Sinh hoạt hàng ngày của người dân làng Cao Lao Hạ xưa

17:35 - 28/10/2019

Bài viết về sinh hoạt hàng ngày của người làng Cao Lao Hạ trong cuốn “Địa chí làng Cao Lao Hạ” của tác giả Lê Văn Sơn

Sinh hoạt hàng ngày của người dân làng Cao Lao Hạ xưa

 

Từ xưa một số nông dân vốn nghèo khổ, phải lao động cật lực mới đủ sống. Việc ăn mặc đa số đều giản dị. Một số người nghèo phải mặc quần thô áo vá. Những nhà giàu hay quan lại tuy có hơn nhưng không mấy gia đình, còn đa số nằm trong trạng thái hài hoá dễ gần gũi.

Ăn

Ngày xưa người nghèo thường ăn hai bữa: buổi trưa và buổi chiều tối, không ăn sáng, chỉ khi nào làm việc nặng nhọc thì cũng ăn ít củ khoai, củ sắn, v.v…Cơm thường độn ngô, khoai, sắn. Thức ăn chủ yếu vẫn là mắm đam (cua đồng), mắm tôm, mắm tép, mắm coòng, tôm tép…trộn với muối, cho vào lu, hũ phơi nắng một thời gian là trở thành mắm ruốc, dùng hàng ngày.

Vai trò mắm ruốc trong bữa ăn rất quan trọng! Mắm thêm ót với vài quả chuối xanh, quả khế, rau chắm là những món ăn phổ biến ở Cao Lao. Chỉ có các loại ruốc biển là phải mua ở chợ. Khế chấm ruốc biển món ăn rẻ tiền, đạm bạc nhưng lại có sức quyến rũ và ruốc biển còn dùng nhiều cách: ăn với cơm, ăn với cà, chấm thịt, chấm bún, kho cá, nêm canh, làm nước lèo, làm muối ruốc, v.v…Ruốc biển dùng để nêm thì mì chính không sánh nổi. Còn ruốc khô dầm nước mắm, tỏi, chanh, đường là món ăn bình thường nhưng mùi vị rất cao sang. Người Cao Lao còn mua ở biển về nhiều loại mắm, như mắm nêm, mắm cá thu, mắm cá ngừ, mắm cá nục, mắm cá trích,v.v… Ăn cơm với mắm là phong tục tập quán thường ngày của người dân nghèo, chỉ những lúc ky, giỗ hoặc đau ốm bồi dưỡng mới có thịt.

Đối với những nhà giàu, quan gia thường ng ày ăn ba bữa, thông thường buổi sáng là bữa phụ. Ngoài thức ăn cây nhà lá vườn, họ còn mua thêm cá, thịt, tôm, cua…ở chợ về. Đối với những gia đình này được nhân dân khen là khéo tay nội trợ. Họ chế biến nhềiu món thức ăn ngon.

Uống

Ngày xưa, đa số người dân làng Cao Lao Hạ uống nước lã, nước uống phải gánh xa, vất vả, nên ai cũng phải chứa nước mưa để uống.

Ngoài ra còn uống nước chè hoặc lá góp, lá vối, v.v…đặc biệt là nước chè khô. Người ta đun nước sôi bỏ vào một nắm lá chè khô, nước sôi độ vài phút là rót ra bát. Các cụ, các bác uống rất ngon, thú vị. Hình như chè khô này là một thứ uống tăng lực. Có nhà khá giả mua chè tươi về om có ướp gừng, hay mua trà Tàu là thức uống lý tưởng. Nước pha trà ngon là nước giếng ở ven chân núi như giếng Cửa Nghè, giếng Hóc, giếng Kiệt, giếng Hung…và cả bằng nước mưa nữa.

Một số người dân cũng thích uống rượu, rượu thường được ưa chuộng là rượu nấu chung cất từ gạo hoặc nếp. Rượu uống vừa ngọt, vừa thơm, vùa cay nhẹ nhàng. Những nhà giàu, các quan chức, mua thuốc bắc về ngâm rượu. Nhiều người ngâm rượu bằng các loại rắn, hoặc cao khỉ, cao hổ v.v…Trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ uống một tách nhỉ, vừa ăn ngon miệng, vừa bồi bổ sức khoẻ. Những lúc gặp nhau các cụ mời nhau uống rượu. Quả khế, quả ối, quả sung, lạc rang, củ tỏi là những vật nhấm của các cụ làm cho tiệc rượu thêm đậm đà.

Mặc

Trong phòng cách ăn mặc người dân làng Cao Lao Hạ cũng không khác gì với nhiều vùng đất ở Quảng Bình, nhất là đối với người phụ nữ, xiêm áo, khăn yếm, thắt lưng vẫn dùng màu thẫm. không dùng màu đen. Người phụ nữ thường mặc áo chẻn, quần vải thô đen (vải tự dệt). Chiếc quần dài của phụ nữ không mặc dài thướt tha đến gót, cũng không mặc cụt gần đến đầu gối mà chỉ vừa đúng tầm người. Áo ngắn thì ngang dưới thắt lưng một chút, có khi tay dài, có khi tay cụt. Áo cổ kiềng (tức là cổ không cao), thì bịt kín không xẻ nách. Đây là chiếc áo mặc thường ngày để lao động nên thường nhuộm nâu.

Khi lẽ lạc, tết nhất, cưới hỏi, đàn ông cũng như đàn bà thường mặc áo dài đen quần trắng, phụ nữ có người bận quần đen. Đàn ông chít khăn, đi guốc mộc. Thân áo phụ nữ vừa sát người, tạo thànhh eo, màu trang nhã, không loè loẹt, diêm dua. Áo nữ dài quê Cao Lao Hạ là áo 5 thân may từ 4 mảnh vải dài, hai mảnh sau lưng ghép liền với sống lưng, hai mảnh đằng trước kết liền với nhau để chồng lên mảnh thứ 5 ngắn hơn gọi là vạt con…Phụ nữ con nhà giàu có, quan gia thì đeo vòng vàng, xuyến bạc, thắt lưng thao, mang yếm hồng hay trắng. Yếm vừa che ngực, vừa là trang sức. Yếm đã đi vào ca dao rất tình tứ:

Ước gì sông hẹp một gang

Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi

Phụ nữ làng Cao Lao Hạ còn có tục mang áo nối quàng cũng như nhiều nơi trong vùng. Áo nối quàng là thứ áo một nửa thân từ nửa ngực lại chia đôi, một bên một nửa theo chiều dọc quàng qua vai, và một nửa hai cánh tay theo lối may tay chứ không phải may máy khâu như thời đại chúng ta hiện nay…Với hai màu khác nhau, áo màu nâu, quàng trắng hay đen. Cái duyên dáng của áo nối quàng không phải do màu sắc để quyến rũ mà do sự khéo tay của chủ nhân chiếc áo, và do sự tiết kiệm, tận dụng những chiếc áo cũ, xấu trở thành áo đẹp. Do đó, người thanh niên đứng đắn không coi khinh chiếc áo nối quàng mộc mạc:

Người nói duyên em đã muộn màng

Bỏi vì nghèo khó chẳng xênh xang

Nhưng xuân em chín từ năm ngoái                       

Há phải vì em áo nối quàng              

(Hàn Mạc Tử).

Đối với nam giới thuộc bậc giàu sang trong làng thì thường mang áo dài kép, hai áo hai màu lồng nhau. Ao ngoài thường áo lương có hoa chữ thọ mỏng hơn nên nhìn thấy màu trắng của áo trong.

Ở Cao Lao Hạ người nam giới khi lao động thương mang quần cụt (quần xà lỏn), mà đối với người phụ nữ lúc bấy giờ không bao giờ có.

Các bậc cha mẹ dạy con cháu ăn mang phải đứng đắn, thể hiện đức độ và tính nết của con người. Những người ăn mặc lố lăng bị xã hội chê trách, có khi còn bị quở phạt.

Ngày nay thời trang thay đổi nhiều, áo quần đủ màu sắc, người làng Cao Lao Hạ cũng như nhân dân trong vùng nói chung đều mang quần âu, áo sơ mi, đi dép da, cũng có số đi dày da, mặc áo com-lê,v.v…Trang phục nói chung thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên phụ nữ, đặc biệt là nữ sinh cấp III vẫn còn giữ nề nếp ăn mặc cổ truyển: Chiếc áo dài vẫn tràn đầy các sân trường.

Đồ gia dụng

Gia đình nghèo đều dùng dụng cụ làm bằng đất sét nung như nồi, niêu, chén, bát, ấm nước, tréc đất v.v…ít gia đình có đồ đồng, đồ sứ. Hồi đó người ta dùng lu, hũ, vò để gánh nước, vì không có thùng. Giường thì làm bằng tre, một vài bộ phản cũng chỉ làm bằng gỗ thường, hầu như bàn ghế không có.

Đối với nhà giàu, quan lại, đồ dùng bằng đồng, bạc, sành sứ loại đắt tiền. Các loại rượu, sập, tràng kỷ, bàn ghế đều làm bằng gỗ tốt như gõ, huệng…

Hiện nay do kinh tế làm ăn dễ dàng, cuộc sống bây giờ hơn xưa nên nhiều gia đình có tủ đứng, bàn hộp, xa long và cả cát xét, ti vi, hon đa, v.v…

 

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip