Ra mắt tập thơ Ngọc Khương tại Quảng Bình

08:48 - 14/03/2020

Bài viết của anh Cảnh Giang về buổi ra mắt, tọa đàm tuyển tập thơ của Ngọc Khương, nguyên giáo viên trường THCS Lưu Trọng Lư

Ra mắt tập thơ Ngọc Khương tại Quảng Bình

         

           Tập thơ đóng bìa cứng, chữ mạ vàng rất đẹp, khổ 15x22cm, in giấy couche dày trắng tinh. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 1/2020; có đến trên 400 trang (380 trang in nội dung 200 bài thơ và các bài viết, còn lại là những trang ảnh màu).

          Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình từ xưa tới nay đã tổ chức ra mắt, tọa đàm, hội thảo nhiều tuyển tập thơ, nhiều đêm nhạc của các văn nghệ sĩ, hội viên Hội VHNT Quảng Bình và Hội viên Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, cũng đã để lại những tình cảm sâu sắc, cho những tuyển tập, những tác giả một đời lăn lộn, hiến thân cho sự nghiệp Văn học nghệ thuật tỉnh nhà của những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ quê hương Quảng Bình, sống và công tác trên đất Quảng Bình.

          Lần này nhà thơ Ngọc Khương ra mắt tuyển tập Thơ Ngọc Khương, tại hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, là Hội viên hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, là người con Quảng Bình sống xa quê hơn 40 năm trời đằng đằng. Điều này cũng để nói lên điều khác biệt với những lần hội thảo ra mắt các tuyển tập thơ trước đây.

          Lần ra mắt, tọa đàm đặc biệt này, đã được sự ưu ái của ban thường vụ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, vô cùng ngưỡng mộ và tri ân một nhà thơ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình nắng và gió hơn 30 năm; Cả tuổi thơ và tuổi thanh xuân của nhà thơ Ngọc Khương đã gói trọn cuộc đời, là nguồn cảm hứng thi ca bất tận, ngấm vào trái tim mang dòng máu Quảng Bình, nơi miền quê dạt dào sông nước. Buổi ra mắt, tọa đàm đã gây ấn tượng và sự chú ý của các thông tấn báo chí, đài phát thanh trong và ngoài tỉnh như Báo Quảng Bình, đài phát thanh truyền hình Quảng Bình, tạp chí Nhật Lệ, báo Tiền Phong, báo Thanh niên…

          Các nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ, ca sĩ, các nhà giáo trong và ngoại tĩnh các bạn bè yêu mến thơ Ngọc Khương đã đến dự và chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với nhà thơ Ngọc Khương, người con Quảng Bình sống xa quê, viết và trăn trở với quê hương sâu lắng nghĩa tình. Đặc biệt trong buổi tọa đàm diễn ra trong không khí ấm cúng, quây quần gần gủi của lãnh đạo thôn Vĩnh Phước, lãnh đạo xã Quảng Lộc, hội đồng hương xã Quảng Lộc tại thành phố Đồng Hới, nơi mảnh đất thân thương, nơi  anh cất tiếng khóc chào đời, được  bà Nội ru anh, nuôi anh lớn lên, được cưu mang trong tình thương ấm êm của bà con cô bác, họ hàng thân thuộc, để rồi anh nấc lên tiếng thơ xé lòng khi xa quê, anh luôn tâm tưởng nhớ về bà Nội, cổng làng, gốc đa, bến nước, con đò…

          Buổi tọa đàm, ra mắt đã có sự cỗ vũ động viên của lãnh đạo chính quyền, hội đồng hương, học trò cũ của làng quê Hạ Trạch, nơi đã sinh ra một nửa cuộc đời của anh, đã tạo điều kiện, là mái ấm gia đình che chở sẻ chia khi vui, buồn, sướng khổ, khi hạnh phúc, khi buồn đau… Cùng bạn bè một lứa bên trời, cùng học tập, cùng lớn lên, cùng trưởng thành đã đồng hành cùng anh, vui buồn cùng anh,  trong những bước thăng trầm… Tất cả, tất cả đã thổi vào hồn thơ Ngọc Khương, man mác tình quê, xốn xang hồn nước,  như dòng sông Gianh, gắn với tuổi thơ anh dào dat, ân tình…

Đã gây lên niềm cảm xúc dâng trào,  khi Tiến sĩ Mai Liên Giang Phó hiệu trưởng trường Đại học Quảng Bình đã láng sâu trong bài viết: “ Khắc khoải hồn người – Qua tuyển tập thơ Ngọc Khương”.  Nhà văn Việt Nam Hữu Phương đã chia sẻ lòng mình với tuyển tập thơ Ngọc Khương qua tham luận: “ Đường đời, đường thơ thăng trầm khổ lụy”. Nhà văn Hoàng Minh Đức  đã gửi gắm tấm lòng tri ân sâu sắc của minh, trong bài viết đăng trên báo Quảng Bình, ra ngày 29/2/2020 với bài viết: “ Những Vần thơ mang nặng ân tình”; . Cùng bài viết của Cảnh Giang: “ Thơ Ngọc Khương luôn ánh lên niềm chung thủy với bạn bè” Những nhà thơ nhà văn Quảng Bình đã đọc và nghiên cứu tuyển tập thơ Ngọc Khương, tìm ra điều cốt lõi của Hồn thơ anh, là: Tình đời, tình quê, tình bạn, tình yêu…mang nặng ân tình; Là tình cảm thân thương với mảnh đất Quảng Bình, nơi anh sinh ra và lớn lên. anh khắc khoải hơn 30 năm xa cha, vắng mẹ, trong cảnh  đất nước chia li, để dẫu anh đi khắp góc biển, chân trời “Trong tim không cạn những lời Nội ru…”

          Đánh giá về nội dung và nghệ thuật qua từng bài thơ, trong tuyển tập đã có nhà thơ, thạc sĩ Mai Văn Hoan có bài đăng trên báo Giáo dục thời đại ra ngày 24/2/2020  với bài: “ Một phong cách bình dị mà quyến rũ.”. Lời bình của nhà thơ Lý Hoài Xuân: “ Độc đáo thơ Lục bát trong thơ Ngọc Khương”, đã nói lên thơ Ngọc Khương mang đậm chất dân ca, trữ tình như câu dân ca, như ca dao vút lên, lắng sâu trong lòng công chúng, như Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới với 2354 câu lục bát đã sâu lắng trong hồn người, đi qua hơn 200 năm, mà “Nghe như non nước vọng lời ngàn thu…”

          Nhà văn, nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh đã đánh giá sâu sắc: “ Nét nổi bật trong tuyển tập thơ Ngọc Khương”, Những nét nổi bật mà Hoàng Thụy Anh đúc kết như là Hồn vía nhà thơ đọng lại, long lanh như những hạt sương mai lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, một trong những người đi đầu trong phong trào thơ “ Cách tân”, “ thơ hiện đại”, “ Thơ đổi mới”… Cũng đã gạn đục, khơi trong trong thơ truyền thống, trữ tình của Ngọc Khương, để tìm ra: “ Nét độc đáo của bài thơ: Trái bầu quê tôi…” thì quả là thú vị,  đắc đạo, hiếm hoi…

Với nhà nghiên cứu Văn hóa Văn Tăng đã tìm tòi sáng tạo, tìm ra nét riêng biệt, suy tư dồi dào cảm xúc với vị tướng lừng danh, khi đọc bài: “ Đèo Ngang, Vũng Chùa  một góc Hồn quê trĩu nặng trong thơ Ngọc Khương ”.

          Buổi ra mắt tập thơ và tọa đàm, tuyển tập thơ Ngọc Khương, đầy hấp dẫn ấm áp tình quê, mang nặng ân tình, đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3/2020, mát mẽ ngọt ngào “ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… tình Mẹ Quảng Bình bao la, sâu lắng. Khi cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt chúc mừng nhà văn Thế Tường kết luận tuyển tập thơ Ngọc Khương chỉ trong môt phút, với 3 câu ngắn gọn: “ Người xa quê, lập nghiệp thành đạt trên thương trường thì mang tiền về quê;  Người thành đạt trên chính trường thì mang quyền về quê;  Còn Ngọc Khương có đủ tiền, có ít nhiều uy tín nơi đất khách, nhưng không mang quyền hay tiền,  mà trong hành trang của anh là đầy một gánh thơ; Người đó hẵn có một tâm hồn lớn …”

Mốt số bài thơ của Ngọc Khương

 

KÝ ỨC LÀNG TÔI

Làng tôi
Làng cù lao
Quanh năm cồn cào sóng vỗ
Tiếng gõ chài khua đổ sao đêm…

Làng tôi, chăn bao bố gió chích bầm đông
Nón lá tre lửa châm sém hạ
Tháng tám dắt trâu trốn lũ
Đường lầy, mẹ trượt bờ ao

Làng tôi nghè tiến sĩ trơ đá đời nào
Đền nhà quan mọt rên ngày giỗ
Thánh đường chuông nhòe tháp cổ
Cánh cò bạt vía hoàng hôn…

Làng tôi một người bệnh, nháo nhác cả thôn
Một người sinh, chật nhà than lửa
Một người mất, trắng đồng khăn rủ
Một người đi xa, thương lím đò ngang

Làng tôi đàn ông giọng oang oang
Điếu thuốc lào vỡ nhà ba chuyện tếu
Vịn câu cười qua tháng năm lắt lẻo
Tình đầy như bát nước chè xanh

Làng tôi qua bao cuộc chiến tranh
Lá lành đùm lá rách
Có bà mẹ mấy người con mất tích
Đêm ngâm Kiều khuây khỏa những buồn đau…

Làng tôi con gái mắt bồ câu
Yêu ai như đinh đóng cột
Chẳng mượn vầng trăng thề thốt
Mà suốt đờ vẫn sóng sánh lòng nhau

Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu
Tay lấm láp bắt con còng làm bạn
Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến
Da cháy rần trong nắng quái miền Trung…

Tôi đi xa mang theo cả quê hương
Đêm trăn trở nghe trăng vàng quẫy sóng
Những đôi mắt bồ câu mơ mộng
Và tiếng gõ chài khắc khoải gõ mòn tôi!
Tháng 6/1995

 

TRÁI BẦU QUÊ TÔI

Về quê đụng phải dàn bầu
Trái treo lơ lửng mắt hau háu nhìn
Ngỡ là ngú ngớ, không tin
Hoá ra còn một chút mình ngày xưa

Cái thời bầu bí đong đưa
Bầu Giăng cho trẻ trú mưa dàn bầu
Trái bầu một nửa đi đâu?
Nửa treo rỉ máu mà đau xé mình!

Cái thời không dám tỏ tình
Bên bầu, bên bí liếc nhìn nhau thôi
Để rồi mỗi đứa một nơi
Lòng ta như thể cắt đôi trái bầu!

 

CÕI NGƯỜI

Nỗi mừng thấp thoáng nỗi lo
Niềm vui chợt đến, thập thò niềm đau
Miệng cười mà mắt mưa ngâu
Bao lời đường mật – bụng cầu gươm khua

Chợ đời ai bán, ai mua
Đồng tiền sấp ngửa, te tua kiếp người!
Chênh vênh đứng giữa khóc cười
Nửa lao xao nắng, nửa trời động kinh…

 

GIẾNG LÀNG

Cái giếng làng
Xanh con mắt
Lọc hương trời
Dâng nguồn mật…

Cha mẹ tôi gặp nhau
Trao cái nhìn đáy giếng
Cùng nắm sợi dây gàu
Níu tình yêu vĩnh viễn

Ba mươi năm xa quê
Mẹ về thăm làng – giếng
Thương cánh cò ẩn hiện
Gương ố rồi cò ơi!

Váng đặc nước vơi
Ếch kêu, rêu úa
Ngả nghiêng thành đổ
Cây cỏ vật vờ…

Ba mươi năm! Có đâu ngờ!
Giếng trong hóa đục
Biết giờ hỏi ai?
Mẹ tôi nén tiếng thở dài
Bên bờ giếng cũ, ngồi hoài sương rơi…

 

SÓNG GẠC MA

Chôn mình
Giữa sóng Gạc Ma
Sáu tư chiến sĩ
Máu hòa biển xanh!

Giặc dồn
Vào thế mong manh
Ôm cờ quyết tử
Tim thành lưỡi lê…

Nát thân
Còn giữ lời thề
Bạc đầu khăn sóng
Quặn về muôn sau…

 

QUA CẦU HIỀN LƯƠNG

Qua cầu Hiền Lương
Rùng mình
Ngoảnh lại
Hai mươi năm
Cháy dòng Bến Hải
Đất
Nước
Lìa đôi!

Ta đứa trẻ “mồ côi”
Bên này sông nức nở
Gió bấc se ngọn cỏ
Bóng chiều xác xơ

Mẹ bên kia mùa thu
Bảy ngàn ngày
Mong ngóng
Nhớ thương
Gặm mòn giấc mộng
Nước mắt
Rợt chén cơm!

Ai chém ngang trời
Sắc lạnh lưỡi gươm
Để mẹ Việt Nam
Quặn mình
Rên xiết!
Triệu triệu gia đình
Đắng niềm ly biệt
Máu xương
Chất ngất Trường Sơn?
Thước tấc nào
Đo hết đau thương
Tim mẹ nhói
Trước muôn ngàn mộ gió!

Ôi vết sẹo Hiền Lương
Trăm năm
Còn mưng mủ
Qua cầu
Sóng rên!
Quảng Trị 2014

 

CHIA TAY

Chia tay
Sao chẳng muốn về?
Mưa không ướt áo
Dầm dề mắt nhau?
Tần ngần…
Rụng chiếc tàu cau
Em ơi!
Nhặt gói
Nỗi đau chúng mình!

 

VÕNG TÌNH
Tặng H

Ngủ đi em! Ngủ đi nào!
Bao nhiêu khó nhọc lặn vào mắt em
Ngủ đi! Gà gáy chầy đêm
Anh chao cánh võng cho em giấc nồng

Ngủ đi! Lòng ấp vào lòng
À ơi… cái thuở bềnh bồng mới yêu…
Tóc mây sương nhuộm đã nhiều
Trông em vẫn nét yêu kiều ngày xưa…

Ai xui nhịp võng đong đưa
Ai xui em khép mắt vờ - dối anh?
Lạ lùng, đêm đã tàn canh
Chẳng ai ngủ được, võng tình còn chao…

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan

Thơ tình của riêng tôi
Những ý niệm về thơ qua Thế giới các vì sao của Lê Minh Thắng
Hồi chuông Thánh Đường
Nắng chiều
Nỗi nhớ mùa xa

Video clip