Nơi tôi tìm thấy những tri âm

22:19 - 05/11/2015

Cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng của Nguyễn Thị Hồng Tư về quê hương, về những con người Cao Lao Hạ trong lễ kỷ niệm 5 năm caolaoha.com

 

Văn chương chân chính là những gì được viết ra từ tận đáy lòng, không phải cứ “đặt hàng” là có thể viết được. Vì vậy mà khi đọc văn, người ta có thể thấy trong đó là cả một con người, một cuộc đời. Nhưng thật ngược đời, người viết văn đôi lúc vẫn thấy mình cô độc, bởi những gì họ viết ra, người đọc chỉ có thể biết mà không thể hiểu, hoặc là hiểu sai. Tôi đã từng nghĩ đến điều này và quyết tâm từ giã viết lách cho dù có nhiều người khích lệ. Đôi lúc nghĩ mình thật hèn nhát khi không đủ dũng khí để sống chung với nợ văn chương. Thế rồi thật bất ngờ, tôi cầm bút trở lại trước sự thúc giục của một tình yêu.

 

Tôi viết những dòng này sau khi được trực tiếp tham gia với những người đồng hương - những tri âm, trên chính quê hương mình tại buổi lễ mừng sinh nhật Caolaoha.com tròn 5 tuổi. Đây là lần thứ hai tôi được đứng giữa không khí việc làng tại ngôi đình làng  khang trang bề thế. Khác với lần trước, tôi chỉ dám đứng đằng sau nhìn mọi người vui vẻ, lần này tôi mạnh dạn hoà vào không khí chung với những con người thân tình, tếu táo. Trước đó một ngày, sắp xếp cho chuyến đi mà tinh thần đã chuẩn bị từ lâu, tôi vẫn cảm thấy lo lo gì đó. Có thể cũng do một thời gian dài căng thẳng vì công việc, cuộc sống, nên sự tự tin trong con người nó đã giảm bớt đi. Chiều 30 tháng 10 được nghỉ , tôi gọi cho cô bạn thân, một người vốn được Bồ Tát bảo hộ: “Mi hỏi Bồ Tát giùm xem tau đi Bố Trạch có thuận lợi không?”. “Hôm ni ngày Mão mi đi mô?”. Ờ! Tôi chưa bao giờ là người sống vô thần, nên câu nói của cô bạn không hề thừa một chút nào. “Thì mai 4 giờ dậy đi, có chi mô”.

 

4 giờ sáng. Lệ Thuỷ mưa tầm tã. Cái cảm giác được đi một mình giữa đường mà chẳng phải tránh ai thật thích. Người ta vẫn thường nghĩ: người phụ nữ đủ bản lĩnh để nghĩ rằng “không có gì là không làm được” là người khổ. Hình như tôi thuộc tuýp người này. Mà có gì là khổ đâu khi chỉ gần 80 cây số mà được gặp người này người kia, được cười thoải mái giữa không khí đậm tình đồng hương. Mua cái niềm vui, niềm hạnh phúc rẻ thế, tại sao không. Người Hà Nội Sài Gòn còn về được huống gì mình ở ngay đây.

 

Tôi là người nhập hộ khẩu muộn vào Caolaoha.com. Mới chỉ tròn 6 tháng, chưa đủ tiêu chuẩn để được… hưởng một diện ưu tiên nào(!), vậy mà trong “gia đình” này, tôi được hưởng quá nhiều những ưu tiên so với những gì tôi tưởng. Những bài viết của tôi đã được nhiều người đọc và hiểu, cũng chính là họ đã hiểu tất cả những gì tôi dành cho quê hương, nơi tôi không sinh ra và lớn lên, nhưng là nơi mà khi nhắc đến, chị em tôi đưa nào cững tự hào và khao khát được về thăm. Bởi, hình ảnh quê hương, chị em tôi đã được ba mình nuôi lớn từ trong máu thịt, bằng hàng trăm câu chuyện từ thuở bi bô cho đến khi chúng tôi trưởng thành. Nó đã thấm rất sâu, rất sâu. Và điều đó là duy nhất. Tôi cũng đã từng chọn Cao Lao Hạ là nơi giải nghĩa những mệt mỏi của đời người để tìm thấy bình yên thanh thản khi tôi còn là cô gái mười tám đôi mươi. Tôi chỉ biết công nhận mà không thể giải thích được điều này.

 

Sau lời giới thiệu của chú Lê Chiêu Phùng, tôi thấy đồng chí Chủ tịch xã lên đánh trống. Ờ, lạ quá! Mà đúng rồi. Tiếng trống đình là một hình ảnh vô cùng độc đáo của văn hoá làng xã Việt Nam mà. Biết rồi mà chưa từng thấy nên tôi ngỡ ngàng lắm. Rồi, sao chú ấy không đánh trống mà lại đi đâu. Cầm đùi trống vào bên trong cúi lạy Thành Hoàng. Tôi vỡ oà mọi điều. Đôi lúc ở tuổi 35, người ta vẫn sẽ thấy mình còn rất bé trước những điều lần đầu tiên được tận mắt. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông trường Lệ Ninh (Lệ Thuỷ), nơi mà dân ở đó mỗi người một quê, họ là những người đi công nhân, những người đi tập kết rồi neo lại; nơi mà mọi thứ đều dùng hai từ tập thể để giải quyết, không có phong tục, tập quán; sống bằng thói quen và lề lối riêng của mỗi gia đình, và hai từ quen thuộc nhất của những đứa trẻ đó là VỀ QUÊ. Vì vậy mà hình ảnh đồng chí Chủ tịch xã cúi lạy Thành Hoàng làng và âm thanh tiếng trống đình với tôi là thiêng liêng thật sự.

 

Tôi được chú Quang dẫn đi giới thiệu với người này, người khác. Tôi được gặp bao nhiêu người mà bấy lâu nay tôi chỉ được biết mặt, hoặc chỉ là những cái tên (hoặc là một chút nhận diện nhân tướng, một khả năng khá tốt của tôi từ bé). Các o, các chú, các anh, ai cũng vui mừng, hồ hởi, thân thiện. Con người làng Hạ trong tôi bấy lâu nay là đây, thiệt thà, tình nghĩa.Tôi, tự trong lòng vui và xúc động lắm, nhưng vẫn có cái cảm giác lạc lõng vì không nói được tiếng làng Hạ. Thật nể anh Hải sống ở Hà Nội từ nhỏ, vẫn ngọt ngào giọng Bắc mà tiếng Kẻ Hạ vẫn không lạc vào đâu được. Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, như có cái cảm giác của tình ruột thịt. Tôi như đứa con, đứa em đi xa lâu ngày được trở về với mái ấm thân yêu. Trước lúc đến đây, tôi đã tự dặn lòng mình rằng không được khóc bởi tôi biết rằng quê hương trong tôi là những tháng ngày khổ cực của ba, của ông bà nội, của các bác, các o tôi; là li tán, chia cắt. Có lẽ vì điều này mà sau khi nghỉ hưu, ba tôi không về quê, ba sợ gặp lại những nổi niềm mà mỗi lần nghe nhắc đến là chị em tôi không ai kìm lòng được. Và  tôi đã làm đúng lời hứa với mình. Xung quanh tôi ai cũng cười vui, thoải mái hết cỡ, như là không có cả thời gian để dành cho những tâm tư. Anh Hải hỏi tôi “Có vui không em?” đúng là thừa thật. Chú Lưu Quang Vinh tếu táo mà thân tình, chú Lê Chiêu Phùng không khác cái cảm nhận nhân tướng của tôi về chú: hiền từ, ý nhị, cần mẫn. O Hoa, O Phước gần gũi như những người chị. Thầy Quỳnh nhân hậu, chân thành. Chú Quang, chú Lĩnh, người ôm, người xoa đầu như là ba tôi kề cận… Không vui sao được. Tất cả mọi người đã là tri âm của tôi, điều mà bao nhiêu người khác không dễ gì có được. Và tôi biết, không chỉ những người tôi được gặp nơi đây, mà còn có nhiều người tôi chưa có dịp được gặp mặt, họ cũng là những tri âm của tôi nhờ sức lan toả của trang báo làng. Cám ơn anh Lưu Đức Hải đã hết lòng với quê hương qua trang báo. Cám ơn chú Đặng Văn Quang đã tìm tôi về với quê hương để tôi có được những tình cảm quý giá như hôm nay.

 

Cổ nhân từng nói:      

 

Hoàng kim vạn lạng còn dễ kiếm

Thế gian tri kỉ thật khó tìm

 

Tri kỉ thì cả đời người đôi khi ta không thể tìm thấy được, nhưng sống trên đời thì không thể thiếu những tri âm. Caolaoha.com đã mang đến cho tôi những tri âm, để những lặng lẽ mỏi mòn trong cuộc sống của tôi luôn được chia sẻ. Tôi chia tay làng Hạ trở về Lệ Thuỷ khi đã hết ngày. Dư âm của cuộc vui vẫn còn đó. Tôi vẫn mong chờ một cuộc tái ngộ ở những ngày sau.

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Tư

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip