TỪ MỘT ĐỊA PHƯƠNG THUẦN NÔNG
XÃ HẠ TRẠCH CÓ NHỮNG BƯỚC ĐỘT PHÁ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
ĐÁNG ĐƯỢC GHI NHẬN
Hạ Trạch nằm phía bắc của huyện Bố Trạch với diện tích tự nhiên trên 1.840 ha trong đó diện tích trồng lúa chỉ có 228 ha. Hạ Trạch không chỉ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng mà còn hội tụ đầy đủ thế mạnh về nông, lâm, thủy sản… thế nhưng vẫn thuộc diện chậm phát triển bởi Hạ Trạch chưa bứt phá ra khỏi tư duy thuần nông đã kéo dài hàng chục năm qua.
Những năm 1990, kinh tế của xã Hạ Trạch chủ yếu dựa vào trồng lúa và hoa màu nhằm giải quyết vấn đề lương thực. Cũng vì thế mà các thế hệ Lãnh đạo địa phương lúc bấy giờ luôn giành phần lớn diện tích để trồng lúa và hoa màu nên thu nhập của người lao động quá thấp so với các địa phương khác trong khu vực. Mãi đến Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ 19 nhiệm kỳ 1996-2000 được xem là dấu mốc về sự đổi mới căn bản của địa phương về tư duy phát triển kinh tế- xã hội. Cũng từ Đại hội này, các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, mở rộng diện tích thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích mới được triển khai. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cùng với phát triển mạnh về nông nghiệp, dịch vụ, mở mang ngành nghề nông thôn, xã Hạ Trạch tiến hành quy hoạch tổng thể toàn bộ diện tích, khai thác hiệu quả 2 hồ chứa nước Vực Sanh và Cửa Nghè trong đó chú trọng phát triển thêm nuôi trồng thủy sản và coi nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Từ chủ trương này, lãnh đạo xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ gia đình đầu tư thâm canh nông nghiệp, mở rộng chăn nuôi, mở thêm diện tích nuôi trồng thủy sản, nhờ đó sản lượng lương thực năm 1997 lần đầu tiên cán mốc 2.600 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 150 tấn, rồi tăng lên 200- 300 tấn những năm tiếp theo. Chăn nuôi có nhiều chuyển biến tích cực; từ chổ chăn nuôi nhỏ lẻ đã nâng tổng đàn gia súc, gia cầm lên 70.000 con đạt 135% kế hoạch đề ra. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều chuyển biến tích cực; vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đạt trên 15 tỷ đồng; thu ngân sách gần 5 tỷ đồng và cũng là lần đầu tiên thu nhập bình quân đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 9,72 xuống còn 4,67%, hàng chục hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu; bộ mặt nông thôn từng bước được khởi sắc. Hạ Trạch là một trong 7 địa phương đầu tiên của huyện Bố Trạch được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cấp Bằng Chứng nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, xã Hạ Trạch cần khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế toàn diện theo hướng cơ cấu nông nghiệp bền vững; tập trung tăng năng suất lúa 2 vụ; tiếp tục chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm; nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả…Có như vậy Hạ Trạch không chỉ điển hình về xây dựng nông thôn mới mà sẽ là điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội của huyện Bố Trạch.Từ những kết quả bước đầu, Đảng bộ xã Hạ Trạch tiếp tục ra nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế bền vững, đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người lao động. Từ nghị quyết này, một lần nữa, lãnh đạo địa phương tiến hành quy hoạch lại toàn bộ diện tích nước mặn lợ, vùng bàu, diện tích đất lúa năng suất thấp và cho đấu thầu diện tích nuôi trồng thủy sản. Sau khi trúng thầu, bà con đã mạnh dạn vay vốn mua sắm phương tiện, triển khai nạo vét lòng hồ, tìm nguồn giống…Ngay từ vụ đầu tiên, nhiều hộ thu hàng chục triệu thậm chí có hộ hàng trăm triệu đồng. Phát huy kết quả đã đạt được, cùng với 200 ha diện tích mặn lợ, Hạ Trạch tiếp tục khai thác thêm hàng chục ha vùng trũng, vùng bàu để nuôi cá nước ngọt. Từ vụ đầu tiên, mô hình “lúa-vịt-cá” đã được bà con áp dụng thành công với năng suất rất cao. Điện hình về phong trào thâm canh nuôi trồng thủy sản có gia đình anh Lưu Hữu Phúc, anh Nguyễn Văn Sòng thôn 5, gia đình anh Lê Chiêu Bình, anh Lê Quang Bình thôn 2, gia đình anh Phan Văn Phú thôn 5, anh Lê Quang Chiến thôn 2, Nguyễn Văn Nam thôn 1, Nguyễn Việt Hưng, Lê Chiêu Huấn thôn 5 và hàng chục hộ đi đầu về phong trào nuôi trồng thủy sản. Cùng với phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ đầu tư vào ngành nghề xây dựng, xay xát, vẫn chuyển, dịch vụ, tiểu thương; riêng hộ gia đình Thành- Nguyệt đầu tư mua sắm xe đông lạnh, xe vận tải và trực tiếp thu mua nông sản không chỉ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Hiện tại, phong trào thâm canh nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề nông thôn của xã Hạ Trạch đã lan rộng đến từng thôn, xóm, từng hộ gia đình và đây chính là đòn bẩy quan trọng làm thay đổi diễn mạo nông thôn thuần nông đã kéo dài hàng chục năm qua. Xin nêu một vài con số để khẳng định phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ trong đó có nuôi trồng thủy sản là bước đi đúng của xã Hạ Trạch. Vào những năm trước 1998, thu nhập bình quân chỉ đạt 2 triệu đồng/ người, năm 2015 tăng lên gần 30 triệu đồng và đến năm 2020 đã đạt trên 40 triệu đồng/ người/ năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 24 nhiệm kỳ 2020- 2025 xã Hạ Trạch đề ra mục tiêu đạt 2.850 tấn lương thực, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 400 tấn, trên 420 tấn lợn xuất chuồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/ năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,5% và tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống điện, đường, trường, trạm của địa phương cơ bản hoàn thành, Đình làng Cao Lao Hạ và 24 nhà thờ họ khang trang, hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia, đang phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2; là một trong những địa phương luôn giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội của huyện Bố Trạch.