Lời Ban biên tập: Hạ Trạch nằm ở vị trí thuận lợi cả giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không: (i) Đường bộ: nằm ngay trên ngã ba giao cắt giữa QL1A và QL2B, trong đó đoạn QL2B chạy qua xuyên làng dài khoảng 4 km; (ii) Đường sông: có sông Gianh chảy qua, làng chỉ cách cảng Gianh 5 km, cách của biển 6 km thuận lợi cho vận tải đường sông, biển; (iii) Đường sắt: cách các ga sép Minh Lệ 7km, Ngân Sơn 5 km, cách ga đường sắt Đồng Hới 30 km; (iv) Đường hàng không: cách sân bay Đồng Hới 27 km.
Từ Hạ Trạch đến các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh khá dễ dàng do khoảng cách đến các trung tâm không xa và chất lượng đường giao thông nối làng với các trung tâm rất tốt. Từ Hạ Trạch đến Đồng Hới là 30 km; đến khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng là 35 km theo đường bộ và 17 km theo đường sông; đến Khu kinh tế Hòn La (đang xây dựng) khoảng 30km; đến khu kinh tế của khẩu Cha Lo 150km.
Ví trí trên tạo cho Hạ Trạch có thuận lợi rất lớn trong giao lưu hàng hóa, hành khách, trao đổi lao động, chuyển giao công nghệ với bên ngoài, đặc biệt là với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của tỉnh; đồng thời có thể phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, điểm dừng chân tại khu vực giao cắt 2 đường Quốc lộ qua xã; gần cầu Gianh có thể xây dựng cảng cá và làm nơi trú bão tàu thuyền hoặc xây dựng bến cá tại doạn sông ngang Đồng Phố để thuyền bè ra vào buôn bán với xã (thời xa xưa đây là bến thuyền lớn). Đây là một lợi thế lớn mà không nhiều xã trong huyện có được. Tuy nhiên, cần lưu ý tới mặt trái của sự giao lưu thuận lợi, đó là sự du nhập dễ dàng của các hình thức văn hóa mới, trong đó có nhiều hình thức khác biệt với các thuần phong mỹ tục của quê hương.
Xin giới thiệu bài viết ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN DU LỊCH của anh Nguyễn Chung Quý
ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN DU LỊCH
Trên thế giới Du lịch từ lâu được gọi là ngành “công nghiệp không khói”, là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia. Nhiều nước, mặc dù tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản không nhiều, công nghiệp không phát triển mạnh nhưng nhờ Du lịch đã trở nên giàu có, thịnh vượng.
Hòa chung với du lịch thế giới, ngành du lịch của nước ta cũng đang bước vào thời kỳ phát triển. Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến an toàn, thân thiện của du khách. Du lịch đã giải quyết công ăn, việc làm cho hàng vạn lao động, đặc biệt là góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, thân thiện ra toàn thế giới.
Được thiên nhiên ưu đãi, với địa hình, tài nguyên đa dạng, phong phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, nhất là từ khi được UNESCO công nhận Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2003), Quảng Bình nói chung, huyện Bố Trạch nói riêng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”. Nhờ cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bố Trạch đã đón gần 04 triệu lượt khách đến du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt 1.132 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 9,7%.
Nằm phía Bắc của huyện Bố Trạch, xã Hạ Trạch với địa thế cảnh quan có tiền sơn, hậu thủy, giữa là đồng bằng trù phú tốt tươi, diện tích tự nhiên 1.840ha, dân số trên 5.000 người. Trải qua hơn 550 hình thành và phát triển, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều di tích thuộc địa bàn xã Hạ Trạch được Bộ VH – TT & DL và UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh, như: Bến phà Gianh, Đình làng Cao Lao Hạ, Thành Lồi, Đường Ba Trại, lăng mộ Danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải. Cùng với những di tích đã được công nhận còn có các địa danh khác nữa gắn liền với chứng tích chiến tranh, lịch sử phát triển của địa phương, đó là: Bến đò ngang sông Gianh – nơi ghi dấu những chuyến đò vượt qua mưa bom, bão đạn để vận chuyển quân lương, đưa bộ đội qua sông vào Nam đánh giặc, là Cụm tượng đài Giao thông vận tải Nam cầu Gianh – nơi ôn lại những chiến công đã tô thắm trang sử truyền thống vẻ vang của ngành Giao thông Vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Giếng Hóc – nơi diễn ra trận đánh “Ôm hè”, bộ đội cùng du kích phối hợp cướp súng của giặc Pháp, và đó hệ thống Nhà thờ Họ, Lễ Thành Hoàng làng, Lễ Thanh Minh Cồn Cui. Những tên đất, tên làng đã tạo nên những giá trị văn hóa, lịch sử cho một miền quê hương, đồng thời đó cũng là tiềm năng để làm nền móng phát triển du lịch.
Trước những năm 2000, trong cơ cấu kinh tế của xã Hạ Trạch, cũng như nhiều địa phương trong huyện, trồng trọt và chăn nuôi đóng vai trò chủ yếu. Để giải quyết vấn đề lương thực và an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, Hạ Trạch đã ưu tiên dành phần lớn diện tích để trồng lúa, hoa màu. Nhờ có hồ Vực Sanh và hồ Cửa Nghè cung cấp nước tưới nên phần lớn đất lúa trên địa bàn xã Hạ Trạch trồng được hai vụ, cây trồng 4 mùa tươi tốt, mùa màng bội thu. Mặc dù vậy, thu nhập của người dân tính theo đầu người vẫn không cao.
Xác định muốn nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân thì cần phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhận thấy được những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, được sự quan tâm của Sở KH & CN, Sở Thủy sản tỉnh Quảng Bình, của lãnh đạo huyện Bố Trạch, địa phương đã chủ động nghiên cứu, quy hoạch hàng chục héc ta đất vùng Bàu, vùng hoang hóa trước mặt làng, vùng đất ngập nước mặn lợ phía hậu làng để bà con nhân dân đấu thầu xây dựng hồ nuôi tôm, cua, cá. Từ chủ trương đúng đắn, nhiều hộ gia đình đã huy động vốn mua đất xây dựng ao hồ, mua giống, đầu tư công sức phát triển nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhờ thay đổi cơ cấu kinh tế, chỉ trong thời gian từ năm 1996 với vài chục hộ tham gia nuôi trồng thủy sản, đến năm 2020 đã có trên 200 hộ, năng suất đạt 300 tấn/ năm (theo số liệu trong Báo cáo năm 2020). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng. Cụ thể, năm 2000, thu nhập của người dân chỉ hơn 2 triệu đồng/năm thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/ người/ năm, tăng gần 20 lần so với năm 2000. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 2,12%/ KH 2,5%. Dự tính thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 62 triệu đồng/người.
Để có được những kết quả như vậy là nhờ có chủ trương đúng đắn, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân Hạ Trạch trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, nếu so sánh với thu nhập bình quân của toàn huyện Bố Trạch trong năm 2020 là 48,1 triệu đồng (Theo số liệu báo cáo trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXIII) thì thu nhập bình quân của xã Hạ Trạch như vậy là còn khá khiêm tốn. Tương tự, kế hoạch đến năm 2025 là 62 triệu/ người/ năm so với bình quân 70 triệu của toàn huyện là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của xã.
Trong khi đó, với sự biến đổi của khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, cộng thêm sự tàn phá của con người nên môi trường ngày càng ô nhiễm. Cụ thể, trên đồng đất Hạ Trạch đã có những vụ mùa bỏ không vì hạn hán, nuôi trồng thủy sản mặn lợ những năm gần đây cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, nhiều vụ nuôi bà con đầu tư lớn nhưng thu nhập thấp, thậm chí mất trắng. Vùng Bàu nếu cứ mạnh ai người nấy làm, thiếu sự quy hoạch, định hướng, thiếu sự quan tâm của chính quyền và các ngành liên quan, chắc chắn trong vòng ít năm tới nơi này cũng sẽ bị ô nhiễm, đến lúc đó không chỉ nuôi trồng thủy sản mà trồng trọt, chăn nuôi cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Từ tình hình thực tế như vậy, về lâu dài để phát triển vững mạnh, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Hạ Trạch không thể chỉ dựa vào Nông nghiệp mà cần phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành nghề, dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đặc biệt, trong xu thế chung, với những lợi thế và vị trí địa lý thuận lợi mà Hạ Trạch có được, địa phương cần có những đột phá, lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXIII đã đề ra.
Biết rằng muốn phát triển du lịch cần phải có nguồn đầu tư lớn, trong khi ngân sách địa phương hạn chế, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, đó cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương gặp phải khi muốn phát triển du lịch. Và để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết địa phương cần được sự quan tâm, ủng hộ của Huyện ủy, UBND huyện và các ngành liên quan, sự thống nhất trong BTV, Đảng ủy xã, có nghị quyết về phát triển du lịch, hoàn thiện cơ chế, chính sách về du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục liên quan, quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm du lịch.v.v
Ngày nay, cứ vào dịp đầu năm mới, và các ngày lễ, Tết, rất nhiều người có nhu cầu đi vãn cảnh, lễ chùa cầu an, cầu tài lộc, may mắn. Nếu địa phương đầu tư khôi phục, xây dựng lại được Chùa làng, đó sẽ là một bước đột phá để thúc đẩy ngành kinh tế du lịch trên địa bàn xã phát triển. Lúc đó, cùng với các di tích lịch sử trên địa bàn xã, hệ thống Đình, Chùa, Nhà thờ họ sẽ hình thành một chuỗi du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, và chắc chắn sẽ được đông đảo bà con nhân dân cũng như du khách tập phương lựa chọn. Cùng với các di tích lịch sử, văn hóa, những địa danh, chứng tích chiến tranh trên địa bàn, xã Hạ Trạch còn được thiên nhiên ưu đãi có hai hồ chứa nước. Đặc biệt là hồ Cửa Nghè, nơi chỉ cung cấp nước tưới nên địa phương có thể xem xét, tính toán trữ lượng nước để vừa phục vụ sản xuất, vừa có thể đầu tư xây dựng, phát triển du lịch. Sau khi thống nhất, ban hành nghị quyết, địa phương vận động, kêu gọi người dân gần khu vực hồ chuyển đổi từ chăn nuôi, nuôi trồng sang làm du lịch, đồng thời phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hy vọng, trong tương lai gần, những tên đất, tên làng, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Hạ Trạch sẽ được điền vào tuyến du lịch về nguồn, du lịch tâm linh của huyện nhà, giúp cho ngành “Công nghiệp không khói” của huyện Bố Trạch thêm phong phú, hấp dẫn, đồng thời giúp thúc đẩy kinh tế của xã Hạ Trạch nói riêng, huyện Bố Trạch nói chung phát triển vững mạnh.
Hạ Trạch, tháng 3 năm 2022
Nguyễn Chung Quý