Phong tục cưới hỏi, hôn nhân làng Cao Lao Hạ xưa

09:07 - 04/07/2019

Bài viết về phong tục cưới hỏi, hôn nhân trước kia của làng Cao Lao Hạ trong cuốn “Địa chí làng Cao Lao Hạ” của tác giả Lê Văn Sơn

Phong tục cưới hỏi, hôn nhân làng Cao Lao Hạ xưa

 

PHONG TỤC CƯỚI HỎI – HÔN NHÂN

 

Ngày xưa việc hôn nhân ở làng Cao Lao Hạ thường theo lệ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nó không được nhân dân đồng tình nên mới có câu: Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên;

Trong quan hệ hôn nhân, nhiều gia đình thường tìm Môn đăng hộ đối tức là nơi hai gia đình hai bên đều có mặt cân đối, phù hợp với nhau, để không bị kẻ khinh người trọng. Nhiều người ưa chuộng lối chọn vợ Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống, Kén tông không có nghĩa là tìm chốn giàu sang, khing người nghèo khó mà chủ yếu là tìm nơi gia giáo, có đức độ. Còn kén giống có nghĩa là nòi nào giống ấy, cây nào quả nấy. Con nhà công chẳng giống lông cũng giống cánh tức là tìm nơi có đức để gửi thân. Người làm cha mẹ ai chẳng muốn dâu hiền, rể thảo. Đặc biệt có quan niệm:

Thà lấy chồng khó trong làng

Còn hơn lấy phải chồng sang làng người

Bởi vì Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho. Người ta còn bảo nhau: Con gái mà lấy chồng xa, Cầm bằng mẹ đẻ con ra mà từ.

Phần đông người làm cha làm mẹ đều muốn cho con gái mình lấy chồng gần để có điều kiện đi lại thăm nhau thuận tiện, tình cảm gắn bó hơn.

Ngày xưa, việc trai gái tìm hiểu nhau phải nhờ người trung gian được gọi là ông mai, bà mối, người thăm dò thái độ xem có chiều ưng thuận hay không để gia đình bên trai biết mà đi lại. Bà mối là người ít ra cũng thiện cảm thân quen với nhà gái, tạo điều kiện cho nhà trai tiến hành các bước đúng theo thủ tục hôn nhân.

Đối với người giàu, quan chức đại đa số theo lệ Lục lễ thành hôn tức là xây dựng gia đình có 6 lễ: nạp thái, vấn danhm nạp cát, nạp trung, thỉnh kỳ, thân nghinh. Nói theo dân gian là: lễ dạm (bỏ trầu), lễ hỏi, lễ đi thăm, lễ xin cưới, lễ cưới, lễ rước dâu, tuỳ theo khả năng của mỗi gia đình. Đối với người nghèo thì đơn giản hơn, đã thu gọn lại 3 lễ: Lễ dạm hỏi (lễ bỏ trầu), lễ ăn hỏi và lễ cưới kèm theo rước dâu. Tuy nhiên để ấn định lễ vật vì phong tục tập quán xưa đều có nghi thức riêng cả.

Lễ dạm hỏi: Lễ vật chỉ có một ít trầu cau, rượu để trình lên bàn thờ tổ tiên nhà gái, có mời bà con ruột thịt đến dự, sau đó đem trầu cau biếu bà con chú bác cô dì…để báo tin mừng cho con gái.

Trong việc cưới hỏi vợ cho con, các gia đình rất thận trọng, xem bên nhà gái như thế nào, nhất là tính tình giao tiếp, xem cả gia đình cha mẹ chị em, bỏi Mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng. Dân gian có tục chọn tuổi: Gái hơn hai, trai hơn một.

Sau lễ dạm một thời gian, bên nhà trai đến xin nhà gái cho Lễ đi hỏi. Nếu được nhà gái chấp thuận, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành. Lễ vật đơn giản, gồm có một buồng cau to, đẹp, khoảng 100 quả, một số trầu không, hai chai rượu và quà bánh v,v…Tất cả các lễ vật đưa đến nhà gái đặt trong chiếc quả hoặc để trên mâm thau có phủ khăn điều, một số thanh niên đội lên đầu đưa đến nhà gái, các nhà giàu, quan chức có đèn lồng đi kèm.

Sau đi lễ hỏi, người con trai mạnh dạn đến tiếp xuác với nhà gái hoặc đến giúp việc cho nhà gái gọi là làm rể. Thời kỳ này hai gia đinh, hai đối tượng tìm hiểu nhau thêm, nhưng cũng có trường hợp nhà gái lợi dụng sức lao động của chàng rể, có khi kéo dài đến 3 năm, mới có câu: Ba năm làm rể gian đài. Làm rể là nhà trai trả khéo cho nhà gái một số công lao động. Do quan niệm trả công nên một số nhà giàu thuê người đi làm thay cho con mình, còn người lao động nghèo thì đi làm rể thật sự, công việc nhà gái cũng như công việc nhà mình. Trong lúc đó, các bậc nho học như thầy tú, thẩy cử đi làm rể là cơ hội để tỏ tình thương yêu, hiểu biết nhau hơn, nên chàng rể đến nhà gái chỉ ngồi chơi dạy học cho các em nhỏ.

Lễ cưới: Khi nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt thì có mâm trầu rượu đến nhà gái xin cưới. Được nhà gái chập  thuận và ra điều kiện thách cưới. Thách cưới nào là nữ trang vòng vàng, xuyến bạc, nhẫn đeo tay, khăn vải, áo  quần, gạo nếp, lợn gà, tiền mặt, v.v…

Chuyện thách cưới chỉ trong phạm vi tầng lớp giầu có, quan lại. Còn những người lao động cưới hỏi không đến nỗi phiền phức như tầng lớp trên. Nhưng dẫu sao việc cưới hỏi thời xưa ở Cao Lao Hạ cũng còn lưu lại mấy câu: Có ba đứa con trai như người bị kiện, có ba đứa con gái như ông huyện cỏn con.

Tuy nhiên những gia đình nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn cũng nên thông cảm với nhau, không bao giờ thách cưới quá cao, nên bên nhà trai cũng phải làm sao đó cho thiên hạ nhìn vào “coi được”.

Lễ cưới không chỉ đơn thuần là chuyện của hai gia đình mà là chuyển của hai họ. Xem được ngày lành tháng tốt, hai gia đình đi mời họ hàng, bà con xóm giềng, bạn bè thân thuộc. Phẩm vật lễ cười thường chỉ làm bữa tiệc mời họ hàng bà con.

Đi dự lễ cưới, tuỳ tấm lòng và tình cảm bà con họ hàng, trao tặng phẩm mừng đôi lứa, không có lệ riêng. Ngày xưa họ “cấp” lại cho một số tiền. Ngày nay gọi là phong bì để mừng hạnh phúc đôi tân hôn.

Đoàn cưới nhà trai đến nhà gáim đi đầu là vị tộc trưởng, mặc áo dài, chít khăn đóng, có khi có lộng chê, đến chàng rể có hai phụ rể đi kèm, theo sau là họ hàng bà con bạn bè. Khi đến, bà con họ hàng nhà gái đón tiếp bằng những tràng pháo.

Lễ vật được đặt lên bàn thờ, gia chủ làm lễ tổ tiên. Cô dâu, chú rể đến trước bàn thờ bái lạy gia tiên.

Đến giờ rước dâu, họ nhà trai xin phép nhà gái rước dâu về. Đoàn rước dâu, nhà trai có một vị cao niên, gia đình song toàn, phúc hậu, mặc áo dài đen, chít khăn đen đi đầu. Nhà gái cũng chuẩn bị đưa dâu. Trong phong tục đưa dâu người mẹ không đi theo con gái về nhà chồng. Nhân dịp này nhà gái (giàu có) cũng trao món của hồi môn như nhẫn vàng, dây chuyền vàng, hoa tai vàng hoặc bạc, có cả tiền bạc, cho đôi trai gái đã nên vợ chồng. Đi theo còn có có một số bạn bè hay em gái của cô dâu xách hộ đồ đạc vật dùng riêng tư.

Đến nhà trai thì làm lễ gia tiên. Cô dâu, chú rể dâng hương, bái lạy tổ tiên, ông bà, rồi quay lại chào hỏi mọi người để tăng thêm tình thân thuộc.

Ngày nay dưới ánh sáng. Cách mạng luật hôn nhân được tự do. Lễ nghi cưới xin trong thời gian 1945-1975 của người dân làng Cao Lao hạ chỉ có 2 lễ: lễ hỏi và lễ cưới, gọi là lễ cho đúng phép chứ thực ra hoàn cảnh chiêné tranh lúc bấy giờ, hai gia đình trai gái gặp mặt ngồi lại với nhau, miếng trầu, bát nước, chén rượu tâm sự chuyện trò là chính rồi cáo yết với ông bà, tổ tiên bằng nén hương chén rượu. Lễ cưới hỏi đều nhờ vào sự giúp đỡ của đoàn thể, chính quyền, bạn bè nên việc liên hoan ăn uống rất giản dị, ápd ụng câu ca:

Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma

Luật hôn nhân mới làm cho việc dạm hỏi, cưới xin ít cầu kỳ và tiến bộ nhiều hơn. Người con gái, con trai được tự do lựa chọn người yêu của mình và lục lễ thành hôn cũng được giảm. Số lễ thu lại chỉ còn lễ dạm, lễ hỏi, lễ cười kèm theo lễ rước dâu và đăng ký kết hôn. Hình thức của mỗi lễ có ý nghĩa, phong phú hơn và sang hơn nhiều, có lẽ do đời sống của người dân ngày càng giàu có hơn.

Ngày xưa, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế có những cặp vợ chồng trước khi cưới không biết mặt nhau, nên có trường hợp con dâu khi về nhà chồng không phải hoàn toàn vui vẻ, phấn khởi gì mà thường khóc lóc thảm thiết (do hôn nhân cưỡng ép). Người mẹ đẻ cô dâu thương con còn thơ dại cũng mủi lòng sụt sùi khóc không muốn con mình rời mình. Hai gia đình, nhất là ông mai, bà mối phải dỗ dành tỉ tê phân giải.

Đáng lẽ ngày con gái vu quy là ngày vui nhất trong đời. Nhưng hai mẹ con khóc lóc buồn tủi, nên sau này người ta không để mẹ cô dâu đi đưa dâu.

Bây giờ hôn nhân tự do, thanh niên nam nữa tự tìm hiểu yêu nhau kết hôn trên cơ sở tình yêu đôi lứa, được pháp luật bảo vệ. Cha mẹ chỉ tham gia, góp ý, hướng dẫn nên ngày nay lễ cưới đơn giản mà tình cảm lại mặn mà, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong việc tác thành cuộc sống hạnh phúc cho đôi trẻ trong tương lai. Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Đẹp duyên lành công tác hăng say. Những thủ tục cưới xin không tiến bộ thuở xưa, nay đã bị đẩy lùi vào quá khứ.

 

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip