Đê bị vỡ nên cho mỗi lần nước mặn dâng cao sẽ tràn vào gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
Theo ghi nhận của PV, tại đây, tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng. Đoạn đê Hữu Gianh kéo dài khoảng 3km nhưng bị sạt lở hơn 200m. Nghiêm trọng hơn, có đoạn khoảng 100m đê bị vỡ hoàn toàn, nước khoét sâu tạo thành những hố sâu rất nguy hiểm.
Nhiều mảng bê tông giữ đê bị nước dâng cao đánh vỡ
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ đê Hữu Gianh đã diễn ra từ nhiều năm qua do tuyến đê này đã xuống cấp nghiêm trọng. Hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết càng khiến bờ đê bị sạt lở thêm, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây.
Ông Minh lo lắng việc sạt lở đê sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của gia đình
Ông Nguyễn Văn Do (63 tuổi, thôn 5, xã Hạ Trạch) cho biết, tình trạng sạt lở đê Hữu Gianh đã diễn ra từ nhiều năm nay. Dường như năm nào đê cũng bị sạt lở khiến người dân luôn sống trong thấp thỏm lo âu.
“Đê Hữu Gianh bị xuống cấp nghiêm trọng nên tình trạng sạt lở diễn ra hàng năm. Nhiều lần nước lên cao làm sạt lở đê nên chính quyền xã và người dân phải tự tu sửa lại tạm bợ. Nhưng chỉ được một thời gian thì đê lại tiếp tục lở, giờ ngày càng trở nên nghiêm trọng” – ông Do cho hay.
Một phần đê bị ăn mòn ngang mặt đập thoát nước
Ông Lê Văn Minh (53 tuổi), là hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ngay sát đê Hữu Gianh cho hay, đê Hữu Gianh đã xây cách vài chục năm, đê dùng để ngăn xâm nhập mặn và chống sạt lở. Tuy nhiên, giờ đây đê đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
“Đê này được xây từ rất lâu mà chưa được nâng cấp nên giờ đã xuống cấp nặng. Vào mùa mưa bão, người dân rất lo lắng đê sẽ bị vỡ, nước tràn vào sẽ cuốn hết đi mấy hồ thủy sản, nguồn sống chính của chúng tôi. Nhà tôi sinh sống và nuôi trồng thủy sản ngay sát bên đê nên cũng rất lo lắng. Chỉ cần nước tràn vào thì bao nhiêu tôm cá trong hồ sẽ bị cuốn hết. Không chỉ vậy mà còn gây nhiễm mặn cho hàng trăm héc ta đất nông nghiệp của người dân” – ông Minh lo lắng.
Hàng trăm hécta nuôi trồng thủy sản của người dân xã Hạ Trạch đang trong tình trạng nguy hiểm
Một số người dân ở đây cũng cho biết, cách đây 4 năm, trận lũ kép đã cuốn trôi hàng trăm mét đê ngăn mặn Hữu Gianh khiến nước mặn tràn vào, ngập hết toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương. Do ngân sách hạn hẹp, nhà nước chưa kịp đầu tư nên chính quyền xã Hạ Trạch đã huy động bà con cố gắng khắc phục, sửa chữa nhưng sức dân có hạn. Vừa qua, cơn bão số 10 đi qua đã tàn phá tuyến đê, làm đê bị vỡ ngày một nghiêm trọng hơn.
Đoạn đê dài hơn 100m bị sạt lở rất nghiêm trọng
Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần cố gắng đầu tư bồi đắp, nhưng kinh phí hạn hẹp, chỉ đổ đất, vì vậy năm nào lũ lớn, bão to, đê lại vỡ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần gửi tờ trình đến các cấp có thẩm quyền, xem xét, đầu tư nâng cấp. Đáng tiếc, cứ chờ mãi, đến mùa bão lũ người dân lại nơm nớp lo sợ và lâu dần thành quen. Bây giờ thì người dân chấp nhận “sống chung với lũ”, dù biết rằng con số thiệt hại vì bão lũ hằng năm là rất lớn.
Trao đổi với PV, ông Lưu Văn Tác – Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết, đê Hữu Gianh xây dựng cách đây đã mấy chục năm, với công dụng là để ngăn sạt lở và xâm nhập mặn. Đê có chiều dài khoảng 3 km, nhưng giờ bị sạt lở khoảng 200m, trong đó có 100 m sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Đê bị ăn mòn tạo thành những hố sâu, rất nguy hiểm
“Đê Hữu Gianh bị lở từ năm 2010, nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa nên UBND xã cùng với người dân đã phải đắp lại đê tạm thời. Mỗi lần nước lên to thì đê lại bị lở, tình trạng diễn ra ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của bà con. Ngoài ra, nếu đê vỡ có thể phá hủy hoàn toàn hệ thống ao hồ nuôi trồng thủy sản của hàng chục hộ dân cũng như hệ thống đường giao thông của xã” – ông Tác cho hay.
Ông Tác cho biết thêm, nhận thấy tình trạng đê ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nên chính quyền xã đã báo cáo với cấp trên và lên phương án tạm thời đắp lại đê. Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục làm đơn xin kinh phí đầu tư từ cấp trên để sửa chữa, làm mới lại đê để bà con yên tâm sinh sống.