Phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà ở Cao Lao Hạ

21:18 - 02/02/2011

Tục thờ cúng ông bà, tổ tiên tức là thờ linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ chú bác họ tộc của mỗi gia đình người dân.

 

 

Tất cả mọi gia đình đều xem bàn thờ là chỗ thiêng liêng nhất, mọi trang trí mỹ thuật đều tập trung vào đó. Đối với nhà nghèo, dùng bộ tam sự, bát lư hương bằng gỗ. Nhà giàu dùng tam sự ngũ sự bằng đồng thêm một bát lư hương bằng sứ. Đồ thờ truyền từ đời này sang đời khác xem như là một thứ gia bảo mà người con trưởng được hưởng để thờ cúng.

 

Những nhà quyền quý giàu sang thì trưng bày bàn thờ lỗng lẫy sáng chói với những bộ đèn đồng bóng nhoáng. Trước mặt bàn thờ là khuôn bàn phủ kín thêu hoa văn hình rồng uốn khúc vờn cá gáy, phủ sáo trúc, trên treo nghi môn thêu hình long, ly, quy phượng. Hương án cẩn xà cừ, câu đối sơn son thiếp vàng; Hoành phi chữ đại tự; Đồ thờ cốc, chén, ly, khay, hộp toàn là đồ quý giá...

 

Ngày nay bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình trong xã đều khang trang đẹp đẽ tao nhã và trang nghiêm. Có gia đình thay hương án (yến thư) bằng tủ buýp phê được lồng kính đánh véc ni sáng bóng, trong đó có trưng bày nhiều đồ sứ thuỷ tinh cao cấp. Thay vào bức hoành phi chữ hán người ta treo bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng tôn nghiêm kính cẩn nhất của mỗi gia đình.

 

Việc thờ cúng ông bà tổ tiên không chỉ là tục lệ mà còn là tín ngưỡng. Không những là biểu hiện của sự hiếu đễ mà thờ ông bà tổ tiên như thờ thần linh, lo sợ ông bà tổ tiên trừng phạt quở trách mỗi khi làm điều gì sai trái lương tâm, sai quy ước gia đình, họ tộc. Cho nên mỗi lần cúng giỗ chủ yếu tập trung vào sự tôn vinh ông bà tổ tiên và cầu khẩn tổ tiên phù hộ.

 

Người Cao Lao Hạ thờ ông bà tổ tiên ở gian trên. Bàn thờ trong cùng là khánh vị. Giữa đặt bàn thờ rộng trên có mâm trượng trước có yên thư (hương án). Bên ngoài bàn thờ phủ màn hoặc phủ sáo trúc có bộ tứ lân: long, ly, quy, phượng, bốn chung quanh chầu vào chữ thọ vòng tròn ở giữa. Yến thư có bộ tam sự hay ngũ sự và lư hương. Người trong gia đình đi qua bàn thờ phải cúi đầu bước kính cẩn giống như ông bà cha mẹ đang ngồi đó.

 

Kỵ (giỗ) ông bà cha mẹ gồm 2 ngày. Ngày đầu là lễ tiên thường (nghĩa là nếm trước). Đó là cúng trước ngày mất một ngày, người làng gọi là kỵ hôm. Ngày đó con cháu ra khấn ở mộ, yết cáo với thổ thần, xin phép cho người quá cố về nhà dự lễ giỗ.

 

Người lo việc thờ cúng trong nhà, trong họ là người chủ chánh bái lạy trước bàn thờ. Chiều ngày hôm  trước của ngày cúng lễ,  người chủ làm chánh bái lạy phải tắm nước thơm nấu bằng các loại lá thơm như  lá sả, lá bưởi, lá hương du, lá chanh... do mẹ hoặc vợ chuẩn bị sẵn. Vào dịp tết nguyên đán, chiều 30 tết trước khi lên mâm cúng lễ rước tổ tiên, ông bà người chủ chánh bái lạy phải tắm nước thơm và trong ba ngày tết người chủ phải ngủ riêng cho đến  lúc làm xong lễ tiễn đưa tổ tiên, ông bà mới thôi.

 

Theo gia lễ hễ cứ 5 đời , lại đem thần chủ của cao tổ lên thờ ở nhà thờ Họ, nhắc lần tầng tổ khảo lên bậc trên rồi rước ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo. Theo nghĩa cửu tộc (9 đời); cao tằng tổ phụ (4 đời trên), thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ), tức là vãi (cao), cố, ông bà, cha mẹ từ cao trở lên gọi là tiên tổ, không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào ngày giỗ của vị thuỷ tổ. Tuy vậy hiện nay có nhiều gia đình ở Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) vẫn còn thờ vị cao cao tổ khảo và vị cao cao bá tổ khảo.

 

Những người chết mà chưa vợ hoặc có vợ mà chỉ có con gái không có con trai hoặc có con trai nhưng con trai mất sớm trở thành pháp tự, thì người lo việc cúng giỗ là người cháu trai hoặc anh em trai được lập làm thừa tự. Nếu người thừa tự đó mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.

 

Ngày nay từng mỗi dòng tộc, bà con đã tập trung tại nhà vị tôn thống làm nơi kỵ giỗ tổ tiên, ông bà gọi là ăn kỵ hợp đông được tổ chức mỗi năm một lần. Ngày ấy bà con nội ngoại đều tập trung đến dự lễ giỗ thắt chặt tình máu mủ. Khi cúng giỗ gia trưởng mặc áo dài đen đầu chít khăn nhiễu tím hoặc khăn đóng làm chánh bái lạy trước bàn thờ tổ tiên, sau đó con cháu lạy, người lớn lạy trước, người nhỏ lạy sau.

 

Trong ngày giỗ các cụ, các bác nhắc lại những điều di huấn của ông bà tổ tiên, nhắc lại công đức các vị tiền bối cho con cháu nghe noi gương học tập. Theo tập quán lâu đời của dân làng lấy ngày giỗ làm trọng nên ngày đó tuỳ theo gia cảnh mà cúng giỗ. Đây là một dịp để người trong gia đình, trong bà con nội ngoại thân thích gặp gỡ thăm hỏi nhau, họp mặt để tưởng nhớ công tích của những người đã khuất và bàn với người sống giữ gìn gia phong, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn, gắn bó tình máu mủ.

 

Kinh phí cho ngày cúng giỗ ngày xưa thì có ruộng phụng tự dành riêng cho một số gia đình lo việc phụng thờ, hương khói ông bà tổ tiên. Ngày nay mỗi người (con, cháu) đóng góp bằng tìên bạc hoặc hiện vật tuỳ theo gia cảnh gọi là góp giỗ. Góp giỗ không có quy định mà tuỳ lòng, tuỳ khả năng mỗi gia đình gọi là lễ bạc lòng thành.

 

Ngoài việc thờ tổ tiên, ông bà cha mẹ có gia đình còn thờ bà cô. Bà cô không có  con. Con cháu nghĩ rằng bà cô rất thiêng thường phù hộ cho con cháu. Họ còn thờ bà mụ với mục đích để gia đình sinh con đẻ cháu được an toàn, mạnh khoẻ. Bà mụ là hình tượng thần hộ sinh của nhân dân thờ bà mụ chỉ thờ cái Tran treo ở gian dưới.

 

Tết Nguyên đán là tết cúng lễ gia tiên lớn nhất trong năm. Chiều 30 tết nhà nào cũng cúng lễ Thượng tiêu, có đốt pháo để mừng lễ đón tổ tiên, ông bà về ăn tết cùng con cháu. Lễ cúng gia tiên trong ngày tết bắt đầu từ buổi trưa hoặc chiều 30 tết. Đối với con cháu đã ra ở riêng muốn đưa vàng hương, lễ vật thờ cúng để bố mẹ sử dụng trong những ngày tết phải đem trước chiều 30 tết, kiêng tuyệt đối không được đem đến sáng mồng một tết; muốn mừng tuổi ông bà, cha mẹ trước hết phải thắp hương lên bàn thờ vái lạy tổ tiên rồi mới mừng tuổi cha mẹ.

 

Trong ba ngày tết gia đình nào cũng cúng ông bà tổ tiên thắp hương cả ngày vì người ta quan niệm rằng lúc này ông bà tổ tiên đã về ngự trên bàn thờ. Thường đến ngày mồng 3 là hoá vàng đưa ông bà, chỉ số ít gia đình đến ngày mồng 4 hoặc kéo dài đến ngày mồng 7 tức là ngày hạ cây nêu tết.

  

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip