Quê nội

09:14 - 24/05/2015

Những cảm xúc của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tư về quê hương Hạ Trạch đã được đăng trên báo Quảng Bình năm 1998 khi cô còn đang là học sinh lớp 11

 

Lời tác giả: …17 năm qua rồi, đọc lại bài báo khi còn học lớp 11, ngỡ như còn đó những ngày hè được về quê lội ruộng bắt ốc và hái trộm sen. Ngày ấy, khi viết bài báo này, tôi cố tình không nhắc đến cái tên Hạ Trạch vì nó hiện đại quá, cũng không muốn viết cái tên Cao Lao Hạ vì sợ có người biết (!). Càng thấy mình ngây ngô hơn khi nghe anh Dũng kể mấy người trên xã đọc trên báo Quảng Bình rồi hỏi nhau con cháu nhà ai ở mô mà biết nhiều về làng mềng, lúc đó anh mới ngớ ra là “con cậu tui ở trong Lệ Thuỷ”. Thế mà tôi cứ nghĩ giấu đi cái tên địa danh là sẽ không ai biết. Lịch sử làng Hạ đáng tự hào thế ai mà không biết. Đúng là con nít thật!…   

 **********************

QUÊ NỘI

 

Mỗi lần xuống xe ở ngã ba đầu làng, tôi đều đứng lại, vừa để đỡ mỏi chân sau mấy giờ xe, vừa để nhìn lại làng quê sau bao ngày không gặp. Làng quê bé nhỏ hiền hoà ấy là quê nội tôi - làng Hạ.

 

Tôi không lớn lên ở làng Hạ nhưng cái làng êm đềm bên bờ Nam sông Gianh ấy với tôi vô cùng thân thiết. Ở đó tôi đã từng có những ngày hè thơm lừng hương ổi, hương mít; những ngày chạy dọc triền đê đầy hoa dại và ở đó có tuổi thơ của ba, của các cô, các bác tôi với những con cua vàng ươm, những trái bần xanh chát đắng, những câu chuyện ba thường kể tôi nghe.

 

Ông nội tôi có bảy người con. Nạn đói năm 1945 đã cướp đi hai người cuối, ba tôi là con thứ năm trở thành con út. Hai bác đầu vào Nam sinh sống còn lại ba người. Tôi sinh ra chỉ biết gọi hai cô, hai dượng, ông bà nội tôi đã thành người thiên cổ. Tất cả quen dần với tôi theo tháng năm.

 

Lần đầu tiên về quê nội khi tôi còn là một bé con đang học lớp bốn, nghe tiếng chiêng còn khóc ré lên, thấy lăng mộ đã run bắn người. Con mắt tuổi thơ của tôi lạ lùng với tất cả. Từ  những chiếc lăng được quét vôi trắng trên đồi cao đến một chỗ lội băng giữa làng đầy đỉa cắn.

 

Nhà cô tôi ở trên một vùng đồi người ta gọi là vùng Hói Đá, đầy mít là mít. Tôi thích nhất là những lúc đi thử mít, chỉ cần nhặt cục đá ném nghe cái bốp là được, chẳng phải cầm cây sào thiệt dài mà đập như tôi đã từng làm. Tôi nghĩ thầm “một việc dễ ợt mà không nghĩ ra”. Trước mặt nhà cô có một hồ chứa nước rộng mênh mông, cạnh nó là một ngọn đồi cao quay đầu về giữa làng. “Người ta bảo đó là động Tây xây” - Ba tôi kể.

 

  -Sao lại có cái tên lạ vậy ba?- Tôi hỏi.

 

  -Làng Hạ có hình dáng đặc biệt - Ba kể tiếp - giống như một con thuyền rồng có mũi, có lái. Làng Hạ đã từng chứng kiến bao thăng trầm của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Hồi đầu chống Pháp, ba là một đứa trẻ sáu, bảy tuổi, ngày ngày quen với việc chạy Tây, đào rau má, mò cua…

 

Ngày nào cũng chứng kiến cảnh người bị chết đói, chết do bị Tây bắn. Có người nằm xuống khi trên đầu còn mang tang trắng…

 

Ba dừng lại quay đi lau nước mắt. Chuyện ba kể tôi đã từng nghe đài nói, nói nhiều lắm. Bí ẩn vẫn là cái đồi cao kia?

 

  -Hồi đó không biết “nó” nghiên cứu cách chi mà ba nghe các cụ kể rằng, nó bảo “Làng Hạ sẽ phát vương phát tướng”. Thế rồi trên ngọn đồi kia, “nó” đem chôn một con dao phay, một con chó đen quay đầu về làng, mục đích để mà “yểm”. Thế mà…làng mình vẫn có năm, sáu tướng chi luôn…Ba cười, một nụ cười dễ hiểu.

 

Tôi cùng ba đi xuống mộ bà nội. Mảnh đất Cồn Cui hoang vắng đến lạ kì. Tiếng trích kêu giữa đám năn nghe đến não nuột. Tôi bày lễ, ba thắp hương. Mỗi lần như vậy ba đều lặng lẽ khóc, tôi cũng khóc. Tôi hiểu những giọt nước mắt của ba nói lên điều gì. Thoát ly gia đình sớm, chỗ ở chỉ cách quê mấy giờ xe mà mỗi năm nhiều nhất là hai lần về quê, mỗi lần thắp mấy nén nhang lên mộ ông bà, rồi lại đi. Tất cả cũng vì cuộc sống.

 

Còn nhớ hồi bác Bảy ra quê, bác khóc nhiều lắm. Gần bốn mươi năm anh em gặp lại nhau, bác gặp lại quê hương, tôi, lần đầu tiên được gọi bác. Một bữa cơm, mẹ gắp cho bác một con cá rán, bác để lại con cá trên đĩa và nói nhỏ vào tai tôi “Con vào lấy cho bác hột muối”. Nhà không có muối mịn, bác ăn cơm với muối hột ngon lành trước sự ngỡ ngàng của cả nhà. Ăn cơm xong bác ôm tôi vào lòng, nói với ba mẹ “chú thím đừng ngạc nhiên, tôi xa nhà, xa quê từ nhỏ, từ khi lập gia đình trong Nam, tháng nào cũng vậy, vào ngày rằm, mồng một tôi luôn ăn cơm với muối để tưởng nhớ cha mẹ, nhớ những ngày khổ cực ở quê mình”

 

Ba khóc, mẹ khóc, nước mắt bác ướt tóc tôi. Tôi cũng khóc. Ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi được gọi bác. Khi tôi biết khóc nhiều hơn thì bác mãi mãi không về quê được nữa. Bác ơi, con chưa được ăn trái bần quê nội nhưng con hiểu…Một chiếc khăn tang bác không biết ngày mất để bịt cho ông bà, nguyện vọng cuối cùng là xây cho ông bà một cái lăng cũng chưa thực hiện được. Từ ngày bác mất, ba im lặng hơn, có những lúc ba lặng lẽ khóc một mình. Hai cô theo chồng, cũng ít được về thăm quê. Mộ ông bà vẫn nằm đó, nơi Cồn Cui vắng lạnh ra rả tiếng trích kêu.

 

Làng Hạ nay khác xưa nhiều lắm. Đường vào làng được rải nhựa, nhà xây mọc lên san sát, cầu sông Gianh cũng sắp nối hai bờ. Riêng tôi, nỗi nhớ quê hương vẫn không bao giờ dứt được. Xin một ngày được nhai trái bần xanh chát đắng của quê hương.

 

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Tư

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip