Tâm sự người hàng xóm

11:52 - 20/08/2013

Suy ngẫm của anh Phan Văn Hà về những giá trị vô hình khi được trò chuyện với những người hàng xóm trong những lần về quê

 

Khi nào quê mình mới có nước ngọt về làng rứa chú?

 

Một câu hỏi của bà cụ đã ngoài 80 tuổi mà lòng tôi nghẹn ngào. Tôi nắm lấy hai bàn tay gầy gò của cụ, nhìn lên khuôn mặt với bao nép nhăn đang chờ đợi …Tôi nhìn xuống vệ đường nơi lớp đất đá mới đào lên chắc cũng dăm bảy ngày rồi, tôi liền nói với cụ: Cũng sắp rồi đó Mệ, hiện nay họ đang đào để bắt đường ống dẫn nước sạch về làng. Rồi họ sẽ bắt cho Mệ đường ống vào nhà, Mệ sẽ được dùng mước sạch.

 

Bà cụ cười, khuôn mặt cụ rạng rỡ, làn da cũng toát lên chút hồng hào. Tôi thầm nghĩ ngày còn tuổi thiếu nữ chắc cụ cũng thuộc những người con gái xinh của làng. Nhưng rồi bà cụ với cái giọng trầm tư: Chú nói rứa chứ chắc chi đã có mà chờ. Mệ đã chứng kiến ba lần rồi, họ nói nhà nước lập dự án chi đó, cho tiền về cũng đào, cũng lắp đường ống, cũng xây bể giữa các xóm. Mệ thấy những cái bể to chắc đựng được hàng chục khối nước, bà con làng mình ai cũng mừng lắm, kéo ra xem họ quay phim, chụp ảnh. Nào ngờ họ làm xong rồi họ đi, bà con mình mong dài cổ mà chẳng có giọt nước nào, thiệt là uổng tiền của, của nhà nước.

 

Trong lòng tôi thoáng chút buồn vì những ai đó đã vô trách nhiệm với dân với những con người đã từng lăn lộn với ruộng đồng vượt lên bao nổi khó khăn nhọc nhằn để xây dựng quê hương, làm ra hạt gạo gửi ra tuyền tuyến nuôi bộ đội đánh giặc.

 

Tôi liền tâm sự với cụ, thôi chuyện cũ nó qua rồi cho nó qua đi, bây giờ phải có lòng tin chứ. Mê ạ! Các anh Lãnh đạo xã ngày nay năng động lắm. Mệ nhìn thấy đó làng mình bữa nay có đường bê tông đường làng đường xóm rộng rãi, bà con đi lại thuận lợi không sợ mưa lụt, lầy lội như ngày xưa. Bà cụ cười sảng khoái, hình như cái tuổi ngoài 80 đã biến mất, trên khuôn mặt cụ cái nét khỏe khoắn ở độ tuổi 60 đang hiện về. Tôi thầm nghỉ giá như lớp trẻ, con cháu thường ngày có những cuộc trò chuyển động viên các cụ chắc rằng các cụ sẽ sống vui sống khỏe, xóm làng lại càng thêm đầm ấm.

 

Đôi lời tâm sự của tôi chắc nói đúng tâm lý của cụ nên câu chuyện của cụ càng sôi nổi. Cụ nói: Ù cuộc đời của các Ông, các Mệ ngày xưa cũng cực lắm, sương được gánh phân ra đồng, sương được gánh lúa, gánh khoai về nhà giữa những ngày mưa dầm gió bấc, chân ngập bùn, dò từng bước một có lúc vẫn ngã dúi lấm lem nhưng cũng phải gượng dậy để gánh đí. Cũng vì kế sính nhai và cũng lo cho con ăn học thoát nghèo, góp một phần đánh giặc. Hôm nay Mệ cũng thấy mừng lăm, xóm làng thay đổi, được nhà nước hỗ trợ, rồi con em trong xóm đi ra ngoài công tác, động viên nhau ủng hộ làm cho con đường xóm bằng bê tông, chứ bà con mình còn nghèo lắm biết khi mô mới làm được. Từ ngày có con đường bê tông, có đèn điện, xóm mình vui lắm, bà con trong và ngoài làng thường đi chợ qua đây, chuyển trò râm ran. Mấy lâu nay Mệ già rồi ít đi lại nên ít được biết chuyển làm ăn của bà con trong làng. Từ ngày có con đường Mệ mừng lắm, biết được nhiều tin tức, ai nuôi heo, bò, vịt, tôm, cua, cá giỏi, ai làm mấy mẫu ruộng, lúa tốt hay xấu Mệ cũng được nghe mà sướng trong bụng. Bữa ni đường đẹp, ngày mô Mệ cũng đi chợ, ăn thì chẳng mấy nhưng muốn ngày nào còn khỏe, được ra xem chợ cho sướng, sau này trăm tuổi không hối tiếc về một thời đã được hưởng niềm vui quê hương đổi mới.

 

Nói rồi bà cụ nắm chặt tay tôi, lòng bà bịn rịn, bà nói: Từ nãy đến giờ ham nói chuyển chi mô với cháu mà quên mất. Cháu mới về à, vợ con có khỏe không, răng không đưa chúng nó về cho vui. Hôm chủ nhật vừa rồi mệ gặp vợ và các con của cháu ra chợ, Mệ cháu gặp nhau mừng lắm. Mệ có hỏi ba các cháu có về không, vợ cháu bảo nhà con đang bận việc không về được. Tôi cũng nói với cụ hôm nay cháu về một mình, vợ và các con không được nghỉ. Ừ phải rồi hôm nay không phải chủ nhật.

 

Các con của Mệ làm việc xa quá, mấy đứa bay sướng thiệt ở gần được về với xóm làng luôn. Mấy đứa con của Mệ, chúng nó cứ điện thoại về động viên hỏi thăm bà con xóm, làng và gửi tiền về cho Mệ, bảo Mệ thich ăn gì ra chợ mua ăn một miếng.Tuổi già được bao lăm đừng tiết kiệm, còn nếu thiếu nước ngot thì mua ít xe công nông họ chở về đổ cho đầy bể mà dùng, trong xóm ai thiếu cho họ dùng với vì ở quê làm ra đồng tiền mua một khối nước cả trăm ngàn đồng cũng khó lắm. Nghe nó nói vậy mà mừng, dù đi xa nhưng con trẻ vẫn luôn giữ được tấm lòng tình làng nghĩa xóm mà sướng cái bụng thiệt.

 

Cụ nhìn tôi cười, một nụ cười đôn hậu dành cho tôi và cụ dặn, con về nhà đi, Ông Mệ trước nhà trăm tuổi về với ông bà rồi, dù bận công việc nhưng anh em, con cháu phải về thường xuyên cho vui với xóm với làng nghe con. Nói rồi bà cụ chào tôi: Thôi Mệ ra chợ đây, tí nữa Mệ ra nhà chơi và mang bánh lá ra ăn nghe. Nghe lời nói đầy tình thương và nhân ái của cụ mà tôi cảm thây xúc động vô cùng.

 

Bước ra khỏi cuộc sống làng quê nơi đô thị có phải chăng mình vô tư ít dành một chút thời gian thăm lại bà con lối xóm khi về làng, người quê thật vĩ đại, mình ân hận quá. Tôi đứng nhìn bà cụ bước đi khoan thai, hòa vào đoàn người đến phiên chợ làng đang tấp nập…

 

Hạ Trạch, tháng 7/2013 (Qúy tỵ)

Tác giả : Phan Văn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip