Quê tôi đó, làng Cao Lao Hạ

08:52 - 16/10/2013

Các thế hệ Cao Lao Hạ vẫn bám đất, bám làng, vẫn sẵn sàng đối chọi với thiên nhiên, chiến tranh vượt qua mọi khó khăn, tàn phá

 

Lời Ban biên tập: Làng Cao Lao Hạ đã có hơn 500 năm lịch sử.

 

Không ai có thể đo đếm được đã có bao nhiêu cơn bão, bao nhiêu lần lũ lụt và bao nhiêu thiệt hại mà thiên tại đã gây ra cho các thế hệ dân làng.

 

Không ai có thể biết được đã bao nhiêu người dân lành đã hy sinh, bao nhiêu nhà cửa ruộng vườn bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh tàn khốc diễn ra liên tục trên mảnh đất này.

 

Có nhiều thời kỳ, thiên tai và chiến tranh đã hủy duyệt, san phẳng làng.

 

Ấy thế mà, sau những tổn thất mất mát tưởng như không thể gượng dậy được, các thế hệ Cao Lao Hạ vẫn bám đất, bám làng, vẫn sẵn sàng đối chọi với thiên nhiên, chiến tranh để chúng ta có được làng quê thanh cao, to đẹp như ngày nay.

 

Chúng ta tự hào về Cao Lao Hạ, quê hương của chúng ta.

 

Giờ này, gió mưa vẫn tiếp tục gào thét, bà con ở quê vẫn đang oằn lưng chống chọi, bà con xa quê, bạn bè gần xa vẫn đang đau đáu hướng về quê, nhưng không vì thế mà chúng ta bi lụy; hãy cùng vang lên những lời ca, tiếng hát, tiếng cười, ngẩng cao đầu tiến về phía trước. Chúng ta hãy cùng nhau hát những ca khúc trữ tình của quê hương mình.

 

Đưa em về Hạ Trạch





Nơi tôi tìm về





Về Làng Hạ





Và cùng nhau đọc, suy ngẫm về một sáng tác của anh Lưu Văn Quỳnh với tên gọi là “Quê hương tôi”.

 

Thay mặt Ban biên tập

Lưu Đức Hải

 

 

 

 

Quê hương tôi

 

        Đêm đã khuya mà tôi không sao chợp mắt được. Những thông tin thiệt hại của bà con quê hương Hạ Trạch ở Đồng Hới và trang nhật ký của Lưu Hoa về Siêu bão số 10 cứ chập chờn, nhảy múa trước mắt tôi:

       “Anh Lưu Quý Thông (CTHĐH Hạ Trạch) cho biết: Tất cả các trang trại của bà con ta hầu như bị xóa sổ. Trên 100ha cao su đến  kỳ thu hoạch đã bị phá hủy hoàn toàn. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu vay của ngân hàng”.

        Nhật ký của Lưu Hoa: “Chú Văn nghẹn ngào bảo: ba năm trước lũ quét hết tài sản. Nay vừa gây dựng lại chưa kịp hoàn hồn. Giờ bão lại đến. Rứa là không còn gì nữa rồi! cháu ơi!”.

       Tang thương và đau xót biết chừng nào. Bao nhiêu vốn liếng  dốc hết vào trang trại, giờ đã tiêu tan. Bà con quê ta biết bấu víu vào đâu để bắt đầu gây dựng lại. Khi sổ đỏ vẫn còn phải cắm ở ngân hàng.

       Trong cơn bấn loạn tưởng như tuyệt vọng, bất chợt tôi sực nhớ đến bài giảng văn cho học sinh lớp 10 mấy chục năm trước. Thế hệ học trò ngày ấy nay nhiều người đã lên ông, lên bà. Mỗi khi gặp lại vẫn nhắc đến giờ giảng văn MƯỜI CÁI TRỪNG bổ ích, hứng thú từ thuở xa xưa.

        Biết không thể ngủ được, tôi sang phòng đọc chép lại như một kỷ niệm trong những ngày đau buồn của quê hương.

       Ngày ấy cách đây vừa tròn bốn mươi năm… Trống đánh vào lớp. Chờ cho học sinh trật tự, tôi treo tấm bản đồ lên bảng. Dưới lớp có tiếng xì xào ngạc nhiên, lớp trưởng lễ phép đứng lên:

      - Thưa thầy tiết này là giờ Văn của thầy đấy ạ! Sao thầy lại treo bản đồ, có phải là giờ Sử hay Địa lý đâu ạ!

       - Đúng rôi. Hôm nay là giờ giảng Văn, phân tích bài ca dao… Tôi chép đầu bài lên bảng rồi đọc rành rọt cho cả lớp nghe:

 

MƯỜI CÁI TRỨNG

(Dân ca Bình Trỉ Thiên)

 

Tháng Giêng. Tháng Hai. Tháng Ba. Tháng Bốn

Tháng khốn, tháng nạn

Đi vay, đi tạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua một con gà mái về nuôi

Đẻ ra mười cái trứng.

 

Một cái trứng: Ung

Hai cái trứng: Ung

Ba cái trứng: Ung

Bốn cái trứng: Ung

Năm cái trứng: Ung

Sáu cái trứng: Ung

Bảy cái trứng: Ung

 

Còn ba cái trứng,  nở ra ba con.

 

Con: quạ tha

Con: diều bắt

Con:  mặt cắt lôi

 

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

 

          Đọc hết bài ca dừng lại. Cả lớp im phăng phắc. Tôi như nghe rõ cả tiếng đập khẽ khàng của 45 con tim học trò đang hướng cả lên thầy.

          Hướng dẫn các em quan sát bản đồ, tôi bắt đầu bài giảng.

          Các em thân mến, nhìn trên bản đồ Việt Nam, đây là Bình Trị Thiên quê hương của thầy cũng là của những tác giả bình dân đã sáng tác ra bài dân ca MƯỜI CÁI TRỨNG để thầy trò chúng ta hôm nay được phân tích.

          Nhìn lên bản đồ Tổ quốc, Bình Trị Thiên khúc ruột miền Trung nom nhỏ bé, thanh mảnh như chiếc đòn gánh tre dẻo dai đang gồng lên để gánh hai thúng thóc đầy, là hai miền Nam Bắc của Tổ quốc chúng ta.

          Bình Trị Thiên là phên dậu của dân tộc từ thuở vua Lý Thánh tông dựng nước. Qua đời Trần, đến đời Lê vùng đất này được khai hoang lập ấp, để trở nên một vùng dân cư đông đúc.

          Bình Trị Thiên cũng là nơi đầu sóng ngọn gió của biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc.

          Thời phong kiến Trịnh Nguyễn phân tranh, con sông Gianh này (chỉ bản đồ) thầy đã từng bao lần ngụp lặn để bắt cá, mò cua cũng trở thành ranh giới  Đàng Trong - Đàng Ngoài.

          Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, dòng sông Hiền Lương đây lại trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, một thuở đau thương chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc.

          Đến thời chống Mỹ, Quảng Bình quê hương của thầy lại trở thành nơi yết hầu, cửa tử mà kẻ thù đã dùng tàu chiến, máy bay, kể cả B52 để hủy diệt, để cắt đứt con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

          Dải đất này đâu chỉ dau thương tang tóc bởi kẻ thù hai chân (chiến tranh xâm lược do con người gây ra) tàn phá, mà còn bị kẻ thù bốn chân (Mác) - thiên nhiên: mưa lũ, hạn hán hoành hành.

          Nhưng cũng trên mảnh đất này, người dân Bình Trị Thiên không chỉ hiên ngang, kiên cường đương đầu với giặc, chống chọi với thiên nhiên để làm ra hạt lua, củ khoai để sinh tồn mà lớn dậy. Trên mảnh đất khô cằn ấy, tâm hồn họ vẫn lạc quan, yêu đời để rồi sáng tác ra những bài ca bất hủ, những điệu hò câu ví lắng đọng, mượt mà trong đó có bài dân ca mà chúng ta đang phân tích. Đọc bài ca dao, ấn tượng sâu sắc nhất với các em là gì?

        - Thưa thầy theo em đó là kết cấu và cách dùng các loại dấu chấm rất đặc biệt ạ!

         - Em có thể phân tích kĩ hơn.

        - Thưa thầy cả bài thơ hầu như chỉ là sự liệt kê, phép đếm về thời gian rất rạch ròi, cụ thể. Sau mỗi con số, một sự việc là những dấu chấm, hay hai chấm thật bất ngờ. Bất ngờ tưởng như phi lý.

        - Vậy theo các em giá trị biểu cảm của dấu chấm đó là gì?

       - Thưa thầy những dấu chấm đó như để phô ra rạch ròi, cụ thể những khó khăn chồng chất mà người dân quê thầy phải chịu đựng.

       - Cám ơn em! Rất đúng. Ngoài ra ai có ý kiến khác? Cả lớp lặng im.

       - Ngoài những ý kiến trên, riêng thầy thì lại rất tâm đắc với các dấu hai chấm kia. Các em thử hình dung… sau dấu hai chấm đó là động tác nâng niu quả trứng trên tay soi soi, xoay xoay dưới ánh mặt trời để gửi gắm vào đó biết bao niềm tin, hy vọng trong từng quả  một.

        Cùng với dấu hai chấm, các ngôn từ, cách ngắt nhịp cũng rất phù hợp với ý, với lời thơ. Mộc mạc, tự nhiên như đếm, như nói thậm chí cả  tiếng chửi, lời than: Tháng Giêng, Tháng Hai, Tháng Ba, Tháng Bốn, Tháng nạn. Từ hình thức nghệ thuật mộc mạc đó, bài ca đem lại cho người đọc nhận thực về một hiện thực cuộc sống của người dân nơi này. Không chỉ ngày một, ngày hai, mà hết tháng này, đến tháng khác, năm này đến năm khác. Cơn bão này chưa qua, cơn lũ khác lại đến. Khó khăn chồng chất, túng thiếu đủ bề. Cuộc sống tưởng như bế tắc trong bước đường cùng, khi bao nhiêu hy vọng gửi gắm vào trong từng quả trứng  cũng  dần mất hết.

       Những tưởng mười phần mất bẩy còn ba. Người dân quê tôi sẽ từ ba con gà mới nở mà làm lại cơ đồ, mà dựng lên sự nghiệp. Nhưng niềm hy vọng cuối cùng đó cũng tắt, khi:

 

Còn ba quả trứng nở ra ba con.

Con: Quả tha

Con: Diều bắt

Con: Mắt cắt lôi

 

          Nhìn xuống lớp học nhiều học sinh mắt đỏ hoe… Nào mời em, tiếp tục.

          - Thưa thầy em…Em không nói được ạ.

          - Sao lại thế?

          Nam sinh ngồi cạnh nhanh nhảu trả lời thay: Thưa thầy bạn ấy đang khóc vì thương thầy, thương người dân quê thầy đấy ạ.

          Tôi lặng lại trong giây lát. Cám ơn các em, nhưng bài thơ đâu chỉ có thế. Người dân quê thầy đâu chỉ biết than vãn cho số phận của mình. Có đúng không? Cả lớp đồng thanh: Thưa thầy đúng ạ.

          - Vậy theo em giá trị sâu sắc nhất, cái hay cái đẹp nhất của bài thơ này là gì?

          - Thưa thầy đó chính là niềm lạc quan, yêu đời, tinh thần vượt lên trong cuộc sống với niềm tin vững chắc vào tương lai. Điều đó được thể hiện rất rõ ở trong hai câu ca dao kết:

 

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc. Còn chồi nẩy cây.

 

          Tuyệt vời, tuyệt vời. Hoan hô bạn An, hoan hô quê thầy.

          Cám ơn các em, các em đã phân tích bài dân ca rất tốt. Cái hay, cái đẹp của bài dân ca chính là . Niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin là giá đỡ tinh thần, là nền móng, là bệ phóng để chúng ta vươn lên, cả trong những khi cuộc đời tưởng như đen tối nhất. Vậy nên trong cuộc sống hàng ngày đừng bao giờ tuyệt vọng. Hãy vững vàng tự tin. Đó là sức mạnh để vượt qua những giây phút khó khăn nhất của cuộc đời…

          Thấy đèn ở phòng đọc còn sáng, con gái đã thức giấc gọi sang: Bố ơi, bố dậy làm gì sơm thế?

          - À, bố sắp đi ngủ đây.

          Đèn tắt, màn buông nhưng tôi vẫn cứ miên man trong dòng suy tưởng:

          Quê tôi đó, dải đất miền Trung đầy nắng, đầy gió. Không chỉ hôm nay mà từ ngàn xưa muôn đời vẫn thế. Khó khăn chồng chất, bão giật, mưa tuôn… Vẫn vững vàng trong gian lao thử thách. Để rồi lại đứng dậy, để rồi vẫn lớn lên với  một niềm tin bất diệt:

 

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc. Còn chồi nẩy cây.

 

Ngày 13 tháng 10 năm 2013

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip