Phong tục đưa tang của làng Cao Lao Hạ

19:42 - 28/08/2019

Bài viết về phong tục đưa tang trước kia của làng Cao Lao Hạ trong cuốn “Địa chí làng Cao Lao Hạ” của tác giả Lê Văn Sơn

Phong tục đưa tang của làng Cao Lao Hạ

 

PHONG TỤC ĐƯA TANG

Ngày xưa, đối với đám tang ai cũng phải làm theo phong tục tập quán đã quy định. Có nghĩa là không ai tự chôn cất người thân của mình chết được, mà phải nhờ làng, nhờ họ và khi đã cậy làng cậy họ, tất nhiên với tình làng nghĩa họ khiến mọi người thương yêu, đù bọc nhau, được xem như là thuần phong mỹ tục.

Cho nên, đưa mà là công việc của tập thể, của cộng đồng với ý nghĩa: “Nghĩa tử là nghĩa tận”!

Khi người chết, việc đầu tiên là vuốt mặt cho người chết. Trải một tờ giấy vàng mã lên mặt cho người chết. Tiếp đến là thắp hương đốt đèn nến lên bàn thờ yết cáo với tổ tiên tên họ người quá cố đang “về” với ông bà. Đồng thời trình báo với vị tộc trưởng để đến cáo tổ trước nhà thờ họ, cũng như trình với chính quyền địa phương.

Trong gia đình có người mất người nhà đang đau buồn, thương xót không thể định liệu mọi công việc, nên phải nhờ hàng xóm thân thuộc uy tín, kinh nghiệm thay mặt gia đình, đại diện cho tang chủ điều hành.

Người mới chết được đặt lên giường, người hộ việc quì xuống rồi khấn rằng: Nay xin tắm gội để sạch bụi trần. Xong, lấy khăn nhúng nước thơm, hay rượu lau tắm sạch sẽ, lấy lược chải đầu, cắt móng tay, móng chân, mang áo quần mới để chuẩn bị nhập quan. Nếu quan chức có phẩm hàm thì mặc triều phục như đương chức. Thứ dân thì mặc áo quần mới không cúc, hoặc may quần áo mới vải trắng buộc dây. Cụ già trên 70 tuổi thì mặc quần lụa, áo điều, chít khăn nhiểu tím. Từ đây con cháu cất đồ trang sức, ăn mang tang phục, đi chân đất và tránh đùa giỡn.

Thể lệ bịt khăn tang ở Cao Lao Hạ cũng như các làng khác trong vùng:

- Con để tang cho cha mẹ thời gian là 27 tháng (2 năm 3 tháng).

- Vợ để tang cho chồng cũng 27 tháng (chồng không để tang cho vợ, tuy nhiên cũng có người chồng quá thương yêu vợ nên cũng để tang cho vợ).

- Cha mẹ không để tang cho con, vì người xưa cho rằng con chết trước cha mẹ là bất hiếu. Cho nên cha mẹ không lạy con khi con chết mà cha mẹ còn sống. Các nhà nho thì nói rằng: Phụ mẫu bất bái tử.

- Anh chị không để tang cho các em.

- Người con gái đã đi lấy chồng nếu cha mẹ mình chết phải có lễ xin phép gia đình chồng về để tang cho cha mẹ mình.

- Để tang chú, bác, cô, cậu, dì 1 năm, nhưng cháu gái đã đi lấy chồng thì 3 tháng .

- Con rể để tang cho cha mẹ vợ 1 năm.

- Ngoài ra cháu cô, cháu dì không được để tang cho chồng cô, chồng dì (chị em nẹ), có câu ra rằng:

Chồng cô, vợ cậu, chồng dì.

Cả ba người ấy vậy thì không tang.

- Con không để tang cho mẹ đã đi lấy chồng khi bố đã qua đời.

Ngày xưa, đối với người mất, theo phép nước, người con đang làm việc quan đều phải về cư tang 3 năm. Nếu ai tham quyền cố vị mà không tâu báo để về cư tang thì bị đàn hoặc là tội bất hiếu, sẽ bị triều đình xửa phạt biếm truất. Thời gian cư tang không dự các cuộc vui.

- Cha mẹ chết thì tang chủ là con trai trưởng lo mọi sự về lễ tang và sau đó thay bố dạy bảo em út.

- Gia chủ mời thầy chọn được giờ tốt khâm niệm. Chuẩn bị vật liệu nhập quan như cát trắng, hạt nổ, trà khô, giấy bội trải dưới đáy hòm cốt để hút nước.

- Để giờ nhập quan, con cháu quì, hầu hai bên; khi bỏ thi hài vào áo quan người ta thường nói vừa…vừa…vừa…vừa, như sợ thi hài người chết to hơn hoặc dài hơn áo quan. Nếu bỏ không lọt thì hơ lửa hoặc dùng cồn, rượu xoa bóp chỉnh lại. Nếu chưa được thì có thuật dùng 2 chiếc đũa lớn để hai mép áo quan tài rồi cho thi hài lọt vào áo quan, xong cắt dây buộc tay, chân, vai, mông để người chết có tư thế thoải mái, sau khi đậy nắp quan tài là con cháu khóc để tỏ lòng thương tiếc, đau đớn. Khâm liệm xong, bắt đầu dọn hương án trước linh cửu để thờ và để người đến viếng dâng hương và cấp phát áo khăn tang cho con cháu để làm lễ thành phục.

Trong đám tang còn phải mời thầy cúng và một đội nhạc, đủ kèn, trống, đàn, vừa tế lễ vừa để chia bớt nỗi buồn.

Quan tài được đặt chính điện gian giữa, đầu quay ra ngoài. Trên hương án cúng cơm. Lễ đặt cơm tuỳ theo lứa tuổi, nếu người mất thọ trên 60 tuổi được cúng 1 bát cơm úp, 1 đôi đũa cắm, 1 đĩa trứng gà luộc. Người mất dưới 60 tuổi được cúng 1 bát cơm úp, và hai bát cơm với 2 chiếc đũa để ngang gọi là kem (kẻ giám sát), và 1 đĩa trứng. Trong khi đó ở các nơi khác không phân biệt tuổi thọ mà ai cũng cúng 3 bát cơm, 3 đĩa trứng, 3 đôi đũa. Con cháu túc trục hai bên linh cữu, nam bên tả, nữ bên hữu.

Bàn thờ đặt trước linh cữu, trên có bộ tam sự (đèn lư hương), chén nước, chén rượu, mâm ngũ quả, chính giữa đặt bài vị ghi rõ tên, chức tước. Thời văn minh thờ ảnh có viền đen. Chính diện bức triệu, bằng vải hoặc giấy điều ghi chữ Hán, họ, tên, tên huý, tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh, ngày mất, mộ chí xứ đồng nào.

Thông thường, quan tài một đám tang được quàn tại gia đình khoảng 3 ngày. Nhưng cũng có nhà xem ngày tháng tốt, xấu nên chỉ quàn tại nhà 1 hoặc 2 ngày. Ngày xưa các quan lại có khi kéo dài đến 4 – 5 ngày. Trong thời gian này bà con làng xóm đến cúng, viếng. Ai cúng lễ vật gì, tiền bạc bao nhiêu, người cầm trịch thay gia đình ghi rõ vào sở lưu chiếu. Sau gia chủ theo đó mà trả ân trả nghĩa.

Tục lễ tang còn chú ý nhiều chỗ, người trong tang gia giao tiếp với khách hoặc ai ngoài gia đình đều phải lấy tay che miệng trước khi nói. Tất cả con trai, con gái, kể cả con dâu trừ chàng rể phải ngồi hầu bên linh cửu người mất, việc đưa dám do họ tộc phụ trách, con cái không bận tâm.

Trong lúc quan tài đang nằm trong nhà, lễ tế có phường nhạc nổi lên rất bi ai, cảm động, con cháu đứng lạy, con trai đội mũ rơm, quấn bẹ chuối, mặc áo sô gai, sổ gáu, chống gạy. Con dâu mặc áo gai sổ gấu, thắng lưng bẹ chuối, xoả tóc, đội trúp. Anh, em, con rể, mang áo thụng trắng.

Khách đến phúng viếng, con trai hoặc cháu đích tôn phải túc trực quay mặt ra ngoài để lạy đáp lễ. Lễ vật tuỳ lòng. Một gia đình có người chết, với tình làng nghĩa xóm, ai cũng phải đến giúp đỡ, mỗi người một tay, xem đó là một nghĩa cử rất đang trân trọng.

Ngày xưa làng có một bộ tuồng đòn (đòn đưa) sơn son thép vàng rất đẹp, được cất gữ trong một cái nhà tại xóm 8, bên cạnh đình làng do ông từ giữ đình bảo  quản. Khi gia đình nào có người chết, đến trình làng mượn (có lệ phí) để đưa đám. Ngoài ra làng có hai giáp mỗi giáp có một bộ đòn đưa cho dân nghèo (được miễn phí do kinh phí eo hẹp).

Trước khi tiến hành các nghi lễ trong gia đình, gia chủ còn phải mời thầy địa về để tầm long điểm huyệt. Thầy địa bọc la bàn vào một khăn gói vải điều cùng với tang chủ đi tìm đất, chọn lọc được một ngôi mộ kết phát. Khi đã chọn đất, phải làm lễ cáo yết thổ thần, chọn hướng để người quá cố có nơi yên nghỉ ngàn thu tốt đẹp rồi mới cho khai huyệt. Gia chủ còn phải có trầu rượu mời xóm, mời làng đưa đón. Làng cử một bộ phận âm công, (đã được huấn luyện sẵn để chuyên trách đưa đám tang), vừa đủ số người theo từng bộ tuồng đòn. Chỉ huy bộ phận âm công có cai quan. Trang phục của cai quan có mũ cánh chuồn, áo quần có thêm hình long phượng, chân đi hia, trông như một quan viên thiết triều. Bộ phận âm công cũng mang áo đỏ viền nẹp vàng.

Khi đưa tang, đi đầu là bàn triệu cao trên 3m có 4 người (âm công) khiêng, làm nhiệm vụ công bố cho thổ thần, ma quỉ…biết tên họ, quê quán người được đám rước tiễn đưa, ngụ ý khỏi bị ngăn cản.

Tiếp theo là bàn hương án, còn gọi là linh sàng như 1 cái am thờ (nhỏ). Trong ling san gf có đèn, hương trầm, hoa quả, bài vị hoặc ảnh, có 4 âm công khiêng. Ling sàng được rước lại đưa về nhà đặt lên bàn thờ suốt trong thời gian tang khó.

Phường nhạc, trống chiêng, vòng hoa đi trước quan tài, tiếp đến là tuồng đòn. Quan tài sơn son, hai đầu kẻ chữ Thọ đặt trên hai đòn rồng. Đội âm công khiêng, nếu nặng, bố trí nhiều đòn, mỗi đòn khiêng hai người, có khi lên đến 40 người khiêng.

Sau linh cửu là con trai trưởng của người chết phải đội mũ rơm, chống gậy tre. Ngày xưa họ cho rằng vì xót thương, đau buồn quá nên đi không vững, phải chống gậy, hoặc chống gậy là biểu tượng sự thương xót của con đối với cha mẹ. Một số nơi người con trai trưởng đưa đám cha đi sau quan tài, đưa đám mẹ đi thụt lùi trước quan tài. Theo tục ngữ: “Cha đưa mẹ đón” (rước). Cùng với con cháu vừa đi vừa khóc, và bà con làng xóm đi theo tiễn đưa người quá cố.

Khi di quan, đội âm công đặt dưới quyền chỉ huy của cai quan (ngày xưa ông Trùm trưởng thường làm cai quan) bằng hiệu lệnh sanh gõ. Di quan, đi chậm rãi, quan tài cần được thăng bằng. Trên quan tài có đặt chén nước hoặc chén rượu để người cai quan nhìn mặt trước chế ngự sự thăng bằng của quan tài. Huyệt được đào sẵn. Đúng giờ qui định (giờ tối) ông cai quan điều hành, đặt quan tài đúng tim mốc bằng 3 que cắm sẵn trước khi lấp đất. Nhìn ngay ngắn, mời bà con lấp đất, mỗi người bỏ 3 vốc đất “thiên địa nhân” để tiễn biệt.

Lấp xong thắp hương lên mộ, khấn thổ thần rồi thắp hương lên lư hương trên hương án, rước về nhà thờ cúng.

Trước kia làng còn có lễ tục cỗ bàn ăn uống linh đình trong đám tang, thực không hợp tình cảnh chút nào. Đành rằng việc ăn uống là không tránh khỏi nhưng chỉ hạn chế trong một số người đến giúp việc và thân nhân. Lúc tang gia bối rối, ai giúp được việc gì thì tận tình giúp đỡ, không tiện về nhà ăn cơm thì cũng không nên trách móc, thói cũ “ma chê, cưới trách” có hay gì.

An táng xong còn có nhiều lễ tiếp theo, như sau ba ngày là lễ mở cửa nhà. Ngày ấy con cháu ra sửa lại mồ mả, trước là cúng để trả ơn thổ thần nơi mộ chí, sau là cúng cơm tại gia đình, lễ 50 ngày, đúng ra là lễ 49 ngày nên gọi là lễ thất thất (7 x 7 = 49) , lễ 100 ngày và sau đó hết lễ cúng cơm. Sở dĩ có lễ cúng cơm là vì ngày xưa các cụ cho rằng, linh hồn còn phảng phất, chưa siêu thoát, cuộc sống của gia đình đang vui vẻ, êm đềm tự nhiên một người vĩnh viễn ra đi, do đó, trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm, vài món ăn bình thường, nhà ăn thứ gì cúng thứ ấy, thắp nén hương khấn vái thờ cúng vong linh như khi đang sống cũng là để thoả nguyện tâm linh, hết 100 ngày là hết Tuần tất khấp (hết khóc).

Một năm sau ngày mất là lễ giỗ đầu (gọi là tiểu tường). Đến ngày này sẽ thôi mặc quần áo xô gai, nhưng khăn vẫn bịt cho đến hết tang.

Đối với người dân làng Cao Lao Hạ thường lấy ngày mất sau 1 năm ( đúng 12 tháng kể cả tháng nhuận) là lễ phải mời bà con, làng xóm để tạ ơn mọi người đã chăm sóc cho cha mẹ hoặc mẹ mình, giúp đỡ gia đình trong phần an táng. Sự đền ơn trả nghĩa ngày còn tiếp tục vào ngày hết tang là 2 năm (24 tháng) là lễ Đại tường. Đại tang trai trưởng để tang cho cha mẹ, vợ để tang cho chồng còn phải kéo dài thêm 3 tháng, gọi là 3 tháng dư ai (thương nhớ thêm).

Sau 2 năm 3 tháng tức là 27 tháng, chọn ngày lành tháng tốt làm lễ mãn tang. Khi làm lễ cất hết khăn tang, mặc thường phục, huỷ đốt các thứ thuộc phần lễ tang, rước linh vị vào bàn thờ chính. yết cáo với ông bà, tổ tiên, bỏ bàn thờ tang, thu cất các bức trướng, câu đối viếng. Tuy nhiên, hiện nay ở Hạ Trạch một số lễ nghi được cải tiến. Tang lễ chủ yếu gọn nhẹ, đơn giản mà trang nghiêm nên có gia đình sau 1 năm (12 tháng) đã làm lễ mãn tang, đốt hết khăn tang.

Ngày nay tục lệ đưa tang có nhiều tiến bộ và văn minh hơn nhiều. Nhưng với tục lệ một người mất là cả làng phúng điếu vẫn duy trì và tôn trọng, xem đó là nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của quê hương:

Quan hôn tang tế ông bà. Việc làng, việc họ việc nhà đồng lo

(Lưu Trọng Tuần)

Ngoài ra những người có tang không được dự các cuộc vui chơi đã đành mà ngược lại những gia đinh có tổ chức các cuộc vui như lễ cưới, ngày tết…cũng không muốn sự có mặt của những người có tang. Tục xưa người ta có ý niệm rằng: người có tang mà đi dự lễ cưới thì đôi bạn tân hôn đó sẽ gặp bất trắc trong bước đường hạnh phúc. Còn đầu năm mới mà có người đep tang khó đến nhà ai là nhà ấy xúi quẩy… năm ấy khó làm ăn, còn người có tang mà ham vui với mọi người thì sợ thất hiếu với người đã khuất.

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip