Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Tản mạn chuyện về quê

Bút ký của anh Lưu Văn Quỳnh

 

Thực tình về quê lần này, tôi không có ý định viết lách gì cả. Bao nhiêu vốn liếng đã dốc hết cho tuy bút “Về quê” lần trước chỉ cách đây vài tháng.

 

Sau một ngày đi xa, cơm nước xong, bà con, bạn bè đã về hết, những người bạn đồng nghiệp tôi mời về thăm quê cũng đã ngon giấc.

 

Phần tôi, lâu ngày không quen chè đặc. Tối nay vui bạn, quá chén, đã 2 giờ sáng vẫn mà không sao chợp mắt được. Cố thở thật nhẹ, thật êm để đưa mình vào giấc ngủ. Nhưng đêm càng thanh vắng thì tiếng gọi của Lê Chiêu Phùng trong chuyến về quê lần trước lại vang lên trong tôi càng rõ:

 

 - Anh Quỳnh ơi! Tôi đã bảo Lưu Quang Vinh giữ thật chặt vợ chồng anh lại. Thế mà từ Lệ Thủy cố phóng xe thật nhanh đến nơi thì vợ chồng anh đã đi. Chỉ còn hai chiếc ghế trống trơ, chán thật.

 

 - Thế rồi, đã không ngủ được từ đó tôi lại càng tỉnh táo hơn. Cố hình dung, mường tượng để tìm lại những nét thân quen của người bạn đã gần năm chục năm rồi chưa một lần gặp lại. Nhưng càng cố hình dung, mường tượng về anh thì hình ảnh ông cụ thân sinh ra anh, bà con chòm xóm xung quanh nhà anh lại càng hiện lên trong tôi rõ ràng như mới ngày hôm qua.

 

- Đây là nhà ông nội Lê Chiêu Chung, với hàng dâm bụt cắt tỉa rất công phu. Trước cửa nhà có cây lựu to. Mùa hè hoa đỏ rực như lửa. Mùa thu quả sai chĩu chịt.

 

- Đây là nhà ông bác Lê Chiêu Phùng có cây khế, cây bưởi ngay đầu hồi phía đông.

 

- Còn đây là lối vào cổng nhà anh có cội rơm trước cửa chuồng bò ngay lối vào sân.

 

 - Mỗi bận đến trường qua đây tôi thường thấy ông vẫn quanh quẩn làm lụng việc này, việc khác. Dáng người cao to khoáng đạt, nước da ngăm đen, miệng rộng. Tiếng cười nói âm vang thường hay nhắc nhở, hỏi han lũ chúng tôi những lúc tan trường.

 

Từ ngõ nhà anh rẽ về phía trái vài chục bước rồi quẹo về phái phải vài chục bước nữa phía tay phải là ngôi trường cấp II nơi tôi học 3 năm cuối cùng trước lúc xa quê. Tôi không sao quên được kì thi tốt nghiệp cấp II năm ấy. Đang làm bài thi, máy bay Mỹ ập đến. Báo động, tắt đèn xuống hầm. Máy bay địch bay xa, mọi người lục tục lên làm bài thi tiếp.

 

Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng thời đó chúng tôi học thật, thi thật, bằng thật. Ai không học hành tử tế là trượt như thường. Ai đỗ đạt coi như đã có chứng chỉ để bước vào đời. Mỗi đứa một phương, mỗi người một nghiệp. Không ồn áo, phô phang, tốn kém mà lại giả trá như chuyện học hành, thi cử thời nay. Miên man suy nghĩ rồi bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ ào ạt đổ về. Lòng lại nhủ lòng phải viết. Không viết được như tùy bút “Về quê”, như tản văn “Ôi quê tôi” thì hãy cứ ghi chép tản mạn chuyện về quê. Coi đó như một kỉ niệm, một sự tri ân đối với quê hương, bà con, bạn bè đã giành cho mình bao tình cảm yêu thương trìu mến.

 

Không biết có phải những lời khẩn cầu thành kính của chúng tôi ở đình làng đã được linh ứng để các thần linh, tiên tổ phủ hộ, độ trì mà chuyến về quê lần này thật vô cùng mĩ mãn.

 

Những ngày giữa tháng Sáu, đất trời hầm hập, bức bối như trong chảo lửa, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 - 400. Thế mà khi sắp sửa hành lý chuẩn bị về thì trời chuyển gió, đổ mưa. Sáng ra đường sá sạch làu, tiết trời mát mẻ. Xe bon trên đường êm ru. Chuyện trò râm ran trên trời, dưới bể rồi đậu lại ở trang Web làng ta.

 

À! Anh Quỳnh ơi! tối qua em đã đọc tản văn “Ôi quê tôi” của anh rồi. Gớm, không ngờ từ ngày về hưu trình độ vi tính của bác lại siêu thế. Cả những lời bình nữa. Nhiều, mà cái nào cũng sâu sắc, giàu cảm xúc. Thế những anh Lưu Quang Vinh, Lê Chiêu Phùng, Đặng Văn Quang... làm gì mà ông nào văn chương cũng lai láng thế?

 

Được dịp tôi tha hồ chém gió về trang Web làng tôi. Nào Caolaoha.com của tôi xếp thứ trên 2 triệu của thế giới, trên 3 ngàn của Việt Nam ta. Nào đội ngũ cộng tác viên ngoài những gương mặt chú vừa nhắc đến, còn hàng loạt những người khác.

 

- Nào bác TLCL, LCC, LQQ... Nào các nữ sĩ Lưu Hoa, Lê Mận, Sương Trắng, Hồng Mơ... ai cũng đầy tài năng, ai cũng giàu tâm huyết.

 

- À mà ngày mai chú sẽ được gặp họ ở đầu cầu Nhật Lệ đấy.

 

Tối nay chỉ cơm nước, nghỉ ngơi ở nhà. Sáng mai tôi sẽ dẫn đi thăm quan phong cảnh làng tôi. Thế là ngày về quê thứ nhất đã hết.

 

14/6, ngày về quê thứ hai.

 

Mặt trời chưa mọc ở đằng Đông thì mấy em tôi đã tản bộ trên bờ đê sông Gianh. Sáng sớm tinh mơ gió từ biển thổi vào lành lạnh. Lúc này tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch cừ khôi để đưa du khách đến với những danh lam, thắng cảnh của làng ta. Đặc biệt là những nơi đã đi vào văn thơ được đăng tải trên Caolaoha.com.

 

Đây là dòng sông và con đê với tôi có vô vàn kỉ niệm. Trước đây khi chưa có phà Gianh, rồi cầu Gianh như bây giờ thì nơi đây là bến đò ngang. Người dân quê tôi và cả khách bộ hành trên đường thiên lí vào Nam ra Bắc đều phải qua lại nơi này. Cũng ở bến đò này có lần mẹ tôi đi chợ phiên không kịp chuyến đò về. Bố con tôi đã hốt hoảng soi đèn đi tìm suốt đêm.Sau này khi viết “Chín nhịp cầu Gianh” tôi đã có những câu thơ rút từ gan ruột:

 

Hơn nửa cuộc đời

Được đặt chân lên chín nhịp cầu Gianh.

Lòng chợt nghe tiếng gọi đò thuở ấu thơ tìm mẹ

Đêm ấy: Mưa phùn, gió bấc

Mẹ đi chợ phiên không kịp chuyến đò về.

Một ngọn đèn khuya, leo lét bờ đê.

Tiếng gọi: Đò ơi! Đò

Chìm trong đêm.

                   Trong mưa

Trong gió!

 

 Cũng trên con đê này, tôi đã bao đêm Nằm ngửa ngắm sao trời, chờ con nước cạn. Để được mò cua bắt cá...

 

Còn đây là Cồn Hác, Cồn Soi. Phía xa bên kia nữa là những làng Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Phúc nơi bà con ta vừa gặp nạn trong chuyến ra khơi năm ngoái mà tôi đã có dịp viết trong bài “Chia sẻ nỗi đau”.

 

 Còn cái vệt xanh xa mờ phía tây kia nữa là dấu tích của thành Cao Lao có ghi trong Sử lớp 5 thời chúng tôi có học. Vừa mới được xếp hạng di tích lịch sử của tỉnh năm qua. Trước chiến tranh ở đó có cả một quần thể thành quách, đền đài, miếu mạo rất tráng lệ, linh thiêng. Còn dọc bờ đê này, phía trong là cả một dãy hơn chục miếu nhỏ có những ông từ trông coi, hương khói vào dịp mồng một, ngày rằm rất đỗi linh thiêng. Phía dưới kia nữa là Đồng Phố có lầu Ông Dư (anh trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư), có con đường đá vươn dài ra tận giữa sông. Nghe đâu là cầu tàu nhưng còn dang dở...

 

Dạo hết một vòng phía đông bắc làng cũng là lúc mặt trời lên cao. Quay lại về nhà điểm tâm sáng xong, chúng tôi lên xe qua con đường Bản vừa mới trải thảm bê tông. Ngắm dãy nhà thờ của 24 họ tộc vừa mới tôn tạo, xây dựng thật khang trang đẹp đẽ. Vào xóm Rẫy, lên Kỳ Sơn, Đồng Đớ thắp hương khấn vái ông bà, tổ tiên ở nghĩa địa gia tộc.

 

Đồng Đớ không cao nhưng đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt nhìn về bốn phía. Cả một vùng trời đất, non nước, ruộng đồng, sông, biển thật nên thơ.

 

Nào Chập Cờ, Đá Bạc, Thầy Bói, Đồng Dôn... sau lưng.

 

Nào Đồng Ran, Đồng Rú, Bầu Mật, Bầu Hốc, Phần Mua, Cửa Thành, Cồn Eo, đình làng... dòng Linh Giang, xa tít tắp nữa là dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) hùng vĩ và xa nữa ngoài khơi là những con tàu vừa nhổ neo rời bến.

 

Kéo tay thầy hiệu trưởng tôi hỏi: Thế nào bác, bác thấy phong cảnh làng em ra sao?

 

Đưa mắt nhìn lại một lần nữa cả bốn phía, thấy chép miệng. Tuyệt vời! Đẹp như bức tranh. Được dịp tôi đọc luôn hai câu thơ mở đầu bài Phong cảnh quê hương trong tập Hương Sắc Cao Lao do tập thể cộng tác viên Caolaoha.com chấp bút.

 

                             Cao Lao, Hạ Trạch quê mình

                             Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non.

 

Mọi người reo lên. Đúng quá! Đúng là bức tranh phong cảnh hữu tình thật.

 

Trưa. Lễ lạt, cỗ bàn xong theo lịch hẹn chúng tôi đến văn phòng ủy ban gặp gỡ, chuyện trò thân tình cùng các anh trong ban lãnh đạo xã. Vào đình làng thắp hương tưởng nhớ các đấng thần linh, tiên tổ đã có công khai làng, lập ấp để chúng tôi thừa hưởng phúc lộc hôm nay.

 

Đình làng vốn bề thế, uy nghi nay vừa mới hoàn thiện bình phong và sân đình trông lại càng khang trang đẹp đẽ. Vài năm nữa thôi khi vườn cây lên xanh tốt thì đình làng Hạ sẽ là một công trình văn hóa tâm linh tầm cỡ rất đáng tự hào như điều ông cha ta đã truyền lại từ 200 năm trước Cả châu này có một, cả huyện này có một (Bài ca xây đình do ông Lê Quang Chủy nhớ và đọc lại).

 

Đứng trên thềm đinh nhìn về phía Bắc cả vùng trời đất, sông núi bao la hùng vĩ. Chợt nhớ đến bốn câu đối trên cột trụ cổng đình, vội kéo các anh đến đó. Nhìn nét chữ chỗ mờ, chỗ tỏ, thầy Hùng đứng cạnh hỏi tôi:

 

- Anh có đọc và hiểu được ý nghĩa của những câu đối này không?

 

- Vốn liếng Hán Nôm của tôi lâu ngày không dùng đã mai một, nhưng tôi vẫn nhớ và rất thích câu đối này. Chỉ tay vào hai vế câu đối trước cột đình hướng về phía Bắc: Vế phải: Linh thủy ngoại triều, nội nhất hà khê lai hoạt thủy.

 

Vế trái: Hoành sơn viễn cung cận tam sa phụ túc bình sơn.

 

 - Thế nghĩa là thế nào hả anh?

 - Hội Hán Nôm Quảng Bình đã dịch thành thơ thế này:

 

                             Ngoài Gianh có nước thủy triều,

                             Trong đồng Hói Hạ nước theo nhịp nhàng

                             Xa xa có dãy núi Hoành

                             Gần ba động cát tạo thành bình phong

 

Dịch thành thơ thế có vẻ suôn sẻ, vần vè nhưng thật ra không sát ý. Hơn nữa lại mất đi chất văn chương từ hai vế đối đó. Nếu là tôi thì tôi sẽ dịch thế này. Đây các anh xem có đúng không nhé. Tôi đưa tay về phía trước phác họa để mọi người cùng thấy: Phía ngoài là dòng Linh Giang (Sông Gianh), phía trong là một con Hói nước lên xuống theo nhịp thủy triều. Ngoài xa là dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) như một cánh cung cùng ba động cát gần đó tạo thành bức bình phong che chắn cho đình. Nghe xong mọi người xuýt xoa:

 

 - Các cụ mình ngày xưa thánh thật. Chọn được thế đất đẹp, hợp phong thủy để xây đình: Lưng dựa vào núi, mặt hướng ra sông, lại có bình phong che chắn. Địa thế đình làng đã bề thế vững chãi lại yên ấm, hiền hòa. Đình đã đẹp, câu đối lại hay, hợp cảnh, hợp tình. Đúng là hài hòa đăng đối.

 

Thế là ngày về quê thứ hai sắp hết. Tạm biệt quê hương, chúng tôi lên xe vào Đồng Hới. Đến điểm hẹn đầu ga, rồi rẽ về phía tây thành phố, qua đường Hồ Chí Minh, đến thăm gia đình nhà báo Quốc Vinh một thời gắn bó với Cẩm Giàng – Hải Dương nhiều kỉ niệm.

 

Xe vừa dừng bánh, mọi người trong nhà đã ùa ra đón chúng tôi. Đi đầu là vợ chồng cô giáo Hòa. Bốn chục năm trước cô Hòa là học trò Cẩm Giàng, nay đã là cựu hiệu trưởng trường chuyên, là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Bên cô là phu quân, anh Kỳ - cán bộ Sở Giáo dục dù bận chỉ đạo thi tốt nghiệp phổ thông, nhưng biết chúng tôi đến anh cũng tranh thủ xin phép về gặp mấy phút rồi vội đi ngay.

 

Phía sau là anh chị Quốc Vinh, khỏi phải nói vui mừng hết cỡ. Cười nói rổn rảng. Tám mốt, tám hai rồi mà vẫn quắc thước, trẻ trung, vui tươi, nhanh nhẹn như những năm đầu bảy mươi của thế kỷ trước.

 

Thời gian gặp gỡ không dài, nhưng cũng đủ để chúng tôi biết và chia vui cùng gia đình anh chị. Bốn chục năm trước, anh là phóng viên Báo Nhân dân xa nhà biền biệt. Chị ở nhà con nhỏ lại đông. Kinh tế thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Có điều các con anh chị: Hòa, Bình, Thắng, Lợi, Hạnh đều chăm ngoan học giỏi. Nay bốn mươi năm gặp lại gia đình anh chị là một gia đình đại trí thức, danh giá của tỉnh Quảng Bình.

 

Không danh giá sao được khi cô gái đầu là cựu hiệu trưởng trường chuyên, là nghị sĩ Quốc hội. Anh trai giữa là một trong 24 người nổi tiếng của nước Hunggari. Cô gái út là Vụ phó Vụ Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. Hai anh trai nữa là những cán bộ chủ chốt của các ban, ngành tình Quảng Bình. Nắm chặt bàn tay chị, tôi vui mừng chia sẽ: Nhìn các con, các cháu của anh chị thành đạt, thành danh như thế, anh chị không khỏe, không vui, không trẻ trung thì mới là lạ.

 

Thời gian eo hẹp, chúng tôi phải tạm biệt gia đình anh chị sau khi mỗi người đã thưởng thức một đĩa bánh bèo đầy ắp.

 

Chia tay nhà báo Quốc Vinh, xe lại vội vàng lên trở về Đồng Hới. Đến nhà hàng Quảng Trường thành phố, tâm điểm của buổi gắp gỡ tối nay.

 

Trăng non đầu tháng lấp ló phía chân trời. Những làn gió nhẹ từ biển thổi vào mát rượi. Trong sự đông vui, náo nhiệt của nhà hàng bên bờ biển Nhật Lệ tôi đã kịp nhận ra những khuôn mặt thân quen: Bác Lưu Quang Vinh, cụ đồ Lê Chiêu Chung, Đặng Văn Quang, anh Lưu Quý Thông, Lưu Văn Lộc, nhà doanh nghiệp Duy Khánh. Lần này còn có thêm cậu Trần Quang Thành, chú em Lưu Văn Bài là những người trong họ hàng, gia tộc. Còn riêng Lê Chiêu Phùng thì khỏi phải nói. Nhân vật trung tâm mà tôi đã cố hình dung, mường tượng suốt đêm qua nay hiện hình bằng xương, bằng thịt. Nom ra dáng vẻ của một doanh nhân thành đạt hơn là dáng dấp của một kí giả tỉnh nhà.

 

Gặp nhau tay bắt, mặt mừng. Chuyện trò rôm rả. Rồi cỗ bàn bày ra. Nào mực ống, nào cá chim nướng, nào cá nghéo hấp, nào gỏi cá, nào cháo tôm, cháo sò, nào... thứ nào cũng tươi, ngon, nóng sốt...

 

 Náo nhiệt, sôi động nhất là cuộc vui văn nghệ. Đầu tiên là giọng ca vàng của bác Lưu Quang Vinh với ca khúc Nơi tôi trở về do bác sáng tác và biểu diễn. Sâu lắng, xúc động từ giai điệu đến ca từ. Rồi Đặng Văn Quang, Lưu Văn Lộc. Nghe đâu mọi bận là những giọng ca trầm hùng, tha thiết. Hôm nay chắc cảm động hay hát theo nhịp sóng biển dập dờn mà có phần run rảy. Nhưng càng run rảy lại càng đáng yêu.

 

 Riêng Lê Chiêu Phùng thì không dám bình luận nhiều. Trông anh chẳng khác gì một ca sĩ chuyên nghiệp vừa mới tham gia giải Sao Hôm. Vừa hát, vừa múa. Ca từ, nhịp điều gắn bó với Nhật Lệ, Phong Nha Kẻ Bàng mà âm hưởng và động tác lắc lư cứ phảng phất điệu Lăm Vông anh vừa học được trong chuyến đi Lào vừa qua. Tài thế ...

 

 Với tôi, đêm nay cảm động nhất có lẽ là những lời thủ thỉ, tâm tình của cậu Thành. Thật không ngờ, cậu tôi một sĩ quan công an tưởng chỉ quen với công văn, chỉ thị cứng nhắc, chỉ biết thực thi công vụ, lại lo lắng, quan tâm sâu sắc, chi chút đến đứa cháu lấy vợ xa quê khi cậu nói: Anh Quỳnh vốn hiền lành, lấy vợ xa quê, lúc đầu bà con ai cũng lo lắng, ái ngại. Nhưng nay thì... Chao ôi! Có lẽ vì sự tế nhị mà cậu dừng lại giữa câu. Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để vợ chồng tôi phải rưng rưng nước mắt. Bất giác không cầm được lòng mình, tôi đứng lên đọc bài thơ mà lẽ ra chỉ để giành riêng cho vợ. Cốt là để cậu cùng bà con an tâm và cũng là để khoe về người vợ của mình:

 

Từ thuở cùng anh trên con đường đời

Hơn phần ba thế kỷ đã qua

Chưa một lần nặng lời, gắt gỏng

Em: Người bạn đời, đồng nghiệp, bạn văn

Em: Người chị thảo hiền, bảo ban, nhường nhịn

Em: Người mẹ yêu thương, che chở, vỗ về

Em: Người cha kính yêu gánh vác lo toan những phần việc nặng nề

Em: Người tình đắm say, khao khát

Em: Những đêm khuya chuyện văn chương cùng anh bàn bạc

Em: Những ngày he mưa tuôn, nắng rát

Khi anh sa cơ, lỡ bước em vẫn lặng im nuốt nước mắt vào trong

         

Chưa đọc hết bài có ai đó đã kéo áo tôi giật giật. Anh ơi, thôi! chị đang khóc đấy. Tôi dừng lại.

 

Không gian như ngưng đọng, chùng xuống trong giât lát rồi lại sôi động hoạt náo với những lời ca, tiếng hát rộn ràng. Lúc này có thêm những người bạn bàn bên sang chung vui góp mặt. Ngày vui ngắn tựa tày gang. Mới đó đã hơn mười giờ đêm. Quảng trường Nhật Lệ cũng đã thưa vắng khách. Tôi lại phải đứng lên xin phép cáo từ trở về khách sạn Hà Nội của anh Lê Chiêu Lĩnh. Vì ngày mai còn chuyến đi dài thăm động Thiên Đường, còn cả nửa ngàn cây số hồi hương về nơi lập nghiệp.

 

Xe lăn bánh, những bàn tay vẫy chào tạm biệt khép lại ngày về quê thứ hai. Lần về quê không thể nào quên. Ngồi trên xe thầy Hùng còn tấm tắc: Thật đáng để đời buổi giao lưu, gặp gỡ tối nay. Dẫu có nhiều tiền cũng khó lòng mua được.

 

Ngày về quê thứ ba – 15/6.

 

Biển Nhật Lệ lúc hửng đông thật đẹp. Mặt trời phơn phớt hồng dưới nước từ từ nhô lên. Từng đoàn thuyền sau một đên giăng câu, thả lưới sáng nay tấp tập vào bờ mang theo nhiều cá tươi, mực ống, ghẹ, cua còn lâp lánh nước. Du khách từ các khách sạn kéo nhau đi dọc bờ biển tận hưởng những giây phút thư thái hiếm hoi trong cuộc đời. Đó đây, từng đôi nam thanh, nữ tú trong những bộ đồ bơi gọn gàng, khoác tay nhau tiến dần ra biển. Nhìn những thân hình nõn nà, những khuôn ngực phập phồng sự sống, sực nhớ đến bài Xuân bẩy mươi của anh Lê Chiêu Cường tôi liên đọc để mọi người cùng nghe:

 

                   Bảy mươi xuân tình tôi vẫn đắm say

                   Trái ngọt trên cây vẫn mơ màng nghiêng môi níu

                   Vẫn rạo rực nhìn trăng sóng soải trên cành liễu

                   Vẫn bồi hồi chờ đợi xuân sang.

         

Người khách đoàn bên nghe xong vỗ đùi: Tuyệt vời! Thơ thế mới là thơ, trẻ trung, đa tình, lãng mạn nhưng vẫn rất ý nhị. Rất thơ.

         

Tạm biệt biển Nhật Lệ. Kính chào Mẹ Suốt anh hùng. Xe lại ngược về phía tây thành phố hơn tám chục cây số theo đường Hồ Chí Minh đến thăm động Thiên Đường. Ôi! Thiên Đường, kì quan thiên nhiên tuyệt mĩ. Những đồng nghiệp của tôi lần đầu thăm động chỉ biết tấm tắc: Đúng là thiên đường, một vẻ đẹp không thể diễn tả được bằng lời. Chỉ có thể có trong trí tưởng tượng mà thôi.

         

Riêng tôi, lần thứ ba thăm động. Như thấy thiếu vắng một nét riêng gì đó mà không nói ra được sẽ làm giảm đi một phần vẻ đẹp của động Thiên Đường. May thay, lần này được cô hướng dẫn viên giới thiệu:

 

Xin mời quý khách hướng về phía tay phải. Trước mặt chúng ta là một hang động có vẻ đẹp như một thánh đường La Mã. Đứng từ đây nhìn ngược về phía cửa hang. Quý khách có thấy không? Con đường bằng gỗ táu dài cả trên nghìn mét với vô vàn phiến gỗ được các kiến trúc sư, những người thợ tài ba lắp ghép, kết nối thành một con đường ngoằn nghèo, uốn lượn trông như Vạn Lý Trường Thành. Ôi đúng rồi! Con đường trong động, con đường làm bằng gỗ táu ngoằn nghèo, uốn lượn như Vạn Lý Trường Thành ở giữa trời Nam. Thế mà mình không nhận ra. Chính con đường này là nét độc đáo riêng cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng càng tôn thêm sự tráng lệ, hùng vĩ của động Thiên Đường quê tôi.

         

Chia tay Thiên Đường, chúng tôi quay lại Phong Nhà Kẻ Bàng thưởng thức đặc sản gà đồi, cá suối vừa ngon vừa rẻ, lại có thêm món cà muối đặc trưng của xứ này ai đã nếm một lần chẳng thể nào quên.

         

Chào Phong Nha Kẻ Bàng, chào di sản thế giới. Xe chúng tôi lại ngược lại về phía Cự Nẫm. Đến đầu làng, thầy giáo Phạm Hùng bảo dừng xe, bước xuống như đã thỏa lòng ao ước một lần qua đây để tìm lại dấu tích bốn mươi mốt năm trước. Tại bãi tập kết quân này – làng Cự Nẫm, thầy đã tạm biệt miền Bắc thân yêu để vào Nam chiến đấu. Còn tôi cũng tại làng Cự Nẫm này gần năm mươi năm trước bước chân vào học cấp III, rồi vào giảng đường đại học và xa quê từ đó. Xe dừng lại cũng lâu nhưng cả hai đều không nhận ra dấu vết nào của ngày ấy. Vì: “Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu” (Hoàng Vân).

         

Xe qua Ba Trại, rồi Vực Sanh, ngước nhìn lên Thầy Bói, tôi khoe với mọi người: Kia là hòn Thầy bói, tuổi thơ tôi đã lên đó hái sim. Thầy hiệu trưởng chen vào: Ông chỉ bốc, sức ông làm sao lên được đó.

         

Tôi đáp: Không bốc chút nào nhớ. Không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Không chỉ đi mà còn chạy thi nữa đấy. Năm ngoái trở lại đây, tôi đã viết bài thơ trong đó có mấy câu như sau:

 

                             Tuổi thơ đi hái sim rừng

                             Buộc vào tay áo vắt lưng băng đồi

                             Bây giờ tóc bạc, da mồi

                             Ngước lên Thầy Bói xa rồi tuổi thơ....

         

Và đây rừng thông quê tôi, các anh trông có khác gì rừng Đà Lạt không. Cao hứng tôi đọc luôn mấy câu trong bài Rừng thông quê mẹ:

 

                             Tôi đi giữa rừng thông quê mẹ

                             Cứ ngỡ rừng Đà Lạt mộng mơ

                             Tuổi thơ tôi bao lần qua đó

                             Sao hôm nay đẹp thế! Không ngờ.

         

Thế này thì chịu bác rồi: Đúng quê hương là chùm khế ngọt. Giờ em mới hiểu tại sao anh chị lại hay về quê như thế.- Thầy Hùng nói.

         

Rời Ba Trại, Vực Sanh. Đến Lều Cù, Dốc Oằn. Tôi vội vàng giới thiệu sợ xe băng qua: Đây là Dốc Oằn nơi Đặng Văn Quang đã có ký sự và những bức ảnh nổi tiếng trong đó có những câu văn để đời “Chỉ nghe hai tiếng Dốc Oằn cũng đủ biết dân quê tôi nhọc nhằn biết mấy”.

 

Xe từ từ xuống dốc. Tạm biết núi rừng quê hương, tạm biệt những cánh đồng vừa mới gặt, còn thơm mùi rạ. Tạm biệt Cầu Gianh trăm nhớ, ngàn thương để tiếp tục cuộc hành trình đến Thiên Cầm, Cửa Lò, Tràng An, Bái Đính... Những danh làm thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung đầy nắng, đầy gió nhưng cũng thắm đượm tình người.

 

Xe qua Đèo Ngang, khu công nghiệp Vũng Áng đã hiện ra trước mặt. Quê hương khuất dần lại phía sau. Nhưng trong tôi vẫn nghe vang vang câu hát:

 

Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới, rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi... Quảng Bình! Khoan khoan hò khoan. Bao mến thương! Khoan khoan hò khoan... Bao mến thương! Khoan khoan hò khoan...

(Hoàng Vân).

 

Ngày 28 tháng 6 năm 2013

Tác giả: Lưu Văn Quỳnh

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Lễ cúng Cồn Cui làng Cao Lao Hạ năm Ất Tỵ 2025

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 982

    Trong tuần: 982

    Trong tháng: 84056

    Tổng số: 629961

    Đang online: 32

    quan_ly_thong_bao