Phong tục thờ cúng cộng đồng ở Cao Lao Hạ

07:15 - 01/01/2011

Tất cả các công trình thờ Thần, Thánh hiện nay không còn nữa. Làng mới chỉ phục chế lại Cồn Cui và đang tiến hành xây dựng lại Đình Làng (bài đăng vào ngày 1/1/2011).

 

  

Tục thờ cúng cộng đồng ở Cao Lao Hạ là thờ đa thần, bao gồm thờ cả thiên thần, tức là thờ lực lượng siêu nhiên (nếu được vua phong thì có tên có hiệu, còn không được phong thì không có tước hiệu) và thờ nhân thần, tức là các vị anh hùng cứu nước các danh nhân có công hỗ trợ bảo vệ nhân dân; nhân thần cũng có vị vua phong có vị do dân tự tôn. Trước cách mạng tháng 8-1945 những địa điểm thờ cúng công cộng của làng Cao Lao Hạ gồm có: Chùa, Đình, Đền, Miếu, Cồn Cui, Nghĩa Trũng, do nhân dân đóng góp công của xây dựng nên.

 

1. Lễ Chùa

 

Làng Cao Lao Hạ là Làng duy nhất có thời điểm có 2 chùa: một chùa tại quê nhà và một chùa tại Sài Gòn (do Hội Cao Lao tương tế xây dựng).

 

Chùa tại quê nhà

 

Chùa tại quê nhà nay không còn nữa, bị phá hủy lúc nào chưa rõ, hiện chỉ còn lại vúng đất trống (đất chùa). Chùa Phật làng Cao Lao Hạ xây dựng tại đầu làng nằm về phía tây bắc. Theo truyền ngôn thì chùa này rất cổ. Chùa không biết có từ lúc nào! trải qua bao thế hệ ngôi chùa bị xuống cấp. Năm 1941 được ông Lưu Trọng Dư tài trợ, cùng nhân dân đóng góp công của tôn tạo xây dựng lại trên nền đất cũ. Chùa xây dựng cao ráo, cảnh quan đẹp đẽ, tĩnh mịch, nhiều cây cổ thụ như cây đa, cây phượng toả bóng quanh năm.

 

Chùa gồm 3 gian tường xây bằng đá, có 2 mái che, lợp bằng ngói liệt. Cửa tam quan hình vành khăn có 2 cánh cửa khép bằng gỗ. Hai bên tường thành có 2 ông hộ pháp (ông thiện, ông ác) được đắp nổi bằng vữa vôi trộn tơ hồng, mật mía. Vào cửa tam quan là bức bình phong, kiến trúc đẹp, cân xứng, sau sân rộng là tiền sảnh. Chùa có nhiều tượng phật như tượng Phật Thích Ca, tượng Quan Âm, tượng Phật trăm tay nghìn mắt và các pho tượng Bồ Tát.

 

Chùa Cao Lao Hạ không có sư sãi, chỉ có ông Từ bảo về và hương khói thường xuyên. Người làng Cao Lao Hạ không có ai thoát ly quy y theo đạo Phật, họ là những phật tử tại gia nhưng lòng thành kính mộ đạo rất cao. Họ đến cúng chùa để cầu nguyện làm điều thiện, làm phúc cho bản thân, gia đình và làng xóm.

 

Chùa tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Những người đồng hương Cao Lao Hạ vào Sài Gòn trước năm 1945 đã lập ra Hội Cao Lao tương tế. Tôn chỉ của Hội là giúp nhau trong ốm đau, trong hoạn nạn, khuyến khích nhau phát triển kinh tế, chăm lo sự học hành của con em, giữ vững truyền thống hiếu học của cha ông.

 

Hội còn mua một đám đất tại ấp Gò Dưa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để xây dựng nghĩa trang riêng. Cách đây gần 40 năm, tại nghĩa trang, Hội đã xây dựng một ngôi Chùa thờ Phật, thờ tiên hiền lấy tên là Cao Lao Tự. Cao Lao Tự đã được trùng tu lại khang, đẹp đẽ, bề thế và khánh thành vào ngày 26 tháng 11 năm 2000. Chùa Cao Lao Tự là nơi bà con đồng hương tập trung đông đủ trong các ngày Tết, ngày rằm, lễ Vu lan…để dâng hương, cúng Phật và cũng là nơi bà con gặp nhau, thăm hỏi nhau, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, mang đầy đủ sắc thái của một làng quê xa xưa giữa chốn đô thành hiện đại, tạo cho tình quê hương thêm đậm đà, sâu sắc.

 

Phía sau Chùa là nơi an nghỉ cuối cùng của bà con đồng hương trăm tuổi. Để giữ mãi hương sắc quê nhà, mỗi lần có hội viên qua đời, Hội cũng cử hành tang lễ giống như quê nhà, mang đủ sắc thái truyền thống của quê hương xứ sở xa xưa, đầy xúc động.

 

2. Tế lễ Đình Làng

 

Đình Làng thờ thiên thần là thành hoàng của làng, đó là Bảo an chánh trực hữu thiện đôn trầm. Tước vua phong là “Dực bảo trung hưng Thành Hoàng chi thần”. Đình Làng còn thờ các nhân thần đã có công khai canh, khai khẩn, xây dựng quê hương, đó là các Ngài: Ngài: Lưu Văn Tiên (Thuỷ tổ dòng họ Lưu); Ngài: Nguyễn Văn Khai (Thuỷ tổ dòng họ Nguyễn Văn); Ngài Lê Quang Lữ (Thuỷ tổ dòng họ Lê Quang); Ngài  Lưu Văn Hành (vị hậu khai khẩn dòng họ Lưu); Ngài Lê Văn Giám (vị hậu khai khẩn của dòng họ Lê Văn); Ngài Lê Quang Diệu (vị hậu khai khẩn của dòng họ Lê Quang); Ngài Lê Chiêu Phúc (vị hậu khai khẩn của dòng họ Lê Chiêu). Ngoài ra, Đình Làng còn thờ các bậc lão làng, các bậc hiền tài được phong hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước cùng các vị có công sửa trị làng quê trở nên tốt đẹp hơn.

 

Hàng năm tế lễ Kỳ phúc (Kỳ yên) làng rước mời các vị thần thờ tại các đền miếu về đình làm tế lễ chung. Lễ xong làng rước trở lại đền thờ cũ. Để tỏ bày lòng thành kính và biết ơn của con cháu qua bao thế hệ, làng thường tổ chức cúng vái trọng thể vào các ngày lễ như Tết nguyên đán, lễ xuân thủ, lễ thượng nguyên, lế hạ nguyên v.v... nhằm gửi gắm ước nguyện của mình vào cuộc sống của thế giới tâm linh.

 

Nghi thức tế lễ thần ở đình làng học theo lối thiết triều của vua chúa, chỉ khác là trên ngai vàng của đình làng không có vua ngồi. Trước kỳ tế lễ hương lý tập trung dân chúng đến Đình Làng làm vệ sinh sạch sẽ, dọn dẹp trang hoàng sắp đặt cờ quạt, chiêng trống. Tuỳ theo mỗi loại tế lễ thần mà quyết định lễ vật. Ví dụ lễ Xuân thủ thì mổ bò, mổ heo; lễ Kỳ yên thì cúng một lợn đực, vàng mã...

 

Mỗi lần tế lễ các vị trong ban quí tế đã được bầu ra. Ngoài quan tiên chỉ, còn có thêm các quan chức, các vị bô lão. Trong ngày tế lễ, không chỉ ban quí tế mà mọi người dân trong làng cũng rất bận rộn vì việc cúng tế rất thiêng liêng. Các quan chức trong làng tự soạn cho mình một mâm cỗ có xôi thịt để cúng thần và cho đó là niềm vinh dự. Người dân thường không có cỗ cúng mà chỉ có nhiệm vụ đến đình để hầu thần với công việc lao động phục vụ tế lễ. Làng có ngân sách riêng vì cúng thần là sự an ninh của tất cả cộng đồng. Làng lấy một số ruộng công dành riêng cho tế tự, cộng thêm phần đóng góp của dân để tạo ra ngân sách cúng tế.

 

Khi tế lễ quan tiên chỉ đội mũ cánh chuồn đi hia oai phong lẫm liệt như một vị quan to của triều đình, đứng lên thay mặt làng làm chủ lễ cúng vái, các vị chức sắc, các bô lão khăn áo chỉnh tề đứng chầu tế. Theo sự hướng dẫn của viên lễ sinh cùng với tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng trong không gian như đánh thức quá khứ ngàn năm. Buổi lễ vô cùng trang nghiêm, cộng thêm hương trầm nghi ngút, đèn nến sáng choang, cùng với tấm lòng “kính thần như thần tại” (trọng thần như thần đang có mặt tại chỗ) buổi lễ càng trở lên nghiêm tang, trọng đại.

 

Đình Làng còn là nơi tổ chức lễ hội như: hát nhà trò, hát kiều. Những làn điệu đậm đà sắc thái quên hương diễn ra tại Đình Làng đều phản ánh các quan niệm thờ cúng, thể hiện tư tưởng của người dân trong sự tôn vinh các vị thần và đó cũng là một trong những sinh hoạt văn hoá gây sự hứng thú đến mức thu hút cả làng đều kéo đến cả tại sân đình. Sân khấu hướng về chính điện để thần cùng được vui chung với “lê dân”. Tiếng trống tiếng chiêng, tiếng đàn, tiếng hát rộn rã thâu đêm trong mấy ngày lễ hội. Mỗi lần lễ hội như thế này đông đảo bà con làng xóm có dịp gặp nhau.

 

3. Lễ ở Đền Văn Thánh – Hội Văn

 

Ngày xưa, việc học hành được làng coi trọng chăm sóc. Các sính đồ ngày càng đông, học vấn ngày càng thịnh nên làng lập “Hội văn” một tổ chức chăm lo việc giáo hoá. Từ đó văn miếu được làng xây dựng để thờ đức Khổng Tử vị tổ sư của đạo nho gọi là đền Văn Thánh còn có tên là “Điện tập hiền” (quy tụ hiền tài).

 

Đền Văn Thánh được làng xây dựng bên trái phía tây Đình Làng với công trình kiến trúc bằng gỗ, xây bằng đá, lợp bằng ngói liệt (âm dương), gồm 3 gian 2 chái theo kiểu “kèo xóc rường cụt”, có 3 của ra vào giống Đình Làng. Các nét đắp uốn lượn theo 1 kiểu thống nhất. Từ các hình rồng phượng đến các bức vẽ chạm khắc nổi màu sắc rực rỡ. Ngoài cổng vào là bức bình phong, hai bên bức bình phong có dựng hai cột cờ bằng gỗ lim cao. Mỗi lần tế lễ trên đỉnh cột cờ treo lá cờ đại. Hai bên sân có hai cây phượng toả bóng quanh năm mát mẻ.

 

Đền Văn Thánh do hàng ngũ nho sinh, các nhà khoa bảng (hội văn), phụ trách hương khói, chăm lo tế tự. Lễ vật thường có heo xôi bánh chì, hoa quả, một mâm gừng sống. Làng tổ chức tế lễ vào tháng 9 âm lịch hàng năm, thường cử hành vào ban đêm.

 

Nhà hội văn là bộ mặt văn hiến của làng xóm, nơi lưu giữ hương ước, lệ làng, văn bia. Nơi các khoá sinh đều tưởng niệm thắp nén hương trước khi đi thi. Ở đây cũng là trụ sở hội khuyến học, nơi dùng để hội họp các môn sinh sĩ tử các thầy đồ các thầy hoa bảng trong làng đàm đạo văn chương, đức thuật của nhà nho. Nhà hội văn còn là nơi truyền bá nguyên lý nho giáo, nêu gương học tập của các anh hùng hào kiệt và ôn lại truyền thống đấu tranh công lao to lớn chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương của các bậc anh hùng cứu nước.

 

Đền Văn Thánh ngày nay không còn nữa nhưng những dấu tích truyền thống hiếu học của nó vẫn tồn tại mãi trong tâm trí của dân làng.

 

4. Lễ ở Đền Thánh Võ (đền Giảng Vũ)

 

Cùng với đền Thánh Văn còn có đền Thánh Võ. Ngày xưa làng lập một võ đài dành riêng cho võ quan, các võ sư để dạy võ cho con em trong làng. Đền Thánh Võ được xây dựng phía Tây bắc làng, gần thành Khu Túc (Thiềng kẻ Hạ). Gọi là đền nhưng chỉ là một võ đài, không có đền thờ. Võ đài là một khuôn viên vuông vức, rộng khoảng 1 000m2,sân cỏrộng có tường bao quanh, hai trụ cổng vuông cao khoảng 1m80.

 

Những ngày tết, ngày hội hè đình đám làng có tổ chức hội thi võ. Những người thắng cuộc được nhận giải thưởng của làng làm cho phong trào luyện tập võ nghệ được liên tục và ngày càng phát triển, nên đã xuất hiện nhiều nhân tài. Dưới triều Nguyễn có 5 vị cử nhân võ. Ngày xưa theo một số văn bản và tộc phả của các dòng họ như: Lưu Quan, Nguyễn Văn, Lê Quang, Lê Văn.v.v...  thì làng còn có hàng trăm vị tướng lĩnh khác được sắc phong. Các vị đã góp phần hun đúc truyền thống thượng võ của quê hương ngày càng rạng rỡ.

 

Đền Thánh Võ do hội võ chăm lo cúng tế phụng thờ. Lễ vật có bánh chưng , hường vàng, trầu rượu...

 

6. Lễ ở Đền thờ Thần Nông

 

Theo truyền thuyết Thần Nông là vị thần đầu tiên dạy cho dân làm nghề ruộng và Ngài cũng đặt ra các lễ như: lễ cầu mùa, lễ hạ điền, lễ hạ ương, lễ hạ giá... Tất cả các lễ này làng đều cử hành tại đền Thần Nông. Người làng Cao Lao Hạ rất tôn trọng Thần Nông vì lệ làng có rất nhiều tế lễ và cầu nguyện Thần Nông. Ngày tế lễ cớ quạt cắm chung quanh đền có trống, chiêng, nhạc... có lọng che vị chủ tế (quan tiên chỉ hoặc lý trưởng), các quan chức, các vị bô lão sắp hàng hai bên theo lứa tuổi. Tất cả đều theo đúng nghi thức của từng buổi lễ ví dụ:

 

–Tháng 3 âm lịch lễ cầu mùa còn gọi là lễ cầu chẹn. Lễ cúng vào thời vụ lúa trổ bông, cầu cho lúa chắc hạt , mùa màng bội thu, nghệ nông phát đạt. Lễ vật gồm có xôi gà hương vàng trầu rượu.

–Tháng 8 âm lịch có lễ Hạ canh tức là Hạ Điền, làng xóm mở đầu cày ải, do hương lý làm chủ lễ. Sau khi tế lễ làng cử một người trong ban tế lễ dắt bò ra Đồng Cửa cày mẫu ít đường tượng trưng. Cuối buổi lễ trống chiêng cùng tiếng pháo nổ vang giữa tiếng hò reo của dân làng. Sau đó cả làng về cày phần ruộng của mình, ai vi phạm cày trước làng phạt.

–Tháng 9 âm lịch làng làm lế Hạ ương, tức là bắc mạ. Trong khi lễ người chủ lễ đến thửa ruộng đã cày bừa sẵn cùng một người bưng theo thúng mạ. Người chủ lễ khấn vái rồi vãi lúa lên ruộng mẫu. Sau dân làng mới về bắc mạ của ruộng mình. Ai vi phạm làm trước sẽ bị phạt.

–Tháng 11 âm lịch ngày đông chí làm lễ Hạ gía. Lễ vật cúng thần Nông là một đầu lợn, 10 bát gạo, 1 bát muối , hương vàng trầu rượu... chính quyền (hương lý) đảm nhiệm. Lễ xong ban quí tế ra cánh Đồng Cửa, một thửa ruộng được cày bừa kỹ làm địa điểm hành lễ. Người chủ lễ mặc áo quần chỉnh tề ngang lưng thắt dây xanh ra cắm một cây nêu chính giữa ruộng. Nêu là một cây tre dài khoảng 7m, trên ngọn còn cành lá, với quy ước của làng là bắt đầu từ ngày dựng nêu là ngày xuống cấy. Làng còn cắm thêm mấy cây lau với ý nguyện là lúa cấy lên mau tốt như cây lau. Sau khi người chủ lễ khấn thần Nông  chắp tay vái 4 phương trời , cầu trời đất phù hộ cho đồng xanh lú tốt rồi cử một bô lão cao niên xuống cấy vài khóm tượng trưng. Khi đó bà con nổi chiêng trống reo hò và cử một số chị em cấy xong thửa ruộng. Sau đó dân làng về cấy ruộng mình.

 

Lễ cúng thần Nông là thể hiện ước nguyện của người làm ruộng cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu nghệ nông phát đạt.

 

7. Lễ ở Miếu thờ thần cá Ông Voi

 

Năm 1943 một con cá Ông Voi dài khoảng 2,5m to khoảng 1m trôi  dạt vào bờ nam sông Gianh, ngay bên cánh đồng Đuổi. Sau khi cá chết dân làng khiêng vào bờ sông làm lễ mai táng, có các quan chức sắc, nhân dân cùng đoàn học sinh “sơ học yếu lược” Cao Lao Hạ đến phúng viếng, chầu hầu và diễu qua vòng quanh cá Ông Voi. Sau buổi lễ xác cá được chôn tại chỗ và làng xây dựng miếu thờ trên phần mộ.

 

Miếu xây bằng đá, mặt nhìn ra sông Gianh, rộng khoảng 3m, dài khoảng 4m, sân miếu cách chân sóng khoảng 20m, 2 mái miếu lợp bằng ngói liệt. Hậu tẩm là lăng mộ, phía ngoài là hương án được xây bằng đá, cao hơn bàn thờ khoảng 50cm. Trên hương án có bát lư.

 

Phong tục thờ thần cá Ông Voi chỉ có ở miền biển. Thực tế cá voi cũng có lúc cứu người bị nạn trong cơn bão bất thường trên biển khơi, nên người miền biển xem cá voi như là một vị thần cứu hộ. Người ta gọi cá voi là cá Ngài, cá Ông  và họ không bao giờ ăn. Theo quy định của nhà nước phong kiến: Người được xác cá voi chết bất kỳ ở đâu có nhiệm vụ báo lên triều đình để nhà vua cấp tiền tuất, mai táng và phong sắc:”Đông Hải Thượng Đẳng Thần”, thờ đền thờ riêng và ban hành lệ tôn thờ cá voi rất trọng thể. Đối với làng Cao Lao Hạ là vùng nông nghiệp. Nhưng cá Ông Voi về mắc cạn tại địa phận nên làng phải thờ theo thể lệ của nhà nước phong kiến quy định.

 

Hằng năm làng tổ chức cúng tế do hương lý đảm nhiệm. Các ngư dân đánh cá trên sông Gianh cũng thường đến miếu dâng hương cầu nguyện. Miếu thờ thần cá voi ngày xưa, nay không còn nữa don chiến tranh phá huỷ. Có chuyện kể rằng: Thời chiến tranh chống Pháp, miếu cá Ông Voi nằm bên bờ sông Gianh là một địa hình trống ttrải, thuận lợi cho địch đổ bộ quân lên càn quét dân làng Cao Lao Hạ. Biết được hành động của chúng dân quân du kích làng Cao Lao Hạ đã bố trí một trận địa, gài bom đặt mìn tại đây nên khi chúng đổ bộ lên bờ thì chục tên chết và bị thương.

 

8. Lễ ở Nghè

 

Nghè thờ thần Cao Các, Mạc Sơn tướng quân là tước vua ban cho thần núi. Vị thần chủ quản một khu rừng rộng lớn, tước Đại Vương chi thần.

 

Theo bài văn tế thờ thần của làng ghi: Đại Hoằng mô trọng lược đôn hậu phu diệu dương trác vĩ Cao Các Quảng độ “Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Miếu thờ tại Lòi Tuần, làng thường cúng tế vào lễ khai sơn, hương lý đảm nhiệm hương khói.

 

9. Lễ ở các Miếu

 

Tại Đồng Phố trên có 3 miếu dựng gần nhau là Miếu thờ bà Thuỷ, trông coi nước; Miếu thờ bà Hoả, trông coi lửa; Miếu Nậy, thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải, tước vua phong: Dực bảo trung hưng tử vị thượng đẳng thần.

 

Đối với làng Cao Lao Hạ là vùng nông nghiệp thuần tuý việc thờ thần Đại Càn quốc gia Nam Hải cũng là việc lạ vì thông thường thờ Đại Càn quốc gia chỉ ở vùng ven biển như xã Cảnh Dương, xã Bảo Ninh. Vĩ dụ như làng Trung Bính (Bảo Ninh) thờ Đại Càn công chúa làm Thành Hoàng theo tước thần vị của vua ban:”Thượng đẳng thần”. Cụ Huỳnh Côn (người Bảo Ninh)  cũng đề câu đối ở đình làng Trung Bính để thờ Đại Càn công chúa như sau:

 

“Trường Giang nhất tịch thiên vô tống

Nam Hải thiên thu Việt hữu thần”.

 

Tạm dịch:

 

(Một tối Trường Giang trời mất Tống

Ngàn năm Nam Hải Việt thêm thần).

 

Sự khác biệt giữa các làng ven biển là tôn thờ Đại Càn Công Chúa làm Thành Hoàng, còn ở Cao Lao Hạ chỉ lập miếu thờ như những thông lệ thờ đa thần.

 

10. Lễ ở Cồn Cui 

 

Cồn Cui là một khuôn viên rộng có tường thành bao quanh, đi vào cửa qua bức bình phong là đền thờ được xây bằng đá quét vôi dùng làm nơi tế lễ. Đền không có mái che. Ngày 15-3 âm lịch hàng năm tức là ngày lễ Thanh minh làng tổ chức cúng âm hồn. Lễ âm hồn là lễ tảo mộ những người chết vô chủ. Có lẽ đó là những cô hồn do tử nạn chiến tranh, lưu lạc chiến tranh, đói kém v.v... từ các nơi đến hoặc đi qua đường.

 

Tục thờ cô hồn xuất phát từ quan niệm “thương người như thể thương thân”. Làng xóm nào cũng có âm hồn riêng, nghĩa địa riêng dành để cúng tế. Hàng năm ngày lễ thanh minh là hương lý đứng ra tổ chức tế lễ. Lễ âm hồn là lễ từ thiện, bác ái, nên toàn dân ai cũng tham gia. Làng cúng 1 bò, hoặc 1 heo, nhà giàu cúng mâm xôi, nhà nghèo cúng một khay nô (lúa nếp rang). Tục lệ này lôi cuốn cả toàn dân do mọi người động lòng thương đến người chết không ai cúng đơm, kỵ giỗ, thương cảnh trôi nổi nơi chân trời góc biển và cũng cầu xin linh hồn người tử nạn phù hộ cho xóm thôn làng xã an cư lạc nghiệp. Cho nên người đi cúng lễ âm hồn tự lòng mình sắm sửa lễ vật đem đến cúng, tự nguyện vác xên, vác cuốc đi tu sửa mộ phần cô hồn.

 

Qua hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm Cồn Cui bị phá huỷ. Năm 2002 dân làng đã góp công sức tiền của xây dựng lại và đã khánh thành ngày 15/3 Nhâm Ngọ (27/4/2002). Các ngôi mộ cô hồn cũng được quy tụ vào núi Lệ Đệ phía nam núi Lao Cù (gần rẫy ông Ly). Lễ cô hồn đã thu hút mọi người tham dự không phải vận động gì mà vẫn đông vì mọi người đi cúng và đi tảo mộ cô hồn như một hành động nhân đạo.

 

11. Lễ ở các Miếu thờ Nhân thần

 

Để tưởng nhớ những người con của quê hương đã có công đức với làng xóm, với nước làm rạng danh truyền thống quê nhà, làng Cao Lao Hạ đã lập 7 đền thờ để thờ 7 vị:

 

–Lưu Văn Bình (phó bảng giữ chức vụ Tri phủ)

–Lưu Lượng (cử nhân-Tuần vũ, Thăng lại bộ tả tham tri, sung viện cơ mật)

–Lê Mô Khải (cử nhân, Bố chính, tán tương quân vụ)

–Lê Chiêu Lam

–Nguyễn Văn Giảng (thi đậu Hiếu Liêm, cai lục bộ Khánh Hoà)

–Lưu Đức Xưng (cử nhân-Thượng Thư)

–Miếu Ông Già (người có công giữ gìn bảo vệ ranh giới làng)

 

Các đền thờ được xây dựng phía tây bắc làng, cách thành Khu Túc (Thiềng Kẻ Hạ) trên 200m về hướng đông mặt nhìn vào núi Lệ Đệ, lưng tựa vào sông Gianh, nằm sát đường quan (đường liên xã) cùng một dãy dọc với ngôi chùa.. Các đền thờ này nằm trên một vùng đất cao ráo, có nhiều cây đa toả bóng quanh năm. Đền được một ông Từ thường xuyên hương khói. Qua hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm những đền thờ không còn nữa. Tuy vậy những thành tích các vị Nhân Thần này mọi người không bao giờ quên được.

 

Tất cả các công trình thờ Thần, Thánh hiện nay không còn nữa. Làng mới chỉ phục chế lại Nghĩa Trũng-Cồn Cui và đang tiến hành xây dựng lại Đình Làng. Đình Làng được xây dựng lại tại vị trí cũ, hiện đã hoàn thiện xong các hạng mục công trình cơ bản dự kiến sẽ khánh thành trong năm nay.

 

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip