Thành Cao Lao Hạ

06:48 - 24/04/2012

Dấu ấn văn hoá Chămpa ở Quảng Bình

 

 

Không như những toà thành khác hiện diện trên dải đất miền Trung, thành Cao Lao Hạ ở Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình dường như bị bỏ quên trong chính sử, kể cả Đồ Bàn thành ký - cuốn sử liệu ghi chép, khảo tả rất nhiều toà thành thời kỳ vương quốc Chămpa cũng không nhắc tới.

 

Miên Trung nói chung, Quảng Bình nói riêng là vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, từng là chiến trường với nhiều cuộc can qua; vùng đất biên viễn, vùng được xem là phên dậu của Đại Việt - vùng đất của  sự  đổi thay đầy biến động qua nhiều thời kỳ lịch sử. Vì thế mà nơi đây tồn tại nhiều thành luỹ Chăm pa như: thành Tra (Cha) (Bình định); thành Cổ Luỹ (Quảng Ngãi); Vệ Thành (Quảng Nam); thành Hoá Châu, thành Cổ Lai Trung, thành Lồi (Thừa Thiên - Huế)... và nhiều toà thành lớn nhỏ khác. Vì vậy, tìm hiểu sự tồn tại và diễn biến lịch sử của các toà thành qua từng thời kỳ lịch sử đưa chúng ta về với cội nguồn dân tộc về một quá khứ hào hùng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của một đất nước, một vùng đất.

 

Thành Cao Lao Hạ được xây dựng trên triền đất cao, thoáng, nay thuộc địa phận xã Hạ Trạch, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, cách cầu Gianh khoảng 1 km về phía Tây - Nam. Con đường giao thông liên xã tách ra từ Quốc lộ 1A nối xã Hạ Trạch với Mỹ Trạch được mở đi ngang qua luỹ thanh, cắt toà thành làm hai nửa khá đều nhau (con đường ngày nay đã bị phá bỏ). Thành ở vị trí khá hiểm yếu, núi bọc phái Tây - Nam vòng sang Đông - Nam, sông lớn (sông Gianh) chảy ở phía Tây - Bắc sang Đông - Bắc ; xung quanh thành là ruộng đồng phì nhiêu và hệ thống sông ngòi khá thuận lợi về mặt giao thông.

 

Thành có hình dạng chữ nhật, các luỹ thành cao thấp không đều nhau; luỹ thành hướng Đông - Bắc dài 197m , rộng  5,6m, cao 2,5m, rộng chân 10,5m, luỹ thành hướng Đông - Nam dài 255m, rộng 5,5m, cao 2,2m, rộng chân 11,3m, luỹ thành hướng Tây - Bắc dài 255m, rộng 6m, cao 1,8m, rộng chân 11,7m. Toà thành có diện tích không lớn nhưng nó đã từng là trung tâm hành chính của một vùng đất, một vương quốc. Nó minh chứng những thành tựu văn hoá và khoa học kỹ thuật của một giai đoạn, một dân tộc trong lịch sử.

 

Mỗi vùng đất đều là nơi cư trú và sinh sống của cư dân bản địa, nơi đó và lịch sử  của toà thành có thể là công trình phòng thủ ban đầu của những con người bản địa. Cho đến thời thuộc Hán, nơi  đây lại trở thành trung tâm, lỵ, sở của một chế độ mới. Và sau cuộc nổi dậy của Khu Liên (Đại Nam nhất thống chí), người Chăm tiếp tục xây dựng tu bổ thêm toà thành của mình trên nền đất cũ của người Hán. Theo nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Chămpa Trần Kỳ Phương, một trong các bi ký ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) có đề cập đến một tiểu vương quốc Chăm có tên gọi là Ragdrapura, nằm ở một trong các cửa sông vùng Quảng Bình (có thể là sông Gianh hay sông Roòn...) với những điều kiện cần và đủ về địa lý và địa hình để hình thành, có thể tiểu vương quốc này ở vào lưu vực sông Gianh mà thành Cao Lao Hạ là trung tâm hành chính cũng theo đó, mô hình của toà thành không lớn, chỉ là vòng thành bảo vệ tư dinh của thủ lĩnh, những tồn tại trong nó là những kiến trúc gỗ xứng tầm với vị trí của người đứng đầu. Và về sau trong quá trình Nam tiến, người Việt đã tái sử dụng chúng trong  điều kiện nhân, vật lực hạn hẹp buổi đầu. Điều này thể hiện trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài từ năm 1627 đến năm 1672 mà nơi đây là vùng tranh chấp.

 

Sau khi người Chăm thành lập quốc gia của họ mà biên giới kéo dài đến tận Hoành Sơn, thành Cao Lao Hạ là nơi đồn trú quân binh vùng biên viễn, bởi “vì biên thuỳ là nơi trọng địa, đắp thành nơi ấy để đóng quân, chứ không phải  là kinh đô của nước ấy.”

 

Đến nay, những toà thành (vương quốc Chămpa) ở các tỉnh miền Trung luôn gắn với những tồn nghi lịch sử, thành Lồi Kẻ Hạ cũng như vậy. Theo học giả Đào Duy Anh thì huyện thành Tây Quyển, một trong năm huyện của quận Nhật Nam thời thuộc Hán và cũng là thành Khu Túc, thành của vương quốc Lâm Ấp buổi sơ khai. Tuy nhiên, với những thư tịch và tài liệu khảo sát hiện nay khó có khả năng đây là thành khu Túc - thành Lâm Ấp buổi sơ khai. Những ghi chép của Thuỷ  kinh chú khi chỉ dẫn sách Thuỷ kinh về Khu Túc như sau: “thành xây giữa hai con sông là Lô Dung và Thọ Linh, chu vi 6 dặm, 170 bộ, xây gạch cao 2 trượng, trên thành lại có tường  cao 1 trượng, có nhiều lỗ vuông, trên tường gạch có lát ván dựng 5 tầng gác có nóc, trên nóc có lầu, lầu cao từ 7 - 8 trượng, thấp cũng 5-6 trượng, thành có 13 cửa, tất cả cung điện đều quay về hướng Nam. Chung quanh thành có 2100 ngôi nhà”. Với quy mô như thế thì thành Cao Lao Hạ không hề gọi là thành Khu Túc được, có thể đây là sự nhầm lẫn.

 

Những dấu tích, những tư liệu lịch sử và những kiến giải về địa điểm, tên gọi của thành Cao Lao Hạ cho chúng ta thấy, một căn cứ quân sự quan trọng đã hiện diện ở vùng đất này. Qua bao biến động lịch sử phức tạp nảy sinh từ mối bang giao thăng trầm của hai vương quốc Đại Việt và Chămpa. Và trong những dấu tích hiện hữu đó, có thể thấy được vùng đất này, nơi mà chiến tranh đã để lại một tòa thành, một di sản văn hóa vật thể ẩn chứa tài năng, trí tuệ của cư dân chămpa có mặt ở đây khá sớm. Công trình thành lũy ấy là minh chứng sự tài hoa của người xưa qua kiến trúc, qua cách xây dựng, đó là tinh hoa, là dấu ấn văn hoá đặc sắc, độc đáo của cư dân Chămpa trên đất Quảng Bình gần 10 thế kỷ (từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 11 sau công nguyên).

 

Tác giả : Tạ Nghĩa

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip