Quê hương trong ký ức

21:46 - 08/03/2013

Ký ức của Đặng Thị Hồng Mơ về quê hương Cao Lao Hạ

 

 

Lời Ban biên tập: Đặng Thị Hồng Mơ là con gái của anh Đặng Văn Quang,  hiện đang công tác tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, chi nhánh Huế. Mơ sinh ra và lớn lên ở Đồng Hới nhưng dường như tuổi thơ của em, tâm hồn của em lại gắn với quê hương Cao Lao Hạ, bởi cứ hè về, tết đến là em lại ở quê. Qua "Quê hương trong ký ức" của Mơ, người đọc  thấy rằng, chỉ có ở quê Mơ mới được thả hồn đếm sao, được ngắm sông Gianh, núi Lệ Đệ, được thơ thẩn bên ao rau muống, ăn khoai Thành, uống nước giếng Hung, giếng Kiệt...; và cũng chỉ ở quê Mơ mới ngấm đến tận cùng những tình người, tình quê hương qua những ngôn từ, những câu chuyện kể, những lời nói mớ của những người thân, những đồ chơi dân dã của những người anh, người chị cùng trang lứa... Với lời tự sự của Mơ, quê hương đã "ngấm vào sâu thẳm trong lòng như mạch nước ngầm nuôi dưỡng tâm hồn tôi, đến nỗi giờ tôi đã làm dâu ở trên một quê hương khác thì những hồi tưởng về chốn cũ vẫn như một cái gì đó lắng lại trong lòng, nghèn nghẹn, bồi hồi đến khó tả", chúng ta hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vàò thế hệ trẻ Cao Lao Hạ sẽ nối tiếp xứng đáng truyền thống của cha ông.  

 

QUÊ HƯƠNG TRONG KÝ ỨC

 

30 năm, nếu như tôi sống đến 90 tuổi (cầu trời khấn phật) thì tôi đã đi được một phần ba đời người. Không nhiều như ba, mẹ, o, chú tôi lại càng không nhiều như ông, mệ tôi với bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống và bấy nhiêu từng trãi của cuộc đời nhưng có lẽ cũng vừa phải để tôi chiêm nghiệm một phần đời tôi đã sống. Trong nhiều trang, đời sống của quá khứ, quê hương – tuổi thơ đối với tôi mà nói là không nhiều, ít ỏi nhưng thấm thía, nó ngấm vào sâu thẳm trong lòng như mạch nước ngầm nuôi dưỡng tâm hồn tôi, đến nỗi giờ tôi đã làm dâu ở trên một quê hương khác thì những hồi tưởng về chốn cũ vẫn như một cái gì đó lắng lại trong lòng, nghèn nghẹn, bồi hồi đến khó tả.

 

Thuở nhỏ, tôi sống ở thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới). Cứ đến hè và tết là ba mẹ tôi lại cho tôi về quê ở lâu thì cũng được tháng mà nhanh thì cũng ít ngày. Cái cảm giác được về quê sao mà hân hoan đến lạ.

 

1. Quê tôi nằm cạnh đường quốc lộ, cạnh một con sông lớn và một cái phà tấp nập người, xe cộ qua lại. Lúc nhỏ ai có hỏi quê cháu ở đâu? Tôi đáp: làng Hạ Trạch. Đi như thế nào mới tới? – Cứ đi thẳng một mạch, qua đèo, qua đồng là tới. Đến tận bây giờ mà tôi vẫn còn mơ hồ về những địa chỉ trên con đường về quê ấy. Tôi không chắc nói đúng tên, đoạn này là Chánh Hòa, Lý Hòa, Ba Dốc nhưng đoạn này nối tiếp đoạn kia thì tôi thuộc như lòng bàn tay, cảnh sắc và con người bao nhiêu năm trên con đường về quê vẫn thế, dường như không thay đổi có chăng là sáng lên màu sắc khác, tôi gọi đó là “màu mới”, màu của sự tươi vui và ấm no.

 

2. Nhỏ tôi đọc tập đọc, lớn tôi học văn. Cứ mở sách là lại có một hình ảnh quê hương: cây đa, giếng nước, sân đình. Thuở nhỏ tôi cứ thắc mắc quê mình sao không có? Lớn lên tôi mới biết không có vì…chiến tranh. Chiến tranh không chỉ phá đi của làng tôi bao cảnh vật mà còn lấy biết bao sinh mạng người. Hình như không có nhà nào là không có người mất. Ngay như mẹ tôi, lớn lên là trẻ mồ côi, ông nội tôi mất khi hai chú út tôi mới được mấy tháng. Cái ao rau muống sâu mà mẹ tôi chỉ vào đó nói rằng: Nhà ông mệ ngoại ngày xưa đó, khiến tôi sững sờ. Chiến tranh thật…tàn khốc, tôi nói vậy nhưng có lẽ tôi mới cảm nhận được cái bề ngoài của của nó, chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu nỗi đau, mất mát, nỗi sợ hãi khủng khiếp như gương mặt thảng thốt, đầy ngơ ngác và tiếng ú ớ của mệ nội tôi mỗi đêm giật mình thức dậy vì cứ tưởng…giặc đến càn.

 

3. Làng có một vị thế thật đẹp, mặt quay về hướng nam, trước mặt là núi và ở giữa là cánh đồng , sau lưng là con sông lớn, Sông Gianh. Cạnh con đường lớn là những con đường nhỏ rẽ vào các xóm, rồi giữa các xóm lại thông nhau bằng con đường khác. Có lẽ vì thế về quê có thả tôi ở đâu tôi chẳng lo bị lạc, cứ biết hướng mà đi, thể nào cũng về được nhà.

 

Làng ngày xưa nghèo lắm, nghèo đến xác xơ. Bữa cơm nhà mệ nội tôi lúc nào cũng độn lớp khoai ở trên, nồi cơm cũng chẳng bao giờ xới, khi ăn, cơm đã cứng lại chỉ việc chắn từng cục hay bốc mà ăn. Cái nong được trãi ra, cái nong lớn thật nhưng nhìn đi nhìn lại cũng chỉ nồi cơm độn khoai, dĩa rau vườn chấm nước mắm với vài con tép chú tôi vừa mới cất từ ao lên.

 

“Sản vật” làng tôi là gì nhỉ?

 

Mùa nào thức nấy. Mùa lạc, lạc phơi từ trong nhà ra ngoài sân. Bữa cơm thêm được một món lạc rang dầm nước mắm, bữa phụ cho con trẻ chúng tôi là rổ lạc luộc. Củ khoai làng tôi to như cái đầu gối tôi khi ấy, khoai trắng mà bột ơi là bột, khoai không ngọt mà có chút mằn mặn. Tôi cắn một miếng mà nghẹn ứ họng, có lẽ ăn hồi đó mà còn nghẹn đến bây giờ.

 

Củ khoai, củ lạc làng tôi không phải là cao lương mỹ vị nhưng nó thấm đẫm, mặn mòi bởi vị mồ hôi, chân chất như chính người làng quê tôi vậy, làm ấm lòng người khi ngót bụng, đỡ đần qua cái đói của những ngày giáp hạt.

 

Và từ chính nồi cơm độn khoai, từ củ khoai, củ lạc ấy cha mẹ tôi rồi biết bao người cũng đã lớn lên, trưởng thành và có lẽ tôi…cũng từ đấy mà ra.

 

4. Hè về!

 

Mệ đã ra đồng từ hồi nảo hồi nào rồi mà tôi vẫn nằm đấy trong bóng tối của căn buồng thấp, có mùi âm ẩm, lành lạnh nghe ngoài kia tiếng côn trùng rỉ rả - một bản hòa tấu ngợi ca cuộc sống thanh bình của làng quê? Nó không quá ồn ào, gay gắt mà như khúc dạo đầu đầy trong trẻo để đến trưa mọi thứ như được đẩy lên đến cao trào. Cái nắng ngày hè như đổ lửa, nắng ráp da ráp thịt. Có cái thứ gió gì mà càng quạt lại càng thấy nóng? Ấy là gió Lào thổi đến hanh hao. Tôi nhìn ra ngõ, bụi lau cũng lơ thơ, xơ xác. Ruộng đầu hồi nhà bốc lên lớp đất bụi khô khốc. Chị (con cô tôi) từ đâu chạy về không mũ nón, mái tóc vàng cháy đến khét lẹt. Ngoài trời ve kêu râm ran, trong nhà bầy ruồi bay đến ù cả tai. Mệ tôi lệt quệt đi vào nhà, cất lời: Nắng cha nắng ôông chi mà nắng lắm rứa! Tôi lại chui vào cái buồng tối đó để nằm. Chỉ có nơi đó là mát mẻ hơn cả, tôi đánh một giấc say.

 

Chiều, chị tôi đánh bò về chuồng và nói với tôi có thứ này hay lắm. Tôi tò mò mở tàu lá chuối ra xem, một con đam (miền Bắc gọi là cua đồng), một chiếc xe có bánh nặn bằng đất sét chị tôi gửi nung ở một lò gạch trong làng. Con đam, chiếc xe đất sét buộc dây vào và kéo đi, thế là tôi đã có đồ chơi cho những tháng ngày hè.

 

Sau bữa cơm tối, tôi và chị ngã lưng trên chiếc chỏng tre dưới tấm liếp (mệ tôi gọi là rèm) chống lên trước hiên nhà. Công việc giờ đây của hai chị em là đếm sao. Bao nhiêu là sao thế kia, mai cũng lại là một ngày nắng gay gắt nữa cho xem. Gió mát, trăng thanh, tôi không nhớ mình đã đếm đến đâu, hai mí mắt nặng trĩu, tôi chìm vào giấc ngủ với một niềm vui nho nhỏ: Chị tôi hứa mai cho tôi đi chăn bò cùng.

 

5. Tết đến!

 

Khi nhìn những gương mặt của mệ, o chú tôi, tôi thấy như sáng bừng lên sau những tháng ngày lầm lụi, chai sạn đi vì một nắng hai sương. Có nghèo đến mấy cũng không để chết đói ba ngày tết – mệ tôi nói vậy. Làm cả năm cho ba ngày tết, vậy nên từ già đến trẻ ai ai cũng phấn khởi, ai cũng chuẩn bị cho mình bộ quần áo mới, bàn thờ cũng được trang trí lại: mấy câu đối xuân và tranh ngũ quả được dán lên, buồng chuối được hạ từ ngoài vườn xuống, nải đẹp nhất được mang lên cúng ông bà, hoa thọ lấy từ mảnh vườn trước sân; gà được nhốt chặt trong lồng; nếp để sẵn trong sập; dưới bếp nồi cá, nồi thịt đã kho sẵn chờ đơm lên.

 

Sáng mồng một, lũ trẻ chúng tôi tỉnh dậy đi một vòng quanh họ hàng. Xúng xính trong những bộ quần áo mới, chúng tôi nhận tiền mừng tuổi đầu năm. Hai trăm, năm trăm đồng, lớn lên một chút là một ngàn, hai ngàn, không nhiều, nhưng lũ trẻ chúng tôi vui đến lạ. Vui vì đúng là “tiền mừng tuổi” – đồng tiền như một lời chúc may mắn khi lũ trẻ chúng tôi bước sang tuổi mới và chúng tôi có quyền sử dụng chúng để mua những thứ chúng tôi thích ở phiên chợ quê: quả bóng bay, những con tò he, một phong pháo tét (hồi ấy chưa cấm đốt pháo), hay thiết thực hơn một cây bút chì mầu, một cục tẩy…

 

Trước làng, trống họ đã giục giã, cờ phướn đã phấp phới bay, trên đường quê các cụ áo dài, khăn đóng, che ô đi trước, con cháu thanh niên bưng cỗ lẽo đẽo theo sau, tiếng cười, nói rộn ràng. Lũ trẻ chúng tôi nhập đoàn đi về phía nhà thờ họ...

 

6. Một mùa xuân nữa lại về! Cuộc sống xoay vần với bao đổi thay của đời người. “Cây có cội, nước có nguồn” - Ba tôi rất tâm đắc với hai câu đối ấy ở nhà thờ họ mới xây, như một lời nhắc nhở cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau hướng về nguồn cội để sống, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp.

 

Sáng mồng một tết, ba tôi gọi điện vào, cả nhà đang trên đường về quê, trong lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi buồn man mác: Tết này con không về quê!

Tác giả : Đặng Thị Hồng Mơ

Bình luận

Bài viết liên quan

Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip