Thành Kẻ Hạ

08:35 - 12/09/2013

Ghi chép của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Công Nhung sau một lần về thăm Cao Lao Hạ



Đình Kẻ Hạ


Di tích thành lũy ở Việt Nam là di tích chiến tranh giữa các triều đại. Mỗi triều đại lên nắm quyền bính, việc đầu tiên là dùng thành lũy của đối phương hoặc chọn cuộc đất để xây thành đóng quân, thể hiện quyền lực của mình. Thành Cổ Loa (Gia Lâm), thành nhà Mạc (Lạng Sơn), thành nhà Hồ (Thanh Hóa)… (1). Trải qua mấy trăm năm, các triều Trịnh Nguyễn đánh Chiêm Thành để mở nước về phương Nam, dấu tích để lại khá nhiều thành lũy của người Chiêm. Trong số có thành Kẻ Hạ ở Quảng Bình, quê tôi. Thành Kẻ Hạ còn có tên thành Cao Lao Hạ, hay thành Lồi (bình dân thường gọi). Thành Kẻ Hạ nằm bên bờ Nam sông Gianh, thuộc xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, cách thành phố Đồng Hới trên 30 mươi cây số.
 


 Đường lên Hạ Trạch


Hôm ở Hà Nội vào Đồng Hới, tôi rủ nhà thơ Lê Đình Ty đi tìm thành Lồi, đi với anh đỡ phải mất thì giờ hỏi đường và cũng dễ tránh những rắc rối linh tinh về phép tắc, khỏi phải kể lể cà kê mỗi khi gặp nhân viên an ninh xét hỏi. Anh không đi được vì công việc ở nhà in (in thơ), anh chỉ đường, tôi chạy xe một mình.
Từ Cộn theo đường Trường Sơn ra phà Gianh. Đoạn đường này cũng nhiều phong cảnh đẹp, nhất là chỗ cầu Lý Hòa. Lý Hòa là một địa danh có tiếng của Quảng Bình. Bãi Đá Nhảy, Đình Lý Hòa, sông Lý Hòa… Đã có lần tôi nhận xét sông đẹp và duyên dáng là sông miền Trung, sông miền Nam và Bắc, hùng vĩ dềnh dàng chẳng khác gì những đại lộ cho xe vận tải chuyển hàng chứ không phải “Con đường quê” đầy thi vị của Tế Hanh, cũng không nên thơ như dòng Hương Giang của Huế.


Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao

(Tà Áo Tím, nhạc Hoàng Nguyên)

Với dòng Cửu Long hay sông Hồng, khó mà có hình ảnh tình tứ như vậy. Tôi dừng xe trên cầu Lý Hòa, mãi mê với những con thuyền trên sông, trời mây nước quá hiền hòa, không thể tin một quê hương như vầy mà con người chém giết nhau suốt bao thế kỷ. Vì sống còn, dân tộc nào cũng tìm cách mở mang bờ cõi, tất phải có chiến tranh, nhưng công bằng mà xét, dân tộc Việt là một trong số những dân tộc gây nhiều đau thương hận thù nhất. Không chỉ với người ngoài mà chính với người cùng chung huyết thống. Những trang sử tang thương, cận và hiện đại còn chưa ráo mực. Sông Gianh, sông Bến Hải… còn đó còn đây. Và, đi vào từng gia đình, còn biết bao nỗi oan khiên do thù hận. Quang Trung công to như thế mà dòng họ vẫn bị truy đuổi mấy đời… Triều đại mới nổi lên là lo ngay việc bứng gốc triều đại cũ, bứng cả mồ mả những anh hùng vô danh, không thiết gì quốc gia đại sự, tình tự dân tộc. Ấy vậy mà trong dân gian vẫn truyền câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Cùng một giống còn muốn phanh thây huống là khác giống. Mỉa mai thay!

 


Đường lên Kẻ Hạ


Giây phút suy gẫm qua mau, tôi tiếp tục đi Hạ Trạch tìm thành Kẻ Hạ, còn 20km hơn. Khi thấy cầu Gianh, ngay trụ Hà Nội 438km có đường rẽ lên Cao Lao Hạ. Con đường liên thôn vừa nhựa vừa đất đỏ. Cao Lao Hạ, nghe như nửa núi nửa đảo, dân thưa và còn nghèo. Đã vào sâu trong xã Hạ Trạch mà vẫn chưa thấy bóng dáng thành xưa, nhưng có ngôi đình to đẹp vừa khánh thành sau khi tôn tạo. Hai trụ cổng đình cao lớn và rất cổ, chứng tỏ trước kia đình cũng vào hàng tiếng tăm. Gần đình có ngôi trường tiểu học Cao Lao Hạ, một đám học trò vừa ra lớp, trông chúng tươi cười hồn nhiên như bầy chim sẻ. Áo quần đủ kiểu đủ màu. Nơi quê mùa này làm sao có đồng phục như trường thành phố. Đồng phục ngày trước là áo trắng quần xanh, ngày nay nếu có một cuộc diễn hành học sinh toàn tỉnh, sẽ thấy một cảnh “loạn phục”, màu sắc, kiểu cọ như cào cào, chẳng khác gì một đoàn quân nhiều binh chủng. Theo tôi chẳng XHCN tí nào. Tôi ghé vào một nhà bên đường hỏi thăm. Chủ nhà nghe hỏi thành Cao Lao Hạ, à một tiếng rồi đưa tay chỉ hướng trước mặt: “Chú đi thẳng đến chỗ đường cong cong là thành Lồi”.

 


Học sinh Hạ Trạch


- Đường cong là sao bác?
- Ngày xưa đường chạy thẳng qua thành, nay mở đường mới chạy theo ngoài thành.
- Trong thành nay còn gì không bác?
- Còn chi mô, ruộng thôi, thành là bờ đất trồng bạch đàn rứa thôi. Chú tìm chi trên nớ?
- Dạ, tìm coi cho biết.
Chạy thêm một đoạn thì con đường nhựa thành đường đất đỏ vòng qua bên phải. Trước mặt là hàng bạch đàn trồng trên bờ đê không cao lắm. Con đường đất đỏ chạy song song với hàng bạch đàn mặt Bắc chừng vài trăm mét rồi tạo một góc vuông với con đê bạch đàn nằm ngang. Tôi dừng xe quan sát, đây là hai mặt của thành Cao Lao Hạ. Ngoài thành nhiều mồ mả, có chỗ là ruộng khô. Đàng kia có một khoảng trống như cửa vào thành, có lẽ ngày trước là cổng thành. Từ cửa này nhìn xuyên qua bờ đối diện, có một lối đi rộng chừng 6m cỏ mọc đầy, hai bên là ruộng. Tôi đã vào chính giữa thành Kẻ Hạ (2), tôi không thấy tí gì là dấu vết của thành xưa, ngoại trừ bốn bờ đê thấp trồng bạch đàn. Rải rác trên lối đi xanh cỏ, có một vài tảng đá trắng, có lẽ xưa kia dùng làm tán trụ đền đài, những tảng đá tròn trịa do gió mưa bào mòn như đá ngoài thiên nhiên. Không biết sâu dưới khuôn viên thành còn có gì, biết đâu không còn những di vật như ở thành Thăng Long. Điều này thuộc về các nhà khảo cổ.

 


Thành Kẻ Hạ


Nói chung, thành Kẻ Hạ, thành Đồ Bàn hay thành nhà Hồ cũng chỉ là vang bóng một thời, thực tế không còn gì, hào lũy chung quanh đã biến thành ruộng cày, thành mộ táng… nếu không có sử liệu ghi lại thì chẳng ai biết đó là đâu. Thành Kẻ Hạ là chiến tích chặng đầu trong chuỗi dài lịch sử mở nước về phương Nam của thời Trịnh Nguyễn. Càng vào Nam càng còn nhiều di tích ghi dấu công lao khai phá của tiền nhân, con cháu có bổn phận gìn giữ tô bồi. Thực tế mỗi khi lịch sử đổi thay là di tích bị tàn phá hay phế bỏ, tạo thành những khoảng trống, khó khăn cho việc học sử mai sau. Tiếc thay!

 


Sông Gianh


Tháng 9 - 2011

(1) Đã viết trong QHQOK tập 1 và tập 6
(2) Theo một nhà nghiên cứu (Cardiere người Pháp) thông thạo về lịch sử Quảng Bình đã viết về di tích lịch sử Quảng Bình, giới thiệu trên địa phận làng Cao Lao Hạ có một bức lũy Vương được gọi là “Thiềng Kẻ Hạ” tức là Thành Kẻ Hạ, hay gọi là Thành Lồi hoặc Thành Chiêm.
Theo đặc san số 3 “Quảng Bình quê tôi”, xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn: “Năm 248 (Mậu Thìn) thừa dịp ở quận Cửu Chân có bà Triệu (Triệu Thị Trinh) khởi nghĩa đánh quân Ngô; Lâm Ấp (Chiêm Thành) xua quân qua đánh 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân, nhưng về sau phải Rút, chỉ chiếm được vùng Khu Túc (thuộc làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch) và xây ở đó một thành lũy quan trọng…”.
Theo học giả Đào Duy Anh nghiên cứu các tài liệu lịch sử đã phỏng đoán thành Cao Lao Hạ chính là thành Khu Túc của Lâm Ấp được nhắc đến trong thư tịch cổ Trung Quốc.
Theo tài liệu của bảo tàng tỉnh Quảng Bình, thành Kẻ Hạ (Cao Lao Hạ) hình chữ nhật, đắp bằng đất có 3 cửa, cửa Nam, cửa Bắc không còn rõ lắm vì dân địa phương đã san mặt thành để táng mộ, cửa Đông rộng 16 mét. Chiều rộng theo hướng Bắc Nam là 179,7m, chiều dài theo hướng Đông Tây là 249m. Diện tích thành là 48.570 mét vuông. Mặt trên thành rộng 5m, chân thành rộng 10,8m, độ cao trung bình của thành còn lại là 1,7m. Bao quanh thành có hào rộng xấp xỉ 30m. Nay hào đã bị lấp dần. Chân thành được kè đá tổ ông và gạch Chàm. Gạch có kích thước 18cm x 10cm x 40cm, có loại màu vàng cà màu ghi (10). Còn thành Khu Túc, theo số liệu của Lịch Đạo Nguyên, chu vi là 1.864m. Chiều Đông Tây là 520m, chiều Nam Bắc sẽ là 412m.

 


Sông Lý Hòa


Những viên gạch của thành Kẻ Hạ tương tự gạch trong các kiến trúc của người Chàm, nên có thể gọi đó là Thành Chiêm. Hào xung quanh Thành nối liền với Hói Hạ từ đầu nguồn chảy về phía Đông, thông với sông Gianh ở Hói Đuồi. Theo lời các cụ già làng thì cách đây chừng 250 năm (khoảng 1756) thuyền bè vào ra sông Gianh qua Phố Tịnh, Đồng Phố, Bình Dinh, Đồng Nát, Đồng Đuồi rất thuận lợi. Gần 3 thế kỷ đi qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các địa danh Phố Tịnh, Đồng Phố của Cao Lao Hạ xưa là nơi cư trú phố xá đông đúc buôn bán sầm uất ven Hói Hạ, Nam sông Gianh… không còn nữa.

Tác giả : Trần Công Nhung

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip