng có nhiều phụ nữ chấp nhận làm mẹ đơn thân?. Ai là người trả lời cho những câu hỏi này ngoài những người đàn ông?! Trong chuyện ăn Tết, ở nhiều gia đình Việt Nam ta cũng dễ thấy nhiều điều không công bằng với phụ nữ . Phụ nữ rõ ràng cả năm quên việc nhà mình để lo việc nhà chồng rồi, nhưng đến Tết vẫn khó khăn lắm mới sắp xếp được để về ăn Tết nhà ngoại. Một mặt là gánh việc nhà chồng quá nặng; một mặt là tư tưởng của những người làm chồng, làm cha mẹ chồng cũng…còn nặng. Mong cho những người làm chồng, và cả làm cha mẹ chồng cần suy nghĩ thoáng hơn. Thế kỷ của “tam tòng” thực sự cần phải xoá bỏ. Hãy đơn giản chuyện cúng quải ông bà, đơn giản chuyện tiếp đãi bạn bè để những người phụ nữ không bị biến thành ô sin trong ba ngày Tết. Tết là chỉ cần được sum vầy. Tôi đã được tiếp xúc với nhiều phụ nữ sinh hai con đều là trai. Họ không nặng nề chuyện nối dõi, mà chỉ nghĩ một điều: đời mình đi lấy chồng đã khổ, nếu sinh con gái thì phải khổ thêm một lần nữa bởi cái phận “nhà ngoại”. “Nhà ngoại” là gì mà phải đội con rể lên đầu để con gái mình đỡ khổ. “nhà ngoại” là gì mà khi cần cũng không dám gọi con gái giúp. Nhà ngoại là gì mà “con dại cái mang”, con đi lấy chồng có sai sót thì cúi đầu trước thông gia nhận lỗi…Còn nhiều lắm cái vô lí của khái niệm “nhà ngoại” mà bao nhiêu phụ nữ Việt Nam vì con cái, vì sĩ diện mà nín lặng. “Nhà ngoại” không mang nặng đẻ đau, không nuôi nấng dạy dỗ sao? Thẳm sâu trong lòng những người được gọi là “nhà ngoại” thì đây là nỗi đau. Đêm giao thừa, chắc chắn người cha người mẹ nào cũng nhớ đến đứa con gái đã đi lấy chồng hơn là đứa con trai đi lấy vợ. Đó không phải là bất công, mà là nước mắt chảy ngược. Tôi muốn đàn ông Việt Nam hãy thay đổi tư tưởng, không đơn giản chỉ là chuyện anh sẽ có con gái đi lấy chồng, mà là chuyện vợ anh cũng như anh, cũng có mẹ cha sinh ra và nuôi dạy khôn lớn; là chuyện của một xã hội bình đẳng, văn minh. Sẽ không còn những đám cưới mà giờ đưa dâu cả nhà khóc như đám ma. Sẽ không còn quan niệm đẻ con gái là như không, con gái đi lấy chồng là mất hết. Và nhiều nữa những nỗi niềm mà biết bao nhiêu người trong cuộc lẫn ngoài cuộc gác tay lên trán mãi không tìm được một câu trả lời cho thoả đáng. Tư tưởng, thứ có thể làm nên nhiều thứ khác, phải tiến bộ thì mỗi người mới được hạnh phúc, xã hội mới thực sự có văn minh.

    Tết nhà ngoại, cám ơn người đã đưa ra ý tưởng này. Cho những phụ nữ lấy chồng xa được an ủi. Rồi cả những người lấy chồng gần như tôi có lúc ngẫm lại mình.

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Tư

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip