Tản mạn chuyện Bánh chưng Tết làng Hạ

20:32 - 21/01/2011

Anh Lưu Văn Lộc đã đưa chúng ta trở về với không khí chuẩn bị đón tết ở quê mình qua câu chuyện bánh chưng tết làng Hạ; dân làng Hạ sẽ giữ mãi truyền thống văn hóa tốt đẹp này, và các thế hệ nối tiếp nhau sẽ tiếp tục cắt lá, chẻ lạt, gói bánh chưng, bánh Họ để dâng lên tổ tiên ngày tết.

 

Từ truyền thuyết…

 

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".

 

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào. Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành."

 

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

 

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

 

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

 

…Bánh chưng tết làng Hạ

 

Hàng năm, cứ độ tết đến, xuân về, 24 dòng họ của làng Cao Lao Hạ lại mở hội lễ tết cổ truyền. Sáng mồng một Tết, con cháu khắp nơi đều đổ về nhà thờ của họ tộc mình với những lễ vật dâng lên tiên tổ. Và tất nhiên, không thể thiếu chiếc bánh chưng, một món dân dã mang ý nghĩa nhân văn cao quý có từ trong truyền thuyết.

 

Ngày xưa, gọi là ngày xưa, chứ cũng không xưa lắm đâu, vào những năm thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, khi chúng tôi đang còn nhỏ, công việc cuối năm nhà nông bận rộn vô cùng, nhất là những ngày giáp tết. Thời còn bao cấp, sản xuất theo HTX, nào là cày bừa, gieo mạ, cấy hái,…xóm làng nhộn nhịp lắm. Khẩu hiệu mà HTX đề ra và bắt buộc phải hoàn thành vụ Đông - Xuân là “Cấy chưa xong chưa mong ăn tết, cấy chưa hết ăn tết chưa ngon”. Phong trào thi đua lao động sản xuất rất sôi nổi, đội này thi đua với đội khác, HTX Thống Nhất thi đua với HTX Trường Lưu. Cuối năm mưa phùn gió bấc, rét run người, đói ăn thiếu mặc nhưng mọi người lớn bé già trẻ ra đồng từ gà gáy tinh mơ. Nơi thì nhổ mạ, nơi cày bừa, người  gánh phân, kẻ đắp bờ nhổ cỏ,… nô nức như ngày hội. Đám học sinh chúng tôi sau giờ tan trường cũng phải theo người lớn ra đồng, tham gia lao động theo tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Nói là việc nhỏ nhưng công việc nhà nông chẳng có việc nào nhỏ cho lũ học trò cả, cũng làm mọi việc như người lớn (Ngày nào gánh phân/quang dài quét đất- TĐKH). Khổ nhất là đi cấy ruộng bàu, dù mưa phùn gió bấc, rét cắt da cắt thịt cũng phải mang tơi đội nón, ngâm mình trong nước ngày này qua ngày khác mà cấy cho xong, cho đảm bảo thời gian, mặc cho đĩa trâu, đĩa mén bu đầy người. Quanh chuyện cấy bàu, có nhiều câu hò vè đậm chất làng Hạ. Tôi chỉ còn nhớ được một câu nghe các cụ già lúc ấy hay ngâm nga: “Ơ o đi cấy đưới bàu/ Quần đen lụng đáy cáu tràu chui vô…”. Thời lao động theo chế độ HTX cũng bình công chia điểm, mùa màng khi được khi mất, mà ruộng bàu thì mất nhiều hơn được. Năm thì lụt úng mạ cấy xuống sống được nửa phần, năm thì lúa chín chưa kịp gặt vịt trời kéo đàn kéo lũ về xơi trước, mùa thì lúa chín ngâm nước gặt không kịp moọc môộng hết... Ngày công lao động một hai lạng thóc, thế mà ai cũng hăng hái.

 

Nhưng, dù mùa màng có bận rộn vất vả đến mấy, thì đến cuối năm, nhất là tháng 11, tháng chạp, nhà nào cũng tranh thủ đi hái củi, ăn lá, ăn dang về chuẩn bị cho nồi bánh chưng.

 

Kể cũng lạ, dân làng Hạ ở không xa rừng lắm, chỉ băng qua một cánh đồng đã vào đến Chấp Cờ, Lều Cù, ở đó đã tha hồ củi mà chặt, nhất là củi thông. Hồi ấy thông bạt ngàn, cây to người ôm không xuể. Củi thông tuy dễ cháy nhưng nhiều khói vì cây thông có nhựa, lâm nghiệp trồng để lấy nhựa. Đã đi hái củi tết thì phải là củi rú chứ chẳng ai chặt củi thông. Vô tận Khe Trại, Khe Ngang, Khe Mọ, rồi Mái Trùa, Cổ Ngựa, Hòn Am… trèo đèo lội khe 5 - 6 cây số mà tìm củi. Dù rừng rú bạt ngàn cây cối, nhưng dân làng chỉ tìm những cành cây khô, gọi là củi chín, chặt ngay ngắn, dài bằng nhau, ngắn dài tùy vào độ cao của từng người để khi gánh dễ trèo đèo lội suối. Que nào to, thẳng thì chẻ đôi chẻ ba để dàn lưng, quay phía chẻ ra ngoài cho gánh củi sáng đẹp. Rồi bó, nêm, xóc thế nào cho bó củi chặt, dễ gánh. Đi hái củi rú cũng không ai chặt củi tươi, hay còn gọi là chặt củi sôống bao giờ, gánh vừa nặng vừa không kịp khô để đun mấy ngày tết. Bây giờ nghĩ lại, đó cũng chính là truyền thống về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Người có thâm niên rừng rú thì xuống khe, cắt thêm ít lá dong hay tìm một vài ống giang. Có người bỏ hẳn một ngày để đi ăn lá, chặt giang. Chiều tối, dọc đường Xe, đường Cồn Xạ, đường Eo, đường Kiệt nườm nượp người gánh củi, gánh lá về, già trẻ trai gái có cả. Ra khỏi rú, thường dừng chân nghỉ ở mấy cái giếng ở xóm rẫy để uống nước. Cứ lấy tay vốc nước lã mà uống, mát lịm. Có người được người nhà đi ngừa, mang cho mấy củ khoai, củ sắn, lúc đó sao mà khoai sắn làng Hạ ngon thế không biết. Mấy cô thanh nữ nhìn đám trai làng gánh củi về, cứ gánh nào to, dàn lưng bó đẹp, là biết khỏe hay yếu, khéo tay hay không. Có khi chỉ nhìn củi mà mê người.  Cứ vài ba ngày lại tranh thủ rủ nhau đi hái củi một lần, nên cuối năm nhà ít thì một hai gánh, nhà nhiều thì năm bảy gánh. Củi gánh về nhà, chọn bó nào khô, chắc cất riêng để nấu bánh chưng.

 

Nguyên liệu để chuẩn bị cho nồi bánh chưng cũng là thị lợn, gạo nếp, hành, đỗ xanh. Thịt thì có lợn HTX nuôi, cuối năm làm thịt chia cho xã viên. Chia theo khẩu phần nên nhà nhiều người được chia nhiều, nhà ít khẩu thì nhận ít. Có năm, cán bộ, công nhân, bộ đội về phép cũng được HTX tính suất chia thêm. Gạo nếp làm bánh chưng cũng được các mẹ chuẩn bị công phu. Hồi ấy, mọi công việc nhà nông đều làm thủ công, không có máy móc gì hết. Lúa nếp gặt về, chọn những bó chín đều, dùng chân đạp rồi lấy phần hạt mẩy nhất, sàng sảy thật sạch rồi phơi khô cất riêng vào chum sành, gần đến ngày gói bánh mới đem ra đâm xay. Nhà thì đâm trày tay, nhà đâm trày đạp. Cối phải lau chùi thật sạch, nhịp chày cũng phải đều và cận thận hơn. Mẹ tôi bảo, gạo là hạt ngọc của trời, trong đó thấm bao mồ hôi của người nông dân, một nắng hai sương, nên phải nâng niu. Hạt gạo nếp dùng cho gói bánh chưng, bánh Họ thì càng phải nâng niu hơn nữa, chịu khó đừng để hạt gạo rơi vãi ra ngoài mà có tội với trời đất. Nước nấu bánh chưng phải là nước giếng Kiệt, giếng Hóc, giếng Hung bánh mới thơm. Có người vượt Lều Cù vào tận giếng Mây, gánh nước vào buổi bình minh, là lúc dòng nước tinh khiết nhất. Về sau, nhiều gia đình xây được bể xi măng chứa nước mưa nên dùng nước mưa nấu bánh.   

 

Quan trọng nhất của nồi bánh chưng là chiếc bánh Họ. Bánh Họ phải to, đẹp hơn bánh thường. Có gia đình phải dùng khuôn để gói cho vuông thành sắc cạnh. Phải chọn những lá to đẹp hơn, nhân cũng nhiều hơn và khi xếp vào nồi cũng phải hết sức cẩn thận không thì méo bánh. Ông bà ta có câu “đói 3 ngày tết, hết khi trửa mùa”, có nghĩa là có nhà đói thật, tết đến cũng không có gì ăn, nhưng cũng có nghĩa khác, là cả năm có đói kém mấy, thì đến tết còn gì cũng đem mà ăn cho no, hết rồi tính sau. Chả nhẽ lại bắt con cái nhịn đói mấy ngày tết. Thế là dù giàu dù nghèo, nhà nào cũng gắng làm một nồi bánh cho tươm tất. Nhà khéo tay, nhiều đàn ông con trai (nhà 8 – 10 đứa con là chuyện thường) thì làm nhiều bánh chưng, nhà lại thích gói bánh tét cho mau, dễ bảo quản để ăn dần. Đêm cuối năm, cả nhà lại quây quần cùng gói bánh. Mẹ làm nhân, bố chẻ lạt, con cắt lá, rồi người gói, người buộc. Từ đây, chuyện làm ăn, chuyện làng xóm, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện nam, chuyện bắc… cứ râm ran mãi. Trong nồi bánh, thế nào cũng có thêm một chiếc thật nhỏ gọi là bánh thử, cũng là phần thưởng cho người chịu khó thức đêm canh củi. Những nhà không gói được bánh thì đặt thửa ông hàng xóm khéo tay sang gói giùm. Phải đặt thửa để ông còn sắp xếp thời gian, nếu tận tết không ai gói giùm là hỏng chuyện. Quanh chuyện gói bánh chưng, anh nào có người yêu, nhất là mấy chàng bộ đội, công nhân về phép, tối đến nhà người yêu mà gặp nhạc phụ tương lai đang gói bánh thì lo xắn tay vào làm ngay. Khéo tay gói bánh đẹp là được khen lắm, còn anh chàng nào không biết gói sẽ bị “lão gia” trừ điểm như chơi. Khi bánh gói xong cho vào nồi bắc lên bếp thì hai eng ạ được ưu tiên chụm cụi. Đêm cuối năm giá lạnh, hai eng ạ ngồi đối diện nhau qua bếp lửa hồng, thỉnh thoảng liếc mắt đưa duyên, má ạ hồng lên trong ánh lửa. Con gái Cao Lao sao mà đẹp thế!

 

Sáng mồng một Tết, con cháu các họ tộc nườm nượp bưng bánh Họ dâng lên thờ tổ. Con đường Bạn tấp nập kẻ xuôi người ngược, nét mặt rạng rỡ vui tươi. Anh em bạn bè, trong làng ngoài nước, kẻ nam người bắc về quần tụ gặp nhau tay bắt mặt mừng, quên hết mọi lo toan vất vả của cuộc sống đời thường. Nhà thờ 24 dòng họ trống dong cờ mở, thực sự là một ngày hội lớn. Vui nhất có lẽ là các cụ già trong làng, gặp con cháu làm ăn xa về quây quần bên ông bà, bố mẹ. Thoát ly gia đình, ăn cơm “nhà nước” nên đứa nào cũng lớn khôn hơn hẳn. Lễ họ được tổ chức hết sức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của làng Cao Lao Hạ. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chim có tổ người có tông. Không có cảnh chen lấn lộn xộn như một số lễ hội những vùng khác mà ta thường thấy. Sau phần lễ họ, bánh Họ lại được các gia đình rước về nhà mình, đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên suốt 3 ngày tết. Đến bữa cơm tiễn ông bà, cũng là lúc mọi người trong gia đình lưu luyến chuẩn bị chia tay nhau, bánh Họ được cắt nhỏ, mọi người ai cũng có phần gọi là hưởng lộc tổ tiên, hưởng lộc họ tộc, thật là ý nghĩa.  Trong mấy ngày tết, bà con làng xóm thăm hỏi chúc mừng nhau, những người ở xa quê về tranh thủ thăm hỏi bà con càng nhiều càng tốt. Có người sau một năm mới gặp lại nhau, có người 2- 3 năm, có người lâu hơn nên rất nhiều chuyện để tâm sự. Trước đây thông tin liên lạc khó khăn, bạn bè anh em lâu ngày về quê ăn tết gặp nhau cảm động vô cùng. Rồi sau đó, dù muốn dù không, ai nấy lại trở lại guồng quay của cuộc sống đời thường. Món quà mang theo cũng không thể thiếu một chiếc bánh chưng, vài đòn bánh tét. Trong mấy lớp lá xanh là công cha, nghĩa mẹ, là tình chị duyên em, là hương của đất, là vị của trời, là những hình ảnh của Linh Giang, Vực Sanh, Hói Hạ, Lều Cù, Thầy Bói, là những đêm nhổ mạ, những buổi gánh phân, những ngày rét lội bàu…được gửi vào trong đó.  Quả là dù đi tới chân trời góc bể nào cũng không sao quên được. 

 

Ngày nay xã hội đang phát triển nhanh, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Nông dân Hạ Trạch bây giờ đa phần sản xuất theo cơ giới hóa, máy móc dần thay người, nên công việc đồng áng tuy vẫn còn vất vả nhưng cũng đã đỡ hơn trước. Đám học trò cũng ít phải gánh phân, nhổ mạ, lội bàu như ngày xưa. Người Cao Lao Hạ cũng không còn mấy ai vào rừng hái củi tết, ăn lá, ăn giang. Mọi thứ đều đã có nhiều trên thị trường, kể cả bánh chưng, bánh tét gói sẵn. Tâm trạng háo hức của đám trẻ mong đến tết để được theo mẹ đi chợ phiên, được mặc áo đẹp, đi lễ họ, ăn bánh chưng bánh Họ cũng có phần giảm vì đời sống bây giờ đã lên cao. Việc gói bánh chưng, thức khuya dậy sớm đun thêm củi, chêm thêm nước cho nồi bánh vì thế đã và đang mai một dần với nhiều gia đình. Rồi chiếc bánh chưng làm quà cũng dần thưa. Nhưng với người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt gạo củ khoai, hạt đậu, tự tay mình làm chiếc bánh chưng dâng lên dòng họ, dâng lên tổ tiên vào ngày mồng một tết, vẫn mang một giá trị nhân văn cao cả trong việc giáo dục con cháu hướng về cội nguồn.

 

Mong sao dân làng Hạ giữ mãi truyền thống văn hóa tốt đẹp này, để thế hệ trẻ biết cắt lá, chẻ lạt, biết gói chiếc bánh chưng, bánh Họ, tự tay dâng lên tổ tiên chứ không phải chỉ còn nghe kể từ truyền thuyết.

 

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip