Tản mạn khoai khô

09:06 - 11/05/2017

Sáng tác mới của Nguyễn Thị Hồng Tư

 

TẢN MẠN KHOAI KHÔ

 

Tôi tỉ mẫn nhặt nhạnh những lát khoai may mắn còn sót lại trong mớ khoai do bất cẩn nên bị mọt gần hết. Rồi định bụng, hay vứt đi cho rồi, mất thời gian quá.! Chợt nghĩ, cách đây mấy phút trong bữa cơm mình đã dạy con phải cẩn thận, không được làm đổ cơm, vì người nông dân phải rất vất vả mới làm ra hạt lúa củ khoai. Nhưng có lẽ, đó chưa phải là lí do duy nhất. Khoai khô trong tôi còn là tất cả cái mặn mòi của mồ hôi công sức và tình nghĩa của những người thân yêu nơi quê nghèo làng Hạ.

    

Mỗi lần về quê, một thứ không thể thiếu tôi mang vào Lệ Thuỷ đó là khoai khô. Đất Quảng Bình đi đâu mà chẳng có khoai. Nhưng khoai làng Hạ với tôi ngon lắm , quý lắm. Quý từ cái lam lũ của người chị nghèo lúc nào cũng thương em thương cháu. Lúc nào cũng vậy, vừa về đến làng, vừa chạm mặt chị, sau câu hỏi thăm bao giờ cũng là câu quen thuộc của chị “để ả về xầm khoai chiều ra ăn nghe”. Và đến chiều, chị bưng một tô khoai xầm cho O dượng, còn tôi, cùng một đoàn cháu có khi cả chục đứa, bưng cả nồi khoai còn nghi ngút khói đặt giữa nhà, cả múc cả thổi, nhìn đứa cháu gái mắt còn cay vì khói bếp, tay còn vương lọ nghẹ mà thương lắm. Trong tôi như tất cả tuổi thơ dài đang hiện về. Ngày nhỏ mẹ cũng thường xầm khoai hoặc hấp khoai vào cơm. Sau này thỉnh thoảng mẹ vẫn nhắc lại “răng mà hồi nớ cực rứa hè”, tôi nghĩ, thời đó cả làng như thế đâu chỉ nhà mình. Nhiều đứa trẻ bưng bát cơm độn khoai lên là nhăn nhó, còn tôi, vẫn thích cái vị cơm độn khoai hoặc sắn ngọt ngọt mà không ớn ấy, tôi ăn chẳng cần thêm thức ăn. Bao năm tháng trôi qua, cuộc sống đã đỡ vất vả, đôi lúc lại thèm cái cảm giác được bưng cả mớ song nồi đen ngồi giữa nhà mỗi bữa cơm. Và cảm giác ấy chỉ có được khi tôi về bên nồi khoai của chị.

    

Khoai khô là một trong những thứ thực phẩm không thể thiếu của nhiều gia đình trong những năm tháng còn cực khổ. Mỗi mùa khoai đến, ngoài món khoai củ thay cơm mỗi bữa sáng, nhà nào cũng dành một ít khoai để xắt phơi khô, dự trữ cho những ngày gió mưa rét mướt. Muốn xắt khoai khô phải chọn khoai đẹp để mau khô, ít mọt, và khi nấu mới ngon. Xắt khoai khô phải chọn ngày nắng trọn không mưa để khoai khô luôn một lượt, không nắng gắt vì nóng quá khoai sẽ không được ngọt. Phơi xong để khoai nguội rồi gói kĩ trong bao ni lông cất cả năm, nhiều nhà sợ mọt thì bỏ thêm vài lá bạch đàn, đến khi nấu khoai có mùi bạch đàn hắc hắc lạ lạ. Tôi không rành lắm nhưng đại loại là như thế. Nhiều nhà khoai nhiều ăn không hết đi bán, mà thời ấy bán có được bao nhiêu. Cái thành ngữ “rẻ như khoai” chắc chỉ xuất  hiện ở đất Quảng Bình trong những ngày tháng ấy.

   

Khoai khô là món không kén chọn. Mùa đông hay mùa hè đều dùng tốt; nấu ngọt hay nấu mặn, ăn nóng hay ăn lạnh đều ngon. Món “kinh điển” của mọi nhà vẫn cứ là chè khoai. Chè khoai phải nấu lâu, người quê gọi là “xầm”. Khoai nấu chung với nếp, các loại đậu, nấu phải nhừ nhuyễn rồi đánh mịn ra. Không  biết diễn tả như thế nào cho hết cái cảm giác đưa miếng chè khoai ngọt bùi vào miệng, chỉ biết rằng đó là món tôi mê mẫn. Một năm vài lần về quê, mang vào vài cân nấu dành nấu dụm. Thỉnh thoảng mẹ vẫn hấp khoai vào cơm như ngày tôi còn bé, rồi nhiệt tình dỗ dành hai thằng cháu ngoại. Bọn trẻ vẫn ăn, và chúng chỉ biết mỗi cái tên,đó là khoai, thế thôi. Tôi vẫn nghĩ trẻ con ngày nay nhiều cháu thật thiệt thòi, ví như không được vác cuốc đi mót khoai như tôi ngày xưa, rồi gặp củ nào ngon nhặt lên phủi phủi, răng đem thay dao gọt vỏ rồi cứ thế chiến ngon lành. Hay không được tụ tập giữa đồng đốt lửa lên mà ham nướng khoai không để ý trâu bò đi lạc tìm cho hoa mắt. Vụ này thì tôi không phải nhân vật chính, vì nhà tôi không có trâu bò, nhưng ít nhất đã một lần nhìn thấy chúng bạn như thế. Những hình ảnh ấy trong tôi giờ đã xa lắm. Và tôi cũng chưa hề gặp lại trên mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Thế nhưng, những đứa cháu tôi ở quê thỉnh thoảng vẫn còn được “sung sướng” như thế . Người quê còn lam lũ nhiều. Đồng quê bao nhiêu năm nay khoai vẫn xanh từng vồng như mấy chục năm trước. Hình như trong cái khổ cực còn có cả cái gọi là thói quen. Nông dân thì phải có khoai sắn. Và chị, chị vẫn cần mẫn xắt khoai khô mỗi mùa, mớ để ăn, mớ để mang sang chợ Ba Đồn bán khi túng tiền, mớ để mấy đứa lớn mang vào Sài Gòn, Bình Dương mỗi lần về Tết; và có một mớ phần chờ tôi về. Quà quê lúc nào cũng quý, dù là khoai khô tôi rất thích hay chỉ là quả mít, bó rau muống, cái gì chị cho tôi cũng cầm, cầm cái niềm vui của chị “đưa vô mà ăn, chi cũng mua toàn thuốc độc”, cầm cả cái tình của người quê cho dù vẫn còn đó những lam lũ đời thường.

   

Đất Quảng Bình vẫn được mệnh danh là đất khoai, nhưng ngày nay vì lợi ích kinh tế người ta làm khoai gieo là chủ yếu. Khoai gieo làm quà đi khắp nước , và cả nước ngoài. Tôi không được đi nhiều lắm, nhưng cũng võ vẽ mà đoán là khoai khô chắc chỉ còn rất ít ở nhiều làng quê, trong đó có làng Hạ. Đôi lúc vẫn tự thấy mình “cộ” lắm! Mà không! Bao thứ quà ngon thời hiện đại có khi không thể đổi được cái tình trong những lát khoai khô!

 

                                                                

Nguyễn Thị Hồng Tư 

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Tư

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip